Nhiều Kitô hữu, nhất là một số vị viết về Tin Mừng Phục Sinh của Chúa Giêsu đều nghĩ rằng chính bà Maria Mađalêna là ”người đầu tiên thấy” Chúa sống lại.
Các vị ấy xác tín như thế vì ”họ” căn cứ vào câu 9, đoạn 16 của Thánh Máccô như sau: ”Sống lại lúc tảng sáng của ngày thứ nhất trong tuần, Ngài hiện ra trước tiên với Maria Magđala là người đã được Ngài trừ cho khỏi bảy con quỉ.”
Tuy nhiên, Tin Mừng theo Thánh Mathêô 28, 1-10 thì lại khác: ”Vãn ngày Hưu Lễ: rạng ngày thứ nhất trong tuần, Maria người Magđala và Maria khác đến xem mồ. Và này xảy ra là động đất lớn: vìthiên thần Chúa tự trời xuống, tiến đến lăn viên đá đi, rồi ngồi lên đó: dáng người như chớp, và áo trắng như tuyết. Vì khiếp sợ, quân canh run rẩy và ra như chết. Nhưng thiên thần bảo các phụ nữ: “Đừng sợ! Vì ta biết các người tìm Giêsu đã bị đóng đinh vào thập giá! Ngài không có đây vì đã sống lại như Lời Ngài phán. Hãy đến mà xem chỗ đã đặt Ngài, và mau đi báo cho môn đồ của Ngài: Ngài đã sống lại từ cõi chết! Và Ngài đi trước các người tới Galilê. Ở đó, các người sẽ thấy Ngài. Ðó, ta đã nói cho các người.” Vội vàng bước ra khỏi mồ, vừa sợ, vừa rất vui mừng, họ chạy đi báo tin cho môn đồ của Ngài. Và này, Chúa Giêsu đến đón các bà và nói: “Chào các con!” Họ tiến lại để ôm chân Ngài và phục lạy Ngài. Bấy giờ, Chúa Giêsu nói với họ: “Ðừng sợ! Hãy đi báo tin cho anh em Ta là họ phải đi Galilê: nơi ấy, họ mới thấy Ta.”
Như vậy, cắn cứ vào đoạn Tin Mừng trên đây, Maria Mađalêna không phải là người duy nhất đầu tiên ”thấy” Chúa Phục Sinh! Thiên thần tự Trời xuống, lăn hòn đá đậy mồ sang một bên không phải để Chúa ra khỏi nơi ấy bởi vì Ngài chẳng bị vật chất nào cản trở được như đoạn Tin Mừng theo Thánh Gioan 20,19 là bằng chứng: ”Vào lúc xế chiều hôm ấy, ngày thứ nhất trong tuần, nơi ở của các môn đồ, các cửa đều đóng kín vì sợ người Do Thái. Chúa Giêsu đến, đứng giữa họ và nói: “Bình an cho các con!” Thiên thần mở cửa mồ là để các bà thấy nó trống ngõ hầu tin rằng Chúa đã sống lại. Xin dẫn chứng thêm Tin Mừng theo Thánh Gioan 20, 11: ”Bà Maria đứng ở ngoài, gần bên mộ, mà khóc. Bà vừa khóc, vừa cúi xuống nhìn vào trong mộ thì thấy hai thiên thần mặc áo trắng, ngồi ở nơi đã đặt thi hài của Chúa Giêsu, một vị ở phía đầu, một vị ở phía chân.”
Linh mục Nguyễn Thế Thuấn dịch đoạn khác thế này: ”Maria đứng sát bên mộ, phía ngoài mà khóc. Khóc lóc, bà cúi nhìn vào mộ, và thấy hai thiên thần ngồi, áo trắng xóa, một người đàng đầu, một người đàng chân, nơi đã đặt xác Chúa Giêsu.” Cha Thuấn dùng chữ ”người” bởi vì, dù là thọ tạo vô hình, khi hiện ra, hai thiên thần đã mặc lấy ”hình dáng người” để cho bà Maria Mađalêna trông thấy mình. Còn theo Thánh Luca 24,9 thì có ít nhất là năm bà đi viếng mộ, trở về. Vậy, giải thích sao đây lời xác tín của Giáo Hội qua câu trong kinh cầu: ”Chúa Giêsu sống lại trước hết đi viếng Đức Mẹ.” ? Tôi xin dẫn chứng các sự kiện ”thấy; hiện ra; viếng” như sau:
1. Ai ”thấy” trước?
a. Thiên Chúa Cha:
Sách Tông Đồ Công Vụ 13,32-33 ghi lời chứng của Thánh Phaolô: ”Còn chúng tôi, chúng tôi loan báo cho anh em Tin Mừng này: Điều Thiên Chúa hứa với cha ông chúng ta thì Ngài đã thực hiện cho chúng ta là con cháu của các ngài khi Thiên Chúa cho Giêsu sống lại đúng như đã chép trong Thánh Vịnh 2: Con là Con của Cha, ngày hôm nay, chính Cha đã sinh ra Con.” Trạng từ ”ngày hôm nay” có nghĩa là Biến Cố Phục Sinh của Chúa Cứu Thế và cho những ai tin vào Ngài, tức là không còn chết trong tội lỗi, mà sống lại với Chúa đã chiến thắng sự chết!
Thiên Chúa Thánh Linh:
Thánh Thư gởi Tín Hữu Roma 8,11 viết: ”Nếu Thần Khí của Ðấng đã cho Giêsu sống lại từ cõi chết cư ngụ trong anh em thì Ðấng đã cho Giêsu sống lại từ cõi chết cũng sẽ tác sinh thân xác chết dở của anh em, nhờ bởi Thần Khí của Ngài cư ngụ trong anh em.”
c. Chúa Giêsu:
Thánh Danh Giêsu có nghĩa là ”Thiên Chúa Cứu Rỗi”! Cho nên, Ngài đã thấy ”trước định kỳ” Tác Phẩm Phục Sinh của Ngài như trong Tin Mừng theo Thánh Gioan 2,19: “Phá Ðền thờ này đi và, trong ba ngày, Ta sẽ dựng lại!” (Xin xem thêm: Mathêô 12,40 và 16,21; Gioan 10,17 và 16,16-23) Ngoài ra, với Mácta, em của Ladarô đã chết, Ngài phán thế này: ”Ta là sự sống lại và là sự sống.”Là ”sự sống lại và là sự sống”, dù mang thêm ”bản tính loài người”, chẳng lẽ Chúa Giêsu không tự ”thấy” mình sống lại hay sao? Tác giả ”phàm nhân”, bị giới hạn bởi không gian và thời gian, mà còn ”thấy” được tác phẩm của mình thì huống chi là Thiên Chúa! Như vậy, những ”Vị đầu tiên thấy Xác Chúa Giêsu sống lại” là cả Thiên Đình gồm có Thiên Chúa Ba Ngôi (Tam Vị), Đạo Binh Thiên Quốc, các Thánh nói chung, tính luôn ”người trộm lành” mà Chúa đã hứa Nước Trời! Ngoài ra, đương nhiên Satan cũng thấy được Chúa Phục Sinh đã đè đầu Vương Quyền Hỏa Ngục, chưa nói đến ”công dân” của nó nơi ấy!
Hiện ra
Chúa củng cố đức tin của bà Maria Mađalêna đại diện chúng ta đã được trừ quỷ qua ”Ơn đầu tiên” là ”Chúa Phục Sinh” thì mới có Phép Rửa Tội…Theo Philippe Devoucoux, chữ ”trước tiên” (d’abord) mà Thánh Máccô dùng là do từ “beulah” (araméen) cũng có nghĩa ”bà, phụ nữ bị quỷ ám”! Chúa cũng rất thương những tên lý hình vì, trước khi tắt hơi, Ngài đã nói với Cha như sau:”Xin Cha tha thứ cho họ vì họ không hiểu việc họ đã làm.” Như vậy, suy cho cùng, chính Chúa Giêsu đã cho lính canh được ”trông thấy trước các bà” Biến Cố Ngài phục sinh ngõ hầu kẻ ác mở mắt đức tin.
3. Viếng
”Viếng” có nghĩa là ”thăm, thăm hỏi” để biết và quan tâm đến tình hình của người mà Chúa thương mến như trong kinh cầu: ”Chúa Giêsu thương hết người thế.” Khi mới lên mười hai tuổi, Chúa đã ”viếng” hàng Tấn Sỹ (bậc Thầy) Do Thái ở Đền Thờ Giêrusalem để giảng giải cho họ về Kinh Thánh. Trong thời gian rao giảng Tin Mừng, ngài đã ”viếng” đủ hạng người bằng giáo huấn, bằng phép lạ. Đặc biệt phường tội lỗi là đối tượng cho Ngài ”tiếp xúc” để hoán cải họ. Người đàn bà bên giếng Gia-cóp, phụ nữ ngoại tình là hai trong nhiều bằng chứng. Ngài cũng ”viếng” Mẹ Maria để cùng Mẹ đi dự tiệc cưới ở Cana bởi vì, trong dịp ấy, chính Mẹ là Đấng cầu bàu cho nhân loại bằng câu: ”Con ơi, nhà này hết rượu!”, tức là gia đình, nền móng của xã hội, rất cần Ơn Chúa! Thánh Luca kết luận về ý nghĩa của phép lạ như sau: ”Chúa Giêsu làm dấu lạ đầu tiên này tại Cana miền Galilê và tỏ vinh quang của Ngài và môn đệ đã tin vào Ngài.”
Như vậy, Mẹ là gương mẫu của Đức Tin, Cậy, Mến. Cho nên, Mẹ không phải là ”đối tượng” để Chúa thuyết phục hay củng cố ba Đức vừa nêu! Theo lệnh của Thiên Chúa, sứ thần Gabriel đã đến ”viếng Mẹ” và thưa cùng Mẹ như sau: ”Hãy vui lên, hỡi Hồng Phúc. Thiên Chúa ở cùng cô.”Sau khi hiểu rõ rằng Thai Nhi tương lai là bởi phép của Thánh Linh để Trẻ Giêsu sẽ là Đấng cứu dân khỏi tội, Mẹ mới xin vâng! Thế là Thiên Chúa Ba Ngôi liền ”viếng Mẹ”, nói đúng hơn là chọn Mẹ làm Đền Thờ cho Thiên Chúa ngự, chứ không chỉ ”viếng” đơn thuần. Rõ ràng thiên sứ đã thưa với Mẹ thế này: “Thánh Thần sẽ ngự xuống trên cô, và quyền năng Ðấng Tối Cao sẽ rợp bóng trên cô. Vì thế, người con sinh ra sẽ là thánh, và được gọi là Con Thiên Chúa.” (Cả Ba Ngôi đến với Mẹ không chỉ một thoáng, mà trong suốt đời của Mẹ ở dương thế, từ ngày Mẹ được làm Mẹ Thiên Chúa Ngôi Hai!)
Câu chào ”Chúa ở cùng cô” bằng tiếng Pháp, Anh… được dùng ở ”thì hiện tại, thể khẳng định” với nghĩa là ”mãi mãi” khiến Trinh Nữ bối rối và tự hỏi lời chào như vậy có nghĩa gì! Đó là lời báo trước rằng Trinh Nữ sẽ làm Mẹ Đấng Cứu Thế! Vậy thì, dù chưa sống lại, Chúa Giêsu vẫn ở với Mẹ. Cho nên, khái niệm ”viếng” không có nghĩa trong trường hợp vừa nêu. Tuy nhiên, xét về Tình Mẫu Tử, về Giới Răn thứ bốn, Chúa Giêsu không thể bất hiếu với Đấng sinh thành, nuôi dưỡng, nhất là đứng kề Thánh Giá để tế sống Con Yêu Dấu, dâng Ngài lên Cha Thiên Đình. Ai biết được Chúa đã nói với Mẹ thế nào về Sự Phục Sinh? Ai hay được hai Mẹ-Con đã gặp nhau vào giây phút nào ngay khi Chúa ra khỏi mồ? Xin đừng ”vì chẳng kiếm ra câu nào trong Kinh Thánh về việc đã nêu” mà vội vã nói rằng Chúa Giêsu không ”viếng” Mẹ sau khi Ngài vừa mới sống lại!!! Có vài điều do Mẹ kể ra, như nội dung Truyền Tin, thì Thánh Sử Gia Luca mới có bằng chứng để mà ghi lại. Nhưng, với đức khiêm nhượng, Mẹ đâu cho biết những gì đã ”diễn ra” trong ba mươi năm tại Thánh Gia Thất, trong ba năm Chúa đi rao giảng Tin Mừng. Ai biết được Chúa đã về thăm Mẹ bao nhiêu lần trong thời gian ấy và trong thời gian từ hôm Chúa sống lại cho đến ngày Ngài lên Trời?
Người đời còn biết tôn kính Cha-Mẹ, huống chi Chúa Giêsu là Ánh Sáng Thế Gian! Ngày xưa, trên đường đi thi để đậu Trạng Nguyên mà ra làm quan, được hung tín là Cha hay Mẹ đã từ trần, nhiều thí sinh phải trở về nhà lập tức, không cần danh vọng bởi vì chữ ”hiếu” quan trọng hơn cả. Trong thư kính gởi Thân Sinh của mình, Đức Cố Giáo Hoàng Gioan XXIII viết thế này: ”Thưa Thầy Mẹ, hôm nay, con được năm mươi tuổi, Chúa thương ban cho con nhiều chức trong Hội Thánh, đi nhiều nơi, học nhiều sách, nhưng không trường nào dạy dỗ con, làm ích cho con hơn hồi con được ngồi bên Thầy Mẹ.” (Trích từ ”Đường Hy Vọng” của Đức Cố Hồng Y Nguyễn Văn Thuận, phần ”Gia Đình”, câu 505.) Là Đấng Toàn Tri, khi đã làm người như chúng ta, Chúa Giêsu cũng yêu mến, vâng phục Mẹ và Dưỡng Phụ của Ngài như sau: ”Và Ngài xuống cùng với cha mẹ, trở về Nadarét và hằng vâng phục các ngài. Còn mẹ Ngài thì giữ kín tất cả những điều ấy trong lòng.” Có ai hay rằng Chúa đã nói riêng với Mẹ như thế, như kia, chẳng hạn: ”Mẹ ơi, xin Mẹ đừng buồn bởi vì con sẽ sống lại vào sáng ngày thứ ba. Con sẽ về thăm Mẹ trước khi tỏ mình ra cho môn đệ của con….”
Tôi tán thành lời xác tín của Giáo Hội rằng ”Chúa Giêsu sống lại trước hết đi viếng Đức Mẹ.” Đúng như thế, cho nên Mẹ không cần vội vã chạy ra mồ chờ Con Yêu Dấu trỗi dậy. Tông đồ Gioan đã rước Mẹ về nhà mình. Chẳng lẽ thánh nhân không ”thèm” dẫn Mẹ cùng đi đến mồ hay sao? Hẳn Mẹ đã nói gì đó thì ”người con thừa tự là Gioan” mới tốc tả, nhanh chân hơn ông Phêrô để chứng kiến việc thành sự của Lời Thầy đã báo trước là Ngài sẽ sống lại. Tông đồ Gioan không vào mồ là bằng chứng rằng ông ta đã tin lời Mẹ nói thế nào đó.
Thiên Chúa không hề thất tín. Cho nên, bà Êlidabet mới nói với Trinh Nữ, em họ của mình, như sau:”Em thật có phúc vì đã tin rằng sẽ thành sự những gì Chúa đã phán với em.” Thành sự chung kết là việc Chúa sống lại! Trên trần gian này, chẳng có người con nào yêu kính mẹ mình mà lại không hối hả chạy đến mẹ để báo tin rằng mình đã thi đậu!!! Mẹ Maria là ”ưu tiên một” để trực tiếp đón nhận từ Chúa Giêsu ”Đại Hỷ Tín”: Con Mẹ đã sống lại! (như lời kinh trong Mùa Phục Sinh thay cho kinh Truyền Tin) Nếu Mẹ không được diễm phúc như bà Maria Mađalêna thì lời Mẹ nói với bà Êlidabét ”Này, từ đây, muôn đời sẽ khen tôi có phước vì Đấng Toàn Năng đã làm cho tôi những điều trọng đại…” đã trở thành vô nghĩa!!!
Người phàm còn thấy xấu hổ vì việc ”vắt chanh, bỏ vỏ” đối với bất cứ ai! Xin nhớ lại Lời Chúa trối trân trọng trên Thánh Giá vì Mẹ là ”Bà Eva mới của Thế Giới” (New Lady of The World) như sau:”Thưa bà, này là con bà! Con ơi, này là Mẹ con!” Tay gian phi cũng bị treo thập giá, đã biết ăn năn, chỉ xin Chúa ”nhớ đến” ông ta khi Ngài vào Nước của Ngài. Vậy mà Chúa đã trả lời ông ấy như sau: ”Ta bảo thật với anh: hôm nay, anh sẽ ở trên Thiên Đàng với Ta.” Người phạm trọng tội, bị kết án tử hình, biết ăn năn, được Chúa nhậm lời xin, cho ở với Ngài thì huống chi là Mẹ của Chúa! Điều gì cách ly Chúa và Mẹ khi Chúa vừa mới sống lại chứ? Người Pháp nói: ”Thượng Đế làm nên nhiều kỳ quan. Và kỳ quan đẹp nhất là trái tim của người Mẹ.” Thiên Chúa là Tình Yêu. Mà Chúa Giêsu cũng là Thiên Chúa. Vậy, Ngài yêu người ở thế gian này. Người mà Ngài yêu hơn ai hết chính là Thánh Mẫu Maria!!! Đã sống lại, Chúa Giêsu không thể hững hờ với Mẹ của mình. Ngài chẳng quên báo hiếu Thân Mẫu ”Đồng Công Cứu Chuộc, đã đi Đoạn Đường Thập Giá, đã khóc òa, ngất đi…” khi nhìn Con bị tra tấn, đóng đinh…! Đó là Thánh Mẫu mà ông Ximêôn đã báo trước như sau: “Này, trẻ bé có mệnh làm cớ cho nhiều người vấp ngã và chỗi dậy ở Israel, và làm dấu gây nên sự chống đối, mũi gươm sẽ đâm thâu lòng bà ngõ hầu ý nghĩ của nhiều tâm hồn phải lộ ra.”
Chưa biết mình sẽ thụ Thai, Mẹ đã nghe lời chào: ”Hãy vui lên, hỡi Hồng Ân…” Chẳng lẽ Mẹ phải buồn vì Chúa sống lại mà Ngài không là người trước tiên được Con Yêu Dấu ôm hôn? Trong ”dấu lạ đầu tiên” ở tiệc cưới Cana thì có Mẹ! Chẳng lẽ qua ”Dấu Lạ Phục Sinh” thì Mẹ là người sau cùng được thấy Chúa?
Vô lý!!!
Đaminh Phan văn Phước
Đức Quốc, Mùa Phục Sinh 2012