Báo le Figaro phỏng vấn mục sư Philippe Dugard, giáo xứ Tin lành Phúc Âm Saint-Pol-sur-Mer (miền Bắc nước Pháp). Mục sư giúp các người tị nạn đến đây và nêu ra các căng thẳng ở trại tị nạn.
Công việc của mục sư ở Giáo hội Grande-Synthe là gì?
Philippe Dugard – Một vài giáo dân đến trại tị nạn, họ giúp người tị nạn về mặt tinh thần và nhân đạo. Chúng tôi nói với người tị nạn về đức tin kitô nhưng đó không phải là ưu tiên. Mục đích là lo tương lai cho họ. Chúng tôi cố gắng thuyết phục họ đừng mơ đi nước Anh. Rất nhiều người di dân đã từ bỏ tất cả để mong đạt được giấc mơ này, họ nghĩ rằng sẽ vượt qua biển Manche dễ dàng và sẽ có việc ở đó. Khi đến Grande-Synthe, họ thấy rằng đây là chuyện không tưởng. Một vài người bắt đầu đi về nhà họ. Về phần chúng tôi, chúng tôi cố gắng giúp những ai muốn ở lại Pháp và giúp họ làm giấy tờ. Nếu tòa thị chính cho phép, chúng tôi sẽ làm một trại tiếp cư mới ở Grande-Synthe.
Có đúng là họ xin trở lại đạo kitô không?
Đúng vậy, những người Iran ở Grande-Synthe bắt đầu đi nhà thờ từ ba tháng nay. Họ đến gặp các giáo dân khi những người này vào trại làm công việc thiện nguyện. Một vài người đã trở lại đạo từ khi họ còn ở Iran, nhưng có những người khác trở lại ngay khi họ mới đến. Họ đến dự các buổi họp, các buổi lễ ngày chúa nhật của chúng tôi. Họ có tinh thần tiếp thu và rất chăm chỉ. Đã có sợi dây liên kết giữa họ và cộng đoàn chúng tôi.
Chúng tôi nói tiếng Anh với họ. Chúng tôi cũng có những bài Thánh Kinh được thâu bằng tiếng farsi (ngôn ngữ nói ở Iran và ở Afghanistan), chúng tôi có thể trao đổi với nhau qua hệ thống Bluetooth. Chuyện này là do mục sư ở Calais có nhiều kinh nghiệm với họ bày cho chúng tôi. Một vài người Iran xin rửa tội nhưng chúng tôi chưa có thì giờ để hướng dẫn họ trong lúc này.
Mục sư có thấy có những bức bách bài-kitô ở trong trại Grande-Synthe không?
Rất nhiều báo chí thổi phồng chuyện này. Bây giờ không phải lúc, cũng không phải cách để nói chuyện này. Vụ nổ súng gần đây (trong đêm 26 – 27 tháng 1 vừa qua) là vụ đụng độ giữa hai phe đưa người đi vượt biên, không dính gì với việc bức bách kitô hữu. Ngược lại, trong đêm 14-15 tháng 12, người tị nạn Iran còn bị nhóm người này tấn công trong lều của họ. Một thanh niên bị gãy mũi, một người khác bị đâm. Thanh niên Mohammed, 19 tuổi bị bắt cóc, bị mất tích. Một trong các bạn của anh cho chúng tôi biết, anh bị cắt cổ và chôn tại chỗ vì anh trở lại đạo. Chúng tôi đã báo cho cảnh sát và từ đó chúng tôi không có tin tức gì của cuộc điều tra này.
Người Iran rất lo cho mạng sống của họ, chúng tôi đã đưa họ ra khỏi trại. Hiện nay họ ở Đội quân Cứu rỗi (Armée du Salut, một tổ chức thiện nguyện) và ở trong các gia đình tiếp cư. Chúng tôi tổ chức để buổi tối đem thức ăn đến cho họ, cầu nguyện với họ, nâng đỡ họ trong đời sống đức tin. Tôi nghĩ người Iran bị tấn công vì họ là nhóm thiểu số ở trại Grande-Synthe: trong trại đa số là người Kurde Irak và có nhiều xung đột giữa người Iran và Irak. Dù họ có là tín hữu kitô hay không thì cũng không giải quyết được gì. Theo tôi, đó là xung đột giữa các sắc dân và xung đột tôn giáo được ghép thêm vào các xung đột này.
(Giuse Nguyễn Tùng Lâm chuyển dịch, phanxico.vn 01.01.2016/
lefigaro.fr, Pierre Jovanovic, 2016-01-28)