Bài Giáo Lý 10 Của ĐTC Phanxicô Về Hội Thánh: Hội Thánh như Tân Nương Chờ Đợi Tân Lang
“Đối với một Kitô hữu, hy vọng là chờ đợi, chờ đợi một cách nhiệt thành và đam mê sự hoàn thành cuối cùng và dứt khoát của một mầu nhiệm, mầu nhiệm tình yêu của Thiên Chúa, trong đó chúng ta được tái sinh và đã sống. Và đó là chờ đợi một Đấng sẽ đến: là Đức Kitô”
Dưới đây là bản dịch bài Giáo Lý của ĐTC Phanxicô được ban hành ngày 15 tháng 10 năm 2014 trong buổi Triều Yết Chung tại Quảng Trường Thánh Phêrô. Hôm nay ĐTC tiếp tục chu kỳ Giáo Lý mới về Hội Thánh. Ngài giải thích về sự liên hệ của chúng ta với các Kitô Hữu ngoài Công Giáo.
* * *
Trong thời gian này chúng ta đã nói về Hội Thánh, Mẹ thánh của chúng ta, Hội Thánh phẩm trật, Dân Thiên Chúa trên đường lữ hành. Hôm nay chúng ta hãy tự hỏi: chung cuộc dân Thiên Chúa sẽ ra sao? Mỗi người chúng ta sẽ ra sao? Chúng ta nên mong đợi gì? Thánh Phaolô Tông Đồ đã khuyến khích cộng đồng Kitô hữu Thessalonica, là những người đã đặt ra cùng những câu hỏi như thế, sau khi lý luận, ngài đã nói những lời này, một trong những lời hay nhất trong Tân Ước: “Và như thế chúng ta sẽ mãi mãi ở với Chúa” (1 Thes 4:17). Đó là những lời đơn giản, nhưng rất chắc chắn về niềm hy vọng này! Nó là biểu tượng như trong cuốn sách Khải Huyền của Thánh Gioan, tiếp tục sự hiểu biết qua trực giác của các ngôn sứ, mô tả chiều kích cuối cùng, dứt khoát, bằng những lời này “thành Giêrusalem mới, từ trời, từ Thiên Chúa mà xuống, sửa soạn sẵn sàng như tân nương trang điểm để đón tân lang” (Rev 21:2).
Đây là điều chờ đợi chúng ta! Và như thế, ở đây là Hội Thánh: đó là Dân Thiên Chúa, những người theo Chúa Giêsu và chuẩn bị hết ngày này qua ngày khác để gặp Người, như một tân nương với tân lang của mình. Đây không chỉ là một cách nói: một tiệc cưới thật sự! Phải, bởi vì Đức Kitô, qua việc làm một người như chúng ta, đã làm cho tất cả chúng ta nên một với Người, nhờ cái chết và việc phục sinh của Người, Người đã thực sự kết hôn và đã làm cho chúng ta như một dân thành hiền thê của Người. Và đây không có gì khác việc thực thi kế hoạch hiệp thông và tình yêu được Thiên Chúa đan kết trong lịch sử, lịch sử dân Thiên Chúa và cũng là lịch sử của mỗi người chúng ta. Và Chúa là Đấng làm điều này.
Tuy nhiên có một yếu tố khác, là điều an ủi chúng ta hơn và mở lòng chúng ta ra: Thánh Gioan nói rằng trong Hội Thánh, hiền thê của Đức Kitô, “Thành Giêrusalem mới” có thể nên hữu hình. Điều này có nghĩa là Hội Thánh, cũng như nàng dâu, được mời gọi để trở thành một thành phố, một biểu tượng tuyệt vời về sự chung sống và liên hệ của con người. Cho nên, thật là tuyệt mỹ khi có thể chiêm ngắm, theo một hình ảnh rất ấn tượng trong sách Khải Huyền, mọi dân tộc và mọi quốc gia tụ tập trong thành này, như trong một chiếc lều, “lều của Thiên Chúa” (Kh 21: 3)! Và trong khung cảnh vinh quang này sẽ không còn sự cô lập, lường gạt và bất kỳ sự phân biệt nào – về xã hội, dân tộc hay tôn giáo – nhưng tất cả chúng ta đều là một trong Đức Kitô.
Đối diện với cảnh chưa từng có và tuyệt vời này, tâm hồn chúng ta chắc chắn cảm thấy được củng cố mạnh mẽ trong niềm hy vọng. Anh chị em hãy coi, niềm hy vọng Kitô giáo không chỉ là một ước mộng, một mong ước, điều đó không phải là lạc quan: đối với một Kitô hữu, hy vọng là chờ đợi, chờ đợi một cách nhiệt thành và đam mê sự hoàn thành cuối cùng và dứt khoát của một mầu nhiệm, mầu nhiệm tình yêu của Thiên Chúa, trong đó chúng ta được tái sinh và đã sống. Và đó là chờ đợi một Đấng sẽ đến: là Đức Kitô, Đấng càng ngày càng đến gần chúng ta hơn, hết ngày này qua ngày khác, và Người đến để cuối cùng đưa chúng ta đến sự hiệp thông và an bình viên mãn. Như thế, Hội Thánh có công tác giữ cho ngọn đèn hy vọng cháy sáng và rõ ràng để nó có thể tiếp tục tỏa sáng như một dấu chỉ chắc chắn của ơn cứu rỗi và có thể soi sáng cho toàn thể nhân loại con đường dẫn đến cuộc gặp gỡ với thánh nhan đầy thương xót của Thiên Chúa.
Anh chị em thân mến, vậy đây là điều chúng ta mong đợi: Chúa Giêsu trở lại! Hiền thê Hội Thánh chờ đợi phu quân của mình! Nhưng chúng ta phải tự hỏi mình một cách rất chân thành rằng mình có là những nhân chứng thực sự tươi sáng và đáng tin cậy cho sự mong đợi và ước vọng này không? Cộng đồng của chúng ta có đang sống trong dấu chỉ của sự hiện diện của Chúa Giêsu và nóng lòng mong đợi ngày Người đến không, hay tỏ ra mệt mỏi và tê liệt dưới sức nặng của sự nhọc nhằn và cam chịu? Chúng ta cũng có nguy cơ hết dầu đức tin, và dầu vui mừng không? Chúng ta phải cẩn thận!
Chúng ta hãy cầu khẩn Đức Trinh Nữ Maria, Mẹ của Hy Vọng và Nữ Vương Thiên Đàng, xin Mẹ luôn duy trì chúng ta trong một thái độ lắng nghe và chờ đợi, ngõ hầu chúng ta có thể thấm nhuần tình yêu của Đức Kitô và được tham dự vào một ngày vui không cùng, trong sự hiệp thông trọn vẹn của Thiên Chúa. Và đừng quên, đừng bao giờ quên: “Và như thế chúng ta sẽ mãi mãi ở cùng Chúa” (1 Thessalonians 4:17).
Phaolô Phạm Xuân Khôi chuyển ngữ