Bài Giáo Lý 11 của ĐTC Phanxicô về Hội Thánh: Hội Thánh là Thân Thể Đức Kitô

Hội Thánh là Thân Thể của Đức Kitô! Và đó không chỉ là một cách nói, nhưng chúng ta thực sự là một thân thể! Đó là hồng ân cao quý mà chúng ta nhận được trong ngày Rửa Tội của mình!
 
Bài Giáo Lý 11 của ĐTC Phanxicô về Hội Thánh: Hội Thánh là Thân Thể Đức Kitô

Bài Giáo Lý 11 của ĐTC Phanxicô về Hội Thánh: Hội Thánh là Thân Thể Đức Kitô

“Chiến tranh không bắt đầu ở chiến trường: chiến tranh bắt đầu trong lòng, với sự hiểu lầm, chia rẽ, đố kỵ, và những cuộc đấu tranh với những người khác… Đừng ghen tị, nhưng hãy trân quý những hồng ân và phẩm chất của anh chị em trong các cộng đồng của mình… Bởi vì ghen tỵ lớn lên và lấp đầy quả tim.  Và một quả tim ghen tỵ là một quả tim đầy ácxít “

Dưới đây là bản dịch bài Giáo Lý của ĐTC Phanxicô được ban hành ngày 22 tháng 10 năm 2014 trong buổi Triều Yết Chung tại Quảng Trường Thánh Phêrô. Hôm nay ĐTC tiếp tục chu kỳ Giáo Lý mới về Hội Thánh. Ngài giải thích về ý nghĩa của việc Hội Thánh là Thân Thể Đức Kitô

Anh chị em thân mến, chào anh chị em.

Khi chúng ta muốn nhấn mạnh đến việc các nguyên tố tạo nên một thực thể kết hợp chặt chẽ với nhau và cùng nhau tạo thành một thân thể duy nhất như thế nào, chúng ta thường sử dụng hình ảnh một thân thể. Thánh Phaolô Tông Đồ đã áp dụng cách diễn tả này cho Hội Thánh và nó được nhìn nhận như dấu chỉ thâm sâu hơn và đẹp đẽ hơn của Hội Thánh. Như thế hôm nay chúng ta tự hỏi: Hội Thánh như một thân thể có ý nghĩa gì? Và tại sao lại được gọi là “thân thể của Đức Kitô”?

Trong Sách Ngôn Sứ Êdêkiel có mô tả một thị kiến hơi đặc biệt, ấn tượng, nhưng có thể gợi lên trong lòng chúng ta một niềm tin tưởng và hy vọng. Thiên Chúa cho ngôn sứ thấy một cánh đồng đầy xương, tách rời nhau và đã khô cứng. Một cảnh thê lương… Hãy tưởng tượng một đồng bằng đầy xương. Sau đó Thiên Chúa yêu cầu ông khẩn xin Thần Khí xuống trên những xương ấy. Khi ấy, các xương chuyển động, chúng bắt đầu xích lại gần nhau hơn và nối liên với nhau, rồi các thần kinh mọc ra trước, và sau đó là thịt, như thế hình thành một thân thể, trọn vẹn và đầy sức sống (x Ed 37:1-14). Vâng, đây là Hội Thánh! Tôi đề nghị anh chị em hôm nay về nhà lấy sách Thánh Kinh, chương 37 sách Êdêkiel, đừng quên, và đọc chương này, thật tuyệt đẹp. Đây là Hội Thánh, là một kiệt tác, kiệt tác của Chúa Thánh Thần, là Đấng đổ vào mỗi người chúng ta sự sống mới của Đức Kitô Phục Sinh và đặt chúng ta bên cạnh nhau, để phục vụ nhau và hỗ trợ nhau, vì thế biến tất cả chúng ta thành một thân thể, được xây dựng trong sự hiệp thông và tình yêu.

Tuy nhiên, Hội Thánh không chỉ là một thân thể được xây dựng trong Chúa Thánh Thần: Hội Thánh là Thân Thể của Đức Kitô! Và đó không chỉ là một cách nói, nhưng chúng ta thực sự là một thân thể!  Đó là hồng ân cao quý mà chúng ta nhận được trong ngày Rửa Tội của mình!  Thực ra, trong bí tích Rửa Tội, Đức Kitô làm cho chúng ta thuộc về Người, đón nhận chúng ta vào trung tâm của mầu nhiệm thập giá, mầu nhiệm tối cao của tình yêu mà Người dành cho chúng ta, để làm cho chúng ta sống lại với Người như những tạo vật mới.  Đó, vì thế mà Hội Thánh được sinh ra, và vì thế mà Hội Thánh được nhìn nhận là thân thể của Đức Kitô! Bí Tích Rửa Tội là một cuộc tái sinh, tái tạo chúng ta trong Đức Kitô, biến chúng ta thành một chi thể của Người, và kết hợp chúng ta mật thiết với nhau, như những chi thể của cùng một thân thể, trong đó Người là Đầu (Rm 12:5,1 Cor 12: 12-13).

Như thế, điều phát sinh từ đó là một sự hiệp thông sâu xa của tình yêu. Theo nghĩa này, được thấy rõ như Thánh Phaolô, khuyên nhủ người chồng “hãy yêu vợ như chính thân mình”, khi nói: “Như Đức Kitô cũng yêu thương Hội Thánh, bởi vì chúng ta là những chi thể của thân thể Người” (Ephesians 5:28-30). Thật là tốt đẹp biết bao khi chúng ta thường xuyên nhớ lại mình là gì, Chúa Giêsu đã làm cho chúng ta thành gì: chúng ta là thân thể của Người, là thân thể mà không có gì và không ai có thể giựt ra khỏi Người và Người bao bọc nó với tất cả sự say mê và tình yêu của Người như một người chồng yêu thương vợ mình.

Tuy nhiên tư tưởng này phải làm nảy sinh trong chúng ta ước muốn đáp lời Chúa Giêsu và chia sẻ tình yêu của Người giữa chúng ta, là các chi thể của chính thân thể Người. Trong thời Thánh Phaolô, cộng đoàn Côrintô đã gặp rất nhiều khó khăn theo nghĩa này, cũng như chúng ta thường sống, họ sống kinh nghiệm chia rẽ, ghen tương, hiểu lầm và tẩy chay nhau. Tất cả những điều này không tốt, bởi vì thay vì xây dựng và phát triển Hội Thánh như thân thể Đức Kitô, thì chúng làm cho nó tan vỡ thành nhiều mảnh, chặt chân chặt tay nó. Và điều này xảy ra ngay cả trong thời đại chúng ta. Chúng ta hãy nghĩ đến các cộng đồng Kitô hữu, trong các giáo xứ, hãy nghĩ đến bao nhiêu chia rẽ trong những khu xóm của chúng ta, bao nhiêu ghen tị, bao nhiêu hiểu lầm và tẩy chay. Và điều đó làm gì? Nó phân chia chúng ta. Và nó là sự mở đầu của chiến tranh. Chiến tranh không bắt đầu ở chiến trường: chiến tranh bắt đầu trong lòng, với sự hiểu lầm, chia rẽ, đố kỵ, và những cuộc đấu tranh với những người khác.

Cộng đồng Côrintô cũng đã như thế, họ là điển hình cho việc này! Thánh Tông Đồ Phaolô đã gửi tín hữu Côrintô một số lời khuyên cụ thể, cũng có thể áp dụng cho chúng ta:  Đừng ghen tị, nhưng hãy trân quý những hồng ân và phẩm chất của anh chị em trong các cộng đồng của mình. Ghen tị: “Người kia mua một chiếc xe,” và tôi ở đây ghen tỵ; “Người này trúng số”, và người khác ghen tương; “Người này làm được một điều gì tốt,” và người khác ghen ghét. Tất cả đều bị chia cắt, điều đó đau lắm, anh chị em đừng làm! Bởi vì ghen tỵ lớn lên và lấp đầy quả tim. Và một quả tim ghen tỵ là một quả tim đầy ácxít, một quả tim thay vì có máu thì dường như có giấm; là một quả tim không bao giờ hạnh phúc, một quả tim làm tan nát cộng đồng. Vậy, như thế tôi phải làm gì? Hãy trân quý những hồng ân trong cộng đồng của chúng ta và phẩm chất của những người khác, là anh chị em chúng ta. Và khi tôi ghen tị – vì nó xảy ra tất cả mọi người, tất cả chúng ta đều là những người tội lỗi – Tôi phải thưa cùng Chúa: “Con cảm tạ Chúa, vì Chúa đã ban điều này cho người ấy.” Hãy nhận ra các phẩm chất, hãy gần gũi và thông phần vào sự đau khổ của những người hèn mọn nhất và nghèo nàn nhất; hãy bày tỏ lòng biết ơn với tất cả mọi người. Một quả tim biết nói lời cảm ơn là một quả tim tốt, là một quả tim cao quý, một quả tim hạnh phúc. Tôi xin hỏi anh chị em: Tất cả chúng ta đều luôn biết nói lời cảm ơn, phải không? Không phải lúc nào cũng biết vì sự ghanh tị và ghen ghét ngăn cản chúng ta một chút.

Và cuối cùng, lời khuyên mà Thánh Phaolô Tông Đồ dành cho tín hữu Côrintô là khuyên lời mà chúng ta cũng phải trao cho nhau: đừng coi mình trổi vượt hơn những người khác.  Biết bao người cảm thấy mình cao trọng hơn những người khác! Chúng ta cũng thế, nhiều lần chúng ta đã nói như người Pharisêu trong dụ ngôn: “Con cảm tạ Chúa vì con không giống người kia, con trổi vượt hơn.” Nhưng điều ấy rất xấu, anh chị em đừng bao giờ làm như thế! Và khi sắp sửa làm điều ấy, anh chị hãy nhớ đến tội lỗi của mình, những tội mà không ai biết đến, hãy hổ thẹn trước mặt Thiên Chúa và thưa, “Nhưng lạy Chúa, Chúa biết ai cao trọng hơn, con xin im miệng.” Và điều này rất tốt. Hãy luôn luôn ở trong tình bác ái, coi nhau như những chi thể của nhau, như những người sống và hiến thân vì lợi ích của tất cả mọi người (xem 1 Cor 12-14).

Anh chị em thân mến, như ngôn sứ Êdêkiel và Thánh Phaolô Tông Đồ, chúng ta cũng cầu khẩn Chúa Thánh Thần, ngõ hầu ân sủng của Ngài cùng sự phong phú của các hồng ân của Ngài giúp chúng ta thực sự sống như thân thể Đức Kitô, hiệp nhất, như một gia đình, một gia đình là thân thể của Đức Kitô, và như một dấu chỉ hữu hình xinh đẹp của tình yêu của Đức Kitô.

Phaolô Phạm Xuân Khôi chuyển ngữ 

Nguồn: giaoly.org