Bài 22: Sống yêu thương Chúa Nhật VI Phục Sinh


Mt 18,1-5.10Ngày 05-05-1991
Cv 9, 26-31; 1Ga 3, 18-24; Ga 15, 1-8

Cả mấy tuần này trong thánh lễ, chúng ta đều nghe đọc Tin Mừng của Thánh Gioan. Không thấy bài Phúc Âm nào khác lọt vào. Tại sao vậy? Bởi vì Giáo Hội muốn chúng ta được nghe tất cả toàn bộ Tin Mừng trong suốt chu kỳ ba năm phụng vụ. Phúc Âm Mat-thêu được dùng cho năm phụng vụ thứ nhất, được gọi là năm A; Phúc Âm Marcô cho năm thứ hai, năm B; và Phúc Âm Luca cho năm thứ ba, năm C. Còn Gioan được gọi là nhà thần học Thánh Kinh, nên Phúc Âm của Ngài được dùng trong các thời điểm quan trọng như Mùa Vọng và Mùa Phục Sinh hằng năm, để chúng ta có dịp đào sâu thêm nền thần học của Tin Mừng.

Hôm nay, Thánh Gioan đề cập đến ba mặt của tình yêu: “Như Cha đã yêu Ta, Ta cũng yêu các con… và chúng con hãy thương yêu nhau”.

Từ muôn đời Chúa Cha đã yêu thương Chúa Con, và cũng từ muôn đời Chúa Con đã yêu thương chúng ta. Nhưng tình thương giữa chúng ta chỉ xuất hiện trong thời gian và không gian. Như có lần Cha đã chia sẻ trước đây: tình yêu, lề luật và hạnh phúc có một liên hệ mật thiết với nhau. Tình yêu của chúng ta đối với Chúa phải được chứng minh bằng hành động, nhất là với người chung quanh. Các Thánh nói rằng: “Ai sống chung với mọi người mà được tất cả quý mến thì đáng được phong thánh”. Làm một vài phép lạ để được phong thánh còn dễ hơn là sống hòa thuận với anh em mình. Như có lần các người Biệt Phái hỏi Chúa Giêsu: “Ai là anh em của tôi?” Và Chúa đã trả lời bằng câu chuyện người Samaritanô nhân lành: “Một người bộ hành đi từ Giêricô… và bị nạn… được người ngoại cứu”. Trong trường hợp này, người Samaritanô mới thật là người anh em của kẻ bị nạn, vì đã chứng thực tình thương của mình đối với người bị nạn bằng sự quan tâm và săn sóc ân cần.

Yêu mến người chung quanh, người bên cạnh mình là một điều không phải dễ. Người ta có thể sẵn sàng bỏ tiền của để làm phúc cho những người ở xa không quen biết, nhưng với anh em bên cạnh mình thì lại chối từ giúp đỡ.

Tòa Giám Mục Lugano nước Thụy Sĩ, được gọi là Tòa Giám Mục Thánh Tâm, vì ở cổng có viết hàng chữ rất đơn sơ nhưng đầy ý nghĩa như sau: “Đi vào cổng này để yêu mến Chúa và ra lại cổng này để yêu mến anh em”. Đọc thoáng qua, người ta có thể xem câu này thật bình thường. Nhưng nếu suy nghĩ kỹ, họ phải công nhận những lời đó thật sâu sắc. Người giáo dân có thể rất chăm chỉ đọc kinh, dự lễ. Nhưng ra khỏi nhà thờ, lại chửi vợ đánh con, kiện tụng, nói hành nói xấu nhau… Cuộc sống của họ có hai mặt: một mặt cho Chúa và mặt kia cho anh em, không liên hệ gì với nhau. Họ không nhìn thấy Chúa nơi những người chung quanh mà họ gặp gỡ thường ngày, nhất là vợ con, bạn bè, láng giềng của họ… Thật lạ lùng!

Phúc Âm và sách Tông Đồ Công Vụ nhắc nhở chúng ta phải yêu mến những người bên cạnh mình. Chúa Giêsu là gương sáng của tình yêu này. Ngài đã yêu bạn hữu đền độ sẵn sàng hy sinh mạng sống mình trên Thập Giá. Rồi đến các Tông Đồ lần lượt ra đi phục vụ mọi người. Yêu cả người ngoại như Chúa truyền dạy. Thánh Phêrô được sai đến cùng một anh em ngoại giáo. Ông đã từ chối vì theo luật Do Thái, vào nhà một người ngoại giáo là lỗi nặng. Trong một thị kiến, Phêrô thấy một tấm khăn lớn từ trời thả xuống trước mặt ông, trong đó có đủ loại thú bốn chân, thú rừng, rắn rết, chim trời và có tiếng Chúa biểu ông làm thịt ăn. Ông từ chối vì cho đó là những đồ vật dơ bẩn mà theo luật không được phép đụng đến. Chúa phán: “Những gì Thiên Chúa đã tuyên bố là thanh sạch, thì chớ xem là dơ bẩn”. Phêsô hiểu được ý Chúa và đã đi rửa tội cho người ngoại ấy (Cv 11, 5-10). Ở đây, Chúa muốn dạy Phêrô phải yêu thương tất cả mọi người kể cả người ngoại giáo. Các Thánh cũng dạy rằng: “Người nào chỉ muốn đi đường một mình, là một người ích kỷ. Đi với một người bạn, đó là một người đoàn kết. Và đi với mọi người, thì người đó là người Công Giáo”.

Tình yêu mà Chúa muốn chúng ta thực hành phải mang chiều kích phổ quát, rộng lớn, bao gồm tất cả mọi người. Trong thánh lễ hôm nay, chúng ta cầu xin Chúa cho tất cả chúng ta biết luôn sống yêu thương nhau như Chúa đã yêu thương chúng ta. Đặc biệt, xin Chúa thương ban cho các đấng bậc trong Hội Thánh, biết quan tâm yêu thương nhau và yêu thương những người mình có trách nhiệm săn sóc, hướng dẫn, để luôn trở thành chứng tá sống động của Thiên Chúa tình yêu. Một linh mục, Giám Mục giảng thuyết hùng hồn, thâm sâu, ý nghĩa mà bề dưới vẫn ấm ức, không hài lòng, thì cần phải xem xét lại. Có thể lời rao giảng và cuộc sống không đi đôi với nhau, nhất là khía cạnh yêu thương. Và sau cùng, xin cho tất cả mọi người được biết Chúa và yêu mến Chúa để thế giới được sống trong công bằng và hòa bình thật sự. Amen.