Giờ đây, chúng ta kỷ niệm năm năm triều đại của Đức Phanxicô. Các biên tập viên của tạp chí American hy vọng nơi ngài nhiều hơn. “Hagan lio”, lời mà ngài ngỏ cùng hàng triệu người trong Ngày Giới trẻ Thế giới ở Rio de Janeiro vào năm 2013, “Hãy tạo nên tiếng nói”, và không có nghi ngờ rằng triều đại của ngài đã làm được điều đó.
Những kinh nghiệm riêng của Jorge Bergoglio trong các sứ vụ của Dòng Tên và trong vai trò Tổng giám mục của Buenos Aires rõ ràng đã khuôn đúc ngài trở thành vị Giáo Hoàng lên tiếng cho người nghèo, cho những người bị gạt ra bên lề và những nạn nhân của một nền văn hoá loại trừ. Ngài đã thẳng thừng từ chối sự giàu có và sang trọng trong vị trí của mình. Những cử chỉ giản dị cùng với sự xác tín này sẽ mãi là những biểu tượng trong triều đại của ngài. Tiếp bước Đức Bênêđictô XVI vị tiền nhiệm, Đức Phanxicô đã quyết liệt hơn và lên án mạnh mẽ chiến tranh, một thị trường tự do không cân xứng và gia tăng sự bất bình đẳng về kinh tế; ngài cũng đã đưa ra một thông điệp thẳng thắn nhưng ân cần bày tỏ dự đoán điều cần phải điều chỉnh đối với các nhà lãnh đạo quốc tế, gồm cả Tổng thống Trump.
Trong năm năm qua, Đức Phanxicô đã ban hành ba tài liệu quan trọng. Trước hết, ngài đã công bố Tông huấn “Niềm vui Tin Mừng” (” Evangelii Gaudium“, 2013), trong đó, ngài phác họa tầm nhìn của mình về một Giáo Hội mà sức mạnh và nguồn lực của nó cần phải được “định hướng phù hợp để truyền bá Phúc Âm cho thế giới ngày nay hơn là để tự duy trì “(số 27). Ngay sau đó, ngài ban hành Tông huấn “Laudato Sì”. Trong khi được đón nhận rộng rãi như một lời kêu gọi bảo vệ môi trường và phê bình chủ nghĩa tiêu thụ, thông điệp cũng là một trong những tài liệu về công bình xã hội quan trọng nhất trong lịch sử. Đức Phanxicô viết “mọi thứ đều liên quan đến nhau“. Chúng ta không thể khẳng định các quyền của nhân loại trong khi đó lại phủ nhận phẩm giá của ngôi nhà môi trường chúng ta được; chúng ta cũng không thể loại trừ hay tàn sát hoặc cách ly những con người mà chúng ta không cần đến như thể họ là rác được; và chúng ta không thể xử tệ với hành tinh trên con đường theo đuổi sự giàu có hoặc dễ dãi hay những khái niệm thiếu chín chắn về tự do.
Tài liệu gây tranh cãi nhiều hơn là tông huấn hậu thượng hội đồng về gia đình của Đức Phanxicô, “Niềm vui yêu thương” (“Amoris Laetitia“, năm 2016). Trong tông huấn này, ngài xem xét một loạt chủ đề liên quan đến tình yêu của con người, đồng thời tài liệu này mở ra khả thể cho những người đã ly dị và tái hôn trở lại với các Bí Tích dưới những điều kiện nhất định. Sự nhân nhượng có tính mục vụ ấy đã tạo ra những cuộc tranh luận ầm ĩ nhất: những khẳng định của nhiều người đang sống và thi hành sứ vụ trong các tình huống mục vụ khó khăn và những lời chỉ trích mạnh mẽ từ những người cáo buộc rằng Đức Giáo Hoàng đang mâu thuẫn với Giáo lý của Giáo Hội.
Một sự thay đổi yên ả hơn nhưng gây ấn tượng hơn là những điểm nhấn mới trong “Amoris Laetitia” trên thẩm quyền của vị giám mục địa phương trong việc áp dụng có tính mục vụ về luật của Giáo Hội phổ quát. Các nhà phê bình về việc trao thêm quyền hạn này cho rằng, nó sẽ dẫn đến việc giáo huấn của Giáo Hội ban hành trong thành phố này nhưng không được phổ biến ở thành phố khác, điều này trái với tính phổ quát của Giáo Hội. Nhưng lời chỉ trích này đã lầm lẫn giữa tính phổ quát với tính đồng nhất, một sai lầm chống lại điều Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã đưa ra. Tôn trọng quyền hạn của các cấu trúc địa phương trong Giáo Hội sẽ giúp chúng ta lấy lại ý thức về nền Giáo Hội học của sự hiệp thông trong khi cũng tôn trọng những khác biệt văn hoá.
Bên cạnh những tia sáng đầy hy vọng, cũng có ít nhiều sự thất vọng phủ bóng trong triều đại của ngài. Không tổn thương nào lớn hơn sự phản ứng thất thường của ĐTC Phanxicô đối với vấn đề lạm dụng tính dục trong Giáo Hội, đúng hơn là bởi vì những người đã bị hàng giáo sĩ lạm dụng vốn là một số nạn nhân rõ ràng nhất của nền văn hoá loại trừ mà Đức Phanxicô lên án. Đức Giáo hoàng vừa bổ nhiệm các thành viên mới vào Ủy ban Giáo hoàng về Bảo vệ Trẻ vị thành niên mà ngài đã thiết lập vào năm 2014, bao gồm các đại diện giáo dân, với hy vọng mang lại cho ủy ban một sinh lực mới sau khi các thành viên trước đây nhiều lần phàn nàn rằng, một số quan chức Vatican đã từ chối hợp tác với ủy ban này. Tồi tệ hơn là cuộc khủng hoảng vẫn đang diễn ra của Giáo Hội ở Chilê, nơi Phanxicô đã bảo vệ một giám mục vốn bị buộc tội không báo cáo lạm dụng tính dục mặc dù có bằng chứng rõ ràng về hành động sai trái, thậm chí còn để tố cáo các cáo buộc vu khống của vị giám mục. Dẫu cho Đức Phanxicô đã xin lỗi vì sự thiếu nhạy bén của mình và đã cử một quan chức cao cấp để điều tra những thỉnh cầu này, thì sự tổn thương đối với những tâm hồn đã chịu thương tích và với sự khả tín của Đức Giáo Hoàng vẫn rất lớn.
Công cuộc cải cách Vatican cũng đã lắng xuống mặc dù Đức Phanxicô đã bổ nhiệm một hội đồng hồng y vào năm 2013 với nhiệm vụ duyệt xét lại toàn bộ cơ quan trung ương Tòa Thánh. Rất ít tiến triển công khai được thực hiện để chữa trị văn hoá xơ cứng của Vatican, và nhiều hoạt động của Vatican vẫn còn mờ đục như trước đó. Ecclesia semper reformanda est (tạm dịch: Giáo Hội luôn được canh tân). Một Giáo Hội mở ra cho sứ mạng phải là một Giáo Hội biết lắng nghe những tiếng nói đã bị bỏ qua trong quá khứ dẫn tới những thiệt hại to lớn, trước hết và trên hết là tiếng nói của phụ nữ.
Ở cấp độ ngoại giao và Giáo Hội học, những tuần gần đây, đã mang lại những dấu hiệu hy vọng mới cho Giáo hội Công Giáo ở Trung Quốc. Đức Phanxicô đã tiếp tục công việc đầy tế nhị và khó khăn trong việc thương thảo với chính phủ Trung Quốc để bình thường hoá cuộc sống của Giáo Hội tại quốc gia này. Những động tác gây tranh cãi nhưng thực tế hướng tới một chính sách cùng với chính phủ bổ nhiệm các giám mục đã tăng thêm khả năng đạt được một mục tiêu lâu dài thật đáng mong đợi: một Giáo Hội Công Giáo hợp nhất ở Trung Quốc lần đầu tiên trong 70 năm qua. Cha Matteo Ricci, S.J., hẳn sẽ rất tự hào.
Lời kinh ánh sáng và xế chiều này nói về một vấn đề lớn hơn: đó là mục tiêu cá nhân mà Đức Phanxicô dường như đã đặt ra cho vị trí Giáo Hoàng của mình. Những người phê bình ngài chắc chắn đúng ở điểm này: ngài thực sự mưu cầu “để thay đổi Giáo Hội,” không phải trong những điều cốt yếu, nhưng trong định hướng của Giáo Hội đối với thế giới đương đại. Đức Giáo Hoàng Bênêđictô XVI nhắc nhớ chúng ta rằng Giáo Hội “không phải là danh mục các điều cấm kỵ” phải tuân theo, cũng chẳng phải là một nhóm người ưu tú được cứu. Chúng ta đừng quên rằng, Giáo Hội là sứ mạng của Giáo Hội. Như ĐGH Phanxicô đã phát biểu trước khi mật nghị diễn ra trong đó ngài được bầu, Giáo Haội phải đi ra khỏi chính mình để công bố đầy đủ lời mời gọi tham gia vào sứ mạng cứu độ của Đức Kitô. Năm năm trong triều đại Giáo Hoàng đặc biệt này, sẽ còn có nhiều tiếng vang hơn.
Chuyển ngữ: Joseph Trần Ngọc Huynh, S.J.
(dongten.net 13.03.2018/ Nguồn: americamagazine.org)