Cùng với Internet thì điện thoại di động cũng là một trong những thành tựu truyền thông mang tính đột phá trong xã hội văn minh. Không ai có thể phủ nhận tính năng ưu việt của chiếc điện thoại di động về sự tiện lợi khi người ta có thể dùng mọi lúc, mọi nơi, giúp con người trao đổi thông tin một cách gián tiếp nhưng vẫn đảm bảo được việc truyền tải thông điệp khi giao tiếp.
Lời bàn
Trong khuôn khồ bài viết này, chỉ bàn đến hành vi sử dụng điện thoại khi tham dự Thánh lễ hay tham dự các Nghi thức Công giáo. Xin gọi chung là tham dự Thánh lễ. Qua đó, thảo luận về thái độ của người sử dụng điện thoại di động khi đến nhà thờ từ những góc nhìn về hành vi và văn hóa.
• Thứ nhất, người sử dụng điện thoại di động để điện thoại ở nhà, tắt nguồn hoặc điều chỉnh điện thoại của mình ở chế độ im lặng khi tham dự Thánh lễ:
Nhóm hành vi này thể hiện mức độ văn hóa ứng xử của người sử dụng điện thoại rất cao, được xem là kỹ năng ứng xử đúng mực với mọi người chung quanh, họ đã tự làm đẹp thêm hình ảnh của chính mình khi tôn trọng mọi người trong không gian tôn giáo – một không gian mà sự tĩnh lặng luôn là một tiêu chí được quan tâm hàng đầu.
Khi người sử dụng điều chỉnh điện thoại ở chế độ im lặng trong lúc tham dự Thánh lễ thì từ máy của mình, họ vẫn tiếp nhận được 100% những nguồn thông tin như cuộc gọi nhỡ, tin nhắn và họ có thể kiểm tra lại ngay sau Thánh lễ, sau đó nếu cần thiết thì họ sẽ xử lý những thông tin cá nhân của mình.
• Thứ hai, người sử dụng điện thoại di động điều chỉnh điện thoại ở chế độ rung khi tham dự Thánh lễ:
Thoạt nhiên, tưởng chừng như hành vi này là hành vi có ý thức. Tức là người sử dụng điện thoại di động nhận thức được rằng khi vào nhà thờ thì không nên để âm thanh điện thoại. Tuy nhiên, khi chúng ta xem xét hành vi này ở hai cấp độ khác nhau thì hành vi này có thể được xem là hành vi vừa có ý thức vừa thiếu ý thức:
– Cấp độ thứ nhất, khi có tín hiệu, máy điện thoại báo rung nhưng chủ máy không trả lời. Đây cũng có thể được xem là hành vi khá tích cực vì không làm ảnh hưởng đến những người xung quanh khi tham dự Thánh lễ. Tuy nhiên, khi máy báo rung sẽ làm cho chính bản thân họ bị phân tâm trong Thánh lễ.
– Cấp độ thứ hai, khi có tín hiệu đến, máy điện thoại báo rung và chủ máy trả lời theo những cách thường thấy là nhắn tin phản hồi, trả lời trực tiếp với giọng “nho nhỏ” hoặc ra ngoài nhà thờ để nghe. Hành vi này sẽ gây ra sự chú ý cho những người xung quanh và gây tác động đến sự nghiêm trang trong nhà thờ.
• Thứ ba, người sử dụng điện thoại di động để điện thoại ở chế độ bình thường khi tham dự Thánh lễ:
Hành vi này tất nhiên bị xem là hành vi thiếu ý thức. Việc để điện thoại ở chế độ bình thường khi tham dự Thánh lễ rất dễ gây ra sự phiền phức cho mọi người xung quanh. Âm thanh của chiếc điện thoại của ai đó bất chợt vang lên sẽ làm cho không gian chung trong nhà thờ bị ảnh hưởng, phá vỡ sự trang nghiêm và những người đang dự lễ bị phân tâm do tập trung chú ý vào chủ nhân của chiếc điện thoại đang đổ chuông, từ đó sẽ làm cho không khí của Thánh lễ thiếu đi sự nghiêm trang cần thiết.
Những cảnh huống thực tế mà người ta có thể chứng kiến trong nhà thờ khi chiếc điện thoại của ai đó đổ chuông:
– Có những người tỏ ra rất bình tĩnh dập máy nhưng lại không tắt nguồn và không lâu sau đó điện thoại của họ lại tiếp tục đổ chuông.
– Có những người nghe máy và trả lời tại chỗ hoặc bước ra khỏi nhà thờ để nghe máy.
– Có những người dập máy, sau đó nhắn tin phản hồi.
– Hoặc có những người do kỹ năng sử dụng máy chưa thành thạo, nhất là dòng điện thoại cảm ứng nên bị động ở trạng thái lúng túng gây ra sự chia trí cho mọi người.
Và tất cả những hành vi nêu trên sẽ gây ra ” hội chứng đám đông” mà biểu hiện bằng những lời xầm xì hay những cái nhìn ngao ngán của những người chung quanh.
Cho dù người sử dụng điện thoại trong nhà thờ có cách thức hành xử hoặc cố gắng biện minh về hành vi của mình như thế nào đi chăng nữa thì tựu trung, tất cả đều là những hành vi phản cảm mà thôi.
Chia sẻ
Với người Công giáo, Nhà thờ và những Thánh Tượng là biểu trưng của sự thiêng liêng nhất trong mỗi cộng đoàn giáo xứ, là nơi mọi người tề tựu tham dự việc cử hành các nghi lễ thờ phượng Thiên Chúa. Do đó, sự trang nghiêm luôn là yếu tố đã được mặc định và nằm lòng trong mỗi giáo dân.
Quan điểm xã hội học cho rằng mỗi người là độc nhất vô nhị, là những cá thể khác biệt, không ai giống ai và xã hội luôn tồn tại dựa trên sự khác biệt đó. Dựa trên cơ sở lý luận này thì tôi, bạn và tất cả chúng ta luôn là sự khác biệt. Tuy nhiên, dù có lý luận theo cách nào đi nữa thì sự thật hiển nhiên là khi chúng ta đã là những tín hữu Công giáo thì chúng ta đều có một vị Cha chung duy nhất, là Thiên Chúa của chúng ta – Ngài là suối nguồn tình yêu và chúng ta cùng sống trong một cộng đoàn thờ phượng Ngài.
Hành vi con người được hiểu như là một yếu tố mang tính xã hội và được hình thành trong quá trình hoạt động sống và hoạt động giao tiếp của con người. Như vậy, hành vi con người hoàn toàn có thể thay đổi được. Chúng ta chẳng ai là người hoàn thiện, và mỗi người trong chúng ta không ít thì nhiều luôn tồn tại những hành vi tiêu cực cần thay đổi để bản thân mỗi người chúng ta được trở nên tích cực hơn mà cụ thể như việc “chúng ta hãy nói không với hành vi sử dụng điện thoại trong nhà thờ”. Nếu trong một lúc nào đó, tôi hoặc bạn cần chờ đợi một thông tin quan trọng cho mình thì trước khi bước vào nhà thờ, chúng ta hãy điều chỉnh chiếc điện thoại của mình ở trạng thái im lặng, vì thời gian Thánh lễ cũng chỉ khoảng một giờ đồng hồ mà thôi! Có thể rằng, mỗi tuần chúng ta cũng chỉ đến với Chúa một giờ đồng hồ, thế nên chúng ta còn quá nhiều thời gian với chiếc điện thoại di động của mình! Thiết nghĩ, việc tận hưởng bầu khí thiêng liêng một cách trọn vẹn trong một giờ với Chúa sẽ là điều thiết thân của mỗi người chúng ta.
Một hành động quá dễ để chúng ta nhấc điện thoại lên nghe. Thế nhưng chúng ta lại quên mất rằng, chúng ta đang nghe điện thoại ở đâu?
Sự chuẩn mực về một lĩnh vực nào đó trong đời sống xã hội vẫn luôn có những quy tắc và văn hóa ứng xử chung. Không ngoại lệ, môi trường tôn giáo cũng như vậy, thậm chí sự chuẩn mực trong đời sống Giáo hội có những lúc đòi hỏi chúng ta cần phải hy sinh nhiều hơn và chúng ta tin rằng, chẳng ai có thể đánh giá sai về chúng ta khi chúng ta chưa nghe điện thoại, hoặc khi chúng ta chưa kịp nhắn tin phản hồi.
Vậy thì, bạn và tôi và chúng ta hãy cùng nhau cầu nguyện để xin Chúa cho mình biết hy sinh quảng đại và nhận thức được rằng, chiếc điện thoại di động chỉ là phương tiện chứ không phải là cứu cánh. Thiếu chiếc điện thoại di động, chúng ta vẫn có thể sống một cách bình thường nhưng thiếu Chúa e rằng sẽ là nỗi bất hạnh nơi mỗi người chúng ta.
Bạn và tôi hãy cùng nhau thực hiện thao tác tắt nguồn hay điều chỉnh chiếc điện thoại của mình ở trạng thái im lặng trước khi bước vào nhà thờ. Hành vi này tưởng chừng quá đơn giản nhưng lại là động lực lớn lao góp phần tạo ra một không gian tôn giáo trang nghiêm, sùng kính.
Chúng ta sẽ cùng nhau thực hiện bạn nhé!
Jos Nguyễn Mừng