BÀI GIÁO LÝ 17-18-19-20 VỀ KINH TIN KÍNH CỦA ĐTC PHANXICÔ

Các đặc sủng – một từ hơi khó hiểu – là những hồng ân mà Chúa Thánh Thần ban cho chúng ta, những khả năng, những kỹ năng… Những hồng ân được ban cho không phải để dấu đi, nhưng để chia sẻ với những người khác. Chúng không được ban cho vì lợi ích của những người nhận được chúng, nhưng vì lợi ích của dân Chúa….
BÀI GIÁO LÝ 17-18-19-20 VỀ KINH TIN KÍNH CỦA ĐTC PHANXICÔ

 

Bài Giáo Lý 17 về Kinh Tin Kính của ĐTC Phanxicô

Hội Thánh Tông Truyền Là Gì?

 “Hội Thánh là Tông Truyền vì được thiết lập trên lời cầu nguyện và lời rao giảng của các Tông Đồ,trên thẩm quyền đã được chính Đức Kitô trao cho các ngài.    vì được sai đi để mang Tin Mừngđến cho toàn thể thế giới .

Dưới đây là bản dịch bài Giáo Lý ĐTC Phanxicô ban hành ngày 16 tháng 10 năm 2013 trong buổi Triều Yết Chung được tổ chức tại Quảng Trường Thánh Phêrô.  Hôm nay ngài tiếp tục chu kỳ Giáo Lý về kinh Tin Kính và nói về đặc tính Tông Truyền của Hội Thánh.

* * *

Anh chị em thân mến, chào anh chị em!

Khi chúng ta đọc Kinh Tin Kính chúng ta tuyên xưng “Tôi tin Hội Thánh duy nhất, thánh thiện, công giáo và Tông Truyền.” Tôi không hiểu anh chị em có khi nào suy nghĩ về ý nghĩa của cụm từ “Hội Thánh Tông Truyền” không.  Có lẽ vài lần, khi đến Rome, anh chị em đã nghĩ đến tầm quan trọng của các Tông Đồ Phêrô và Phaolô là những vị đã hy sinh cuộc đời để mang Tin Mừng và làm chứng cho nó ở đây.

Nhưng còn hơn nữa.  Tuyên xưng Hội Thánh Tông Truyền nghĩa là nhấn mạnh đến mối dây liên hệ chủ yếu mà Hội Thánh có với các Tông Đồ, với nhóm nhỏ mười hai vị đã một ngày được Chúa Giêsu gọi đến với Người, Người đã gọi đích danh các ngài, để các ngài ở với Người, và Người sai các ngài đi rao giảng (Mc 3:13-19).  Thực ra, “Tông Đồ” là một từ Hy Lạp có nghĩa là “được sai đi”, “được sai đi”.  Một Tông Đồ là một người được sai đi, người ấy được sai đi làm một việc gì đó, và các Tông Đồ đã được Chúa Giêsu chọn, gọi và sai đi để tiếp tục công việc của Người, có nghĩa là, để cầu nguyện – là công việc đầu tiên của một Tông Đồ – và, thứ hai là để công bố Tin Mừng.  Điều này rất quan trọng, bởi vì khi chúng ta nghĩ đến các Tông Đồ chúng ta có thể nghĩ rằng các ngài chỉ đi để loan báo Tin Mừng, để làm nhiều công việc.  Nhưng trong những ngày đầu của Hội Thánh có một vấn đề bởi vì các Tông Đồ đã phải làm quá nhiều việc cho nên sau đó đã lập nên các phó tế, để các Tông Đồ có nhiều thời giờ hơn mà cầu nguyện và rao giảng Lời Chúa.  Khi chúng ta nghĩ về những người kế vị các Tông Đồ, các giám mục, trong đó có Đức Giáo Hoàng, bởi vì ngài cũng là một giám mục, chúng ta phải tự hỏi rằng những ngưởi kế các Tông Đồ này có cầu nguyện trước và rồi mới rao giảng Tin Mừng không: đó chính là việc làm một Tông Đồ, và vì lý do này mà Hội Thánh là Tông Truyền.  Tất cả chúng ta, nếu muốn thành tông đồ như tôi sẽ giải thích bây giờ, chúng ta phải tự hỏi: tôi có cầu nguyện cho ơn cứu độ của thế giới không?  Tôi có rao giảng Tin Mừng không?  Đây là Hội Thánh Tông Truyền! Đây là một mối liên hệ thiết yếu mà chúng ta có với các Tông Đồ.

Bắt đầu từ chính điều này tôi muốn nhấn mạnh cách ngắn gọn đến ba ý nghĩa của tĩnh từ “Tông Truyền” như được áp dụng cho Hội Thánh.

1.  Hội Thánh là Tông Truyền vì được thiết lập trên lời cầu nguyện và lời rao giảng của các Tông Đồ, trênthẩm quyền đã được chính Đức Kitô trao cho các ngài.  Thánh Phaolô đã viết cho tín hữu Êphêsô: “Anh em là những người đồng hương với các thánh, và là người nhà của Thiên Chúa, được xây dựng trên nền móng là các Tông Ðồ và ngôn sứ, và chính Ðức Giêsu Kitô là đá tảng góc tường” (2:19-20), như thế ngài so sánh các Kitô hữu với những viên đá sống động tạo thành một tòa nhà là Hội Thánh, và tòa nhà này được xây dựng trên các Tông Đồ, như những cây cột, và tảng đá nâng đỡ tất cả là Chúa Giêsu.  Nếu không có Chúa Giêsu thì không có Hội Thánh!  Chúa Giêsu là cơ sở của Hội Thánh, là nền tảng! Các tông đồ đã sống với Chúa Giêsu, đã nghe những lời của Người, các ngài đã chia sẻ cuộc sống của Người, trên hết các ngài là những nhân chứng của Cái Chết và sự Phục Sinh của Người.  Đức tin của chúng ta, Hội Thánh mà Đức Kitô muốn, không được thết lập trên một ý tưởng, không dựa trên một triết lý, mà được xây dựng trên Đức Kitô.  Và Hội Thánh như một cây đã lớn lên qua nhiều kỷ nguyên; nó đã phát triển, đã sinh hoa trái, nhưng rễ nó ăn sâu nơi Người và kinh nghiệm cơ bản về Đức Kitô mà các Tông Đồ, những vị được Chúa Giêsu chọn lựa và được sai đi, đã có và đến với chúng ta.  Từ cây nhỏ ấy đến thời đại chúng ta: Hội Thánh trong thế gian là như thế.

2.  Nhưng chúng ta hãy tự hỏi: làm sao chúng ta có thể nối kết với những nhân chứng ấy, làm sao những gì mà các Tông Đồ ở với Chúa Giêsu và nghe từ Người có thể đến với chúng ta?  Đây là ý nghĩa thứ nhì của thuật ngữ “tính Tông Truyền”.  Sách Giáo Lý của Hội Thánh Công Giáo nói rằng Hội Thánh là Tông Truyền bởi vì “với sự trợ giúp của Chúa Thánh Thần ngự trong mình, Hội Thánh bảo quản và truyền lại giáo huấn, ‘kho tàng tốt đẹp’, ‘những lời cứu độ’ mà Hội Thánh đã nghe được từ các Tông Đồ” (số 857).  Qua các kỷ nguyên Hội Thánh gìn giữ kho tàng quý giá này, đó là Thánh Kinh, giáo lý, các bí tích, thừa tác vụ của các Mục Tử, để chúng ta có thể trung thành với Đức Kitô và thông phần vào sự sống của Người.  Nó giống như một dòng sông chảy trong lịch sử, phát triển, tưới gội, nhưng dòng nước chảy luôn luôn vẫn là dòng nước khởi đầu từ nguồn mạch, và nguồn mạch đó là chính Đức Kitô: Người là Đấng Phục Sinh, Đấng Hằng Sống, và Lời Người không thể qua đi, bởi vì Người không qua đi, Người vẫn còn sống, Người ở cùng chúng ta ở đây hôm nay, Người nghe chúng ta và chúng ta thưa chuyện với Người và Người ở trong tâm hồn chúng ta.  Chúa Giêsu ở với chúng ta hôm nay!  Đây là vẻ đẹp của Hội Thánh: sự hiện diện của Chúa Giêsu Kitô ở giữa chúng ta.  Chúng ta có khi nào nghĩ rằng hồng ân mà Đức Kitô đã ban cho chúng ta, hồng ân Hội Thánh, ở đó chúng ta có thể gặp Người, quan trọng thế nào không?  Chúng ta có bao giờ nghĩ về việc Hội Thánh truyền đạt cho chúng ta sứ điệp đích thực của Đức Kitô như thế nào trong cuộc lữ hành dài của mình qua nhiều kỷ nguyên bất chấp những khó khăn, những vấn đề, những yếu đuối và tội lỗi của chúng ta không?  Chúng ta có nghĩ rằng Hội Thánh mang lại cho chúng ta sự chắc chắn rằng những gì chúng ta tin thực sự là những gì Đức Kitô nói với chúng ta không?

3.  Tư tưởng cuối cùng: Hội Thánh là Tông Truyền vì nó được sai đi để mang Tin Mừng đến cho toàn thểthế giới.  Tiếp tục con đường lịch sử của cùng một sứ vụ mà Chúa Giêsu đã ủy thác cho các Tông Đồ: “Vậy, các con hãy đi giảng dạy muôn dân, rửa tội cho họ nhân danh Cha và Con và Thánh Thần, dạy họ tuân giữ tất cả những gì Thầy đã truyền cho các con.  Và nầy, Thầy ở cùng các con mọi ngày cho đến tận thế” (Matthew 28:19-20).  Đây là điều Chúa Giêsu đã truyền cho chúng ta làm! Tôi nhấn mạnh khía cạnh này của hoạt động truyền giáo, vì Đức Kitô mời gọi tất cả mọi người “hãy đi” và gặp những người khác, Người sai chúng ta đi, yêu cầu chúng ta di chuyển, để mang niềm vui của Tin Mừng! Một lần nữa, chúng ta hãy tự hỏi: chúng ta có đang truyền giáo bằng lời nói, nhưng đặc biệt bằng đời sống Kitô hữu của mình, qua việc làm nhân chứng của mình không?  Hay chúng ta là những Kitô hữu đóng chặt trong quả tim và trong các  nhà thờ của mình, “các Kitô hữu trong phòng thánh”?  Kitô hữu chỉ bằng lời nói, nhưng sống như người ngoại đạo?  Chúng ta phải tự hỏi mình những câu hỏi này, đó không phải là một lời khiển trách.  Tôi cũng thế, tôi cũng tự hỏi mình rằng tôi có là một Kitô hữu, một nhân chứng thực sự không?

Hội Thánh có nguồn gốc từ giáo huấn của các Tông Đồ, những chứng nhân đích thực của Đức Kitô, nhưng nhìn về tương lai, Hội Thánh ý thức chắc chắn rằng mình được sai đi – được Chúa Giêsu Kitô sai đi – là một nhà truyền giáo, mang Danh của Chúa Giêsu qua việc cầu nguyện, rao giảng và làm chứng.  Một Hội Thánh đóng kín trong mình và trong quá khứ, một Hội Thánh chỉ nhìn đến những luật lệ nhỏ theo thói quen, theo thái độ, là một Hội Thánh phản bội bản sắc riêng của mình, một Hội Thánh đóng kín phản bội bản sắc của mình!  Vì vậy, hôm nay chúng ta hãy khám phá tất cả các vẻ đẹp và trách nhiệm của việc là Hội Thánh Tông Truyền!  Và hãy nhớ rằng: Hội Thánh Tông Truyền vì chúng ta cầu nguyện – nhiệm vụ đầu tiên – và vì chúng ta rao giảng Tin Mừng bằng đời sống và bằng lời nói của mình.

Bài Giáo Lý 18 về Kinh Tin Kính của ĐTC Phanxicô

Đức Mẹ Là Hình Ảnh và Khuôn Mẫu của Hội Thánh

 “Hội Thánh là Tông Truyền vì được thiết lập trên lời cầu nguyện và lời rao giảng của các Tông Đồ,trên thẩm quyền đã được chính Đức Kitô trao cho các ngài.    vì được sai đi để mang Tin Mừngđến cho toàn thể thế giới .

Dưới đây là bản dịch bài Giáo Lý ĐTC Phanxicô ban hành ngày 23 tháng 10 năm 2013 trong buổi Triều Yết Chung được tổ chức tại Quảng Trường Thánh Phêrô.  Hôm nay ngài tiếp tục chu kỳ Giáo Lý về kinh Tin Kính và nói về Đức Mẹ như một hình ảnh và khuôn mẫu của Hội Thánh.

* * *

Anh chị em thân mến, chào anh chị em!

Tiếp tục loạt bài giáo lý về Hội Thánh, hôm nay tôi muốn nhìn lên Đức Mẹ Maria như một hình ảnh và khuôn mẫu của Hội Thánh.  Tôi nhắc lại cách diễn tả của Công Đồng Vaticanô II.  Nói rằng Hiến ChếLumen Gentium nói: “Như Thánh Ambrôsiô dạy, Mẹ Thiên Chúa là một hính ảnh của Hội Thánh theo thứ bậc đức tin, đức ái và sự kết hợp hoàn hảo với Đức Kitô” (số 63).

1.  Chúng ta bắt đầu từ điểm thứ nhất, Đức Mẹ Maria là một khuôn mẫu của đức tin.  Đức Mẹ là khuôn mẫu cho đức tin của Hội Thánh theo nghĩa nào? Chúng ta hã0y nghĩ xem Đức Trinh Nữ Maria là ai: một thiếu nữ Do Thái, đang chờ đợi ơn cứu độ của dân mình bằng cả tâm hồn.  Nhưng trong tâm hồn của người con gái trẻ của Israel này đã có một bí mật mà cô vẫn chưa biết: trong kế hoạch yêu thương của Thiên Chúa cô đã được tiền định để trở thành Mẹ Đấng Cứu Thế.  Lúc Truyền Tin, sứ thần của Thiên Chúa gọi cô là “đầy ơn phúc” và tỏ lộ kế hoạch này.  Đức Maria trả lời “xin vâng” và từ lúc đó đức tin của Mẹ nhận được một ánh sáng mới: Mẹ chú tâm vào Chúa Giêsu, Con Thiên Chúa, Đấng đã mặc lấy nhục thể từ Mẹ và trong Người lời hứa về toàn thể lịch sử cứu độ được thực hiện.  Đức tin của Đức Mẹ Maria là sự thể hiện đức tin của dân Israel, trong Mẹ tập trung tất cả cách thế, tất cả con đường của dân đang chờ đợi được cứu chuộc, và theo nghĩa này đức tin của Mẹ là khuôn mẫu đức tin của Hội Thánh, là đức tin có Đức Kitô làm trọng tâm, là sự nhập thể của Thiên Chúa tình yêu vô hạn.

Đức Mẹ đã sống đức tin này thế nào?  Mẹ đã sống nó trong sự đơn giản của hàng ngàn bận rộn và bận tâm hàng ngày của mọi người mẹ, như nấu nướng, giặt giũ, dọn dẹp nhà cửa…  Thực ra, đời sống bình thường này của Đức Mẹ là nơi mà ở đó mối liên hệ duy nhất và cuộc đối thoại sâu xa giữa Mẹ và Thiên Chúa, giữa Mẹ và Con Mẹ xảy ra.  Lời “Xin vâng” của Đức Mẹ, đã hoàn hảo ngay từ đầu và lớn lên cho đến giờ Thập Giá.  Ở đó, tình mẫu tử của Mẹ đã lan ra bao trùm mỗi người chúng ta, cuộc sống chúng ta, để dẫn chúng ta đến với Con Mẹ.  Đức Mẹ đã luôn luôn sống say đắm trong mầu nhiệm Thiên Chúa làm người, như môn đệ đầu tiên và hoàn hảo của Người, qua việc suy đi nghĩ lại trong lòng mọi sự dưới ánh sáng của Chúa Thánh Thần, để hiểu và thực thi toàn thề Thánh Ý của Thiên Chúa.

Chúng ta có thể tự hỏi mình một câu: chúng ta có để cho mình được đức tin của Đức Mẹ Maria, là Mẹ chúng ta, soi sáng không?  Hoặc chúng ta nghĩ rằng Mẹ quá khác chúng ta?  Trong những lúc khó khăn, thử thách, tăm tối, chúng ta có tìm đến Mẹ như một khuôn mẫu của việc tín thác vào Thiên Chúa, Đấng luôn luôn và chỉ muốn điều tốt của chúng ta không?  Chúng ta hãy suy nghĩ về điều này, có lẽ tốt hơn cho chúng ta là tìm thấy Đức Mẹ Maria như một khuôn mẫu và hình ảnh của Hội Thánh trong đức tin này là đức tin mà Mẹ đã có!

2.  Chúng ta đi đến bình diện thứ nhì:  Đức Mẹ Maria, khuôn mẫu đức ái.  Đức Mẹ là mẫu gương yêu thương cho Hội Thánh bằng cách nào? Chúng ta nghĩ đến lòng sẵn sàng giúp đỡ người chị họ Elizabeth của Mẹ.  Khi đến thăm bà, Đức Trinh Nữ Maria không những chỉ mang đến cho bà sự giúp đỡ vật chất mà còn mang đến cho bà Chúa Giêsu, Đấng đang sống trong cung lòng Mẹ.  Mang Chúa Giêsu đến nhà ấy có nghĩa là mang đến niềm vui, niềm vui trọn vẹn.  Bà Elizabeth và ông Dêkaria hạnh phúc vì bà có thai là điều có dường như không thể được ở tuổi của hai ông bà, nhưng chính thiếu nữ Maria đã mang cho hai ông bà niềm vui trọn vẹn, là niềm vui đến từ Chúa Giêsu và Chúa Thánh Thần, và được thể hiện cách nhưng không trong đức ái, trong việc chia sẻ, giúp đỡ và hiểu biết lẫn nhau.

Đức Mẹ của chúng ta muốn đem đến cho chúng ta, cho tất cả chúng ta, món quà cao cả là Chúa Giêsu;và với Người Mẹ cũng đem đến cho chúng ta tình yêu, bình an và  niềm vui của Người.  Như thế Hội Thánh cũng như Đức Mẹ Maria, Hội Thánh không phải là một cơ sở thương mại, không phải là một tổ chức nhân đạo, Hội Thánh không phải là một tổ chức chức phi chính phủ, Hội Thánh được sai đi để đemĐức Kitô và Tin Mừng của Người đến cho tất cả mọi người; Hội Thành không tự mang mình đến – dù nhỏ hay lớn, mạnh hay yếu, Hội Thánh đem Chúa Giêsu và phải như Đức Mẹ Maria khi Mẹ đến thăm viếng bà Elizabeth.  Đức Mẹ đem những gì?  Chúa Giêsu.  Hội Thánh đem Chúa Giêsu: đây là trọng tâm của Hội Thánh, để đem Chúa Giêsu!  Giả như nếu Hội Thánh có một thời không đem Chúa Giêsu, thì là một Hội Thánh chết!  Hội Thánh phải đem tình yêu của Chúa Giêsu, tình yêu của Chúa Giêsu, tình yêu của Chúa Giêsu.

Chúng ta đã nói về Đức Mẹ Maria, về Chúa Giêsu.  Còn chúng ta là gì?  Chúng ta có phải là Hội Thánh không?  Tình yêu mà chúng ta đem đến cho người khác là gì?  Có phải tình yêu của Chúa Giêsu, là tình yêu chia sẻ, tha thứ và đồng hành, hay là một yêu nhạt nhẽo, như rượu nhạt gần như nước lã?  Đó là một tình yêu mạnh mẽ, hay quá yếu đuối đuổi theo sự cảm thông, tìm kiếm sự đổi chác, một tình yêu ích kỷ?  Một câu hỏi khác:  Chúa Giêsu có thích tình yêu ích kỷ không?  Không, Người không thích, bởi vì tình yêu phải cho không, giống như tình yêu của Người.  Các liên hệ trong các giáo xứ, trong các cộng đồng của chúng ta như thế nào?  Chúng ta có đối xử với nhau như anh chị em không?  Hoặc chúng ta phê phán nhau, nói xấu nhau, mỗi người chỉ chq9m sóc cho “sân” riêng của mình, hoặc chúng ta chăm sóc cho nhau?  Đây là những câu hỏi về đức ái!

3.  Và điểm ngắn gọn cuối cùng:  Đức Mẹ Maria, khuôn mẫu của sự kết hợp với Đức Kitô.  Đời sống của Đức Trinh Nữ là cuộc đời của một phụ nữ của dân Mẹ:  Mẹ cầu nguyện, làm việc, đi đến hội đường…  Tuy nhiên, mọi hành động luôn luôn được thực hiện trong kết hợp hoàn hảo với Chúa Giêsu.  Sự kết hợp này đạt đến tột đỉnh trên đồi Canvê: ở đây Đức Mẹ tái hợp với Con Mẹ trong cuộc tử đạo của con tim và trong việc dâng cuộc đời lên Chúa Cha để cứu độ nhân loại.  Đức Mẹ đã nhận sự đau đớn của Con Mẹ làm của mình, và cùng với Người Mẹ chấp nhận Thánh Ý Chúa Cha, trong đó sự vâng phục sinh hoa trái, mang lại chiến thắng thật trên sự dữ và sự chết.

Thực tại này mà Đức Mẹ dạy chúng ta rất đẹp: luôn luôn kết hợp với Chúa Giêsu Chúng ta có thể tự hỏi: có phải chúng ta chỉ nhớ đến Chúa Giêsu khi gặp trắc trở hoặc thiếu thốn, hay chúng ta có một mối dây liên hệ liên tục, một tình bằng hữu sâu xa, ngay cả khi phải theo Người trên đường thập giá?

Chúng ta hãy cầu xin Chúa ban cho chúng ta ân sủng và sức mạnh của Người, ngõ hầu trong cuộc sống chúng ta và trong đời sống của mọi cộng đồng Hội Thánh phản ánh khuôn mẫu của Đức Mẹ Maria, Mẹ Hội Thánh.  Chớ gì được như vậy!

Bài Giáo Lý 19 về Kinh Tin Kính của ĐTC Phanxicô
Các Thánh Cùng Thông Công

Dưới đây là bản dịch bài Giáo Lý ĐTC Phanxicô ban hành ngày 30 tháng 10 năm 2013 trong buổi Triều Yết Chung được tổ chức tại Quảng Trường Thánh Phêrô. Hôm nay ngài tiếp tục chu kỳ Giáo Lý về kinh Tin Kính và nói về Mầu Nhiệm Các Thánh Cùng Thông Công tức là Sự Hiệp Thông giữa các phần tử của Hội Thánh dưới trền gian, trong Luyện Ngục và trên Thiên Đàng.

“Sự liên hệ giữa Chúa Giêsu và Chúa Cha là “nguồn mạch” của sự liên hệ giữa chúng ta là các Kitô hữu: nếu chúng ta được bao gồm cách mật thiết trong “nguồn mạch này, trong lò lửa bừng ​​cháy của tình yêu nàythì chúng ta cũng có thể thực sự trở nên một con tim và một linh hồn duy nhất giữa nhau, bởi vì tình yêu Thiên Chúa đốt cháy tính ích kỷ của chúng ta, những thành kiến ​​của chúng ta, những chia rẽ bên trong và bên ngoài của chúng ta. Tình yêu của Thiên Chúa cũng đốt cháy tội lỗi của chúng ta.”

* * *

Anh chị em thân mến, chào anh chị em!

Hôm nay tôi muốn đề cập đến một thực tại rất đẹp của đức tin của chúng ta là (mầu nhiệm) “các thánh cùng thông công”. Sách Giáo Lý của Hội Thánh Công Giáo nhắc nhở chúng ta rằng thuật ngữ này đề cập đến hai thực tại: sự hiệp thông trong những sự thánh, và sự hiệp thông giữa những người thánh (số 948). Tôi sẽ tập trung vào ý nghĩa thứ hai: đó là một chân lý an ủi nhất của đức tin của chúng ta bởi vì nó nhắc nhở chúng ta rằng chúng ta không cô độc nhưng có một sự hiệp thông sự sống giữa tất cả những người thuộc về Đức Kitô. Một sự hiệp thông phát sinh từ đức tin; thực ra, thuật ngữ “thánh” ám chỉ những người tin vào Chúa Giêsu và được tháp nhập vào Người trong Hội Thánh qua Bí Tích Rửa Tội. Đó là lý do tại sao các Kitô hữu tiên khởi cũng được gọi là “các Thánh” (x. Cv 9,13.32.41, Rom8:27, 1 Cor 6:1).

1. Tin Mừng Thánh Gioan nói rằng, trước khi chịu Khổ Nạn, Chúa Giêsu đã cầu nguyện cùng Chúa Cha cho sự hiệp nhất giữa các môn đệ bằng những lời này: “xin cho họ tất cả được nên một; như Cha ở trong Con và Con ở trong Cha, để họ cũng được ở trong Chúng Ta, ngõ hầu thế gian biết rằng Cha đã sai Con” (17:21). Hội Thánh, trong chân lý sâu thẳm nhất, là sự hiệp thông với Thiên Chúa, là sự mật thiết với Thiên Chúa, một sự hiệp thông tình yêu với Đức Kitô và với Chúa Cha trong Chúa Thánh Thần, được kéo dài trong sự hiệp thông huynh đệ. Sự liên hệ giữa Chúa Giêsu và Chúa Cha là “nguồn mạch” của sự liên hệ giữa chúng ta là các Kitô hữu: nếu chúng ta được bao gồm cách mật thiết trong “nguồn mạch” này, trong lò lửa bừng ​​cháy của tình yêu này, thì chúng ta cũng có thể thực sự trở nên một con tim và một linh hồn duy nhất giữa nhau, bởi vì tình yêu Thiên Chúa đốt cháy tính ích kỷ của chúng ta, những thành kiến ​​của chúng ta, những chia rẽ bên trong và bên ngoài của chúng ta. Tình yêu của Thiên Chúa cũng đốt cháy tội lỗi của chúng ta.

2. Nếu điều này ăn rễ sâu vào nguồn mạch của tình yêu, là Thiên Chúa, thì sự chuyển động hỗ tương cũng được minh chứng: từ anh em đến Thiên Chúa; kinh nghiệm của sự hiệp thông huynh đệ dẫn tôi đến hiệp thông với Thiên Chúa. Sự hiệp nhất giữa chúng ta dẫn chúng ta đến sự kết hợp với Thiên Chúa, dẫn chúng ta đến sự liên hệ này với Thiên Chúa, là Cha chúng ta. Đây là khía cạnh thứ hai của của (mầu nhiệm) “các thánh cùng thông công” mà tôi muốn nhấn mạnh: đức tin của chúng ta cần sự nâng đỡ của người khác,đặc biệt là trong những lúc khó khăn. Nếu chúng ta kết hợp với nhau thì đức tin trở nên mạnh mẽ hơn. Đẹp biết bao khi nâng đỡ nhau trong cuộc phiêu lưu đức tin kỳ thú! Tôi nói điều này bởi vì khuynh hướng khép kín trong lãnh vực riêng tư cũng ảnh hưởng đến lĩnh vực tôn giáo, do đó nhiều khi rất khó mà yêu cầu sự giúp đỡ tinh thần từ những người cùng chia sẻ kinh nghiệm Kitô giáo với mình. Có ai trong chúng ta chưa từng cảm thấy bất an, lạc lõng và thậm chí nghi ngờ trong cuộc hành trình đức tin không? Tất cả chúng ta đều có kinh nghiệm này, kể cả tôi nữa: nó là một phần của cuộc hành trình đức tin, là một phần của cuộc đời chúng ta. Chúng ta không nên ngạc nhiên vì tất cả những điều này, bởi vì chúng ta là con người, được đánh dấu bởi sự mỏng manh và những giới hạn; tất cả chúng ta đều mỏng manh, tất cả chúng ta đều có những giới hạn. Tuy nhiên, trong những lúc khó khăn cần phải tín thác vào Thiên Chúa, qua lời cầu nguyện con thảo, và đồng thời, điều quan trọng là tìm sự can đảm và khiêm nhường để cởi mở với người khác, để xin giúp đỡ, xin họ giúp chúng ta một tay. Đã bao nhiêu lần chúng ta làm điều này, và sau đó chúng ta đã có thể giải quyết được vấn đề và một lần nữa tìm thấy Thiên Chúa! Trong sự hiệp thông này – hiệp thông có nghĩa là sự hiệp nhất chung – chúng ta là một gia đình lớn, ở đó tất cả các phần tử giúp đỡ và nâng đỡ lẫn nhau.

3. Và giờ chúng ta đi đến một khía cạnh khác: (mầu nhiệm) các thánh cùng thông côngvượt trên cuộc đời trần thế, đi xa hơn cái chết và kéo dài mãi mãi. Sự hiệp nhất này giữa chúng ta, đi xa hơn nữa và tiếp tục trong cuộc sống đời sau, đó là một sự kết hợp tinh thần đến từ Bí Tích Rửa Tội, và không bị gián đoạn bởi cái chết, nhưng, nhờ Đức Kitô Phục Sinh, nó được tiền định để tìm thấy sự viên mãn trong cuộc sống đời đời. Có một sự liên hệ sâu xa và bất khả phân ly giữa những người vẫn còn lữ hành trên thế gian này – trong đó có chúng ta – và những người đã bước qua ngưỡng cửa sự chết mà vào cõi đời đời. Tất cả những người đã được Rửa Tội ở đây dưới trần gian, các linh hồn trong Luyện Ngục và tất cả các Thánh đang ở trên Thiên Đàng hợp thành một gia đình vĩ đại. Sự hiệp thông giữa đất và Trời được thực hiện đặc biệt là trong kinh nguyện chuyển cầu.

Các bạn thân mến, chúng ta có vẻ đẹp này! Đó là thực tại của tất cả chúng ta, lả điều làm cho chúng ta thành anh chị em, nó đồng hành với chúng ta trên cuộc hành trình của cuộc đời và làm cho chúng ta lại tìm thấy nó ở đời sau trên trời. Chúng ta hãy bước đi trên con đường này với lòng tin tưởng và niềm vui. Một Kitô hữu phải vui vẻ, với niềm vui của việc có rất nhiều anh chị em đã được Rửa Tội cùng đi với mình; được nâng đỡ bởi những anh chị em của mình đang đi trên cùng một con đường để lên thiên đàng; và với sự giúp đỡ của anh chị em chúng ta là những người đang ở trên Thiên Đàng và cầu nguyện cùng Chúa Giêsu cho chúng ta. Chúng ta hãy tiến bước trên con đường này với niềm vui!

Bài Giáo Lý 20 về Kinh Tin Kính của ĐTC Phanxicô

Hiệp Thông trong Những Sự Thánh

“Sống trong sự hiệp nhất trong Hội Thánh và sự hiệp thông của đức ái có nghĩa là không tìm kiếm lợi ích riêng cho mình, nhưng chia sẻ những đau khổ và niềm vui của người khác.… Thực ra, nếu không có tình yêu, thì thậm chí những hồng ân phi thường nhất cũng vô ích.

Dưới đây là bản dịch bài Giáo Lý ĐTC Phanxicô ban hành ngày 6 tháng 11 năm 2013 trong buổi Triều Yết Chung được tổ chức tại Quảng Trường Thánh Phêrô.  Hôm nay ngài tiếp tục chu kỳ Giáo Lý về kinh Tin Kính và nói về việc Hiệp Thông trong Những Sự Thánh.

* * *

Anh chị em thân mến, chào anh chị em!

Thứ tư tuần trước tôi đã nói về (mầu nhiệm) các thánh cùng thông công, như sự hiệp thông giữa những người thánh, nghĩa là giữa chúng ta là các tín hữu.  Hôm nay tôi muốn đào sâu một bình diện khác của thực tại này:  Anh chị em nhớ rằng có hai bình diện: một là sự hiệp thông hay sự hiệp nhất giữa chúng ta và hai là sự hiệp thông trong những sự thánh, những của cải thiêng liêng.  Hai bình diện này liên hệ chặt chẽ với nhau; thực ra, sự hiệp thông giữa các Kitô hữu phát triển qua việc tham gia vào những của cải thiêng liêng.  Đặc biệt, chúng ta kể đến: các Bí Tích, các đặc sủng và đức ái.  (x. Sách Giáo Lý của Hội Thánh Công Giáo, số 949-953).  Chúng ta lớn lên trong sự hiệp nhất, trong sự hiệp thông trong: các Bí Tích, các đặc sủng mà Chúa Thánh Thần ban cho mỗi người, và với đức ái.

Thứ nhất là sự hiệp thông trong các Bí Tích.  Các Bí Tích diễn tả, làm cho có hiệu quả và đào sâu sự hiệp thông giữa chúng ta, bởi vì trong đó chúng ta gặp gỡ Đức Kitô, Đấng Cứu Thế, và qua Người, chúng ta gặp gỡ anh chị em mình trong đức tin.  Các Bí Tích không phải là những vẻ bề ngoài, không phải là các nghi thức, nhưng là sức mạnh của Đức Kitô; chính Chúa Giêsu hiện diện trong các Bí Tích.  Khi chúng ta cử hành Thánh Lễ thì chính Chúa Giêsu hằng sống, là Đấng kết hợp chúng ta với nhau, biến chúng ta thành một cộng đồng, làm cho chúng ta thờ phượng Chúa Cha.  Thực ra, mỗi người chúng ta, qua Bí Tích Rửa Tội, Thêm Sức và Thánh Thể, được kết hợp với Đức Kitô và hiệp nhất với toàn thể cộng đồng tín hữu.  Vì vậy, trong khi Hội Thánh “làm ra” các Bí Tích, thì trái lại chính các Bí Tích cũng “làm ra” Hội Thánh, xây dựng Hội Thánh bằng cách tác sinh ra những con cái mới, tập hợp họ thành dân thánh của Thiên Chúa bằng cách củng cố việc thuộc về dân này của họ.

Mỗi cuộc gặp gỡ với Đức Kitô, Đấng ban cho chúng ta ơn cứu độ trong các Bí Tích, mời gọi chúng ta “đi” và thông truyền cho những người khác một ơn cứu độ mà chúng ta có thể nhìn thấy, chạm đến, gặp được, đón nhận, và đó chính là điều đáng tin cậy bởi vì là tình yêu.  Bằng cách này, các Bí Tích thúc đẩy chúng ta trở thành những nhà truyền giáo, và quyết tâm dấn thân làm việc tông đồ để mang Tin Mừng vào mọi môi trường, ngay cả những môi trường thù nghịch nhất, tạo thành hoa quả đích thực hơn của một đời sống Bí Tích siêng năng, như sự tham gia vào sáng kiến cứu độ của Thiên Chúa, Đấng muốn ban ơn cứu độ cho tất cả mọi người.  Ân sủng của Bí Tích nuôi dưỡng trong chúng ta một đức tin mạnh mẽ và vui tươi, một đức tin biết kinh ngạc trước “những kỳ công” của Thiên Chúa và chống lại các ngẫu tượng của thế gian.  Vì lý do này, điều quan trọng là tạo ra sự hiệp thông, điều quan trọng là trẻ em được rửa tội ngay, được thêm Sức, vì các Bí Tích là sự hiện diện của Đức Chúa Giêsu Kitô trong chúng ta, một sự hiện diện giúp đỡ chúng ta.  Điều quan trọng là chúng ta đến với Bí Tích Hòa Giải khi chúng ta cảm thấy mình là người tội lỗi.  Một số người có thể nói, “Nhưng tôi sợ, bởi vì linh mục sẽ (đánh) phạt tôi.” Không, linh mục sẽ không (đánh) phạt anh chị em; anh chị em có biết rằng người mà anh chị em sẽ gặp trong Bí Tích Hòa Giải là ai không?  Anh chị em sẽ gặp Chúa Giêsu, Đấng tha tội cho anh chị em!  Chính Chúa Giêsu đang chờ đợi anh chị em ở đó; và đó là một Bí Tích làm cho toàn thể Hội Thánh phát triển.

Một bình diện thứ nhì của sự hiệp thông trong những sự thánh là sự hiệp thông các đặc sủng.  Chúa Thánh Thần Các ban phát cho các tín hữu vô số quà thiêng liêng và ân sủng; sự phong phú có thể nói là “lạ thường” này của những hồng ân của Chúa Thánh Thần nhằm xây dựng Hội Thánh.  Các đặc sủng – một từ hơi khó hiểu – là những hồng ân mà Chúa Thánh Thần ban cho chúng ta, những khả năng, những kỹ năng…  Những hồng ân được ban cho không phải để dấu đi, nhưng để chia sẻ với những người khác.  Chúng không được ban cho vì lợi ích của những người nhận được chúng, nhưng vì lợi ích của dân Chúa.  Tuy nhiên, nếu một đặc sủng, một trong những hồng ân này, được dùng để khẳng định chính mình, thì chúng ta phải nghi ngờ rằng đó có phải là một đặc sủng đích thực hay không hoặc đặc sủng ấy có được sống một cách trung thành hay không.  Các đặc sủng là những ân sủng đặc biệt, được ban cho một số người để làm ích cho nhiều người khác.  Chúng là những thái độ, những cảm hứng và những thúc đẩy bên trong, phát sinh trong lương tri và kinh nghiệm của những người nhất định, là những người được mời gọi để đem chúng ra phục vụ cộng đồng.  Đặc biệt, những hồng ân thiêng liêng này có lợi cho sự thánh thiện và sứ vụ của Hội Thánh.  Tất cả chúng ta đều được mời gọi tôn trọng các đặc sủng này nơi chúng ta và nơi những người khác, đón nhận chúng như những khích lệ hữu ích cho sự hiện diện và công việc có hiệu quả của Hội Thánh.  Thánh Phaolô đã cảnh báo: “Đừng dập tắt Thần Khí” (1 Thess 5:19).  Đừng dập tắt Chùa Thánh Thần là Đấng ban cho chúng ta những hồng ân này, những khả năng này, những nhân đức này, là những điều quá đẹp để tạo thành Hội Thánh.

Chúng ta có thái độ gì đối với những hồng ân này của Chúa Thánh Thần?  Chúng ta có biết rằng Thánh Thần của Thiên Chúa tự do ban những hồng ân này cho bất cứ ai mà Ngài muốn không?  Chúng ta có coi chúng như một sự trợ giúp thiêng liêng mà qua đó Chúa nâng đỡ đức tin của chúng ta và củng cố sứ vụ của chúng ta trên thế gian không?

Và giờ đây chúng ta đến bình diện thứ ba của sự hiệp thông trong những sự thánh, là sự hiệp thông của đức ái, sự hiệp nhất giữa chúng ta là đức ái, là tình yêu.  Khi quan sát các Kitô hữu tiên khởi, những người dân ngoại đã nói rằng: họ yêu thương nhau như thế nào, họ yêu thương nhau biết bao!  Họ không ghét nhau, họ không nói những lời chống đối nhau.  Đây là đức ái, là tình yêu của Thiên Chúa mà Chúa Thánh Thần đặt vào tâm hồn chúng ta.  Các đặc sủng rất quan trọng trong đời sống của cộng đồng Kitô hữu, nhưng chúng luôn luôn là những phương tiện để phát triển trong đức ái, trong tình yêu, mà Thánh Phaolô đặt trên các đặc sủng (x.  1 Cor 13:1-13).  Thực ra, nếu không có tình yêu, thì thậm chí những hồng ân phi thường nhất cũng vô ích; và người này chữa lành dân chúng, có đặc tính này, có nhân đức khác…  nhưng có tình yêu và bác ái trong tâm hồn không?  Nếu có thì tốt, nhưng nếu không có thì không phục vụ Hội Thánh.  Nếu không có tình yêu thì tất cả những hồng ân và đặc sủng này không phục vụ Hội Thánh, bởi vì ở đâu không có tình yêu thì có một khoảng trống được lấp đầy bởi sự ích kỷ.  Và tôi tự hỏi: nếu tất cả chúng ta đều ích kỷ, chúng ta có thể sống trong sự hiệp thông và an bình được không?  Chúng ta không thể, vì để sống trong sự hiệp thông và an bình anh chị em cần tình yêu là điều kếp hợp chúng ta.  Cử chỉ nhỏ nhất của tình yêu của chúng ta có những hiệu quả tốt cho mọi người!  Cho nên, sống trong sự hiệp nhất trong Hội Thánh và sự hiệp thông của đức ái có nghĩa là không tìm kiếm lợi ích riêng cho mình, nhưng chia sẻ những đau khổ và niềm vui của người khác (x.  1 Cor 12:26), sẵn sàng vác những gánh nặng của những người yếu đuối và nghèo khổ hơn.  Tình đoàn kết huynh đệ này không phải là một hình thái tu từ, một cách nói, nhưng là một phần không thể thiếu được của sự hiệp thông giữa các Kitô hữu.  Nếu chúng ta sống nó, thì chúng ta là dấu chỉ của nó trong thế gian, là “Bí Tích” tình yêu của Thiên Chúa.  Chúng ta là “bí tích” cho nhau và cho tất cả mọi người!  Đó không chỉ là việc bác ái nho nhỏ mà chúng ta làm cho nhau, nhưng là một điều gì sâu xa hơn: một sự hiệp thông làm cho chúng ta có thể tham gia vào niềm vui và sự đau khổ của người khác để biến chúng thật sự thành của chúng ta.

Chúng ta thường quá khô khan, thờ ơ và xa cách, thay vì thông truyền tình huynh đệ, chúng ta lại thông truyền sự khó chịu, lạnh lùng và ích kỷ.  Với sự khó chịu, lạnh lùng và ích kỷ, anh chị em không thể làm cho Hội Thánh phát triển;  Hội Thánh chỉ phát triển với tình yêu phát sinh từ Chúa Thánh Thần.  Chúa mời gọi chúng ta mở lòng ra để hiệp thông với Người, trong các Bí Tích, trong các đặc sủng và trong đức ái, để sống xứng đáng ơn gọi Kitô hữu của mình!

Và giờ đây tôi xin phép yêu cầu anh chị em làm một cử chỉ bác ái:  cứ yên tâm tôi không quyên tiền anh chị em đâu!  Trước khi đến quảng trường này tôi đã đi thăm một em bé một tuổi rưỡi đang mắc bệnh rất nặng.  Cha mẹ em cầu nguyện và xin Chúa ban sức khỏe của em bé xinh đẹp này. Tên em là Naomi. Em bé đáng thương đã mỉm cười!  Chúng ta hãy làm một cử chỉ bác ái. Chúng ta không biết em, nhưng em là một em bé đã được rửa tội, là một người trong chúng ta, một Kitô hữu.  Chúng ta hãy làm một cử chỉ bác ái cho em và âm thầm cầu xin Chúa giúp đỡ em trong lúc này và ban sức khỏe cho em.  Chúng ta hãy im lặng một giây lát, rồi sau đó đọc Kinh Kính Mừng.  Giờ đây tất cả chúng ta hãy cùng nhau cầu nguyện với Đức Mẹ cho sức khỏe của Naomi.  Kính mừng Maria…  Cảm ơn anh chị em về cử chỉ bác ái này.

Phaolô Phạm Xuân Khôi chuyển ngữ