Người đứng đầu văn phòng giáo lý của Vatican đã bày tỏ sự không đồng tình với bốn Hồng Y, những vị đã trình một bức thư ngỏ với Đức Giáo Hoàng Phanxicô, nêu thắc mắc về Tông huấn Niềm Vui Yêu Thương (Amoris Laetitia); ngài nói rằng tài liệu này hoàn toàn phù hợp với giáo huấn của Giáo Hội.
Đức Hồng Y Gerhard Muller, người đứng đầu Bộ Giáo Lý Đức Tin của Tòa Thánh, cũng nói thêm rằng ngài thấy “ngạc nhiên” khi các Hồng Y chọn công khai thực hiện một cuộc thách thức như thế đối với Giáo Hoàng.
Hồng Y Muller đã chia sẻ vào tối Chủ Nhật trong một cuộc phỏng vấn với kênh truyền hình Ý Tgcom24: “Ai cũng có quyền viết thư cho Đức Giáo Hoàng, hầu hết tất cả các Hồng Y của Giáo Hội Rôma.“ “Tuy nhiên, điều làm tôi ngạc nhiên là bức thư đã được thực hiện công khai, cố gắng buộc Đức Giáo Hoàng nói có hoặc không. Tôi không thích điều này.”
“Nó làm tổn hại đến Giáo Hội để phải nói những điều này cách công khai,“ Đức Hồng Y tiếp tục. Giáo lý trong Tông Huấn Niềm Vui Yêu Thương rất rõ ràng, và chúng ta có thể đọc thấy nơi nó trọn vẹn giáo lý của Chúa Giêsu về hôn nhân, cũng như tất cả giáo lý của Giáo Hội trong lịch sử 2000 năm của mình.”
Hồng Y Muller cho biết Đức Thánh Cha yêu cầu Giáo Hội “nhận định trường hợp của những người sống trong sự kết hợp bất thường … và giúp đỡ những người này tìm ra cách thế nhằm có được sự hòa nhập mới trong Giáo Hội theo những điều kiện để lãnh các Bí Tích.”
Đức Hồng Y nói: “Tôi không nhận thấy bất cứ sự trái ngược nào.“ “Một mặt, chúng ta có giáo lý rõ ràng về hôn nhân, mặt khác Giáo Hội cũng có nghĩa vụ phải lo lắng cho những người đang đối mặt với khó khăn.”
Hồng Y Muller đã trả lời trong cuộc phỏng vấn hôm Chủ Nhật liên quan đến bức thư tháng Mười Một từ bốn Hồng Y bán nghỉ hưu, những vị đã đặt ra cho Đức Phanxicô năm câu hỏi có hoặc không về việc ngài hiểu giáo huấn Giáo Hội như thế nào sau khi công bố Tông Huấn Niềm Vui Yêu Thương.
Bốn Giám Mục ký vào bức thư là: Carlo Caffarra, nguyên Tổng Giám Mục giáo phận Bologna; Raymond Burke, vị đứng đầu Dòng Malta; Walter Brandmüller; nguyên chủ tịch Ủy ban Giáo hoàng về Khoa học Lịch sử; và Joachim Meisner, nguyên Tổng Giám Mục giáo phận Cologne.
Trong thời gian kể từ khi công bố bức thư, hai vị Burke và Brandmuller đã nói rằng nếu Đức Giáo Hoàng tiếp tục không hồi ứng yêu cầu của họ, họ có thể cố gắng theo đuổi việc ban hành một số loại “chỉnh sửa chính thức” đối với Giáo Hoàng. Hiện chưa rõ làm thế nào hay với quyền nào họ sẽ ban hành một sự chỉnh sửa như thế.
Ngài Muller thẳng thừng phản ứng lại khả thể đó. “Một sự chỉnh sửa cho Giáo Hoàng thời điểm này là bất khả, vì chẳng có nguy hiểm nào với đức tin”, Hồng Y bộ trưởng giáo lý nói.
(Joshua J. McElwee, ncronline.org
/ Minh Vương, S.J. chuyển ngữ dongten.net 10.01.2017)