Các giáo hội Kitô trên toàn thế giới và đặc biệt là ở Bắc bán cầu vào đã bước vào Tuần lễ cầu nguyện cho sự Hiệp nhất các Kitô hữu, bắt đầu từ thứ Hai 18 tháng Giêng hằng năm.
Trong thời gian tám ngày, các giáo hội và các cộng đoàn cùng nhau tổ chức các buổi cầu nguyện chung, học hỏi Kinh Thánh, cũng như các cuộc gặp gỡ khác nhằm thúc đẩy thêm hiểu biết và hợp tác chặt chẽ hơn giữa các thành viên của nhiều hệ phái khác nhau.
Chủ đề của Tuần lễ cầu nguyện năm nay, do Hội đồng Toà thánh cổ võ sự hiệp nhất các Kitô hữu và Uỷ ban Đức Tin và Lề luật của Hội đồng Đại kết các Giáo hội công bố, đượctrích từ thư thứ nhất của Thánh Phêrô: “Ðược mời gọi để loan báo những kỳ công của Thiên Chúa”.
Tài liệu đăng tải trên cả hai trang web của Toà ThánhVatican và của Hội đồng Đại kết các Giáo hội, được soạn thảo bởi các Kitô hữu ở Latvia, nơi từng là chiến trường tôn giáo và chính trị, nhưng nay là nơi những người Công giáo, Luther, Baptist và Chính thống giáo gặp gỡ nhau, làm việc và cầu nguyện cùng nhau.
Tại Roma, Đức giáo hoàng Phanxicô sẽ chủ sự giờ Kinh Chiều với các thành viên của các Giáo hội Kitô giáo khácnhau vào ngày thứ Hai tới tại Vương cung thánh đường Thánh Phaolô Ngoại thành; đây là một cử hành đại kết quan trọng trong khuôn khổ của Năm Thánh Lòng Thương xót.
Đức hồng y Koch nói rằng mặc dù sự kiện đại kết chính của Năm Thánh Lòng Thương Xót ở Roma sẽ được cử hành vào giờ Kinh Chiều ngày thứ Hai, kết thúc Tuần lễ cầu nguyện cho sự Hiệp nhất các Kitô hữu, nhưng tại một số nước cũng sẽ có các buổi cử hành chung về lòng thương xót.
Liên quan đến việc người Công giáo và Luther sắp mừng kỷ niệm 500 năm Phong trào Cải Cách, Đức hồng y Koch đã nói về các ấn phẩm mới đây của Hội đồng Toà Thánh về Hiệp nhất các Kitô hữu và Liên đoàn Luther thế giới(WLF), gồm cả tài liệu “Từ xung đột đến hiệp thông” và các hướng dẫn phụng vụ gần đây về cách thức cùng nhau cử hành ngày kỷ niệm đặc biệt này.
Đức hồng y Koch cho biết Hội đồng của ngài và WLF đang lên kế hoạch tổ chức một “cuộc gặp gỡ về phụng vụ”, sẽ diễn ra vào tháng Mười ở Lund, Thụy Điển, nơi WLF được thành lập vào năm 1947. Ngài hoan nghênh sự việcWLF đã giải thích rõ ràng ngay từ đầu rằng, cùng với Giáo hội Công giáo, họ cũng mời các giáo hội và các cộng đồng khác tham gia sự kiện này; Đức hồng y hy vọng, dịp này sẽ đánh dấu một “bước tuyệt vời” tiến đến sự hiệp thông trọn vẹn giữa người Công giáo và người Luther.
Khi được hỏi ngài sẽ khuyến khích người Công giáo –từng xem Phong trào Cải cách như một giai đoạn xung đột và chia rẽ trong lịch sử– cử hành Tuần lễ này như thế nào, Đức hồng y Koch nêu ra ba khía cạnh chính của cử hành: thứ nhất, sám hối về những chia rẽ trong Giáo hội và nhiều cuộc chiến đã tàn phá Châu Âu; thứ hai, tạ ơn về năm mươi năm đối thoại giữa Công giáo và Luther, trong thời gian này, chúng ta đã khám phá ra rằng chúng ta có nhiều điều chung với nhau; và thứ ba, nhấn mạnh đến niềm hy vọng rằng chúng ta có thể đến gần hơn với sự hiệp nhấttrọn vẹn.
Về chuyến viếng thăm giáo hội Luther ở Roma mới đây của Đức giáo hoàng và thắc mắc về việc chia sẻ Thánh Thể được một giáo dân ở đó nêu lên, Đức hồng y Koch cho biết Đức giáo hoàng Phanxicô không thể cho phép vìngài không có thẩm quyền, nhưng ngài nhấn mạnh rằng mối tương quan cá vị của một người với Chúa Kitô là nền tảng cho vấn đề này. Đức hồng y nói rằng sau Tuyên bố chung về công chính hoá, ngài đề nghị cần có một Tuyên bố chung khác liên quan đến “Giáo hội, Thánh Thể và thừa tác vụ” và ngài cảm ơn hai quốc gia (Phần Lan và Mỹ) đã cùng nhau làm việc về vấn đề này.
Liên quan đến Thượng Hội đồng toàn Chính thống giáo sắp tới dự định diễn ra vào cuối mùa Xuân, Đức hồng yKoch cho biết ngài hy vọng Thượng Hội đồng sẽ là một cơ hội tốt để Giáo hội Chính thống tỏ cho thế giới thấy tính công nghị sẽ được áp dụng như thế nào. Ngài còn nói thêm, “hy vọng đây cũng sẽ là cơ hội tốt cho đối thoại”.
Cuối cùng Đức hồng y Koch nói về cuộc gặp gỡ sắp tới với các đại diện của các Giáo hội Chính thống Đôngphương ở Cairo, trong tuần đầu tiên của tháng Hai. Giai đoạn ba này của cuộc đối thoại sẽ tập trung vào các bí tích, đặc biệt là các bí tích Khai tâm, nhưng ngài lưu ý rằng vấn đề bí tích Rửa tội không phải là vấn đề dễ dàng vì một số Giáo hội Chính thống Đông phương, gồm cả các giáo hội Copt và Ethiopia, có một hiểu biết rất khác về bí tích Rửa tội và thường rửa tội lại cho những ai được nhận vào Giáo hội của họ. Và Đức hồng y nói thêm, một sự hiểu biết chung về bí tích Rửa tội là nền tảng của các quan hệ đại kết; ngài cũng hy vọng cuộc gặp gỡ sắp tới sẽ đem lại nhiều đồng thuận hơn về vấn đề quan trọng này.
(Minh Đức, WHĐ 19.01.2016/ Vatican Radio)