Chị Marie-Pharailde Bonnet chào đời tại Locquignol thuộc giáo phận Cambrai miền Bắc nước Pháp. Ngày 12-12-1921 Chị thành lập Hội Dòng Các Nữ Tu Đền Tạ Thánh Tâm tại Tourcoing, thuộc giáo phận Lille, với sứ vụ dạy giáo lý nơi các xứ đạo, dạy học nơi các trường tư thục và phụ trách các tuần tĩnh tâm.
|
Năm 1973 – vẫn giữ nguyên mục đích ban đầu là giáo dục Đức Tin – Hội Dòng đổi tên thành Các Nữ Tu Hiệp Nhất. Tên gọi ”Nữ Tu Hiệp Nhất” để bày tỏ rằng Tình Yêu luôn luôn có thể. Chính trong một thế giới phân rẽ, bị tổn thương mà Các Chị được sai đi, được gởi tới để hoạt động. Vết thương của thế giới chạm đến Các Chị và nhiều lần Các Chị cảm thấy thật bất lực để tái tạo các mối quan hệ bị bẽ gãy, khơi động tình yêu bị chôn vùi. Tuy nhiên, cũng có những dấu hiệu cho thấy Hiệp Nhất đã có mặt và Ơn Cứu Độ đã thể hiện, nếu con tim Các Chị đủ nghèo nàn và cái nhìn của Các Chị đủ thanh luyện.
”Lạy CHA, xin cho tất cả nên một, như CHA ở trong Con và Con ở trong CHA, để họ cũng ở trong Chúng Ta. Như vậy, thế gian sẽ tin rằng CHA đã sai Con” (Gioan 17,21). Tiếng kêu than của Đức Chúa GIÊSU đã thấu đến tai để làm chứng cho thế giới thấy nét trìu mến và sự hiền dịu của con tim THIÊN CHÚA.
Chị Marie-Véronique, Nữ Tu Hiệp Nhất. Tôi xuất thân từ một gia đình Công Giáo sống đạo chân thành ở miền Bắc nước Pháp. Mỗi buổi tối, toàn gia đình họp nhau cầu nguyện.
Khi theo học tại một trường tư thục kỹ thuật có một nữ tu dạy môn Phụng Vụ đã ghi dấu ấn nơi tôi. Rồi có một Linh Mục dòng Tên đến điều động hội đoàn Các Nhóm Đức Bà sau này đổi tên thành Đời Sống Kitô. Nhờ sinh hoạt trong hội đoàn, tôi học biết thế nào là cầu nguyện, là gặp gỡ Chúa trong Lời Ngài. Một lần đi hành hương Lộ Đức, Đức Mẹ MARIA và thánh nữ Bernadette đã ra hiệu cho tôi. Nhưng tôi làm ngơ như không biết, bởi lẽ tôi rất thích con nít. Tôi mơ mình sẽ lập gia đình và muốn có đến 12 đứa con!!!
Giáo xứ nhờ tôi dạy giáo lý cho một nhóm trẻ em. Chính lúc này đây ngọn lửa Tình Yêu bỗng bốc cháy. Tình Yêu toàn năng của THIÊN CHÚA bao phủ tôi. Khi Chúa gọi thì không gì có thể cưỡng lại được. Ngài cho tôi cơ hội khám phá ra Hội Dòng Các Nữ Tu Hiệp Nhất.
Mục đích của Hội Dòng là làm chứng cho thế giới về sự trìu mến của Thánh Tâm Đức Chúa GIÊSU KITÔ. Tiếp nhận Hiệp Nhất như một ân huệ và phải kín múc ân huệ tận nơi nguồn suối là Lời Chúa và các Bí Tích. Sống hiệp thông với Đức Chúa GIÊSU, Vị Tôi Tớ Đau Khổ. Chỉ duy nhất Ngài mới dạy cho chúng tôi hiểu thế nào là trao hiến, từ bỏ quyền sở hữu, bị bỏ rơi, bất lực, yếu đuối trong việc sống trung tín với lời THƯA VÂNG và trung tín đến cùng .. Đời sống huynh đệ là hoa quả đầu tiên của Tình Yêu cứu độ và là dấu chỉ của Hiệp Nhất.
Tôi chính thức xin gia nhập Hội Dòng Các Nữ Tu Hiệp Nhất. Cuộc chia ly thật đau lòng não ruột đối với gia đình. Nhưng ”một cây càng bị gió rung thì gốc của nó càng vững!”. Chị Bề Trên Cộng Đoàn đã nói với tôi như thế khi tiếp nhận tôi vào Hội Dòng. Đức Mẹ phán cùng tôi: ”Không gì là không có thể đối với THIÊN CHÚA”. Tôi cảm nhận quyền lực của Chúa, lòng tin tưởng bao la của Chúa, lòng tin tưởng tôi luôn tìm thấy trong Hội Dòng và trong Giáo Hội địa phương, nơi mà tôi được gởi đến để phục vụ.
Từ đó đến nay đã 55 năm trôi qua trong đời sống thánh hiến. THIÊN CHÚA luôn luôn trung tín. Chúa cho tôi sức mạnh sống Lời Ngài mỗi ngày. Nếu con số Ơn Gọi giảm sút làm chúng tôi âu lo thì Niềm Hy Vọng nhắc chúng tôi phải sống Ngày Hôm Nay của Chúa. Và khi nhìn thế giới với các nỗi khổ đau, chúng tôi chỉ có thể kêu lên: ”Lạy CHA, xin cho tất cả nên một, như CHA ở trong Con và Con ở trong CHA để họ cũng ở trong Chúng Ta. Như vậy, thế gian sẽ tin rằng CHA đã sai Con”.
Chị Marie Daniel, Nữ Tu Hiệp Nhất. Năm 17, 18 tuổi, một câu của Thánh Phaolô giúp tôi sống: ”Tôi coi tất cả mọi sự là thiệt thòi, so với mối lợi tuyệt vời, là được biết Đức GIÊSU KITÔ, Chúa của tôi. Vì Người, tôi đành mất hết, và tôi coi tất cả như rác, để được Đức KITÔ và được kết hợp với Người” (Philipphê 3,8-9).
Tôi tự hỏi: Chúa gọi tôi đi đâu? Và khi tìm kiếm, tôi đã gặp được Hội Dòng – lúc đó còn gọi là dòng Các Nữ Tu Đền Tạ Thánh Tâm. Tôi cảm thấy có thể sống tình yêu lớn lao trong một Cộng Đoàn bé nhỏ nơi miền Bắc nước Pháp. Tại đây tôi được từ từ phát triển nhờ mối quan hệ huynh đệ mặc cho khuyết tật điếc tai của tôi.
Với kinh nghiệm đời sống thánh hiến tôi có thể quả quyết rằng: Thật bõ công – giống như người đu bay – nhưng không phải lao vào khoảng không mà là lao vào Tình Yêu Đức Chúa GIÊSU KITÔ, Đấng nắm bắt chúng ta. Thật bõ công sống tin tưởng nơi sự hiện diện của Chúa. Và như thế, chúng ta có thể làm chứng cho thế giới về tình trìu mến, Lòng Thương Xót, sự hiền dịu của Thánh Tâm Đức Chúa GIÊSU KITÔ.
Nhưng trong thế giới hiện đại, phải làm chứng như thế nào? Đối với tôi thì đó là các cuộc viếng thăm các bệnh nhân và các vị cao niên. Nơi công tác mục vụ người điếc, tôi khám phá ra một thế giới phi thường về truyền thông thị giác xuyên qua ngôn ngữ của dấu hiệu.
Từ 15 năm qua, dưới sự điều động của Cha Marcel Herricot – rất nhạy cảm với vùng ngoại ô – và được một thầy phó tế tháp tùng, tôi có thể hợp tác với một cặp vợ chồng điếc. Từ từ chúng tôi tổ chức các buổi gặp gỡ với những người mang tật điếc về các đề tài khác nhau liên quan đến Đức Tin. Tôi học ngôn ngữ các dấu hiệu, một thứ ngôn ngữ gây đam mê, dễ học và sống động. Chính nơi đây mà Đức Chúa GIÊSU phán cùng tôi: ”Con hãy ra đi, đến với các anh chị em con và nói cho họ biết về Tình Yêu vô biên Thầy dành cho họ, đặc biệt cho những người xa xôi nhất!”.
Tôi có thêm niềm vui là viết và vẽ các bức ảnh icônes khi thời gian cho phép. Đây là một phương cách riêng để truyền đạt Sự Mạc Khải của THIÊN CHÚA.
… Vào lúc ấy, Đức Chúa GIÊSU cất tiếng nói: ”Lạy CHA là Chúa Tể trời đất, Con xin ngợi khen CHA, vì CHA đã giấu không cho bậc khôn ngoan thông thái biết những điều này, nhưng lại mặc khải cho những người bé mọn. Vâng, lạy CHA, vì đó là điều đẹp ý CHA .. CHA Thầy đã giao phó mọi sự cho Thầy. Và không ai biết rõ Người Con, trừ CHÚA CHA; cũng như không ai biết rõ CHÚA CHA, trừ Người Con và kẻ mà Người Con muốn mặc khải cho .. Tất cả những ai đang vất vả mang gánh nặng nề, hãy đến cùng Thầy, Thầy sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng. Anh em hãy mang lấy ách của Thầy, và hãy học với Thầy, vì Thầy có lòng hiền hậu và khiêm nhường. Tâm hồn anh em sẽ được nghỉ ngơi bồi dưỡng. Vì ách Thầy êm ái, và gánh Thầy nhẹ nhàng”(Matthêu 11,25-30).
(”La Vie diocésaine de Soissons”, Diocèse de Soissons, Laon et Saint-Quentin, No 11, Novembre 2015, trang 293-296)
(Sr. Jean Berchmans Minh Nguyệt, RadioVatican 27.02.2016)