Ds 21, 4-9; Tv 77, 1-2. 34-35. 36-37. 38; Pl 2, 6-11; Ga 3, 13-17.
Không cần phải nhiều lời, nghe đến 2 từ “thập giá” ai ai cũng phát sợ dù chưa hề đi tìm hiểu ý nghĩa cũng như “công dụng” của nó.
Thập giá, đơn giản là một dụng cụ giết người hết sức dã man, thường được các đế quốc cổ Hy Lạp và cổ La Mã sử dụng.
Đây là một loại cực hình đặc biệt mà người La Mã và Hy Lạp chỉ dùng riêng cho các nô lệ hoặc dân các nước thuộc địa nổi loạn chứ không áp dụng cho các công dân của họ. Trước khi bị đóng đinh, các tội nhân không phân biệt nam nữ, đều bị lột trần truồng, tuyệt đối không có một mảnh vải nhỏ nào che thân.
Khi bị treo trên thập giá, sức nặng của cơ thể làm cho các vết đinh đóng trên tay chân bị căng xé khiến tội nhân bị đau nhức cùng cực nhưng không chết. Tội nhân phải sống để chịu những cơn đau buốt liên tục hành hạ trong một thời gian dài. Chỉ khi nào tội nhân kiệt sức không thể nâng đầu lên được nữa thì đầu sẽ cúi gằm xuống khiến cằm đụng vào ngực. Lúc đó tội nhân sẽ từ từ bị nghẹt cổ họng và chết vì ngộp thở chứ không chết vì bị chảy hết máu.
Một hình ảnh khủng khiếp của nạn nhân trên cây thập giá như vậy mà người ta vẫn thản nhiên đeo lủng lẳng trên cổ đủ mọi cỡ lớn nhỏ của cây thập giá đó, và dựng nó lên ở khắp nơi, thật là không thể hiểu nổi.
Địa điểm hành hình tội nhân bằng thập giá thường ở những nơi công cộng như dọc đường lộ hoặc trên đồi cao để công chúng dễ thấy. Hình phạt xử tử bằng thập giá vừa là một hình phạt về thể hình giống như lăng trì rất đau đớn và chết chậm nhằm mục đích khủng bố tinh thần đám dân nô lệ và vừa là một nhục hình nhằm sỉ nhục tội nhân vì suốt trong một thời gian dài tội nhân bị phơi thân trần truồng trên thập giá truớc mặt công chúng.
Lịch sử Tây phương ghi nhận nhiều vụ hành hình bằng thập giá. Vào thế kỷ thứ 4 trước Công Nguyên, hoàng đế Alexander the Great của Hy Lạp đã xua quân tiến chiếm thành Tyre. Vì bị dân thành chống cự, Alexander đã ra lệnh đóng đinh 2000 dân của thành này. Vụ thứ hai rất nổi tiếng xảy ra năm 71 trước Công Nguyên, đó là vụ viên tướng La Mã Marcius Crassus ra lệnh đóng đinh 6000 nô lệ có liên quan trong cuộc nổi loạn của nô lệ Spartacus. Sáu ngàn cây thập giá mang xác người đã được dựng lên dọc theo con đường vài chục dặm từ Cupua đến Rome!
Ngược lại, với người Công Giáo, Thập giá hay cái “giá” hình chữ “thập” mang xác Chúa Giêsu chịu đóng đinh và chịu chết để chuộc tội cho nhân loại, nên được gọi là Thánh Giá.
Một công cụ nhưng mang hai ý nghĩa và hai ý nghĩa hoàn toàn ngược nhau.
Với con người, thập giá là khổ nhục, là bi ai, là bế tắt nhưng rồi với người Kitô thì thập giá lại là nguồn mạch ơn cứu độ, là vinh quang mà Thiên Chúa biểu lộ, bày tỏ cho con người.
Hình bóng thập giá được gợi lên từ những ngày xa xưa trong Cựu Ước, trong hành trình sa mạc.
Chắc có lẽ ta còn nhớ hình ảnh của con rắn đồng. Câu chuyện con rắn đồng ta được sách Dân Số thuật lại cho chúng ta rất rõ ràng : Trong những ngày ấy, dân chúng đi đường và mệt nhọc, nên nản chí, họ kêu trách Chúa và Môsê rằng: “Tại sao các người dẫn chúng tôi ra khỏi Aicập, cho chúng tôi chết trong hoang địa. Không bánh ăn, không nước uống, chúng tôi đã ngán thức ăn nhàm chán này”.
Trước những lời than van như thế, Thiên Chúa cho rắn lửa bò ra cắn chết nhiều người. Và dĩ nhiên đứng trước đại họa đó, họ chạy đến cùng Môsê và thưa rằng: “Chúng tôi đã phạm tội, vì chúng tôi nói những lời phản nghịch Chúa và phản nghịch ông. Xin ông cầu nguyện để Chúa cho chúng tôi khỏi rắn cắn”.
Môsê một lần nữa lại thỉnh cầu cho dân. Nghe lời thỉnh cầu của Môsê, Chúa phán cùng Môsê rằng: “Ngươi hãy đúc một con rắn đồng và treo nó lên làm dấu; kẻ nào bị rắn cắn mà nhìn lên rắn đồng, thì được sống”. Môsê đúc một con rắn đồng, treo nó lên làm dấu, và kẻ nào bị rắn cắn mà nhìn lên rắn đồng, thì được chữa lành.
Con rắn trong sa mạc chỉ cứu con người ta khỏi chết với các mạng sống ở đời, mạng sống trần gian còn Con Rắn treo trên đỉnh đồi Canvê lại cho con người ta sự sống đời đời, sự sống vĩnh cửu không bao giờ hư mất.
Cúng chịu treo trên thập giá, nhưng người bị treo ở giữa mang một dáng dấp khác, một hình ảnh khác, một ý nghĩa khác. Người ở giữa chính là con chiên hiền lành bị mang đi làm thịt và làm một cách dã man có khi hơn hành hình một con thú.
Đức Kitô là như vậy, thân phận người Tôi Trung được ngôn sứ Isaia tiên báo là như vậy.
Và rồi, Đức Kitô đã đến trong trần gian và Đức Kitô đã đi trên con đường thập giá, đi theo con đường thập giá mà Chúa Cha mời gọi cho đến hơi thở cuối cùng. Chính nhờ thập giá đó mà ơn cứu độ đã lan tràn trên thế gian này.
Linh mục nhạc sĩ Thành Tâm đã gợi hứng :
Thâp Giá Đức Ki-tô, niềm vinh dự của ta.
Thập giá Đức Ki-tô, đã khơi nguồn ơn thánh hóa.
Nhờ máu nước tim Ngài, từ khổ giá tuôn trào mà Ngài thương giải thoát cứu độ ta.
Nếu chỉ vì tội lỗi của Adam, mà sự chết đã tràn lan.
Thì sự chết Đức Ki-tô trên thập hình nên nguồn sống cho trân gian.
Nếu xưa nhờ chút máu của con chiên, mà dân thoát ách lầm than.
Giờ nhờ máu Đức Ki-tô trên thập hình ta được thứ tha tội khiên.
Nhờ thập giá của Đức Kitô ta được ơn cứu độ. Nhờ thập giá Đức Kitô mà ta được ơn giải thoát để rồi tin vào những điều đó ta lại vui vẻ lên đường vác thập giá đời mình để theo Chúa.
Vẫn là những con người mỏng dòn và yếu đuối, ta lại chạy đến với Đức Kitô đặc biệt là Đức Kitô chịu đóng đinh để ta xin Chúa thêm ơn cho ta để ta đủ sức và thập giá theo Chúa đến cuối đời. Trong tâm tình đó, ta cùng thân thưa với Chúa cùng với nguyện ước của linh mục nhạc sĩ Thành Tâm, ta cùng hát với Chúa, cùng thỏ thẻ với Chúa Bản tình ca của người Kitô hữu :
Này Chúa hỡi, con nguyện xin theo Chúa chẳng khi ngơi. Dù gian truân con nguyện xin theo Chúa suốt đường đời. Dù có lúc tâm hồn con xao xuyến cay đắng nhiều. Thì trung kiên con nguyện xin theo Chúa không rời.
Con xin theo Chúa đến giây phút cuối cuộc đời. Để đáp ân tình Ngài thương ban cho từ lâu. Con xin tha thiết thốt lên một lần nữa. Là: Con quyết luôn theo Ngài.
Huệ Minh