Ai sinh ra người đồng tính: Chúa? Satan? Chúa sinh ra con người thì Ngài tất nhiên hoan hỉ mà phán rằng: “Mọi sự đều tốt đẹp”, người đồng tính cũng tốt đẹp bằng người dị tính, nam và nữ. Vậy nếu cũng là tạo vật của Chúa, tại sao Giáo hội không công nhận “hôn nhân đồng tính.” Có sự bất công đối với những người thuộc giới tính thứ ba không?
|
Câu hỏi trên đây được một người bạn đã đặt ra trong khi một nhóm anh em thảo luận về hiện tượng hôn nhân đồng tính mà Tối Cao Pháp Viện Hoa Kỳ đã hợp hiến vào Thứ Sáu, ngày 26 tháng 6 năm 2015. Câu hỏi này cũng khiến chúng ta phần nào suy nghĩ, đồng thời đòi hỏi chúng ta phải củng cố niềm tin, gia tăng sự hiểu biết hầu tránh rơi vào những khủng hoảng, hoặc chấp nhận lối sống của con người thời đại mặc dù từ trong thâm tâm vẫn biết đó không phải là điều Thiên Chúa muốn.
Đồng tính và hôn nhân đồng tính ngày nay đã trở thành một “hiện tượng” thời đại. Hiện tượng này đang bùng nổ trên khắp thế giới, kéo theo những hệ quả trên nhiều lãnh vực từ văn hóa đến xã hội, chính trị, và tôn giáo. Người ta không thể không nói đến đồng tính, hôn nhân đồng tính mà không đụng chạm đến chỗ này, chỗ khác, cách này hoặc cách khác. Trong vấn đề tôn giáo, riêng trong lãnh vực thần học mà thôi, hiện tượng đồng tính, hôn nhân đồng tính cũng đủ lôi kéo hàng loạt những nhận thức, ý kiến này khác, tốn kém không biết bao nhiêu là giấy mực hiện nay.
Sau khi tạo dựng mọi sự, Thiên Chúa đều khen “tốt đẹp”. Trong số tất cả các loài thụ tạo, ngoài thiên thần ra, con người được coi là đẹp nhất, tốt lành nhất, bởi con người là hình ảnh của Ngài. Mặc dù chúng ta chưa thấy Thượng Đế như thế nào, nhưng ít ra niềm tin vào vẻ đẹp của con người vẫn có thể chấp nhận: “Chúng ta hãy tạo nên con người mang hình ảnh chúng ta” (Sáng thế 1: 26). Và “Người tạo dựng nên họ có nam và có nữ” (Sáng Thế 5:2). Tạo dựng con người xong, kế đến vấn đề hôn nhân.
Cũng theo Thánh Kinh ghi lại, Thiên Chúa đã dẫn con người vào đời sống hôn nhân với sự kết hợp giữa một người nam và một người nữ qua hình ảnh Adam, Evà. Hình thức hôn nhân này, sau đó Chúa Giêsu đã nâng lên hàng Bí Tích, mà chúng ta gọi là Bí Tích Hôn Nhân. Dĩ nhiên chỉ có những người thừa nhận mình là người Công Giáo tin vào Thánh Kinh, tin vào Chúa Giêsu mới đón nhận và thực hành giáo lý này. Những ai không tin nhận, không thực hành niềm tin Công Giáo, hôn nhân chỉ là một giao ước tự nhiên, tuy tuân theo những đòi hỏi của văn hóa, phong tục, tập quán, các lễ nghi tôn giáo nhưng không phải là một bí tích. Tuy nhiên, con người không thể đổ lỗi cho những hành động của mình bằng cách cho rằng Thiên Chúa hay Satan “ai thắng ai” trong việc tạo dựng, trong hôn nhân, đặc biệt là hôn nhân đồng tính.
Câu truyện tạo dựng
Đức tin dạy rằng mọi sự Chúa dựng nên đều tốt đẹp. Còn đã tốt đẹp mà sao bây giờ lại như thế này, thế nọ, thì ta cần đọc lại câu chuyện sa ngã của Lucifex, tổng thần sáng láng mà giờ này đã thành Satan. Thánh Kinh kể lại với vẻ sáng láng của mình do Thiên Chúa tạo dựng nên, Lucifex lúc đầu tưởng mình là Chúa, đòi bác ngai mình ngang hàng với ngai tòa Thiên Chúa: “Ta sẽ lên chót vót các tầng mây và sẽ biến thành Đấng Chí Tôn” (Isaia 14:13). Riêng con người, thì ngay từ đầu trong vườn Diệu Quang, Nguyên Tổ của loài người cũng sung sướng, thảnh thơi, và “tốt đẹp”, đến nỗi chỉ còn thiếu “biết lành, biết dữ” là cũng bằng như Thiên Chúa. Trái táo vườn Địa Đàng là một thách đố cho tầm nhìn của con người, vì liền sau khi ăn nó vào theo lời dụ dỗ của Satan, Adam, Evà bỗng thấy mình “trần truồng” và xấu hổ (x. Sáng Thế 3:7). Trần truồng ở đây không hẳn thấy mình thiếu vải, mà là nhận ra mình chẳng có gì ngoài những cái mà Thiên Chúa ban cho.
Khởi nguồn đời sống hôn nhân
Có lẽ truyện hôn nhân ít cần đến chứng lý của Thánh Kinh nhất mà ai cũng biết, đó là trải qua các thời đại, các nền văn hóa, các thể chế gia đình dù mẫu hệ hay phụ hệ, dù đơn thê hay đa thê, hôn nhân bao giờ cũng là sự kết hợp giữa người nam và người nữ. Gia đình theo sau hôn nhân là sự liên kết giữa cha mẹ, con cái, anh chị em với nhau. Lan rộng, xa hơn nữa là ông bà, cô, bác, chú, tím, anh chị em họ hàng. Cái này gọi là luật tự nhiên, luật lương tâm. Rất đơn giản, và rất rõ ràng ai cũng hiểu và cũng biết. Còn bây giờ nếu lý luận: “Nếu cũng là tạo vật của Chúa, tại sao Giáo hội không công nhận “hôn nhân đồng tính.” Có sự bất công đối với những người thuộc giới tính thứ ba không?” thì có lẽ một là chúng ta cho rằng Công Giáo lỗi thời không bắt kịp đà tiến của nhân loại, hai là giáo lý Công Giáo không thuyết phục với niềm tin sáng tạo và Chúa đã tỏ ra bất công đối với những người thuộc giới tính thứ ba?
Hôn nhân đồng tính
Tác giả Nguyễn Thế Bài đã có nhận xét cho rằng “xu hướng đồng tính là một sự lệch lạc tâm lý”. Ông không phải là một nhà tâm lý và cũng không phải là một thần học gia, nhưng quan niệm ông cũng không xa với hai tư tưởng tâm lý và thần học là bao nhiêu. Nếu Thiên Chúa không có mặt giữa những xu hướng này thì người đó là ai đây? Không lẽ là của Satan? Tuyệt đối Satan không phải là Đấng Tạo Hóa, và hắn không thể sinh ra người đồng tính. Hắn cũng chẳng có quyền hạn gì trên tự do và ý chí của con người trong lựa chọn giá trị và đời sống của bất cứ ai. Chính ở điểm này Giáo Hội Công Giáo luôn tôn trọng phẩm giá con người dù người đó là đồng tính. Một cách đơn giản là vì họ được Thiên Chúa tạo dựng nên.
Trong tạo dựng, Thiên Chúa tạo dựng con người. Trong con người bao gồm sẵn hai xu hướng tình cảm và tính dục nam và nữ. Điều này làm cho con người có thể hòa đồng, hội nhập vào đời sống xã hội, tình cảm của cả hai phái nam lẫn nữ. Nó còn là động lực dẫn đến đời sống hôn nhân. Mục đích của xu hướng tình cảm và tình dục trong hôn nhân như từ ban đầu vẫn là giữa một người nam và một người nữ. Sự hòa hợp thể lý, tâm sinh lý này không chỉ thỏa mãn cách chính đáng những nhu cầu và đòi hỏi của tình yêu, của nhu cầu và ước muốn tình dục, mà còn mang một sứ mạng lưu truyền nòi giống. Trong hôn nhân đồng tính xu hướng ấy bị đảo lộn, và đẩy xa vượt khỏi những giới hạn căn bản của sự kết hợp nguyên thủy giữa vợ chồng qua cái nhìn tạo dựng là một người nam và một người nữ. Không ai có quyền ngăn cản những xu hướng tình cảm kể cả tình yêu nơi một cặp đồng tính, nhưng giới hạn buộc họ phải dừng lại trước những gì mà Thượng Đế chỉ dành riêng cho đời sống hôn nhân là sinh hoạt tính dục, và những trao đổi thân xác như vợ chồng của họ. Người đồng tính vẫn có thể thương nhau và yêu nhau như anh chị em, như những bạn hữu thân tình. Một hình thức yêu thương tiết chế tình dục. Tình yêu này không thể định nghĩa hoặc thay thế cho tình yêu hôn nhân vợ chồng.
Nhưng Satan có thể lợi dụng những yếu đuối và những ham muốn “lệch lạc” hướng chiều về dục vọng, về phái tính một người để làm cho thêm phức tạp nhằm ảnh hưởng tiêu cực trên quyết định của người này về xu hướng phái tính cũng như những quyết định hành động của họ. Cái khó là cho đến hôm nay vẫn chưa ai kể cả những nhà tâm lý tài cao nhất đã phân tích được cái xu hướng tâm lý đồng tính ấy đến từ đâu và do những yếu tố nào? Có thể nó bao gồm nhiều yếu tố thể lý và tâm sinh lý, yếu tố giáo dục, yếu tố văn hóa, yếu tố xã hội, và yếu tố chính trị.
Giáo Hội không thỏa hiệp với hành động đồng tính và hôn nhân đồng tính chính là muốn đứng về việc bảo vệ những giá trị tốt đẹp của công trình tạo dựng của Thiên Chúa cũng như giá trị hôn nhân nguyên thủy mà Ngài đã thiết lập. “Bất kể những gì một đa số sít sao tại Tối Cao Pháp Viện có thể tuyên bố tại thời điểm này trong lịch sử, bản chất của con người và hôn nhân vẫn không thay đổi và không thể thay đổi,” Đức Tổng Giám Mục Joseph Kurtz của tổng giáo phận Louisville, chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ cho biết như trên trong tuyên bố thay mặt các Giám Mục Hoa Kỳ. Ngài nói tiếp:
“Ý nghĩa độc đáo của hôn nhân như sự kết hợp giữa một người nam và một người nữ đã được ghi khắc trong tâm hồn chúng ta, nơi sự khác biệt về giới tính của chúng ta như những người nam và người nữ…Việc bắt buộc định nghĩa lại hôn nhân trên khắp đất nước là một lỗi lầm bi thảm làm tổn hại đến lợi ích chung và những người dễ bị tổn thương nhất trong chúng ta, đặc biệt là trẻ em. Luật pháp có nhiệm vụ hỗ trợ các quyền cơ bản của mọi đứa trẻ được lớn lên, nếu có thể, bởi cha mẹ trong một gia đình ổn định.”
Tại sao hơn 1, 2 tỷ tín hữu Công Giáo không thể chống lại một “nhóm” nhỏ người đồng tính – mà theo ước lượng không vượt quá mươi triệu người (kể cả chuyển giới) thì không có nghĩa là thua hay thắng, là chống đối hay thù địch nhau. Thiên Chúa đã cho con người quyền tự do hành động, và quyền tự trách nhiệm về hành động của mình. Chỉ tiếc là trước “đại họa” do phán quyết của Tối Cao Pháp Viện Hoa Kỳ, Thứ Sáu, ngày 26 tháng 6 năm 2015 rất đông kể cả nhiều người Công Giáo cho rằng họ được quyền làm những việc đi ngược lại với tự nhiên trong hôn nhân là chọn lựa hay ủng hộ hôn nhân đồng tính.
Trần Mỹ Duyệt