Suy niệm Lời Chúa hằng ngày: Tuần VI mùa Phục sinh – năm C

 

TUẦN VI MÙA PHỤC SINH

CHỦ NHẬT VI PHỤC SINH – NĂM C
Ga 14,23-29

“Ai yêu mến Thầy, thì sẽ giữ lời Thầy.”
(Ga 14,23)

Một lần nữa chúng ta lại được nghe Chúa Giêsu nói về luật yêu thương của Ngài.

1. Tuần trước Chúa Giê-su nói: Người ta cứ dấu này mà nhận biết các con là môn đệ Thầy, là các con thương yêu nhau”, Khi nói như thế Chúa đã cấp thẻ quốc tịch cho những kẻ thuộc về Người. Căn tính của những kẻ thuộc về Người không phải là mầu da, ngôn ngữ hay phong tục tập quán, nhưng là trái tim. Và người ta nhận ra thần dân của Người không phải bằng chiều cao, sức nặng, nhưng là bằng tình yêu.

Hôm nay, Chúa nói: Ai yêu mến Thầy thì giữ Lời Thầy. Và Cha Thầy sẽ yêu mến người ấy. Và chúng ta sẽ đến và ở trong người ấy. Khi nói như thế Chúa Giê-su đang vẽ nên biên cương Nước Chúa. Biên cương này không xác định bằng rừng núi, sông biển, nhưng bằng tấm lòng. Chúa Giê-su không giới hạn Nước Chúa trong 4 bức tường nhà thờ vì Nước Chúa là Tình Yêu. Vì thế, điều quan trọng không phải là ở trong hay ngoài nhà thờ, mà là ở trong hay ở ngoài tình yêu. Ai ở ngoài nhà thờ mà ở trong Tình Yêu thì người ấy đã ở trong Nước Chúa. Trái lại, những ai ở trong nhà thờ mà không có Tình Yêu, thì người ấy vẫn còn ở ngoài Nước Chúa.

Như vậy chúng ta thấy trong xã hội của Chúa sẽ không còn phân biệt hữu thần với vô thần mà chỉ còn hữu tâm hay vô tâm nghĩa là có trái tim hay không có trái tim

Người hữu tâm là người có trái tim rộng mở, biết chạnh lòng thương xót, biết chia sẻ, phục vụ.

Ngược lại người vô tâm là người lòng chai dạ đá, trái tim khép chặt, chỉ biết trau chuốt bản thân.

Báo Tuổi trẻ 28-12-2005 có đăng một câu chuyện có thật. Tác giả kể lại câu chuyện này đặt cho nó một tựa đề là “Bà cụ lẩm cẩm”

Chuyện như sau: Ở khu tập thể nọ có rất nhiều người ở nhưng không ai lạ gì bà Ba. Mỗi sáng bà hay ngồi ở chiếc ghế đá trước cổng khu tập thể nhìn người này đưa con đi học, người khác đi chợ hoặc vội vàng đến công sở. Chiều, ai trở về cũng thấy bà vẫn ngồi chỗ ấy, bắt chuyện, hỏi thăm.

Nghe đâu trước đây bà đã từng lập gia đình. Nhưng chỉ vài năm sau người chồng bạc mệnh của bà đã mãi mãi ra đi trong một lần đánh cá ngoài khơi. Bà ở vậy từ đó đến giờ.

Nga là thư ký cho một tổng giám đốc người nước ngoài cũng ở trong khu tập thể đó. Cũng như bao người khác ở khu tập thể, Nga rất ít thời gian nên chưa bao giờ dừng lại để nói chuyện với bà. Bà có thói quen cứ mỗi lần thấy một người quen là bà luôn chào hỏi. Bà cũng rất muốn làm quen với mọi người. Có lần Bà đã muốn bắt chuyện với Nga nhưng việc đó làm Nga khó chịu và coi đó như là việc lẩm cẩm của một bà già!

Một lần kia khi Nga phải đi công tác xa, đi từ lúc trời chưa sáng. Oái oăm thay hôm đó do ngủ quên Nga vội vàng ào ra khỏi nhà mà quên khóa cửa. Gần cả ngày công tác trôi qua, Nga rụng rời tay chân khi nghĩ đến số tiền dành dụm được bấy lâu và số nữ trang cất trong tủ; rồi tivi, đầu đĩa, máy nghe nhạc…

Ruột gan Nga như lửa đốt trên đường về. Phải chi Nga biết số điện thoại của một vài người trong khu tập thể để hỏi thăm tình hình. Ờ, mà nếu biết, làm gì mình biết bụng dạ người ta…

Chiều tối vừa về tới nhà, Nga vội vàng lao vào nhà. Một bóng người nhỏ nhắn ngồi trước băng đá: đó là bà Ba. Thấy Nga, bà nói gì đó nhưng… mặc kệ, Nga vờ như không nghe thấy. Lúc này đây mớ tài sản của cô trong nhà có còn hay không mới là điều quan trọng nhất.

Cô sững người đứng nhìn căn phòng đã khóa chặt cửa của mình, ghé mắt lại gần, xem kỹ: căn phòng được khóa bằng một ổ khóa lạ. Chưa biết thế nào thì bà Ba lom khom bước tới, trên tay cầm chìa khóa đưa cho Nga. Thì ra sáng dậy bà không thấy Nga đâu mà cửa lại mở toang. Biết Nga quên khóa cửa nên bà đã dùng khóa của mình khóa lại giúp. Bà ngồi đợi Nga đến khuya vì sợ cô về không vào được nhà.

Đêm đó Nga như thức trắng nghĩ về một bài học về sự quan tâm, chia sẻ trong cuộc sống – bài học từ một bà cụ “lẩm cẩm và lạc hậu” như cô đã từng nghĩ… 

Vâng chúng ta hãy cố đừng để mình trở thành một người xa lạ, vô tâm, vô cảm với những người chung quanh mình. Nhưng hãy trở thành những người có trái tim rộng mở, biết chạnh lòng thương xót, biết chia sẻ, phục vụ. Tôi nhớ có lần Albert Einstein đã nói: “Một cuộc sống vì một cuộc sống khác mới là một cuộc sống xứng đáng.”

2. Còn mẹ Têrêsa: “Hãy trao tặng tình yêu thương ở mỗi nơi bạn đặt chân đến: trước hết là ở ngay chính căn nhà của bạn.

Hãy yêu thương con cái, người bạn đời của bạn, và cả những người hàng xóm…

Hãy đừng để người nào đến với bạn rồi ra đi mà không cảm thấy vui tươi và hạnh phúc hơn.

Hãy là hiện thân cho lòng nhân ái của Thượng Đế bằng cách thể hiện trên nét mặt, trong ánh mắt, trong nụ cười và cả trong những lời chào nồng nhiệt của mình.”

Một câu chuyện nhỏ từ Internet:

Vào một buổi sáng mùa đông, tuyết rơi nặng hạt. Tôi đứng ở một góc phố tối và lạnh lẽo chờ chuyến xe buýt đầu tiên trong ngày. Cách chỗ tôi đứng không xa, có hai vợ chồng già cũng đứng chờ xe buýt. Chiếc áo khoác ngoài của họ bị tuyết phủ trắng xóa. Xem ra, họ đứng đợi xe đã khá lâu. Cuối cùng chiếc xe buýt cũng đến. Người lái xe bấm còi, đi lướt qua chỗ hai vợ chồng cụ già rồi dừng lại chỗ tôi đang đứng. Khi tôi vừa bước lên xe, người tài xế cho xe chạy ngay, bỏ lại hai vợ chồng già đứng trong tuyết. Tôi tức giận hỏi:

– Chẳng lẽ cậu không nhìn thấy hai vợ chồng già đó sao?

Người lái xe trẻ tuổi ấy nói:

– Hôm nay là ngày đầu tiên tôi đi làm. Hai cụ già đó là bố và mẹ tôi. Họ đến đây để xem tôi làm việc như thế nào.

Tôi bỗng rưng rưng xúc động.

Xét như thế, thì Nước Chúa thực là rộng lớn. Những người thuộc về Nước Chúa thực là đông đảo. Những người có trái tim yêu thương tạo nên thành Jêrusalem mới như ta nghe trong bài đọc thứ I hôm nay. Thành Jêrusalem mới có cửa mở ra 4 phương tám hướng để đón nhận mọi người từ khắp nơi tuốn về. Thành không có đền thờ vì thành được xây bằng yêu thương. Mà ở đâu có yêu thương thì ở đó có Thiên Chúa ngự trị. Thành không cần đèn đuốc vì Thiên Chúa tình yêu là ánh sáng cho thành. Gạch xây thành là những trái tim chan chứa yêu thương nên thành trở nên một khối pha lê trong suốt, như một viên ngọc quí toả ánh sáng tới khắp muôn dân.

Trong số những người có trái tim, xây dựng nên thành Jêrusalem mới ấy, tôi thấy có nhiều người trong anh chị em. Trong những năm qua số người tham gia công tác từ thiện bác ái ngày càng đông. Người âm thầm, kẻ công khai. Người góp của, kẻ dâng công. Tôi thấy rõ là anh chị em đang phấn đấu để ở trong tình yêu. Tôi thấy rõ là anh chị em đang rèn luyện để trở nên người hữu tâm.

Xin tình yêu Chúa thanh luyện trái tim chúng ta không ngừng, để mỗi trái tim chúng ta trở thành một viên gạch trong suốt như pha lê, góp phần xây dựng thành Jêrusalem mới cho tình yêu Thiên chúa ngự trị. Amen.


THỨ HAI TUẦN 6 PHỤC SINH
Ga 15,26-16,4

“Khi Đấng Bảo Trợ đến,
Đấng mà Thầy sẽ sai đến với anh em từ nơi Chúa Cha,
Người là Thần Khí sự thật phát xuất từ Chúa Cha,
Người sẽ làm chứng về Thầy.”
(Ga 15,26)

Chúa Giêsu nói với chúng ta về Chúa Thánh Thần.

1. Trong bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu dùng chữ Parakletos để chỉ Chúa Thánh Thần. Parakletos chữ Hylạp, chỉ một nhân vật có thế giá đến đứng bên cạnh người bị cáo trong một phiên tòa. Khi nhân vật thế giá này đến đứng bên cạnh người bị cáo thì tình hình sẽ đổi khác rất nhiều.

Có Đấng Parakletos (đấng Phù trợ) đứng bên cạnh thì môn đệ của Chúa sẽ không còn phải bơ vơ giữa thế gian, như những con chiên giữa bầy sói dữ nữa. Đấng Phù Trợ sẽ:

Hỗ trợ tinh thần khi họ cảm thấy cô đơn.
An ủi họ trong những lúc đau buồn.
Che chở họ những khi họ bị nguy hiểm.
Vạch cho họ thấy những cạm bẫy xảo quyệt mà thế gian giăng ra hại họ.
Dạy cho họ biết cách làm, cách nói để khỏi bị thế gian bắt bẻ.
Và cuối cùng, là đích thân bênh vực họ.

2. Và chúng ta đã thấy, Chúa Thánh Thần đã đóng vai Parakletos một cách hữu hiệu như thế nào cho các tông đồ khi các Ngài sống và hoạt động giữa thế gian.

Chúa Thánh Thần làm những việc nhiều khi chúng ta không thể hiểu nổi.

Tại một tỉnh thuộc miền Trung Ấn Độ, một tín hữu Kitô có tên là Sacdu-Sundasi tự nguyện tham gia công tác truyền giáo bằng cách phổ biến sách Tin Mừng. Ngày kia, trên một chuyến xe lửa, anh can đảm lấy ra một số sách Tin Mừng của thánh Gioan đựng trong cặp và trao cho hành khách không phải là Kitô hữu cùng đi trên xe. Một hành khách, thay vì chỉ từ chối không nhận, lại còn giận dữ chộp lấy một quyển Tin Mừng xé nát ra và quăng những mảnh giấy vụn qua cửa sổ. Thiện chí truyền giáo của Sacdu tưởng chừng như tan biến theo gió. Nhưng cũng vào lúc ấy, có một người tình cờ đi dọc theo đường ray, anh ta tò mò cúi xuống nhặt mảnh giấy bị gió cuốn trước mặt, và anh đọc được hàng chữ “Bánh Hằng Sống” được in bằng tiếng địa phương. Tuy không hiểu rõ những chữ trên có ý nghĩa gì nhưng anh cứ giữ lấy mảnh giấy để dò hỏi các bạn quen biết. Một trong bọn họ bảo: Đây là mảnh giấy trong sách đạo Kitô, anh không nên đọc nó nếu không muốn bị ô uế.

Suy nghĩ trong khoảnh khắc, người đã nhặt được mảnh giấy, nói:

– Tôi không sợ bị ô uế, ngược lại, tôi muốn đọc trọn quyển sách mang dòng chữ tuyệt vời này.

Sau đó, anh tìm mua một quyển Tân Ước và được chỉ chỗ của câu trong mảnh giấy lời Đức Giêsu tuyên bố: “Ta là Bánh Hằng Sống”. Anh say mê đọc và thấy con tim được chiếu sáng. Rồi sau khi lãnh nhận phép thanh tẩy, chính anh đã trở nên một giáo lý viên.

Người đã ghi lại câu chuyện trên ghi chú: qua Chúa Thánh Thần, mảnh giấy nhỏ đã thực sự trở nên Bánh Hằng Sống cho anh.

3. Chúa Giêsu nói “Cả anh em nữa, anh em cũng làm chứng về Thầy, vì anh em ở với Thầy ngay từ đầu” (Ga 15,27).

Có nhiều cách làm chứng, nhưng cách làm chứng “Bằng cuộc sống” là hữu hiệu nhất và cũng phổ thông nhất. Ai cũng có thể làm được.

Đây là một câu chuyện đã xảy ra trong một giáo xứ ở một vùng sâu vùng xa. Khi về nhận xứ, linh mục chánh xứ được biết ở đây có nhiều người đã được ơn trở lại với Chúa. Trong một buổi họp mặt tại nhà thờ, sau khi giảng, vị linh mục hỏi mọi người:

– Ở đây ai là người có nhiều công nhất trong việc giúp cho anh chị em trở thành con cái của Chúa? Rồi ngài gợi ý: Người đó có thể là một bà mẹ, là người rao giảng, là giáo viên, là người hàng xóm của anh chị em. Và bây giờ tôi mời anh chị em đứng lên và tiến đến bắt tay người nào có ảnh hương nhất đối với anh chị em trong việc đem Đức Kitô như là Đấng cứu Độ đến với mình.

Sau lời của vị linh mục hầu như mọi người đổ dồn cặp mắt về phía một cụ già đã ngoài 75 tuổi ngồi bên phải vị linh mục. Bà cụ chưa bao giờ nói trước công chúng. Bà cũng không phải là một nhà giảng thuyết, hoặc một người làm việc trong nhà thờ, bà cụ chỉ là một người mẹ, một người vợ Công giáo đầy lòng tin, hết lòng tận tụy với bổn phận hằng ngày mà thôi.

Thế mà cả một chuỗi dài những người nối tiếp nhau tiến đến bắt tay bà cụ. Họ nói:

– Cuộc sống âm thầm, tận tụy, đầy lòng tin của cụ, những hành động và chứng từ của cụ đối với Chúa Giêsu đã đưa dẫn chúng tôi đến với Đức Kitô Đấng cứu Độ.

Chính nhờ đời sống tươi đẹp, thánh thiện đó mà người phụ nữ Công giáo này đã đưa nhiều người đến với Đấng Cứu Thế có thể hơn cả một nhà giảng thuyết tài giỏi.

Lạy Chúa Thánh Thần,
xin ban sức sống cho chúng con.
Xin cho cuộc đời Kitô hữu của chúng con
đừng rơi vào sự đơn điệu nghèo nàn,
vào những lối mòn quen thuộc,
nhưng xin canh tân
và tái tạo chúng con mỗi ngày. Amen.


THỨ BA TUẦN 6 PHỤC SINH
Ga 16,5-11

“Khi Người đến,
Người sẽ chứng minh rằng
thế gian sai lầm về tội lỗi,
về sự công chính và việc xét xử.”
(Ga 16,8)

1. Trong bài Tin Mừng hôm qua, Chúa Giêsu nói Chúa Thánh Thần là Parakletos (Đấng Bào chữa) của các tông đồ và của chúng ta. Trong bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu cho biết thêm một vai trò khác nữa của Chúa Thánh Thần: Ngài là “kẻ chứng minh thế gian sai lầm”, nghĩa là vạch cho con người thấy những sai lầm của mình.

Chúa Thánh Thần sẽ vạch cho ta thấy 3 thứ sai lầm:

– Sai lầm thứ nhất là “về tội lỗi”: Với người Do Thái xưa là tội đã không tin Chúa Giêsu, với chúng ta ngày nay, là tin nhưng không sống xứng đáng với niềm tin của mình.

– Sai lầm thứ hai là “về sự công chính”:

Với người Do Thái xưa là tội không nhìn nhận Chúa Giêsu là Đấng công chính nên đã giết Ngài. Với chúng ta ngày nay, là nhiều khi chúng ta có những ý nghĩ sai về Chúa, bóp méo hình ảnh của Chúa theo sở thích chủ quan của mình. Thí dụ kẻ cố chấp miệt mài trong tội thì dựa vào quan niệm Thiên Chúa là Đấng nhân hậu vô cùng; kẻ khắt khe hay lên án người khác thì dựa vào quan niệm Thiên Chúa là Đấng công minh nhất định sẽ trừng phạt người tội lỗi; kẻ đang dan díu trong tình yêu ngang trái thì cái phao của họ là “Thiên Chúa là tình yêu” để tự an ủi: Yêu nhau thì có tội gì đâu…

– Sai lầm thứ 3 là “về việc xét xử”: xưa thượng hội đồng Do Thái lên án xử tử Chúa và nhiều người Do Thái cũng cho rằng, án ấy là đúng bởi vì được xử bởi một cơ quan có thẩm quyền. Đây là một thứ sai lầm dựa vào dư luận. Còn chúng ta ngày nay là nhiều khi chúng ta dựa vào những dư luận sai lầm để có thành kiến không đúng về người khác.

2. Cái nguy của ngày xưa cũng như ngày nay là nhiều người không nhận ra được những sai lầm của mình.

Trong những câu chuyện của người Da Đỏ xưa tại Châu Mỹ người ta còn giữ lại câu chuyện này.

Có một anh nông dân chất phác nọ, ngày kia lượm được quả trứng chim phượng hoàng. Lòng tốt thôi thúc anh đi tìm tổ chim phượng hoàng để trả lại. Không tìm được, anh đem trứng đó đặt vào ổ vịt. Vịt nở trứng và trứng phượng hoàng cũng nở. Phượng hoàng con sống giữa đàn vịt, lặn lội trong nước, ăn uống, đi đứng, kêu cạp cạp… tất cả đều giống như bao con vịt chung quanh.

Phượng hoàng con không bao giờ đặt vấn đề mình là ai. Nó cứ nghĩ, mình là vịt như bao con vịt khác và hành động giống như vịt vậy. Ngày này qua ngày khác, phượng hoàng con sống kiếp vịt! Nhưng một ngày kia, trong một lần đi ăn chung với các bạn, phượng hoàng con bỗng nhìn lên trời và thấy một phượng hoàng nghiêng cánh bay lượn qua lại… Phượng hoàng ở dưới đất bỗng cảm thấy mình như muốn bay lên cao, bay nghiêng như vậy. Nhưng khi nó vừa vỗ cánh muốn bay lên cao thì mấy con vịt đứng bên cạnh mắng nó rằng:

– Đừng làm kiểu muốn bắt chước kẻ khác. Mày chỉ là một con vịt mà thôi, không thể bay cao như con phượng hoàng đang bay lượn trên kia được đâu.

Thế là con phượng hoàng lạc loài sống và chết trong xác tín sai lầm: “Mình chỉ là con vịt”

Thái độ của chúng ta đối với chính mình nhiều khi cũng như thế. Mình sai nhưng không biết là mình sai, không thấy được cái sai lầm của mình.

3. Và còn có một thái độ nguy hiểm hơn nữa đó là nhiều khi đã được soi sáng để nhận ra những sai lầm của mình nhưng lại không dám đối mặt với chúng và không dám can đảm sửa lại.

Nhà hiền triết Mạnh Tử sang nước Tề. Một hôm nhân cuộc nói chuyện thân tình, ngài đánh bạo hỏi vua Tề Tuyên Vương mấy câu:

– Giả sử có người bầy tôi nhà vua đem đời sống của vợ con gửi gắm một người bạn thân, nhờ trông nom giúp để sang chơi nước Sở có việc. Tới khi về mới hay bạn để vợ con mình đói rét, người ấy phải xử trí thế nào?

Tuyên Vương đáp:

-Tuyệt giao ngay.

Mạnh Tử lại hỏi:

– Giả sử có người làm quan sĩ sư (coi việc hình ngục) không chăm nom mỗi thuộc viên để hình ngục sai lầm, công việc lộn xộn, nhà vua xử sao?

– Đuổi cổ đi!

Mạnh Tử luôn dịp hỏi thêm một câu nữa:

– Thế làm vua một nước mà không lo việc triều chính để đến nỗi ở trong nước không bình trị thì trách nhiệm về ai và nên xử ra sao?

Tề Tuyên Vương nghe nói, ngoảnh ngay sang tả hữu, nói lảng qua việc khác, vừa có ý chữa thẹn, vừa tránh không trả lời.

Giả như Chúa hỏi chúng ta “Thế làm cha…làm mẹ một gia đình mà không lo cho gia đình để đến nỗi gia đình không còn giữ được thế giá gia phong, không còn giữ được phẩm chất đạo đức của gia đình nữa thì trách nhiệm về ai và nên xử ra sao?

Lạy Chúa, trong cuộc đời đã có nhiều lần Chúa soi sáng cho chúng con nhưng chúng con cũng giả điếc làm ngơ như thế. Xin Chúa tha thứ cho chúng con.Amen.


THÁNH TÔNG ĐỒ PHILIPPHÊ VÀ GIACÔBÊ
Ga 14,6-14

A. HẠNH THÁNH

Philipphê là người xứ Bethsaida. Ông là một trong những người đầu tiên được Đức Giêsu kêu gọi. Chính ông đã mách cho Nathanael Tin mừng lớn lao này: “Đấng mà sách luật Môsê và các ngôn sứ nói tới, chúng ta đã gặp. Đó là ông Giêsu, người Nazareth”. Thấy bạn mình còn hoài nghi, ông đã giục: “Cứ đến mà xem”. Nathanael sau khi đã gặp Đức Giêsu và nghe Ngài nói thì đã tin. Philipphê đã xuất hiện nhiều lần trong Phúc âm: Lúc Chúa Giêsu làm phép lạ hoá bánh ra nhiều; làm trung gian cho những người ngoại giáo muốn gặp Đức Giêsu. Philipphê cũng là người đã xin Đức Giêsu: “Lạy Ngài, xin chỉ cho chúng con thấy Cha, thế là đủ cho chúng con”. Người ta nghĩ rằng ông đã đem Tin mừng đến cho người Scythen sau ngày lễ Ngũ tuần và chết rất thọ ở Hiérapolis, tại Phrygie.

Còn thánh Giacôbê mà chúng ta mừng kính hôm nay là Giacôbê hậu, con ông Alphê. Gọi là Giacôbê hậu để phân biệt với Giacôbê tiền, là con của ông Dêbêdê. Phân biệt này không mang ý nghĩa gì khác ngoài việc tránh sự nhầm lẫn. Khoa Thánh Kinh còn nghi ngờ không biết có phải Giacôbê hậu này có phải là “anh em của Đức Giêsu” và là tác giả của lá thư Giacôbê hay không? Nhưng Phụng vụ Rôma lại có sự đồng hoá và xác nhận. Trước khi các Tông đồ tản mác mỗi người một nơi, thì họ chỉ định thánh Giacôbê làm Giám mục Giêrusalem. Ngài là linh hồn của cộng đoàn Giêrusalem. Vì ngài đã làm cho nhiều người trở lại với Đức Giêsu nên bị bản án ném đá. Ngài đã chịu tử đạo đang khi quỳ gối cầu nguyện cho tên lý hình đang kết thúc đời Ngài bằng một thanh sắt giáng xuống trên người, trong thời điểm mừng lễ Vượt Qua. (Theo “Tự điển các thánh”, trang 268-269 và trang 159).

B. Một thông tin làm cho chúng ta phải suy nghĩ là: Theo thống kê về những người chết do tự tử thì nước Nhật là nước có số người chết vì tự tử chiếm hàng đầu thế giới. Vậy điều gì đã khiến cho những con người trong một đất nước có nền kinh tế mạnh đứng hàng thứ ba trên thế giới (sau Hoa Kỳ + Trung Quốc) lại đi tìm cái chết trong cô đơn và tuyệt vọng như thế? Một điều khó hiểu nữa là đa số những người chết vì tự tử ở Nhật Bản lại là những người trẻ, có việc làm ổn định và có địa vị cao trong xã hội. Như vậy, đâu phải nghèo khổ, già nua, bệnh tật là bất hạnh lớn nhất của đời người. Hoá ra cái làm cho con người ta trở thành kẻ khốn cùng nhất trong cuộc đời này là họ không thấy được ý nghĩa và giá trị thật của cuộc sống. Khủng hoảng trầm trọng nhất của xã hội ngày nay là sự hoang mang trước những vấn đề mang tính nhân sinh: Con người sinh ra để làm gì? Và con người sẽ đi về đâu…? Tất cả những vấn nạn này chỉ giải đáp được tận căn khi ta đối diện với Chúa và xác tín rằng: “Ngài là đường, là Sự thật và là Sự sống”. Đây là mặc khải rất quan trọng của Chúa Giêsu cho con người chúng ta.

Đời người là một cuộc lữ hành liên lỉ. Nhưng khổ thay, nhiều người đi mà không biết mình đang đi đâu, nên dừng lại hoặc để cho cuộc sống cứ mặc tình cuốn họ đi. Họ chấp nhận cuộc sống của kiếp “lục bình trôi”, bồng bềnh không định hướng. Một số khác thì không thấy đường đi và cũng không biết đường nên đi theo số đông. Họ chọn số đông làm chân lý cho đời mình. Nhưng số đông con người đó lại chọn con đường thênh thang để tiến bước vì nó dễ dàng và hấp dẫn. Nhưng “đường thênh thang thì lại dẫn vào cõi chết”. Con đường bằng phẳng, vui vẻ và dễ dãi thì không có lối thoát, và cuối con đường là vực thẳm của sự chết. Đó là con đường của những cuộc vui trác tráng suốt đêm với tình dục, ma tuý, rượu bia, cờ bạc, đua xe … Vui đó, hấp dẫn đó nhưng cũng “tận cùng” đó.

Nhưng trong đêm đen của nhân loại ấy, con người không biết đi về đâu, thì Đức Giêsu là Ánh sáng và là Đường đã đến. Ngài chỉ cho con người con đường để đi đến sự sống và hạnh phúc. “Ta là Đường, là Sự thật và là Sự sống ”. Nhưng khi đã thấy và biết đường đi rồi thì con người lại không muốn tiến bước trên con đường mang tên Giêsu đó. Bởi lẽ, con đường ấy có vẻ nhỏ hẹp, nhiều gian nan và hy sinh từ bỏ quá.

Đức Giêsu Kitô đã tự nguyện trở thành đường đi, dẫn con người về với Chúa Cha, về quê hương đích thực. Đồng thời, Ngài cũng là người chỉ đường và là người đồng hành với chúng ta trên CON ĐƯỜNG SỰ SỐNG dẫn về quê hương chân thật đó. Ngài đã chỉ cho con người thấy tất cả những viễn tượng tốt đẹp và huy hoàng ở cuối của con đường ấy. Nơi đó, có một Thiên Chúa toàn năng là Cha đang mở rộng vòng tay đón chờ ta. “…Còn ở đằng xa, thì người cha đã trông thấy. Ông chạnh lòng thương, chạy ra ôm cổ ông ta và hôn lấy hôn để” (Lc 15,20). Nơi đó là một bữa tiệc cưới vui vẻ và hạnh phúc kéo dài: “Vua kia mở tiệc cưới cho con trai mình” (Mt 22,2)… và bao nhiêu những điều hạnh phúc khác nữa. Đây không phải là một sự mơ tưởng viển vông mà là một thực tại do chính Đức Giêsu, Đấng từ trời xuống nói với chúng ta: “Không ai đã lên trời, ngoại trừ Con Người Đấng từ trời xuống” (Ga 3,33), hay “Không ai thấy Thiên Chúa bao giờ, nhưng Con Một là Thiên Chúa, và là Đấng hằng ở cung lòng Chúa Cha, chính Người đã tỏ cho chúng ta biết” (Ga 1,8). Cho nên, đạo Công Giáo không phải là một mớ những kiến thức, những điều phải tin, mà là một viễn cảnh rất đẹp, rất huy hoàng ở tương lai. Khi con người kết thúc cuộc sống ở trần gian này, họ sẽ về “nhà Cha”, và sẽ được Cha đón tiếp vào Nhà dành cho con cái Người nhờ Đức Giêsu Kitô là “Đường, Sự thật và Sự sống” của con người.

Đức Giêsu là hiện thân của Chúa Cha. “Ai thấy Thầy là thấy Cha”. Đức Giêsu đã đáp ứng nguyện vọng của Tông đồ Philipphê. Chính Ngài là mặc khải rõ ràng và cụ thể nhất về Chúa Cha. Cả cuộc đời Đức Giêsu Kitô là để làm theo ý Cha, là minh chứng về Cha: trao ban trọn vẹn cho con người. Vì vậy, nếu chúng ta muốn tôn thờ Thiên Chúa cho đúng đắn và phải đạo thì chúng ta hãy qui về Chúa Kitô, lấy Chúa Giêsu làm điểm tựa, kẻo chúng ta sẽ bị đánh lừa (bị lừa và tự lừa dối mình) phải tôn thờ một Thiên Chúa giả tạo, một Thiên Chúa do sản phẩm của con người làm nên. Thiên Chúa đích thực là Thiên Chúa do Đức Giêsu mặc khải và Ngài là hình ảnh của Thiên Chúa chân thật đó.

Ước gì chúng ta biết soi mình vào Đức Giêsu Kitô để thấy được chân lý, thấy được đường đi chân thật và thấy được một Thiên Chúa chân thật để tôn thờ và yêu mến, noi gương nai thánh Tông đồ Philipphê và Giacôbê mà chúng ta mừng kính hôm nay.


THỨ TƯ TUẦN 6 PHỤC SINH
Ga 16,12-15

“Khi nào Thần Khí sự thật đến,
Người sẽ dẫn anh em tới sự thật toàn vẹn.”
(Ga 16,13)

1. Chúa Giêsu tiếp tục dạy chúng ta về Chúa Thánh Thần: Chúa Thánh Thần là Thầy dạy. Ngài sẽ dạy Kitô hữu biết sự thật, sự thật vẹn toàn.

“Thầy còn nhiều điều muốn nói với anh em nhưng bây giờ anh em không chịu nổi. Khi nào Thần Chân lý đến, Ngài sẽ dẫn dắt anh em đến sự thật vẹn toàn” (Ga 16,12-13). Sự thật mà Chúa Thánh Thần dẫn ta đến là sự thật toàn vẹn.

Chúng ta thấy trong khoảng thời gian Chúa Giêsu sống cạnh các môn đệ, có nhiều điều Chúa Giêsu chỉ mới hé mở ra một chút vậy mà các môn đệ đã không chịu nổi nên Chúa Giêsu không nói nữa.

Thí dụ như trong đêm thứ năm trước khi đi chịu chết, Chúa Giêsu quỳ trước các môn đệ và rửa chân cho họ, Phêrô không chịu nổi nên cự nự: “Không đời nào con để Thầy rửa chân cho con” (Ga 13,8). Ở đây sự thật toàn vẹn mà Chúa Giêsu cũng chưa tiện nói hết là sự hạ mình của Ngài và của các môn đệ. Tóm lại sự thật toàn vẹn mà các môn đệ phải chấp nhận là chính số phận của Thầy mình, phải tự khiêm hạ, phải chịu đau khổ, phải chịu bắt bớ và có thể chịu chết giống như Thầy. Nhưng tất cả các lần kể trên Chúa Giêsu đã không nói hết ý mình được vì các môn đệ đã không chịu nổi.

Nhưng rồi khi Chúa Giêsu sống lại và lên trời, Chúa Thánh Thần đã dẫn dắt các môn đệ đến sự thật toàn vẹn ấy; và khi đó, nhờ sự giúp đỡ của Chúa Thánh Thần, các ông đã chịu nổi, chẳng những chịu nổi mà còn vui lòng chịu nữa.

Một lần kia vì đã rao giảng về Chúa Giêsu, các tông đồ bị bắt và bị giam trong tù hết một đêm, sau đó bị điệu ra thượng hội đồng, bị đánh đòn một trận rồi mới được thả ra. Sách công vụ viết khi ấy các ông lòng đầy hân hoan vì được coi là xứng đáng chịu khổ nhục vì danh Chúa Giêsu. Thánh Phaolô cũng thế, sau biết bao gian truân hiểm nguy vì loan báo Tin Mừng, Ngài nói: “Tôi sung sướng vì được thông phân khổ nạn của Đức Giêsu Kitô trong thân xác tôi”. Ngài còn nói: “Vinh dự của ta là Thập Giá Đức Kitô”. Thập Giá mà những người trí thức Hylạp nói là điên rồ và những người Do Thái sùng đạo coi là cớ vấp phạm thì thánh Phaolô lại coi là vinh dự.

2. Chúa còn quả quyết: “Sự thật sẽ giải phóng anh em” (Ga 8,12). Người sống trong sự thật sẽ luôn được Chúa soi sáng.

Một bác nông dân nọ, sau một đêm ngủ say, sáng ra mới hay đã bị kẻ trộm dắt mất con ngựa duy nhất trong chuồng. Đây lại là con ngựa nổi tiếng là khôn, vừa chạy nhanh, vừa cày giỏi, lại vừa dai sức. Bác nháo nhác vội vã đi truy tìm thì cuối cùng, gặp được con vật yêu quý ở một xóm chợ chuyên buôn bán ngựa. Bác khăng khăng đòi bắt ngựa về, nhưng tên bán ngựa quát tháo bảo đó là ngựa hắn đã nuôi từ lâu, hôm nay mới đem ra chợ bán. Hắn cho rằng, bác nông dân đã cố tình nhìn lầm để vơ vào cho mình những gì không phải là của mình.

Hai bên giằng co cãi đi cãi lại mãi cũng chẳng đi đến đâu cho nên họ bèn kéo nhau đến quan trên nhờ minh xét. Quan trên hình như đã bị hối lộ mua chuộc nên mới hạch hỏi:

– Lão bảo con ngựa này là của lão thế thì lão có thể cho biết một chi tiết nào làm chứng rằng, con ngựa này thật sự là của lão không? Lão mà khai man thì bị nghiêm phạt đấy nhé!

Thấy tình thế bất lợi cho mình, bác nông dân khôn ngoan ngẫm nghĩ một hồi rồi nẩy ra một diệu kế. Bác bất ngờ lấy hai tay bịt luôn hai mắt con ngựa rồi bảo tên trộm:

– Con ngựa này có một mắt bị tật. Nếu anh khai với quan là đã từng nuôi nó từ bé thì ắt hẳn anh phải biết rõ nó bị tật ở mắt nào! Bây giờ thì anh nói đi: con ngựa này bị tật bên mắt nào?

Tên trộm đâm ra ngẩn ngơ, đành nói liều:

– Nó bị tật ở mắt bên trái!

Bác nông dân liền cười thật to:

– Sai rồi, mắt trái của nó làm gì có tật!

Vừa nói bác vừa buông bàn tay đang bịt mắt trái con ngựa để quan trên có thể thấy rõ con mắt bên trái không hề có tật gì cả.

Tên trộm biết đã bị hố, cố vớt vát gân cổ lên cãi:

– Ấy tôi quên, con mắt bên phải nó mới bị tật cơ!

Bác nông dân lại càng cười to hơn nữa, vừa nói vừa buông nốt bên tay còn lại:

– Anh lại nói sai nữa rồi, mắt phải con ngựa cũng có thương có tật gì đâu. Thật ra, bẩm quan trên, con ngựa này tôi nuôi từ bé, hai mắt nó đều lành lặn. Đích thị tên này là kẻ đã trộm ngựa của tôi đêm qua. Xin quan trên minh xét!

Đám đông những người hiếu kỳ cùng kéo lên cửa quan, đã theo dõi đầu đuôi câu chuyện, giờ đây hiểu ra, bèn vỗ tay hoan hô bác nông dân tài trí. Thế là quan đành phải xử thắng cho bác nông dân, còn tên trộm thì bị bắt giam để trừng trị tức khắc.

Quả đúng là điều gì đã gian dối thì dù có quanh co lấp liếm thế nào đi nữa rồi cũng sẽ bị đưa ra ánh sáng của chân lý vẹn toàn!

Chúa Giêsu đã nói: “Sự Thật sẽ giải phóng anh em” – Hãy can đảm sống theo sự thật, chúng ta sẽ luôn có sự bình an trong tâm hồn.


THỨ NĂM TUẦN 6 PHỤC SINH
Ga 16,16-20

“Thật, Thầy bảo thật anh em:
anh em sẽ khóc lóc và than van,
còn thế gian sẽ vui mừng.
Anh em sẽ lo buồn,
nhưng nỗi buồn của anh em
sẽ trở thành niềm vui.” (Ga 16,20)

1. Chủ đề bài Tin Mừng hôm nay nói về những buồn vui của cuộc sống người Kitô hữu.

“Chúng con sẽ lo buồn, nhưng nỗi buồn của chúng con sẽ biến thành niềm vui” (Ga 16,20). Chỉ khi nào ở trên trời thì chúng ta mới có thể hoàn toàn vui thôi, còn bao lâu còn ở lại trần gian thì vui buồn lẫn lộn. Và những vui buồn ở đời này có những tính chất khác nhau và những hậu quả khác nhau.

Có những cái vui không trọn vẹn, như lời một bản thánh ca lấy ý từ sách Giảng viên: “Hoa nào không phai tàn, trăng nào không khuyết, ngày nào mà không có đêm, yến tiệc nào không có lúc tàn”.

Có những niềm vui chẳng mấy chốc lại biến thành nỗi buồn. Đó là những thú vui tội lỗi. Thí dụ cái vui của thằng con hoang đàng trong sách Tin Mừng: Khi nó ngụp lặn trong những cuộc trụy lạc thì nó vui, nhưng sau khi cuộc trụy lạc tàn và khi đã hết tiền, nó rơi vào một sự trống rỗng, một nỗi buồn mênh mông.

Có những nỗi buồn cứ càng ngày càng buồn thêm, không dứt. Đó là cái buồn do hậu quả của một việc làm sai quấy. Thí dụ như cái buồn của Giuđa khi đã phản bội, đã bán đứng Thầy mình. Giuđa buồn đến nỗi phải đi thắt cổ chết. Hay những nỗi buồn của những người ở trong hoả ngục: Họ phải buồn muôn đời muôn kiếp vì họ biết rằng, họ đã mất Chúa muôn kiếp muôn đời.

Một hôm sau khi cầu nguyện, một Linh mục xin Chúa cho được tra vấn một tên quỷ:

– Nhân danh Thiên Chúa, ta hỏi ngươi: Đâu là nơi mà ngươi cho là hạnh phúc nhất?

Tên quỷ thẳng thắn trả lời:

– Dĩ nhiên là ở Thiên Đàng. Ôi! Được nhìn thấy Chúa là tất cả niềm hoan lạc rồi. Với Chúa thời gian chỉ là mùa xuân vĩnh cửu. Nếu ngài lấy mọi vẻ đẹp của muôn vàn châu báu trên trần gian và mọi tinh tú trong vũ trụ rồi đem so sánh với vẻ đẹp của Chúa, thì tất cả cũng chỉ là con số không.

Vị linh mục thắc mắc:

– Ngươi đã được hưởng tất cả những thứ đó, tại sao ngươi lại đánh mất phúc Thiên Đàng?

Tên ma quỷ trả lời một cách hằn học:

– Chỉ vì chúng tôi kiêu ngạo phản loạn. Khổ nỗi là bây giờ đã quá muộn để hối hận.Tất cả chỉ còn là oán thù. Lúc này dù phải chịu mọi cực hình hỏa ngục gom lại cho riêng tôi, tôi cũng sẵn sáng đón nhận, miễn là sau đó tôi được hưởng lại Thiên Đàng trong giây lát. Nhưng đã quá muộn rồi.

2. Nhưng điều đáng chú ý hơn cả là việc Chúa Giêsu nói đến những thứ buồn sẽ biến thành niềm vui.

“Ít lâu nữa các con sẽ không thấy Thầy”. Đó là cái buồn vì không được thấy Chúa.

“Nhưng rồi ít lâu nữa chúng con sẽ lại thấy Thầy… nỗi buồn của chúng con sẽ biến thành niềm vui”: nỗi buồn xa Chúa đã biến thành niềm vui khi các ông gặp lại Chúa Phục Sinh.

Còn đối với chúng ta thì sao? Không phải cái vui nào cũng nên tìm kiếm, và không phải cái buồn nào ta cũng phải tránh xa.

Đối với những thứ vui chóng tàn, chúng ta đừng quá bám víu, để khi nó tàn chúng ta không bị thất vọng. Chuyện đứa con hoang đàng là một thí dụ.

Đối với những thứ vui mà chẳng mấy chốc sẽ biến thành nỗi buồn, ta cũng đừng nên mất công tìm kiếm. Thí dụ Giuđa vui khi nhận được tiền nhưng chẳng mấy chốc tiền đã làm cho Giuđa tuyệt vọng.

Có những việc làm mà hậu quả sẽ để lại những nỗi buồn dai dẳng, chúng ta đừng bao giờ làm.

Nhưng chúng ta hãy biết buồn khi lỡ phạm tội, buồn để sám hối ăn năn, buồn để quay gót trở về với Chúa. Có thể nói đây là nỗi buồn thánh vì nỗi buồn này sẽ biến thành niềm vui.

“Anh em sẽ lo buồn nhưng nỗi buồn của anh em sẽ trở thành niềm vui”.

Milton đã có lần tâm sự: “Mù không phải là khổ, không chịu được cảnh mù mới là khổ”.

Phải biết biến nỗi buồn thành niềm vui.

Một nhà truyền giáo kể lại câu chuyện như sau:

Có một cụ già vừa mới trở lại đạo Công giáo, mỗi ngày cụ đến nhà thương để đọc Kinh Thánh cho các bệnh nhân nào muốn nghe. Thế nhưng, một ngày nọ, cảm thấy có gì không ổn trong mắt, cụ đi khám tại bác sĩ chuyên về khoa mắt và đã biết rằng, mình không còn sử dụng đôi mắt được lâu nữa, vì sắp bị mù mà không còn cách chi để chữa nữa.

Từ đó, người ta không thấy cụ đến nhà thương nữa. Có người nói là đã thấy cụ đi một mình lên núi. Nhiều tuần lễ sau, bỗng nhiên người ta lại thấy cụ trở lại nhà thương và tiếp tục đọc Kinh Thánh như trước.

Trả lời cho những người thắc mắc là cụ đã làm gì trên núi trong những ngày qua, cụ nói:

– Tôi tìm đến nơi thanh vắng để học thuộc lòng các sách Tin Mừng khi tôi còn thấy được, để sau này khi bị mù, tôi vẫn còn có thể đọc Kinh Thánh cho các bệnh nhân nghe.”


THỨ SÁU TUẦN 6 PHỤC SINH
Ga 16,20-23a

“Thầy sẽ gặp lại anh em,
lòng anh em sẽ vui mừng;
và niềm vui của anh em,
không ai lấy mất được.”
(Ga 16,22)

1. Chúng ta tiếp tục suy niệm về về những buồn vui của người Kitô hữu.

Chúa Giêsu đã có một nhận xét rất cụ thể và rất hay về vấn đề này: “Khi sinh con, người đàn bà lo buồn vì đã đến giờ của mình; nhưng khi sinh rồi thì không còn nhớ đến cơn gian nan nữa bởi được chan chứa niềm vui vì một con người đã được sinh ra trong thế gian” (Ga 16,21). Đây là một kinh nghiệm cụ thể về việc cưu mang sinh sản. Chúa muốn mời gọi mỗi người chúng ta phải trải qua cưu mang và sinh sản ấy.

“Bây giờ anh em lo buồn, nhưng Thầy sẽ gặp lại anh em, lòng anh em sẽ vui mừng; và niềm vui của anh em không ai lấy mất được” (Ga 16,22).

Cách đây không lâu, tạp chí Truyền giáo có đăng một mẫu chuyện ngắn về một bé gái Phi Châu đã chết vì bệnh bạch hầu lúc 13 tuổi. Khi xem lại các đồ dùng quen thuộc của em, cha mẹ em đã đọc được những dòng nhật ký cuối cùng, của em như sau:

“Lạy Chúa, con đang được giải thoát. Trong bóng tối dầy đặc của khổ đau và buồn chán, con thoáng thấy bàn tay Chúa đang vẫy gọi con. Nó vụt qua như một tia lửa yếu ớt nhưng cũng đủ chiếu sáng và sưởi ấm lòng con và chẳng ai dành dật được nó khỏi con”.

Thông thường, đau khổ được coi là hình phạt dành cho những kẻ gây ra tội ác. Nếu hình phạt chưa đến với họ, thì đời con đời cháu sẽ phải gánh chịu: “Đời cha ăn mặn, đời con khát nước”,”Cha ăn nho xanh, con ghê răng” (Ed 18,2).

Chúa Giêsu đã có cái nhìn lạc quan hơn về đau khổ. Với Ngài, đau khổ không hướng về quá khứ, nhưng mở cửa cho tương lai. Con người không tuyệt vọng trong đau khổ, nhưng hy vọng vui mừng vì thành quả của đau khổ.

2. Trước nỗi buồn của các môn đệ vì sự ra đi của Ngài, Chúa mời gọi các ông đừng lắng đọng trong buồn phiền khổ sầu, nhưng hướng về niềm vui tương lai.

Lời nhắn nhủ của Chúa xưa cho các tông đồ cũng là lời được gửi đến cho mỗi người Kitô hữu chúng ta hôm nay: Nếu chỉ ngồi đó mà than trách hoặc đặt câu hỏi thì đau khổ vẫn mãi còn đó nhưng nếu biết hướng về Thập Giá, chúng ta sẽ khám phá ra ý nghĩa và giá trị của đau khổ. Thập Giá sẽ là ánh sáng soi đường chúng ta trong những tăm tối cuộc đời, và qua Thập Giá, chúng ta sẽ tới được Ánh Sáng.

Tại một miền quê bên Mỹ vào thời lập quốc, có hai anh em nhà kia bị bắt quả tang vì tội ăn trộm cừu. Dân trong làng đã mở tỏa án để xét xử.

Sau khi nghị án, mọi người đồng ý cho khắc trên trán của mỗi tội nhân hai chữ viết tắt S.T có nghĩa là “kẻ ăn trộm”.

Một trong hai người ăn trộm không chịu nổi sự xỉ nhục đã trốn sang một vùng khác để quên đi dĩ vãng của mình. Nhưng anh ta không thể xóa nhòa được hai chữ viết tắt trên trán. Bất cứ người nào gặp anh ta, họ cũng tra hỏi anh ta về ý nghĩa của hai chữ ấy. Lại một lần nữa không chịu nổi sự nhục nhã, anh ta lại rời bỏ nơi mình đang cư ngụ để tiếp tục sống lang thang. Cuối cùng, vì mòn mỏi trong cay đắng anh ta đã bỏ mình nơi đất khách quê người.

Nếu người anh đã bị xỉ nhục gặm nhấm đến nỗi phải chạy trốn suốt cả cuộc đời thì người em lại tự nhủ:

“Tôi không thể bỏ trốn chỉ vì tội ăn trộm mấy con cừu. Tôi phải ở lại đây và tôi phải tái tạo sự tin tưởng nơi những người chung quanh cũng như nơi chính mình”.

Với quyết tâm đó, anh ta đã ở lại trong xứ sở của mình. Không bao lâu anh đã xây dựng được một sự nghiệp lớn và tạo được danh thơm tiếng tốt cho chính mình.

Nhưng dù năm tháng có qua đi, hai chữ S.T vẫn còn ghi trên trán anh. Ngày kia, có người lạ mặt hỏi một cụ già về ý nghĩa của hai chữ ấy. Cụ già suy nghĩ một lát rồi trả lời:

– Tôi không nhớ rõ lai lịch của hai chữ ấy. Nhưng cứ nhìn vào cuộc sống của người đó, tôi nghĩ rằng, hai chữ ấy có nghĩa là “Thánh thiện”

Một thi sĩ Ấn Độ đã viết:

“Hãy tin nơi bạn, vì bạn là hình ảnh của Thiên Chúa.

Hãy tin ở ngày hôm nay, vì mỗi phút chứa đựng một dịp may để phụng sự Chúa.

Hãy tin ở những người chung quanh mình, vì bạn hữu là điều quan trọng cho một cuộc sống hạnh phúc.

Hãy tin ở hiện tại, vì hôm qua đã qua đi và ngày mai sẽ không bao giờ đến.

Hãy tin ở tình yêu của Chúa, vì Ngài tha thứ cho bạn và bạn cũng hãy tha thứ cho chính mình”.

Thiên Chúa không bao giờ thất vọng về chúng ta, và Ngài mời gọi chúng ta cũng đừng thất vọng về mình. Mỗi may mắn là dịp để chúng ta cảm tạ và chúc tụng Chúa. Mỗi thất bại và đau khổ là khởi đầu cho một nguồn ơn dồi dào hơn. Bởi vì trong tất cả mọi sự, Thiên Chúa luôn yêu thương ta. Amen.


THỨ BẢY TUẦN 6 PHỤC SINH
Ga 16,23b-28

“Thật vậy, chính Chúa Cha yêu mến anh em,
vì anh em đã yêu mến Thầy,
và tin rằng Thầy từ Thiên Chúa mà đến.”
(Ga 16.27)

1. Bài Tin Mừng hôm nay mở đầu bằng hai chữ “Ngày ấy…”, rồi sau đó tiếp tục bằng cách vẽ lên một tương lai rất tốt đẹp: “Ngày ấy…chúng con xin Chúa Cha điều gì thì Ngài sẽ ban cho các con nhân danh Thầy” (Ga 15,16). Nhưng “ngày ấy” là ngày nào?

Trước đoạn Tin Mừng hôm nay 6 câu, tức là thuộc đoạn Tin Mừng hôm qua, Chúa Giêsu nói: “Ít lâu nữa chúng con sẽ không thấy Thầy, nhưng lại ít lâu nữa chúng con lại thấy Thầy” (16,17). Vậy “ngày ấy” là ngày Thầy trò gặp lại nhau sau một thời gian xa cách. Khi gặp lại nhau như thế, liên hệ Thầy trò sẽ hết sức gắn bó, đến nỗi tuy hai nhưng chỉ là một, Thầy ở trong trò và trò ở trong Thầy.

Và chính việc Thầy trò liên hệ mật thiết với nhau như thế đã đem lại những hệ quả tốt đẹp là “Chúng con nhân danh Thầy mà xin điều gì với Chúa Cha thì Ngài sẽ ban cho chúng con hết” (Ga 15,16).

Thật đúng như Lời Chúa Giêsu nói ở trước chương này, trong dụ ngôn cây nho: “Nếu chúng con ở trong Thầy và Thầy ở trong chúng con, thì chúng con muốn xin gì cứ xin, chúng con sẽ được như ý” (Ga 15,7). Và điều này rất đúng, bởi vì khi chúng ta và Chúa Giêsu ở trong nhau, nên một với nhau thì Chúa Giêsu muốn gì, xin gì thì ắt chúng ta cũng muốn và xin như thế. Nói cách khác, chúng ta không muốn và không xin gì ngoài những gì Chúa Giêsu muốn và xin. Và bởi vì Chúa Cha luôn nhận Lời Chúa Giêsu xin nên cũng sẽ luôn nhận lời chúng ta.

2. “Cứ xin đi, anh em sẽ được, để niềm vui của anh em nên trọn vẹn” (Ga 16,24).

Gioan Hogan, mười sáu tuổi, không bao giờ nghĩ rằng, Chúa có thể can thiệp vào đời sống của cậu. Cậu phải bỏ học và kiếm sống bằng nghề đi giao bánh. Mọi người trong trường đều tiếc cho cậu, vì cậu là một học sinh chăm chỉ, lịch sự.

Một hôm, trên đường đi giao hàng, Gioan thấy một chiếc xe đang từ từ trượt xuống một hồ nước, bên trong xe có một người đàn ông đang vùng vẫy để thoát thân. Không chút ngần ngại, cậu nhảy xuống nước và nhận ra người trong xe là một mục sư. Nhờ một cánh cửa sau hé mở, cậu đã kéo được nạn nhân ra khỏi xe.

Mệt lả sau hành động cứu người, cảnh sát đề nghị cậu lên xe để được đưa về nhà, nhưng cậu từ chối, viện lẽ cậu còn phải đi giao bánh. Cậu nhờ cảnh sát điện thoại đến cho những tiệm bánh, để báo cho khách hàng biết rằng, bánh sẽ chậm đôi chút vì cậu đến trễ.

Tháng 12/1995, cậu được trao giải thưởng cùng với hai ngàn năm trăm đồng tiền mặt và một học bổng. Gioan cho biết rằng, biến cố đó đã hoàn toàn thay đổi cuộc sống của cậu. Vì như cậu tâm sự hai tuần trước khi tai nạn xảy ra, cậu đã có lần kề súng vào đầu định tự tử, nhưng không biết tại sao súng lại không nổ, bằng không cậu sẽ không bao giờ có cơ hội cứu sống được một người. Người mẹ nghèo của cậu cho biết bà đã cầu nguyện rất nhiều cho cậu. Bà tin rằng, việc cậu thoát chết và cứu sống được một người khác chính là kết quả lời cầu nguyện của bà.

Gioan Hogan đã trở lại trường và theo các lớp phụ đạo để bắt kịp các bạn khác. Cậu đã tìm được ý nghĩa và cơ may mới cho cuộc sống mới.

* Những ai cầu nguyện và tin tưởng ở lời cầu nguyện đều cảm nhận được sự hiệu nghiệm của lời cầu nguyện. Quả thật, Chúa Giêsu đã không bao giờ lừa dối chúng ta khi Ngài khẳng quyết rằng: “Hãy xin thì sẽ được, hãy gõ thì sẽ mở cho” (Mt 7,7).

Hoàng hậu Bianche xứ Castille nước Pháp đã phải đau buồn cùng cực, vì bà thành hôn mười hai năm rồi mà vẫn không có con.  

Khi đến thăm thánh Đaminh, ngài khuyên hoàng hậu đọc kinh Mân Côi hằng ngày để xin Thiên Chúa ban diễm phúc cho bà được làm mẹ. Hoàng hậu trung thành theo lời khuyên của thánh nhân. Năm 1231, hoàng hậu hạ sinh hoàng nam đầu lòng. Đó là hoàng tử Phillip. Nhưng con trẻ chết yểu ngay khi mới lọt lòng mẹ.

Trước nỗi bất hạnh này, hoàng hậu vẫn không ngã lòng, không chút nao núng niềm tin. Trái lại, bà tha thiết van xin Đức Mẹ cứu giúp. Hoàng hậu cũng phân phát nhiều tràng hạt Mân Côi cho các triều thần cùng dân chúng trong cả nước, và xin tiếp lời cầu nguyện cho bà.

Năm 1235, qua sự bầu cử của Đức Mẹ, Chúa đã nhận lời cầu xin của bà, một vị hoàng tử chào đời. Hoàng tử này đã trở thành vinh quang cho nước Pháp, và là gương mẫu cho tất cả các hoàng đế Công giáo sau này. Vì vị hoàng đế này đã trở thành một vị thánh. Đó là vua thánh Louis.

Lạy Chúa!
Chúa đã khiêm tốn và kiên trì
nhận lấy những thất bại trong cuộc đời
cũng như mọi đau khổ của Thập Giá,
xin biến mọi đau khổ cũng như mọi thử thách
chúng con phải gánh chịu mỗi ngày,
thành cơ hội giúp chúng con thăng tiến
và trở nên giống Chúa hơn. Amen.