Đức Hồng y Pietro Parolin: Đức Phanxicô cầm tay chúng ta để đưa chúng ta vào trong huyền nhiệm

Trong quyển sách trò chuyện với ký giả Andrea Tornielli “Tên của Chúa là Thương Xót”, một cách nào đó, Đức Phanxicô như “cầm tay chúng ta để đưa chúng ta vào huyền nhiệm lòng thương xót Chúa (…)”, Đức Hồng y Parolin giải thích.

PietroParolin.jpg

 

“Người cộng sự hàng đầu của Đức Phanxicô”, – chữ của linh mục phát ngôn viên Tòa Thánh Lombardi dùng -, hồng y Quốc vụ khanh Pietro Parolin đã tham dự vào buổi ra mắt sách của Đức Phanxicô ở Rôma, tại trụ sở của phân khoa thần học Augustinianum ngày thứ ba 12 tháng 1-2016.

 

Ngài báo trước, độc giả không tìm trong quyển sách này những “vén mở của những chuyện tò mò chưa biết”, nhưng trong quyển sách này, Đức Giáo hoàng đề nghị cho chúng ta một con đường.

Ngài khẳng định, “lòng thương xót là chân tính của Thiên Chúa chúng ta”, và ngài giải thích đó là “cánh cửa đích thực của chân lý Kitô”.

 

“Đức Giáo hoàng là tác giả chính, ngài mở các cánh cửa, ngài muốn các cánh cửa luôn mở, ngài muốn thấy những điều có thể làm được (…). Vì không có lòng thương xót, thế giới không tồn tại.”

Đức Hồng y nhắc lại một giai thoại Đức Phanxicô kể trong buổi Kinh Truyền Tin đầu tiên của ngài, ngày 17 tháng 3-2013; rồi sau đó trong một bài giảng ở Nhà trọ Thánh Mácta; trong sách thì ngài “viết thêm nhiều chi tiết hơn”. Đó là câu trả lời của một bà lớn tuổi, bà đến tìm linh mục  Jorge Mario Bergoglio để xưng tội; bà nói với linh mục, nếu Chúa không tha thứ thì thế giới không tồn tại.

 

Làm một trải nghiệm

 

Hồng y Parolin nói, “Đức Phanxicô mời gọi chúng ta làm một trải nghiệm với ơn của Chúa”. Một ơn “khuyến khích và làm cho mình có thể đi lại từ đầu”. Quyển sách của Đức Giáo hoàng “hé cho thấy lòng thương xót Chúa”; đây là “quyển sách làm xúc động”, chứng tỏ cho chúng ta thấy cách nào mà “Chúa Cha chạm đến các tâm hồn và tìm cách nối chúng ta lại, tìm một đường nứt nhỏ nhất trong tâm hồn chúng ta để nối chúng ta lại qua ân sủng của Ngài”.

 

Đức Hồng y kể đoạn ký giả Andrea Tornielli kể Đức Phanxicô yêu cầu điều chỉnh lại một chút trong bài của ngài. Đức Hồng y tóm tắt: “Người ta khó mà tự nhận mình là người có tội. Thuốc chữa có đó, chữa lành là ở đó. Chỉ cần làm một bước nhỏ để đi đến với Chúa” nhưng Đức Phanxicô muốn thêm một đoạn mà ký giả Tornielli thiếu chú ý: hay ít nhất là mình có “ý muốn làm”. – Đức Hồng y Parolin nói, ký giả Tornielli kể giai thoại sau: điều này cho thấy “quả tim của mục tử đi tìm quả tim của Chúa”, Đấng không coi thường một vết nứt nào, để qua vết nứt này Ngài mang ân sủng của mình đến.

 

Đức Hồng y Parolin kể dụ ngôn người con hoang đàng, ngài chú giải: “Chỉ cần tối thiểu có ước muốn làm”, “có khởi tâm để ân sủng có thể hành động và để lòng thương xót được trao ban”, đây không phải là “nha quan thuế nhưng mọi con đường mở ra để thực hiện được sự tha thứ”.

 

Vì “nhân loại bị tổn thương cần đến lòng thương xót”: Hồng y Parolin nhắc lại một ghi nhận của Đức Piô XII: nhân loại gần như “đánh mất ý nghĩa thế nào là tội”. Đức Hồng y thêm vào, “điều bi thảm là ngày nay người ta xem sự dữ như căn bệnh không chữa được, một cái gì như không lành được, không tha thứ được (…). Chúng ta cần lòng thương xót!”

Niềm vui đi trở về

 

Đức Hồng y nói, “đây là một điểm tế nhị khác”: “Chúng ta đánh mất đi sự tin tưởng là mình có thể tìm được ánh sáng để đưa mình ra khỏi tuyệt vọng, khỏi sai lầm” và “chúng ta cũng đánh mất đi ý nghĩa thế nào là sự dữ, thêm vào đó là không biết sự hiện hữu của người khác có thể vực mình dậy”.

 

Đức Hồng y cũng nhắc đến bài luận trong một lớp học ở Ý: hình dung chuyện gì xảy ra sau khi người con hoang đàng trở về. Đa số các học sinh nghĩ “người cha sẽ phạt và bắt người con sống với tôi tớ”. Đối với hồng y Parolin, đây là “phản ứng tiêu biểu của người ít trải nghiệm lòng thương xót, họ khó hiểu ý nghĩa của lòng thương xót”.

 

Phản ứng của người con cả là “phản ứng của loài người”, “phản ứng của người cha là phản ứng của thiên tính”.

 

Theo hồng y “chúng ta cần lòng thương xót, cũng như tất cả những người chúng ta gặp”.

 

Ngài nhấn mạnh, các thánh sử là những “chứng nhân bằng mắt” của những cuộc gặp gỡ với Chúa Giêsu – với người phụ nữ ngoại tình, với ông Giakêu, với Thánh Matêô – họ hiểu “cảm nhận mình được Chúa Giêsu nhìn, Chúa Giêsu yêu” và điều này làm “thay đổi cuộc sống” của họ: đó là “ơn ban ngoài mong chờ, một tình yêu lớn hơn, một vòng ôm, một ơn nhưng không vượt mọi dự đoán và sự khốn cùng của những người phạm tội thấp hèn cần được giúp đỡ”.

 

“Biết mình là kẻ có tội là một ơn, Đức Giáo hoàng nói”, Hồng y nói thêm và ngài nhắc lại lời Đức Phanxicô ngay: “Giáo hội lên án tội vì Giáo hội phải nói sự thật: đó là tội. Nhưng cùng một lúc Giáo hội ôm người có tội với con người thật của họ, Giáo hội gần với họ, nói với họ trong lòng thương xót bao la của Chúa.”

 

Ngài nhắc lại, “Chúa Giêsu tha thứ cho người đã đóng đinh mình.”

 

Vì thế Đức Phanxicô mời gọi chúng ta “trở về với Phúc Âm”, không phải chỉ “đón nhận và tha thứ” nhưng còn “ăn mừng”. Thánh Luca nhấn mạnh về niềm vui ăn mừng và “không có gì vui hơn dù chỉ một người có tội ăn năn trở lại” còn hơn là “chín mươi chín người công chính”. Ngài nói thêm: Chúa Giêsu đã cảnh cáo Thánh Phêrô, phải tha thứ không bờ: “Bảy mươi bảy lần bảy”.

 

Tầm mức xã hội và chính trị

 

Hồng y Parolin nhấn mạnh đến tầm mức xã hội và chính trị của lòng thương xót, truyền thống Thánh Kinh là phải bảo vệ bà góa, trẻ mồ côi, người khách lạ: lòng thương xót bao gồm cả các quan hệ xã hội và các quan hệ giữa các quốc gia. Ngài nhắc đến sứ điệp của Đức Gioan-Phaolô II trong ngày Hòa bình Thế giới 1 tháng 1-2002, trong bối cảnh của cuộc tấn công ngày 11 tháng 9-2001. Đức Giáo hoàng nói: “không có công lý mà không có tha thứ”. “Khả năng tha thứ” giúp chúng ta xây dựng  một “xã hội công chính hơn, tương trợ hơn”, điều này đôi khi cũng có nghĩa là “từ bỏ  tìm cách hả hê cho tất cả những điều thiệt hại mà mình phải chịu”.

 

Nói cách khác “lòng thương xót và tha thứ giúp chúng ta thực hiện được một nền công chính đích thực, mở ra “một con đường mới trong công chính,” điều chúng ta đã thực hiện được khi “không chấp nhận án tử hình” hoặc trong công việc “tái hội nhập vào xã hội cho các tù nhân”.

 

Năm Thánh Lòng Thương Xót giúp chúng ta “thực hiện trải nghiệm này”, và sứ điệp của Đức Giáo hoàng, sứ điệp kitô của lòng thương xót và tha thứ, các Cửa Thánh, lời kêu gọi buông mình vào tình yêu của Chúa không những chỉ để “cứu rỗi cho cá nhân mình” nhưng “bao gồm cả dân tộc, xã hội, xứ sở”, và có thể “giúp chúng ta có các quan hệ huynh đệ hơn”.

 

“Ai đã được tha thứ và tiếp tục nhận được tha thứ có thể khôi phục lại một ít những gì mình đã nhận được”, Đức Hồng y kết luận, ngài nhắc lại lời Chúa Giêsu yêu cầu trong Phúc Âm: “Anh em hãy có lòng thương xót như Cha anh em trên trời hằng có lòng thương xót.”

 

(Giuse Nguyễn Tùng Lâm chuyển dịch, phanxico.vn 15.01.2016/
zenit.org, Anita Bourdin, 2016-01-12)