Khi đọc các đoạn khó trong Kinh thánh

Một linh mục bạn của tôi đã chia sẻ câu chuyện này: Mới đây, sau buổi Chầu Thánh Thể, một bà trong giáo xứ đến gặp cha mà nói: ‘Bài đọc kinh thánh hôm nay thật khủng khiếp! Nếu Chúa mà chúng ta thờ phượng là thế, thì con không muốn lên thiên đàng!’

Joshua.jpg  

Bài đọc hôm đó lấy từ chương 24, sách Samuel 2, khi Thiên Chúa phiền lòng vì vua Đavid kiểm kê dân số cho quân dịch, nên đã trừng phạt bằng cách gởi bệnh dịch hạch giết chết 70.000 người.

 

Đây thực sự là lời của Chúa hay sao?  Thiên Chúa thực sự nổi giận với Đavid vì ông đã làm một thống kê đơn giản, và rồi giết 70.000 người để dạy cho ông một bài học sao? Có lý lẽ nào có thể biện minh cho điều này? Đây đúng là một đoạn khủng khiếp!

 

Chúng ta làm gì với những đoạn văn như thế này, và có nhiều đoạn khác nữa, nói về Thiên Chúa, dường như, ra tay bạo lực nhân danh Ngài? Tôi xin đưa ra một ví dụ: Trong các lệnh truyền với Joshua khi dân đi vào đất hứa, Thiên Chúa đã lệnh cho ông giết hết mọi thứ trong đất Canaan, tất cả mọi đàn ông, đàn bà, mọi trẻ em, và cả mọi súc vật. Tại sao lại thế? Tại sao Thiên Chúa quá tàn bạo muốn hủy diệt hết tất cả? Chúng ta có tin Thiên Chúa làm thế? Còn các ví dụ tương tự, như trong sách Thẩm phán, khi Thiên Chúa nhận lời cầu nguyện của Jephthah, người Gileadite, khi ông hứa là sẽ hiến tế con gái của mình trên bàn thờ. Các đoạn văn như thế này dường như đi ngược lại bản tính của Thiên Chúa mà phần lớn Kinh thánh mặc khải.

 

Trong Kinh thánh, có nhiều lúc, Thiên Chúa dường như độc đoán, vô tâm, bạo lực, yêu cầu những kẻ tin thực thi bạo lực, và hoàn toàn chai đát trước sinh mạn của bất kỳ ai không thuộc những người Ngài đã chọn. Nếu người ta xét những đoạn văn này theo nghĩa đen, thì có thể dùng chúng để biện hộ cho dạng bạo lực của các nhóm cực đoan như ISIS và Al-Qaida, những kẻ tin rằng Thiên Chúa chỉ yêu thương độc nhất họ mà thôi, và họ được tự do giết hại người khác nhân danh Chúa.

 

Như các học giả kinh thánh làm rõ, các đoạn văn này không được hiểu theo nghĩa đen. Chúng mang tính nhân hình và nguyên hình. Bất kỳ lúc nào đọc lên, thì nên có tiền thức kiểu như trước khi xem một bộ phim chúng ta được cho biết rằng: ‘Không có động vật nào bị chết khi làm phim này.’ Vậy nên, không có người thật nào bị chết trong các đoạn văn này.

 

Trước hết, các đoạn văn này mang tính nhân hình, nghĩa là trong đó chung ta quy cảm nghĩ và ý muốn của chúng ta cho Chúa. Do đó, các đoạn văn này phản ánh cảm giác của chúng ta, chứ không phải của Chúa. Ví dụ như, khi thánh Phaolô nói với chúng ra rằng, khi phạm tội, chúng ta nếm trải ‘cơn thịnh nộ của Thiên Chúa,’ thì chúng ta không tin rằng Thiên Chúa nổi giận và giáng các hình phạt tuyệt đối cụ thể trên chúng ta. Đúng hơn, khi chúng ta phạm tội, chúng ta tự trừng phạt mình, bắt đầu ghét bản thân, và cảm thấy như thể Thiên Chúa nổi cơn thịnh nộ với chúng ta. Các ngòi bút thánh kinh thường xuyên viết theo lối này. Thiên Chúa không bao giờ ghét chúng ta, nhưng khi phạm tội, là chúng ta tự ghét chính mình.

 

Các bản văn này cũng mang tính nguyên hình, nghĩa là chúng là những hình ảnh nguyên mẫu mạnh mẽ giải thích cuộc đời. Tôi nhớ có một người đến gặp tôi sau thánh lễ ngày chúa nhật, với bài đọc nói về Chúa lệnh cho ông Joshua giết tất cả người Canaan khi vào đất hứa.  Ông ấy nói với tôi: ‘Cha nên để con giảng hôm nay thì hơn. Con biết đoạn văn đó chính xác có nghĩa gì. Con là một người nghiện rượu đang phục hồi, và đoạn văn đó có nghĩa là ‘ớn lạnh.’’  Là một người nghiện rượu, muốn phục hồi, thì phải dẹp sạch rượu khỏi phòng, sạch tuyệt đối, không còn chai nào, không còn chút rượu nào. Mọi dân cư Canaan phải bị giết. Chúa Giêsu cũng nói như vậy, nhưng Ngài dùng một ẩn dụ nhẹ nhàng hơn: ‘Rượu mới phải đổ vào bầu mới.’  Về căn bản, đây là ý nghĩa của đoạn văn trên.

 

Nhưng ngay cả như thế, nếu các đoạn văn này không phải theo nghĩa đen, thì không phải chúng là những lời được Thiên Chúa linh hứng hay sao? Có thể nào cứ giải thích theo cách chúng ta thấy thuận tiện sao?

 

Có hai điều cần nói: Thứ nhất, tất cả mọi bản văn trong kinh thánh, phải được xem xét với bộ khung tổng thể của kinh thánh, và thần học tổng thể của chúng ta về Thiên Chúa, như thế cần có một diễn giải theo sát bản tính Thiên Chúa được mặc khải trong toàn kinh thánh. Và, trong toàn thể Kinh thánh, chúng ta thấy Thiên Chúa hoàn toàn yêu thương, hoàn toàn thương xót, hoàn toàn tốt lành, không thể nào gắn các tính chất định kiến, nhẫn tâm, tàn bạo, thiên vị và bạo lực cho Thiên Chúa được.  Hơn nữa, kinh thánh cố kết và không thể sai lầm trong ý định thông điệp, chứ không phải trong nghĩa đen của diễn đạt. Ví dụ như, chúng ta không nên xét nghĩa đen lệnh truyền của Chúa Giêsu, ‘đừng gọi ai trên mặt đất này là cha’ cũng như với lời chỉ dạy của thánh Phaolô, ‘Nô lệ thì thuộc về ông chủ.’

 

Bối cảnh và diễn giải không phải là các lý luận, mà là bổn phận thiêng liêng. Chúng ta đừng biến kinh thánh thành bất xứng với Thiên Chúa.

 

(J.B. Thái Hòa chuyển dịch, phanxico.vn 28.02.2016)