Thượng Hội đồng Giám mục về Gia đình (4 – 25/10/2015) – Cảm nhận và suy tư
Từ ngày 4 – 25 tháng 10 năm 2015, cùng với Đức Tổng Phaolô Bùi Văn Đọc, Chủ tịch Hội đồng Giám mục Việt Nam, tôi đã tham dự Thượng Hội đồng Giám mục thế giới tại Roma, với chủ đề “Gia đình – Ơn gọi và sứ mạng trong Giáo hội và Thế giới”. Dưới đây là một số cảm nhận và suy tư, sẽ được trình bày qua 4 đề mục sau đây:
– Thành phần, phương thức làm việc của THĐGM
– Những dấu nhấn trong THĐGM
– Những vấn đề đặt ra
– Những bài học
I. Thành phần, phương thức làm việc
1. Thành phần
Các thành phần tham dự THĐGM gồm:
+ 270 nghị phụ: những thành viên chính thức của THĐGM. Các vị này có quyền phát biểu và biểu quyết.
+ 108 người: gồm các phái đoàn Giáo hội anh em, các dự thính viên và các chuyên viên. Các Phái đoàn Giáo hội Anh Em và các dự thính viên có thể phát biểu, nhưng không có quyền biểu quyết.
+ 35 chủng sinh và tu sĩ: những người phục vụ cho THĐGM.
Tổng cộng có 413 người, không kể các chuyên viên kỹ thuật, các thông dịch viên và nhân viên an ninh.
- Phương thức làm việc
Các suy tư và trao đổi trong THĐGM dựa trên Văn kiện Làm việc (Instrumentum Laboris), là kết quả của những suy tư và đóng góp của toàn thể Dân Chúa trong Giáo hội về chủ đề Gia đình. Việc làm của THĐGM được thực hiện theo 3 cách thức làm việc như sau:
- a) Các phiên họp khoáng đại: có sự tham dự của tất cả mọi thành viên đã nói ở trên và có sự hiện diện của Đức Thánh Cha. Mỗi nghị phụ tự do chọn lựa đề tài để phát biểu ý kiến về những điểm trong bản Instrumentum Laboris. Bản Instrumentum Laboris có 3 phần. Các bài phát biểu của các nghị phụ được sắp xếp theo các phần của bản Instrumentum Laboris và các nghị phụ được mời phát biểu theo thứ tự các phần của bản Instrumentum Laboris. Mỗi nghị phụ hay dự thính viên chỉ có 3 phút để phát biểu, nên phải hết sức cô đọng. Tuy nhiên, các bài phát biểu có thể được viết dài hơn để nộp cho Văn phòng Thư ký. Nghị phụ hay dự thính viên nào được phân công hay đăng ký phát biểu ý kiến thì phải viết thành văn bản trước và trao cho văn phòng thư ký. Một bản của bài phát biểu sẽ được đặt trên bàn Đức Thánh Cha để khi nghe phát biểu, Ngài có thể đọc để hiểu thêm ý kiến của vị phát biểu.
- b) Phiên họp nhóm theo ngôn ngữ: Các vị tham dự THĐGM được chia thành 13 nhóm theo ngôn ngữ, mỗi nhóm có khoảng 20 nghị phụ và 10 người khác (gồm dự thính viên và chuyên viên). Dựa trên các phát biểu trong phiên họp khoáng đại, từng nhóm sẽ bàn luận, suy tư và tranh luận về từng số trong Văn kiện Làm việc (Instrumentum Laboris) để thêm bớt, sửa đổi hay xóa bỏ. Để được chấp nhận, các đề nghị thêm bớt hay xóa bỏ phải được các nghị phụ trong nhóm bỏ phiếu với số phiếu ít nữa 50%+1.
- c) Nhóm 10 người: có 10 vị được Đức Thánh Cha chỉ định. Các vị này, cùng với sự cộng tác của những chuyên viên, sẽ đọc lại tất cả các văn bản phát biểu của các nghị phụ hay dự thính viên trong phiên họp khoáng đại, cùng với các bản đúc kết của 13 nhóm, để chỉnh sửa và soạn thảo Văn bản Làm việc (Instrumentum Laboris) mới để chuyển tới cho các nghị phụ, để các nghị phụ đọc và cho ý kiến trong phiên họp khoáng đại tiếp theo đó.
Nhận xét: so sánh với các Thượng Hội đồng Giám mục trrước đây, người ta thấy có 3 điều mới trong phương thức làm việc:
– Mỗi bài phát biểu của các nghị phụ chỉ được nói 3 phút (thời gian trước đây là 8 phút, sau đó rút ngắn còn 6 phút, bây giờ chỉ còn 3 phút).
– Dành nhiều thời gian cho việc họp nhóm để mổ xẻ và đưa ra những đề nghị thay đổi và chỉnh sửa để hoàn thiện Văn bản Làm việc.
– Tuy có những ý kiến khác hay trái ngược nhau, nhưng bầu khí rất tự do và an bình.
- Những dấu nhấn của THĐGM
- Khi phân tích các thực tại gia đình, người ta nhận thấy có sự chuyển biến giữa Văn kiện Làm việc (Instrumentum Laboris) và những phát biểu của các nghị phụ trong các phiên họp khoáng đại, cũng như trong các cuộc họp của 13 nhóm theo ngôn ngữ. Từ cái nhìn của Instrumentum Laboris, phản ảnh tình trạng xã hội Tây phương, gia đình được nhìn dưới góc cạnh “vấn đề”, chuyển sang các phát biểu của các nghị phụ, phản ảnh tình trạng gia đình trên khắp thế giới, gia đình được trình bày dưới khía cạnh vẻ đẹp, diễn tả qua cụm từ “giấc mơ của Thiên Chúa”. Các phát biểu của các nghị phụ cho thấy gia đình trên thế giới là thực tại hạnh phúc. Tuy nhiên, gia đình hạnh phúc không phải là gia đình không có vấn đề, nhưng là gia đình biết sống các vấn đề dưới ánh sáng và sức mạnh của Đức tin.
- Giáo lý hôn nhân: thay vì chỉ là những thông tin hay học biết sơ sài vài luật lệ của Giáo hội về gia đình và tập nghi thức làm phép hôn phối, THĐGM nhấn mạnh nhiều về việc cần phải có các chương trình chuẩn bị kỹ càng về hôn nhân: chuẩn bị xa, chuẩn bị gần. Cần phải có một chương trình đào tạo ứng viên cho đời sống hôn nhân, vì đây là một Bí tích và mang một sứ mệnh rất cao cả là làm chứng cho tình yêu chung thủy của Thiên Chúa.
- Qua những bài phát biểu trong THĐGM, người ta nhận thấy có 2 khuynh hướng giằng co rõ rệt:
- a) Khuynh hướng nhấn mạnh vào lòng thương xót của Chúa nên dễ nói đến việc tha thứ lỗi lầm.
- b) Khuynh hướng nhấn mạnh vào lòng trung thành với giáo huấn của Chúa và sự cần thiết phải can đảm làm chứng để thế giới biết đến con đường của Chúa là con đường dẫn đến sự sống, dù thế giới không dễ dàng đón nhận.
- Khi đọc bản văn của THĐGM đã được bỏ phiếu, người ta có nhận định rằng không có bản văn chính thức nào của Giáo hội về gia đình từ trước tới nay có ngôn từ gần gũi và sự thấu biết những vấn đề cụ thể về hôn nhân gia đình như bản văn của THĐGM lần này.
III. Những giải pháp được đề nghị cho một số trường hợp
- Hôn nhân đồng tính: một số nghị phụ, nhất là những nghị phụ bên Âu Mỹ nhấn mạnh rất nhiều về sự cảm thông, gần gũi với những người đồng tính đến độ làm cho người ta có cảm tưởng là cần phải chấp nhận họ là như vậy. Nhưng đa phần các nghị phụ trong THĐGM đều tỏ rõ lập trường là cần phải thương yêu và kính trọng những người này, nhưng cũng cần phải nói cho rõ là việc sống chung của những người đồng tính không có gì chung với hôn nhân theo chương trình của Chúa. Như thế, ý kiến của THĐGM về vấn đề đồng tính đã rõ ràng, không còn hồ nghi gì nữa.
- Ly dị và tái hôn: Vấn đề được bàn cãi nhiều là trường hợp những người ly dị và tái hôn, nhất là trường hợp phía bị bỏ rơi vô tội, mà đời sống của họ trong gia đình mới tương đối ổn định. Với những đối tượng này phải giải quyết như thế nào? Có thể cho họ được xưng tội rước lễ không và có thể cho họ tham dự tích cực hơn (dạy giáo lý, đọc Sách Thánh trong Phụng vụ…) vào đời sống của cộng đoàn không?
- Hai đường hướng giải quyết: Đường hướng nhấn mạnh vào lòng thương xót tìm cách để cho những đối tượng ngăn trở nói trên có thể được xưng tội, rước lễ và tham dự tích cực vào đời sống của cộng đoàn. Đường hướng nhấn mạnh đến sự trung thành với luật của Chúa và can đảm làm chứng cho Chúa, nhất là trong bối cảnh của thế giới hôm nay thì nghiêng về việc tiếp tục đường lối hiện nay là không cho xưng tội và rước lễ. Mỗi khuynh hướng đều có những khó khăn khó giải quyết.
- a) Đường hướng nhấn mạnh lòng thương xót đưa ra 3 ý tưởng chính:
– Để cho những đối tượng này theo lương tâm cùng với một vị linh hướng quyết định.
– Vì hoàn cảnh của mỗi vùng khác nhau, xin để cho Đức Giám mục giáo phận quyết định.
– Giải pháp “con đường thống hối”: Sau thời gian đi vào hành trình ăn năn thống hối với sự hướng dẫn của một vị linh hướng sẽ được xưng tội rước lễ…
- b) Đường hướng tiếp tục giữ quy luật của Giáo hội hiện nay
Cần phải trung thành và loan truyền giáo huấn của Chúa cho thế giới hôm nay, nhất là khi có nhiều nhóm làm áp lực muốn “cào bằng” tất cả mọi giá trị và cách thức sống. Nếu muốn được xưng tội rước lễ, phải sống như anh em và tránh gây gương mù.
- Những vấn đề đặt ra cho các giải pháp được đề nghị:
- a) Cho xưng tội, rước lễ có nghĩa là gì? Phải chăng có nghĩa là vấn đề indissolubilitas – bất khả phân ly của hôn nhân là hết không? Ly dị, tái hôn sẽ là chuyện bình thường có đưa đến hậu quả dây chuyền là dễ dàng ly dị và coi thường giao ước hôn nhân và sứ mệnh làm chứng cho tình yêu chung thủy của Chúa đối với nhân loại tội lỗi không?
- b) Con đường thống hối, đặc biệt trong Năm Thánh Lòng thương xót: nhưng việc thống hối cần phải có sự ăn năn và chừa cải. Thế nên, nếu chỉ có ăn năn mà không có chừa cải thì có phải là thống hối thực sự không?
- c) Nại đến sự khác biệt về hoàn cảnh và đối tượng, có ý kiến nói đến nhu cầu cần phải hội nhập, cần phải thay đổi luật lệ. Vấn đề đặt ra là luật lệ phải cải tiến, nhưng cải tiến đến đâu là hội nhập và đến đâu là chối bỏ tinh thần, chối bỏ căn tính, chối bỏ chính mình. Đâu là ranh giới?
- d) Phải trung thành với giáo huấn của giáo hội, nhưng sự trung thành với quy luật của Giáo hội đến độ nào là trung thành với tinh thần và đến đâu thì trở thành duy luật?
- e) Tự do theo lương tâm và theo sự hướng dẫn của một vị linh hướng, nhưng lương tâm cá nhân rất dễ chủ quan và sai lầm. Cho nên lương tâm cá nhân cần được huấn luyện dựa trên các nguyên tắc luân lý khách quan. Vậy chỉ dựa trên lương tâm cá nhân thôi có đủ để quyết định không?
- f) Hiệp nhất trong khác biệt: Sự khác biệt đến đâu là sự phong phú của sự hiệp nhất, đến chỗ nào là phá vỡ sự hiệp nhất. Trong khi thế giới hôm nay đang chia rẽ, Giáo hội cần phải giữ sự hiệp nhất. Một đàng phải tôn trọng sự khác biệt, đàng khác phải giữ sự hiệp nhất: làm sao dung hòa được hai yếu tố này?
- g) Hai người chung sống trong một mái nhà, nhưng phải sống như anh em: liệu điều này có thể giữ được không? Đàng khác, hoặc vì con cái, hoặc vì chính tình nghĩa thân thiết giữa hai người qua việc chung sống lâu năm, đòi hỏi họ phải xa nhau, liệu có trúng không? Đứng trước những đau khổ của họ, lòng thương xót có thể làm gì được không?
- Những bài học
- Tinh thần đối thoại
Trong phòng họp của THĐGM, mỗi nghị phụ hoàn toàn tự do phát biểu ý tưởng của mình và tất cả mọi người lắng nghe nhau với lòng tôn trọng và lắng nghe Chúa qua việc lắng nghe nhau. Dần dà mọi người cùng thay đổi. Có thể lúc đầu một người có thể quá chú trọng vào một vấn đề, nhưng khi lắng nghe các ý kiến khác nhau, dần dà sẽ có thể thay đổi và nhờ vậy, sẽ dễ hiểu nhau và gặp nhau trong an bình.
- Chấp nhận sự giới hạn của Giáo hội
– Về vấn đề chấp nhận cho người ly dị tái hôn được xưng tội rước lễ, THĐGM chưa tìm ra một lời giải đáp thỏa đáng để giữ được cả hai: vừa tỏ lòng thương xót, vừa trung thành với giáo huấn của Giáo hội…
– Theo giáo huấn của Công đồng Vaticanô, Giáo hội là thần linh và nhân loại cho nên Giáo hội thánh thiện và tội lỗi. Có lẽ trong yếu tố nhân loại, bên cạnh yếu tố tội lỗi, phải thêm yếu tố giới hạn: Giáo hội phải chấp nhận giới hạn của mình vì không thể tìm ra một giải pháp thỏa đáng cho mọi vấn đề. Vì vậy, các chủ chăn cần gần gũi và tham dự vào những đau khổ của những đôi vợ chồng đang gặp khó khăn và cùng với họ, trông chờ lòng thương xót của Chúa.
- Tạ ơn Chúa và cầu nguyện
Cần phải tạ ơn Chúa vì qua THĐGM này, Giáo hội thực sự can đảm dám trực diện với những vấn đề muôn vàn khó khăn của gia đình, đồng thời tiếp tục kêu xin Chúa hướng dẫn soi sáng cho Giáo hội Chúa trên hành trình lữ thứ.
+ Giuse Đinh Đức Đạo
Giám mục Phó Gp Xuân Lộc
(WHĐ 06.04.2016