Thánh lễ được mở đầu với Ca nhập lễ Năm Thánh Lòng Thương Xót, tiếp đó là lời khẩn cầu của Đức Hồng Y Angelo Amato, Tổng trưởng Bộ Phong Thánh, xin Đức Thánh Cha ghi tên mẹ Têrêsa vào Sổ Bộ các thánh. Tiếp đó là Kinh Cầu Các Thánh và nghi thức phong thánh cho mẹ Têrêsa.
Thánh lễ được tiếp tục với Kinh Vinh Danh. Các bài đọc theo lịch phụng vụ của Giáo hội, Chúa Nhật 23 Thường Niên. Bài đọc một trích Sách Khôn Ngoan, bài đọc hai trích Thư của Thánh Phaolo Tông đồ gởi Phi-lê-môn. Sau khi bài Tin Mừng theo thánh Luca, được thầy phó tế công bố bằng hai thứ tiếng, Latinh và Hy lạp; Đức Thánh Cha bắt đầu bài giảng:
“Nào có ai biết được ý định của Thiên Chúa?” (Kn 9, 13). Lời chất vấn này trong Sách Khôn Ngoan, chúng ta đã nghe ở bài đọc một. Bài đọc một trình bày cuộc sống con người như là một mầu nhiệm và chìa khóa để giải thích mầu nhiệm ấy không thuộc quyền sở hữu của ta. Luôn có hai nhân vật chính trong suốt chiều dài lịch sử: Thiên Chúa và con người. Nhiệm vụ của chúng ta là nhận ra lời mời gọi của Thiên Chúa và thi hành thánh ý của Người. Nhưng để thực thi thánh ý mà không có nghi ngại chần chừ, chúng ta phải tự hỏi chính mình: đâu là ý muốn của Thiên Chúa trong cuộc đời tôi?
Cũng trong Sách Khôn Ngoan, chúng ta tìm thấy câu trả lời: “Con người được dạy cho biết những điều đẹp lòng Ngài” (Câu 18). Để xác tín vào lời mời gọi của Thiên Chúa, chúng ta phải tự tra vấn chính mình và biết điều gì làm đẹp lòng Chúa. Rất nhiều lần, các tiên tri đã loan báo những điều đẹp lòng Thiên Chúa. Thông điệp được loan báo ấy là một tổng hợp tuyệt vời được gói trọn trong lời diễn tả sau đây: “Ta muốn lòng nhân chứ đâu cần lễ tế” (Hs 6, 16; Mt 9,13). Thật vậy, mỗi công việc bác ái đều làm vui lòng Thiên Chúa, vì nơi người anh em mà chúng ta giúp đỡ, ta nhận thấy gương mặt của Thiên Chúa, Đấng chưa có ai thấy được bao giờ (Ga 1, 18). Mỗi lần cúi mình xuống trước nhu cầu hay sự cần kíp của anh em là chúng ta đã cho chính Đức Giêsu được ăn, được uống; là chúng ta đã cho mặc, đã giúp đỡ và thăm viếng chính Con Thiên Chúa (Mt 25,40). Tắt một lời, chúng ta đã tiếp chạm vào da thịt của chính Đức Kitô.
Chúng ta được mời gọi để diễn tả ra bằng những hành động cụ thể những gì chúng ta đã nài xin trong cầu nguyện cũng như khi chúng ta tuyên xưng đức tin. Không gì có thể thay thế cho lòng bác ái: ai dấn thân phục vụ tha nhân, ngay cả những người không quen biết, chính là những người được Chúa yêu thương (Ga 3, 16-18; Gc 2, 14-18). Tuy nhiên, đời sống Kitô không đơn giản chỉ là giúp đỡ những ai đang thiếu thốn. Giúp đỡ người khác chắc chắn là một sự diễn tả dễ thương của tình đoàn kết nhân loại, tạo nên ích lợi ngay lập tức. Nhưng nếu chỉ như thế, việc giúp đỡ sẽ trở nên nghèo nàn, khô cằn vì thiếu nền tảng. Thế nên, nhiệm vụ mà Thiên Chúa trao cho chúng ta là một lời mời gọi đến với lòng bác ái. Trong tình bác ái, mỗi môn đệ của Đức Kitô đặt trọn cả đời sống của mình vào việc phục vụ ngõ hầu được triển nở mỗi ngày trong tình yêu mến.
Chúng ta đã nghe Tin Mừng thuật lại: “Có rất đông người cùng đi đường với Đức Giêsu” (Lc 14, 25). Ngày hôm nay, “đám người rất đông” ấy chính là một số lượng đông đảo các thiện nguyện viên, những người quy tụ nhau nơi đây trong dịp Năm Thánh Lòng Thương Xót này. Anh chị em chính là đám đông ấy, đang bước theo Vị Thầy Chí Thánh và hiện thực hóa tình yêu cụ thể của Thầy cho mọi người. Tôi muốn nhắc lại với anh chị em những lời của Thánh Phaolô Tông Đồ: “Tôi rất vui mừng và lấy làm an ủi khi thấy đức bác ái của anh, bởi vì anh đã làm cho lòng trí các người trong dân thánh được phấn khởi” (Plm 7). Bao nhiêu tâm hồn đã được các thiện nguyện viên an ủi! Bao nhiêu bàn tay đưa ra đã được họ nắm lấy đỡ nâng; bao nhiêu giọt nước mắt đã được họ lau khô; bao nhiêu tình yêu mến đã được ủ ấp trong những việc phục vụ hết sức thầm lặng, khiêm nhường và vô vị lợi! Việc phục vụ cao cả ấy là tiếng nói của đức tin và là sự diễn tả lòng thương xót Thiên Chúa Cha, Đấng luôn gần gũi những ai đang thiếu thốn.
Bước theo Giêsu là một việc hết sức nghiêm túc và đồng thời cũng rất vui tươi; đòi hỏi chiều sâu và lòng can đảm để nhận thấy Vị Thầy Chí Thánh nơi những người nghèo khổ nhất và bắt tay vào việc phục vụ họ. Chính vì điều này, các thiện nguyện viên sẵn sàng phục vụ những người rốt hết và những ai đang thiếu thốt nhất vì tình yêu của Đức Giêsu. Họ không mong chờ những lời cám ơn hay phần thưởng đáp đền. Họ sẵn sàng từ bỏ tất cả vì họ đã khám phá ra tình yêu đích thực. Giống như Thiên Chúa đã bước đến gặp gặp gỡ tôi, đã cúi xuống bên tôi trong những lúc tôi khó khăn thiếu thốn; thì chính tôi cũng phải bước đến gặp Ngài và cúi xuống bên những ai đang mất niềm tin tưởng hay đang sống như thể Thiên Chúa không tồn tại. Tôi phải cúi xuống bên những bạn trẻ không tìm thấy lý tưởng hay giá trị của cuộc sống; cúi xuống bên những gia đình đang gặp khủng hoảng, bên những người bệnh tật và những ai trong cảnh tù đày; cúi xuống bên những người di cư, tị nạn, bên những ai yếu đuối và không được bảo vệ chở che cả về tinh thần lẫn thể xác; cúi xuống bên những trẻ em bị bỏ rơi, bên những người già bị lãng quên trong cô độc. Khắp mọi nơi đều có những bàn tay chìa ra kêu xin sự giúp đỡ để họ được đứng thẳng trên đôi chân của mình. Chính vì thế, sự hiện hữu của chúng ta và sự hiện hữu của Giáo hội phải là sự hiện hữu để duy trì và trao ban niềm hy vọng cho mọi người. Và điều này gợi nhớ lại cách sống động chính bàn tay đỡ nâng của Thiên Chúa trên cuộc đời tôi khi tôi té ngã.
Mẹ Têrêsa, trong suốt cuộc đời, đã là thừa tác viên phân phát quảng đại lòng thương xót của Thiên Chúa. Mẹ luôn sẵn sàng với tất cả mọi người ngang qua việc đón tiếp và bảo vệ sự sống con người, từ những trẻ em không được sinh ra tới những người bị bỏ rơi và loại trừ. Mẹ đã dấn thân trong việc bảo vệ sự sống và không ngừng tuyên bố rằng “những trẻ em chưa được sinh ra chính là những người yếu ớt, mong manh nhất, nhỏ bé nhất và nghèo túng nhất”. Mẹ đã cúi xuống bên những người kiệt sức, bị bỏ mặc chết bên vệ đường. Mẹ nhận ra phẩm giá cao quý mà Thiên Chúa đã trao ban cho họ. Mẹ tha thiết nói với những người cầm quyền trên thế giới để họ có thể nhận ra tội lỗi của mình trước những tội ác của nghèo đói do chính họ gây ra. Đối với mẹ, lòng thương xót là “muối” khiến cho mỗi việc mẹ làm thêm đậm đà hương vị, và là “ánh sáng” chiếu soi những nơi tối tăm trong cuộc đời của những ai không còn nước mắt nữa mà khóc thương cho sự nghèo nàn và đau khổ.
Sứ mạng của mẹ là ở những vùng ngoại biên của các thành phố và điều ấy vẫn tồn tại trong thời đại chúng ta hôm nay như một chứng tích hùng hồn về sự gần gũi của Thiên Chúa đối với những ai nghèo khổ nhất. Hôm nay tôi gửi gắm hình ảnh đầy biểu trưng này về người phụ nữ và về đời sống hánh hiến cho toàn thể những thiện nguyện viên trên khắp thế giới: Mẹ là gương mẫu của anh chị em về sự thánh thiện! Tôi nghĩ rằng có lẽ chúng ta cảm thấy không quen khi gọi mẹ là thánh Têrêsa. Bởi vì, sự thánh thiện của mẹ quá gần gũi với chúng ta nên chúng ta vẫn muốn gọi mẹ là mẹ Têrêsa hơn.
Người lao công không biết mệt mỏi này của lòng thương xót giúp chúng ta ngày càng hiểu hơn rằng tiêu chuẩn hành động duy nhất đó là tình yêu nhưng không, thoát khỏi mọi ý thức hệ và mọi ràng buộc. Tình yêu ấy được thông truyền đến tất cả mọi người mà không hề có sự phân biệt nào về ngôn ngữ, văn hóa, chủng tộc hay tôn giáo. Mẹ Têrêsa thích nói rằng: “Có lẽ tôi không nói ngôn ngữ của họ, nhưng tôi có thể cười.” Chúng ta hãy ôm ấp vào trái tim nụ cười của mẹ và chúng ta hãy trao nụ cười ấy cho tất cả những ai chúng ta gặp gỡ trong suốt hành trình đời ta, đặc biệt là những người đang sầu khổ. Bằng cách đó, chúng ta sẽ mở rộng chân trời của niềm vui và hy vọng cho tất cả những ai đang chán nản, đang cần sự thấu hiểu và cảm thông.”
Chuyển dịch từ Ý ngữ: Vũ Đức Anh Phương SJ
(dongten.net 04.09.2016)