Cái nhìn của Đức Giê-su

Suy niệm Năm Thánh Lòng Thương Xót: Cái nhìn của Đức Giê-su

ThuongXotNhuChuaCha.jpg

 
Trong Tông sắc “Misericordiae Vultus” (Dung mạo lòng thương xót) ấn định Năm Thánh ngoại thường về Lòng Thương Xót bắt đầu từ 8-12-2015 đến 20-11-2016, Đức Giáo hoàng Phan-xi-cô đã mở đầu với lời tuyên xưng như sau: “Dung mạo lòng thương xót của Chúa Cha chính là Đức Kitô Giêsu. Mầu nhiệm đức tin Kitô giáo như đã được tóm tắt đầy đủ trong mệnh đề này.”[i] Để minh họa cho chủ đề của Năm Thánh về Lòng Thương Xót, logo của Năm Thánh được trình bày với hình ảnh Đức Giê-su vác một người tội lỗi trên vai, trong đó một trong những nét độc đáo là đôi mắt của Đức Giê-su hòa quyện vào đôi mắt của người tội lỗi. Hình ảnh này diễn tả cái nhìn của Đức Giê-su, Vị Mục Tử nhân lành, như chạm đến cách sâu xa con người tội lỗi bằng một tình yêu mãnh liệt đến nỗi làm thay đổi tâm hồn của người ấy[ii]. Đó là cái nhìn đầy lòng xót thương của Đức Giê-su, qua đó con người cảm nghiệm được tình yêu của Thiên Chúa Ba Ngôi chí thánh.

Cái nhìn đầy lòng xót thương đó của Đức Giê-su được thể hiện trong cuộc đời rao giảng Tin Mừng của Người qua những lần Người tiếp xúc gặp gỡ dân chúng, nhất là những người nghèo đói, những người đau khổ, những người bệnh tật, những người tội lỗi và những người bị gạt ra ngoài lề xã hội.

 

1.Cái nhìn với “đôi mắt của con tim yêu thương”

Tin Mừng Mt kể rằng khi thấy đám đông dân chúng theo Người, Đức Giê-su đã chạnh lòng thương[iii] đối với họ, vì “họ lầm than vất vưởng, như bầy chiên không người chăn dắt” (Mt 9,36). Đức Giê-su, Vị Mục Tử nhân lành đã được ngôn sứ Ê-dê-ki-en loan báo (x. Ed 34,23) hằng thao thức, quan tâm, lo lắng cho đoàn chiên. Với lòng nhân từ vô biên của một Vị Mục Tử luôn ý thức trách nhiệm đối với đoàn chiên của mình, khi nhìn thấy dân chúng trong tình trạng đau khổ lầm than như đoàn chiên bị tán loạn, không ai chăm sóc (x. Ed 34,4), Đức Giê-su đã động lòng xót thương họ. Tác giả Tin Mừng Mt dùng hai động từ “thấy” và “chạnh lòng thương” (Mt 9,36) đi liền nhau như muốn nhấn mạnh đến cái nhìn của Đức Giê-su không phải là cái nhìn của một con người vô cảm, dửng dưng trước nỗi khổ của tha nhân, nhưng là cái nhìn với “đôi mắt của con tim yêu thương”, cái nhìn với tất cả tình người, và hơn thế nữa, cái nhìn với cảm xúc của Đấng Cứu Thế, qua đó diễn tả lòng thương xót của Đức Giê-su, Vị Mục Tử nhân ái dịu hiền. Cái nhìn đầy lòng thương xót đó đã khiến cho Đức Giê-su không chỉ dừng lại ở sự chạnh lòng thương, nhưng còn đi đến hành động cụ thể đối với đám đông dân chúng lầm than đi theo Người.

Một đoạn khác trong Tin Mừng Mt kể rằng khi trông thấy đoàn người đông đảo đi bộ theo Người, Đức Giê-su đã chạnh lòng thương và chữa lành các người đau ốm bệnh tật trong số họ (x. Mt 14,14). Ở đây chúng ta để ý bối cảnh lần này là Đức Giê-su đang muốn đi đến một nơi hoang vắng riêng biệt. Nhưng dân chúng vẫn đi theo Người và còn đi đến trước Người nữa. Họ đem theo cả những người bệnh để hy vọng được Người chữa lành. Thấy vậy, lẽ ra Đức Giê-su có thể khó chịu, bực mình vì bị dân chúng quấy rầy làm mất sự yên tĩnh của mình. Thế nhưng, Đức Giê-su không xua đuổi hay muốn trốn tránh họ, mà ngược lại, Người nhìn họ với ánh mắt cảm thương sâu xa và ra tay chữa bệnh cho họ. Không những thế, Người còn yêu cầu các môn đệ phải cho họ ăn, trong khi các môn đệ lại đề nghị Đức Giê-su giải tán đám đông để họ tự đi tìm mua lương thực trong các làng mạc. Sau đó, với năm cái bánh và hai con cá, Đức Giê-su đã đáp ứng nhu cầu lương thực cho họ. Tất cả họ được ăn và ăn no nê (x. Mt14,15-21). Cách ứng xử của Đức Giê-su đã cho các môn đệ một bài học về lòng thương xót: nếu có một trái tim đầy yêu thương thì trước tình cảnh đau khổ của tha nhân, họ sẽ không nhìn tha nhân với ánh mắt lãnh đạm, sống chết mặc bây, nhưng sẽ nhìn tha nhân bằng ánh mắt của tấm lòng thương cảm sâu xa và sẵn sàng ra tay hành động thiết thực giúp đỡ tha nhân.

Với lòng thương xót của của một trái tim dạt dào tình yêu, khi gặp gỡ những người đau khổ, Đức Giê-su như nhìn xuyên thấu được tâm tình cũng như nhu cầu sâu xa của họ. Tin Mừng Lc 7,11-15 kể rằng một lần nọ trên đường đi đến thành Na-in, khi trông thấy một bà góa khóc lóc đau khổ đang cùng với đám đông dân chúng khiêng một người chết là đứa con trai duy nhất của bà đi chôn, Đức Giê-su đã chạnh lòng thương. Cái nhìn của Đức Giê-su như hiểu thấu được tận tâm can của nỗi đau khổ tận cùng trong tuyệt vọng của bà góa khi mất đứa con trai duy nhất của mình. Thế là Người đã an ủi bà và nói với bà: “Bà đừng khóc nữa” (Lc 7,13), rồi Người lại gần sờ vào quan tài và nói với người chết: “Này người thanh niên, tôi bảo anh: hãy trỗi dậy” (7,14). Với lời quyền năng của Đức Giê-su, người chết được sống lại và Đức Giê-su đã “trao anh ta cho bà mẹ” (7,15). Chứng kiện sự kiện xảy ra, mọi người có mặt lúc đó đều kinh ngạc và tôn vinh Thiên Chúa rằng: “Thiên Chúa đã viếng thăm dân Người” (7,16). Lời dân chúng thốt lên trên đây tiếp theo sau hành động cho đứa con trai của bà góa được sống lại nhờ lòng thương xót trắc ẩn của Đức Giê-su, khiến chúng ta nhớ đến bài thánh ca Benedictus: “Thiên Chúa ta đầy lòng trắc ẩn, cho Vầng Đông tự chốn cao vời viếng thăm ta” (1,78).

 

  1. Cái nhìn với “ánh mắt cảm thông, tha thứ và có sức hoán cải”

Dưới cái nhìn của người Pha-ri-sêu nói riêng cũng như người Do Thái thời Đức Giê-su nói chung, những người làm nghề thu thuế hay những cô gái điếm là những kẻ tội lỗi nên cần phải tránh xa họ. Thế nhưng, cái nhìn của Đức Giê-su đối với những người tội lỗi này hoàn toàn khác hẳn, bởi vì như Đức Giê-su đã nói: “Tôi không đến để kêu gọi người công chính, mà để kêu gọi người tội lỗi” (Mt 9,13). Lời nói trên đây của Đức Giê-su thể hiện lòng thương xót của Người qua câu chuyện Đức Giê-su kêu gọi ông Mát-thêu trong Tin Mừng Mt 9,9-13. Khi đi ngang qua trạm thu thuế, Đức Giê-su thấy một người tên là Mát-thêu[iv], đang ngồi làm việc tại đó và Người đã gọi Mát-thêu đi theo Người: “Anh hãy theo tôi” (Mt 9,9). Mát-thêu liền đứng dậy và đi theo Người. Điều gì đã khiến cho Mát-thêu mau mắn sẵn sàng đáp lại lời mời gọi của Đức Giê-su? Phải chăng Mát-thêu đã cảm nhận được một điều gì đó thật đặc biệt nơi cái nhìn của Đức Giê-su dành cho ông, một cái nhìn với ánh mắt hoàn toàn khác với cái nhìn của người đương thời đối với ông? Và phải chăng cái nhìn đó đã làm thay đổi cuộc đời của Mát-thêu?

Quả thực, cái nhìn của Đức Giê-su đã tác động mãnh liệt đến cuộc đời của Mát-thêu. Đó không phải là cái nhìn của sự khinh khi, miệt thị, cái nhìn của sự loại trừ, cái nhìn của sự lên án, phân biệt đối xử đối với người bị coi là tội lỗi, bất chính như ông. Nhưng cái nhìn của Đức Giê-su là cái nhìn với ánh mắt yêu thương, cảm thông, tha thứ và mời gọi hoán cải. Mát-thêu chắc hẳn đã cảm nhận trong đời ông chưa có người nào từng nhìn ông như thế. Cái nhìn của Đức Giê-su đã đem lại cho Mát-thêu sự bình an, tin tưởng, không còn mặc cảm về tội lỗi của mình. Cái nhìn đó đã soi chiếu một luồng ánh sáng hy vọng vào tâm hồn Mát-thêu, khiến cho ông như được hồi sinh. Cái nhìn đó có sức chữa lành, đem lại sức sống mới và niềm lạc quan cho ông để hướng về một đời sống mới. Chúng ta cũng gặp lại cái nhìn đó nơi Đức Giê-su trong trường hợp của Phê-rô, người môn đệ thân tín của Đức Giê-su, được Người yêu thương, tin tưởng. Khi Đức Giê-su bị bắt và bị kết án, Phê-rô đã công khai chối Thầy mình đến ba lần trước mặt Người[v] (x. Lc 22,54-60), dù trước đó Đức Giê-su đã báo trước cho Phê-rô biết về sự phản bội của ông. Chứng kiến sự nhẫn tâm phản bội của Phê-rô đối với mình, Đức Giê-su đã “quay lại nhìn ông” (22,61). Cái nhìn của Đức Giê-su khiến cho Phê-rô sực nhớ lời Người đã báo trước với ông “Thầy bảo cho anh biết, hôm nay, gà chưa kịp gáy, thì đã ba lần anh chối là không biết Thầy” (22,34), và thế là Phê-rô đã khóc lóc thảm thiết. Chắc hẳn, lúc bấy giờ Phê-rô đã cảm nhận được nơi cái nhìn của Đức Giê-su một tấm lòng nhân từ khoan dung, một sự cảm thông tha thứ cho sự yếu đuối sa ngã của con người tội lỗi của ông để mời gọi đứng lên, chứ không phải là cái nhìn của sự kết án, ruồng rẫy, đe dọa, xét xử. Chắc hẳn, cái nhìn đầy xót thương đó của Đức Giê-su đã khơi dậy nơi Phê-rô lòng ăn năn hoán cải và thay đổi tâm hồn ông.

Tình yêu đã thúc đẩy Đức Giê-su luôn quan tâm đến con người và tìm kiếm con người, nhất là những người tội lỗi. Họ là đối tượng mà Đức Giê-su luôn tìm kiếm, bởi vì Người biết họ cần sự hiện diện và giúp đỡ của Thiên Chúa hơn cả. Bởi thế, Đức Giê-su đã nói: “Người khỏe mạnh không cần đến thầy thuốc, người đau ốm mới cần” (Mt 9,12)[vi]. Tình yêu của Đức Giêsu luôn đi bước trước và đã khiến cho Đức Giê-su nhìn thấy trước con người cần gì. Trong một bài giảng, Đức Giáo hoàng Phan-xi-cô cũng đã chia sẻ suy nghĩ của ngài về cái nhìn của Đức Giê-su như sau:“Cái nhìn có khả năng thấy xa hơn diện mạo bên ngoài, vượt xa hơn tội lỗi, thất bại và bất xứng nơi con người chúng ta, để qua đó thấy được phẩm giá cao quý của con người trong tư cách là con của Thiên Chúa, một phẩm giá mà tội lỗi làm cho nhơ uế; nhưng phẩm giá đó vẫn được tồn tại trong nơi sâu thẳm của tâm hồn con người. Vì thế, Đức Giê-su đến để tìm kiếm tất cả những ai cảm thấy bất xứng với Thiên Chúa, và bất xứng với mọi người”[vii]. Mát-thêu, Phê-rô cũng như Da-kêu… đã để cho ánh mắt của Đức Giê-su chạm vào con người tội lỗi của mình và làm biến đổi cuộc đời mình.

  1. Cái nhìn “với ánh mắt nhân từ, mời gọi và khích lệ”

Tin Mừng Mc 10,17-27 kể rằng một hôm, một người giàu có đến gặp Đức Giê-su, quỳ xuống trước mặt Người và hỏi: “Thưa Thầy nhân lành, tôi phải làm gì để được sự sống đời đời làm gia nghiệp?” (10,17). Trước thái độ thành khẩn của anh ta, Đức Giê-su trả lời cho anh ta biết anh ta cần phải giữ các điều răn như “chớ giết người, chớ ngoại tình, chớ trộm cắp, chớ làm chứng gian, chớ làm hại ai, hãy thờ kính cha mẹ” (10,19)[viii]. Anh ta liền đáp lại: “Thưa Thầy, tất cả những điều răn đó, tôi đã tuân giữ từ thuở nhỏ” (10,20). Nghe thế, Đức Giê-su “đưa mắt nhìn anh ta và đem lòng yêu mến” (10,21). Chắc hẳn Đức Giê-su đã nhận thấy được sự đơn sơ và lòng chân thành của anh ta trong nỗ lực tìm cách sống mối tương quan gắn bó với Thiên Chúa, nên anh ta mới nhiệt tâm tuân giữ các điều răn cách nghiêm túc như vậy. Tuy nhiên, đối với anh ta, dường như việc tuân giữ đầy đủ các giới răn như vậy vẫn chưa đủ, nên anh ta muốn hỏi Đức Giê-su là anh cần phải làm gì hơn thế nữa! Vì thế, biết được niềm khát vọng mãnh liệt nơi anh ta, Đức Giê-su đã đưa mắt nhìn anh ta với ánh mắt âu yếm, khích lệ và mời gọi anh ta bước theo Người.

Để giúp anh ta thỏa mãn được khát vọng sâu xa đó và với tình thương đối với anh ta, Đức Giê-su cho anh ta biết là “Anh chỉ thiếu có một điều, là hãy đi bán những gì anh có mà cho người nghèo, anh sẽ được một kho tàng ở trên trời. Rồi hãy đến theo tôi” (10,21). Lời đề nghị của Đức Giê-su quả là một thách đố đối với người giàu có này: vì anh ta có nhiều tài sản của cải thì làm sao có thể dễ dàng chấp nhận từ bỏ tất cả những gì anh có được? Thế là anh ta sa sầm nét mặt và buồn rầu bỏ đi. Sau đó, Đức Giê-su đưa mắt nhìn chung quanh và nói với các môn đệ: “Những người có của thì khó vào Nước Thiên Chúa biết bao” (10,23). Cái nhìn của Đức Giê-su ở đây như một lời nhắc nhở, cảnh báo các môn đệ của Người lúc đó đang kinh ngạc sửng sốt, vì xem ra các ông đang cảm nhận sự khó khăn của việc phải từ bỏ của cải để đi theo Đức Giê-su. Chính vì thế mà họ đã nói với nhau: “Thế thì ai có thể được cứu?” (10,26). Thấu hiểu tâm trạng của các môn đệ lúc bấy giờ, “Đức Giê-su nhìn thẳng vào các ông và nói: ‘Đối với loài người thì không thể được, nhưng đối với Thiên Chúa thì không phải thế, vì đối với Thiên Chúa mọi sự đều có thể được’” (10,27). Đức Giê-su đã nhìn các môn đệ với ánh mắt đầy khích lệ, động viên các ông đừng tuyệt vọng, khi nhấn mạnh cho các ông biết rằng với quyền năng của Thiên Chúa, thì mọi sự đều có thể được và mời gọi họ hãy biết tín thác vào Thiên Chúa để được cứu độ. Tiếc thay cho người giàu có này, khi được gặp Đức Giê-su, anh ta đã không cảm nhận hết tình thương vô biên của Người dành cho anh ta qua cái nhìn đầy nhân từ, khích lệ và mời gọi làm môn đệ của Người.

Ngược với thái độ của người giàu có trên đây, ông Da-kêu trong Tin Mừng Lc 19,1-10, cũng là một người giàu có và lại có địa vị trong xã hội (ông Da-kêu đứng đầu những người thu thuế, dù nghề thu thuế không được xã hội trân trọng). Ông ta ước ao được gặp Đức Giê-su, nên một lần nọ khi biết Đức Giê-su sắp đi ngang qua thành Giê-ri-khô, ông ta tìm cách nhìn thấy Đức Giê-su cho bằng được. Nhưng vì ông ta thì thấp bé mà dân chúng đi theo Đức Giê-su thì quá đông, ông đã nghĩ ra một cách là chạy đi trước và leo lên một cây sung để có thể xem thấy Đức Giê-su. Thế là khi Đức Giê-su đi ngang cây sung, Người nhìn lên và nói với ông: “Này ông Da-kêu, xuống mau đi, vì hôm nay tôi phải ở lại nhà ông” (19,5). Cái nhìn của Đức Giê-su dành cho ông Da-kêu cùng với tiếng gọi đích danh tên ông và cho biết sẽ đến nhà ông, cho thấy lòng nhân từ của Đức Giê-su cùng với ý muốn của Người là “đến để tìm và cứu những gì đã mất ” (19,10). Trong lúc mọi người không ai thèm để ý đến một người tội lỗi như ông Da-kêu, thì Đức Giê-su lại bày tỏ sự quan tâm đặc biệt đến ông qua những cử chỉ hành động đầy tình người: “Người ngước nhìn lên và nói với ông” (19,5). Chính cái nhìn chân tình và yêu thương, cái nhìn khích lệ và mời gọi đó của Đức Giê-su, cùng với hành động đi bước trước của Đức Giê-su là bày tỏ ý muốn đến gặp ông tại nhà ông ta, đã thức tỉnh lương tâm ông Da-kêu. Thế là ông đã vội về nhà đón tiếp Đức Giê-su và tỏ lòng hoán cải thực sự, khi tự nguyện hứa sẽ lấy phân nửa của cải tài sản của ông để phân chia cho người nghèo và đến bù gấp bốn lần những gì ông đã gây thiệt hại cho người khác (x. 19,8). Quyết tâm đổi mới cuộc đời của ông Da-kêu phải chăng là câu trả lời cho thắc mắc của các môn đệ: “Thế thì ai có thể được cứu?” (Lc 18,26; Mc 10,26), khi nghe Đức Giê-su nói với họ trước đó “Những người có của thì khó vào Nước Thiên Chúa biết bao” (Lc 18,24; Mc 10,23). Khác với người giàu có trong Tin Mừng Mc đã từ chối lời mời gọi của Đức Giê-su, ông Da-kêu, một người dù giàu có với nhiều của cải tài sản, đã được đón nhận ơn cứu độ của Chúa, vì ông ta cảm nhận được tình thương vô biên của Người dành cho ông qua cái nhìn đầy nhân từ, khích lệ và hành động cao đẹp của Đức Giê-su.

Trên đây là một vài phác họa lại về cái nhìn của Đức Giê-su biểu hiện lòng xót thương của Người đối với con người được nói đến trong Tin Mừng, qua đó cho thấy tình yêu vô biên của Thiên Chúa chí thánh. Quả thực, như lời của Đức Giáo hoàng Phan-xi-cô nói trong Tông sắc ấn định Năm Thánh về Lòng Xót Thương: “Chúa Giê-su đã lãnh nhận từ Chúa Cha sứ vụ mặc khải trọn vẹn mầu nhiệm tình yêu của Thiên Chúa[ix], tình yêu đó của Đức Giê-su đã được thể hiện một cách cụ thể qua cái nhìn của Người đối với nhân loại, nhất là đối với những người tội lỗi, những người nghèo đói, những người đau khổ, những người đau ốm bệnh tật, những người bất hạnh, những người bị gạt ra ngoài lề xã hội. Đó là cái nhìn của Lòng Xót Thương phát xuất từ một Con Tim dạt dào Tình Yêu: cái nhìn chứa chan lòng trìu mến với sự rung cảm mãnh liệt của con tim, cái nhìn với sự cảm thông, tha thứ và có sức hoán cải làm thay đổi tâm hồn con người, cái nhìn nhân từ, bao dung, khích lệ và mời gọi đi theo Đức Giê-su.

Đức Giê-su Ki-tô hôm nay cũng như hôm qua và mãi mãi. Người vẫn đang nhìn mỗi người chúng ta bằng cái nhìn của Lòng Xót Thương, như Người đã nhìn đám đông dân chúng nghèo khổ đi theo Người, nhìn bà góa đau khổ thành Na-in vì mất đứa con trai duy nhất, nhìn Mát-thêu, Da-kêu là những người thu thuế tội lỗi, nhìn Phê-rô phản bội bất trung, nhìn anh thanh niên giàu có đáng thương… Vấn đề là chúng ta có nhận ra được Đức Giê-su đang nhìn chúng ta hay không, và qua cái nhìn đó, chúng ta cảm nhận được lòng thương xót của Người trong cuộc đời của chúng ta, để rồi biết đáp lại phần nào cho tương xứng với tình yêu của Người dành cho chúng ta.  

––––––––––––––––––––––––––––––––––––

[i] Misericordiae Vultus số 1.

[ii] Logo và khẩu hiệu của Năm Thánh Lòng Thương Xót do cha Marko Rupnik, Dòng Tên, thực hiện. Cha Marko sinh năm 1954 tại Slovenia, hiện là Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Ezio Aletti ở Roma. Logo được giới thiệu trong cuộc họp báo tại Vatican sáng ngày 5/5/2015.

[iii] “Chạnh lòng thương” là động từ esplanchnisthe, dịch sát là “đau đớn quặn thắt trong ruột” hay “rúng động tâm can”. Tác giả TM Mt đã nhiều lần dùng động từ này cho Đức Giê-su (Mt 9,36; 14,4; 15,32; 20, 34…) để diễn tả lòng thương xót của Đức Giê-su đối với dân chúng.

[iv] Theo TM Mc 2, 14 và TM Lc 5, 27, Mát-thêu còn có tên là Lê-vi. Ông mang hai tên có thể do theo thói quen người Do thái thời ấy, hoặc có thể Mát-thêu là biệt danh Đức Gê-su đặt cho ông (có nghĩa là “hồng ân Thiên Chúa”) và sau này trở thành một trong mười hai tông đồ của Đức Giê-su (x. Mt 10, 3).

[v] Khác với TM Mt và TM Mc, Đức Giê-su trong TM Lc bị giữ lại cả đêm trong sân dinh thượng tế. Chính ngay khi Đức Giê-su đang có mặt ở đó, ông Phê-rô đã chối Người.

[vi] Tình trạng của người tội lỗi được ví như người bệnh tật và sự tha thứ là việc chăm sóc của thầy thuốc để được chữa lành. Đây là lối so sánh theo kiểu ẩn dụ quen thuộc trong Cựu Ước (x. Đnl 32, 39; Is 1, 6; Hs 5, 13…). Một trong những đề tài chính của các sấm ngôn của các ngôn sứ về Đấng Mê-si-a là tình trạng của người tội lỗi một khi được tha thứ sẽ khá hơn tình trạng của họ trước khi phạm tội (x. Hs 14, 2-9; Is 30, 26; Ed 36, 23-38).

[vii] X. Bài giảng của Đức Giáo hoàng Phan-xi-cô trong Thánh Lễ ngày 21.9.2015 (lễ thánh Mát-thêu, tông đồ) ở Holguin, Cuba.

[viii] Những điều răn Đức Giê-su kể ra ở Mc 10,19 được rút từ Thập Giới của Do thái giáo (x. Xh 20,12-16) và là những điều răn thứ 5, 6, 7, 8 và 9.

[ix] Misericordiae Vultus số 8.

(Lm G. Nguyễn Tiến Dũng, OFM, WHĐ 13.01.2015)