Tông đồ giáo dân bạn là ai?

Từ trước đến nay, nhiều người trong chúng ta vẫn nghĩ rằng công việc tông đồ chỉ dành riêng cho hàng giáo phẩm, giáo sĩ, tu sĩ nam nữ, còn giáo dân chỉ biết có đạo, giữ đạo và sống đạo cho riêng mình. Thế là đủ…Tuy nhiên, qua Sắc lệnh Tông đồ Giáo dân (SLTĐGD) năm 1965 thì Hội thánh đã khẳng định rõ ràng là Tông Đồ Giáo Dân là một ơn gọi mà mọi tín hữu đều có nhiệm vụ tham gia vào sứ mạng truyền giáo, thánh hóa và cứu rỗi của Hội thánh.
TÔNG ĐỒ GIÁO DÂN, BẠN LÀ AI

Sắc lệnh trên đã viết như sau: “Trong Giáo hội có nhiều tác vụ khác nhau nhưng đều cùng chung một sứ mệnh. Chúa Kitô đã trao phó cho các Tông đồ và những người kế vị các ngài nhiệm vụ nhân danh và lấy quyền Người mà giảng dạy, thánh hóa và cai quản. Còn phần giáo dân, vì họ tham dự thực sự vào nhiệm vụ tư tế, tiên tri và vương đế của Chúa Kitô, nên họ chu toàn phần việc của mình trong sứ mệnh của toàn dân Thiên Chúa trong Giáo hội và ở giữa trần gian. Giáo dân thực sự thi hành việc tông đồ bằng công việc của mình để rao giảng Phúc Âm và thánh hóa nhân loại, đem tinh thần Phúc Âm thấm nhuần và hoàn hảo hóa những việc thuộc phạm vi trần thế, sao cho công việc của họ thuộc lãnh vực này làm chứng tỏ tường về Chúa Kitô và góp phần vào việc cứu độ nhân loại. Vì bản chất riêng biệt của người giáo dân là sống giữa đời và làm việc đời nên chính họ được Thiên Chúa mời gọi để một khi tràn đầy tinh thần Kitô giáo, họ làm việc tông đồ giữa đời như men trong bột.” (x.SL TĐGD, Ch.I, số 2).

* Ki tô hữu: không chỉ “làm giáo dân”!

Cách đây hơn 50 năm, Công Đồng Vat.II đã chỉ rõ: “Nhiệm vụ cao cả của mọi giáo dân là làm cho ý định cứu độ của Thiên Chúa ngày càng lan tới tất cả mọi người ở mọi nơi và mọi thời đại. Vì thế, khắp nơi phải mở đường cho họ tích cực tham gia vào công cuộc cứu độ của Giáo hội, tùy sức lực của họ và tùy nhu cầu của thời đại” (x.Vat.II, LG 33).

Vậy rõ ràng là người tín hữu không chỉ lo có đạo, giữ đạo cho riêng mình mà họ còn có nghĩa vụ và bổn phận “tham gia vào công cuộc cứu độ của Giáo Hội” nữa. Và khi tham gia như thế họ không chỉ “làm giáo dân” mà còn là “người tông đồ, là nhà truyền giáo, là sứ giả Tin Mừng Đức Kitô” nữa…

Mặt khác, Hội thánh cũng đã từng khẳng định: “Tất cả các phần tử của Hội thánh mỗi người một cách đều được sai đi. ‘Ơn gọi Ki tô hữu tự bản chất cũng là ơn gọi làm tông đồ’. Mọi hoạt động của Nhiệm Thể nhằm làm cho Nước Đức Kitô rộng mở trên khắp hoàn cầu được gọi là ‘việc tông đồ’.” (x. Giáo lý Hội thánh CG, số 863).

Có thể nói rằng mỗi người giáo dân đều mang trong mình căn tính của một tông đồ, nghĩa là khi lãnh nhận bí tích thanh tẩy, họ được tháp nhập vào Nhiệm thể Chúa Kitô, đồng thời mang lấy sứ mệnh của người được sai đi. Vai trò và nhiệm vụ của họ đã được SLTĐGD minh định như sau: “Vậy việc tông đồ của Giáo Hội và của tất cả các chi thể trong Giáo Hội trước hết nhằm loan báo sứ điệp của Chúa Kitô bằng lời nói, việc làm và nhằm chuyển thông ân sủng của Người cho trần gian. Công việc này được thực hiện chính là do tác vụ giảng lời Chúa và ban các bí tích, đặc biệt được trao phó cho hàng giáo sĩ, trong tác vụ đó, cả giáo dân cũng phải hoàn tất phần quan trọng của mình để trở nên “những kẻ hợp tác với chân lý” (3 Gio 8). Nhất là trong lãnh vực này, việc tông đồ giáo dân và tác vụ chủ chăn bổ túc cho nhau.” (x. SLTĐGD số 6).

Vậy có thể khẳng định một lần nữa là người Kitô hữu không chỉ làm giáo dân mà còn là tông đồ được Chúa sai đến mọi người để loan báo Tin Mừng, để làm chứng nhân cho Chúa Kitô chết và sống lại, để làm cho nhiều người được biết và yêu mến Chúa. Đó là nhiệm vụ Truyền Giáo. Như lời thánh Phao lô khuyến cáo các tín hữu: “Thật khốn cho tôi nếu tôi không rao giảng Phúc Âm.” (1Cor 9,16).

Từ những nhận thức trên, chúng ta có thể khẳng định một điều là không có người giáo dân làm tông đồ thì Hội thánh khó hoàn thành nhiệm vụ truyền giáo và cứu rỗi của mình. Chính vì lý do đó, Công đồng Vat.II đã khẳng định rõ ràng: “Giáo dân được đặc biệt kêu mời làm cho Giáo hội hiện diện và hoạt động nơi mà trong những hoàn cảnh mà nếu không có họ thì Giáo hội sẽ không trở thành muối của trần gian…”, và “Nhiệm vụ cao cả của mọi giáo dân là làm cho ý định cứu độ của Thiên Chúa ngày càng lan tới tất cả mọi người ở mọi nơi và mọi thời đại.” (x. Vat.II LG 33).

* Thử phác họa chân dung của người tông đồ giáo dân

Để có thể phác họa vài nét chính yếu về chân dung người tông đồ giáo dân, không gì hơn là chúng ta cùng chiêm ngắm cuộc đời và chân dung Đức Maria, người nữ tín hữu đầu tiên của Hội thánh Chúa Kitô. Chân dung đó có những nét nổi bật như là: – Khiêm tốn vâng phục thánh ý Chúa, – Tích cực đồng hành với Chúa trong mọi sự, và – Sẵn sàng cộng tác vào công trình cứu độ của Chúa Kitô.

– Vâng phục đón nhận và thực thi ơn gọi Kitô hữu.

Trong câu chuyện sứ thần truyền tin cho Đức Maria (x. Lc 1,26-38), chúng ta nhận ra thái độ của Mẹ lúc đó chỉ gói gọn trong hai chữ “Xin vâng!”, “Vâng, tôi đây là nữ tỳ của Chúa, xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần nói.” (Lc 1,38). Sau những hoài nghi, thắc mắc, cuối cùng Mẹ đã đón nhận thánh ý Thiên Chúa với tấm lòng chân thành và thái độ khiêm tốn sâu thẳm. “Xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần nói…”, Đức Mẹ đã hoan hỉ và dũng cảm đưa hai tay đón nhận thánh ý Chúa cho mình. Chính thái độ vâng phục đó đã giúp Mẹ đi vào lộ trình cứu độ của Thiên Chúa một cách hoàn hảo nhất.

Ơn gọi Kitô hữu cũng là ơn gọi làm tông đồ. Khi lãnh nhận bí tích rửa tội, chúng ta trở thành con cái Thiên Chúa, trở thành chi thể trong nhiệm thể Chúa Kitô và chúng ta được kêu gọi làm tông đồ của Chúa. Nghĩa là, như Đức Maria, chúng ta được mời gọi đi vào lộ trình cứu chuộc của Chúa Ki tô. Nếu chúng ta không chấp nhận hay tỏ ra lơ là dửng dưng công việc đó, chúng ta sẽ không còn giữ được căn tính Kitô hữu của mình nũa. Người tông đồ giáo dân trước hết và trên hết là người biết lắng nghe tiếng Chúa mời gọi và vâng phục thi hành những đòi hỏi của ơn gọi đã lãnh nhận từ lúc chịu phép Thánh Tẩy.

– Tích cực đồng hành với Chúa trong mọi hoàn cảnh.

Như chúng ta đều biết, Đức Maria đã cùng với Chúa Giêsu và các môn đệ có mặt tại tiệc cưới Cana (x.Ga 2, 1-12). Khi tiệc cưới sắp hết rượu, người ta đã nhờ Đức Maria can thiệp để có thêm rượu. Mẹ đã can thiệp ngay. Mẹ nói với Chúa: “Họ hết rượu rồi”. Lúc đó Chúa không từ chối giúp, trái lại Ngài sai bảo các gia nhân tiệc cưới làm theo lệnh truyền của Ngài. Chính Chúa làm dấu lạ còn Đức Maria chỉ là người can thiệp và đề nghị Chúa giúp. Đức Maria đã đồng hành với Chúa để giúp đỡ con người.

Trong công cuộc tông đồ, người tín hữu không lẻ loi độc hành, trái lại họ có Chúa và các tín hữu khác cùng đồng hành. Sự hiện của tông đồ giáo dân trong các môi trường truyền giáo là cần thiết, nhưng chúng ta đừng quên là chúng ta đồng hành với Chúa nhưng điều đó chưa phải là yếu tố quyết định. Trái lại, chúng ta phải hướng mọi công việc theo ý Thiên Chúa, vì chính Chúa làm tất cả. Trong công cuộc truyền giáo, chính Chúa là đấng khởi xướng và kết thúc tất cả. Chúng ta không nên quá quan tâm đến sự thành công hay thất bại vì như trong tiệc cưới Cana, Đức Maria tin tưởng vào quyền năng và tình thương của Chúa. Đối với Mẹ, sự hiện diện của Chúa là yếu tố đủ để quyết định mọi vấn đề…

– Sẵn sàng cộng tác vào công cuộc cứu độ của Chúa Kitô trong Hội thánh và trên thế giới.

Đâu đó trên khắp thế giới, nhất là trong khung cảnh tôn giáo, người ta vẫn thường đặt tượng Đức Mẹ Sầu Bi (La Pietà) của thiên tài Michelangelo mô phỏng lại cảnh sau khi người ta tháo xác Chúa bị đóng đinh xuống, Mẹ đã đón lấy, ẵm Con vào lòng. Ngoài kiệt tác về nghệ thuật, bức tượng còn nhắc người ta về sự đồng chịu khổ nạn của Đức Maria trong cuộc thương khó, khổ nạn của Chúa Kitô nói riêng và trong suốt cuộc đời làm Mẹ Chúa Cứu Thế nói chung.

Thánh Gioan Tông đồ, trong tường thuật giờ phút cuối cùng của Chúa trước khi Ngài tắt hơi thở trên thập giá, cũng nhắc đến sự hiện diện của Đức Maria, cùng với một vài môn đệ thân tín của Chúa (x. Ga 19, 25-27). Đức Mẹ im lặng, tâm hồn đau đớn, như thấu cảm những đau khổ tột cùng của Con mình trong giây phút cao điểm nhất của cuộc khổ nạn. Đức Mẹ biết rằng những những khổ đau của Con mình là cái giá để cứu chuộc nhân loại. Và sự đồng-cam-cộng-khổ của Mẹ trong cuộc thương khó và khổ nạn của Chúa lúc này cũng có giá trị cứu độ đặc biệt.

Khi làm việc tông đồ, người tín hữu không thể không phải chịu đau khổ, vất vả, lao nhọc, kể cả phải hy sinh mạng sống vv. Đó là nét đặc trưng của công cuộc cứu độ của Thiên Chúa, vì nếu hạt lúa không chết đi thì nó sẽ không sinh hoa trái…Khi làm việc tông đồ, giáo dân chúng ta không tìm ý riêng của mình, không ham mê danh lợi trần gian, không vênh vang tự hào về những công đức của mình, không háo thắng tự đắc tự kiêu. Trái lại họ khiêm tốn thực thi những lệnh truyền của Chúa vì họ tâm niệm rằng đây là công việc của Chúa, mỗi người tông đồ chỉ là công cụ của Ngài, như lời thánh Gioan Tẩy-giả nói với môn đồ: “Người phải nổi bật lên, còn thầy phải lu mờ đi.” (Ga 3, 30)./.

. . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . .

Ngày thế giới cầu nguyện cho việc Truyền Giáo 22-10-2017

Aug. Trần Cao Khải