Mười hai bài thuốc “trụ sinh” Đức Phanxicô dùng để chữa cho Giáo hội

Năm ngoái, trong một bài diễn văn không thể nào quên được, Đức Phanxicô đã đưa ra danh sách 15 siêu vi trùng, năm nay ngài đưa ra 12 phương thuốc trị liệu trong bản “danh mục các đức tính cần thiết”.
Mười hai bài thuốc “trụ sinh” Đức Phanxicô dùng để chữa cho Giáo hội

Trong khi vụ Vatileaks vẫn còn đang tiến hành, dù đang rất mệt vì bị cảm cúm, Đức Giáo hoàng luôn tỏ ra cương quyết khi đọc lời chúc truyền thống cho Giáo triều, cũng như năm ngoái, những lời chúc năm nay cũng có tác dụng trị liệu!

Năm ngoái, trong một bài diễn văn không thể nào quên được, Đức Phanxicô đã đưa ra danh sách 15 siêu vi trùng, năm nay ngài đưa ra 12 phương thuốc trị liệu trong bản “danh mục các đức tính cần thiết”. Sứ điệp của Đức Phanxicô rõ ràng: ngoài những vụ bê bối, những kháng cự, những mệt mỏi, những sa ngã, “cuộc cải cách vẫn đi tới trước” vì ở đây có bao nhiêu là dịp để đứng dậy và để trở về với điều thiết yếu, đặc biệt nhân dịp Năm Thánh Lòng Thương Xót.

Trong thời trẻ của mình, người đã từng mơ học bác sĩ thì bây giờ người đó lại là chuyên gia chữa trị tâm hồn và mơ Giáo hội như một “bệnh viện làng quê”, người đó đưa ra toa thuốc “trụ sinh” để mong năm 2016 chữa lành được bệnh mà “một vài bệnh đã phát ra năm nay, tạo cho toàn thân bị đau đớn và làm tổn thương biết bao nhiêu tâm hồn”.

1. Công việc truyền giáo và mục vụ: Không được làm việc trong khép kín

“Công việc truyền giáo làm cho Giáo triều được phong phú; nó là bằng chứng của sức mạnh, của hiệu quả và tính đích thực của các hành động của chúng ta”, ngài giải thích. Như thế Giáo triều không được sống như một cơ quan thu mình lại, nhưng phải suy nghĩ xem mình sẽ truyền tải cái gì để đưa ra bên ngoài, để đấu tranh chống lại những việc làm sai trái, làm bê bối trong chính nội bộ cũng như bên ngoài Giáo hội. Vậy, Giáo triều phải “săn sóc đàn chiên” và “hiến mạng sống mình cho người khác.

2. Chính đáng và minh mẫn

“Chính đáng đòi hỏi cố gắng cá nhân để có những đức tính cần thiết, cùng với trí thông minh và trực giác để làm tốt hơn các công việc và sinh hoạt của mình. Nó chống lại các gởi gắm và ưu đãi. Minh mẫn là nhanh trí để hiểu và để đương đầu với những tình huống với sự khôn ngoan và sáng tạo.  Chúng ta thấy ở đây Đức Phanxicô đấu tranh để chống với một số hình thức “sống theo thế gian”, thích chế độ ưu đãi, trong khi để đi đến đàng trước, Giáo hội cần tính chuyên nghiệp và thông minh của con người làm trong từng hoàn cảnh. Đúng vậy, trong các chứng nhức đầu của vụ rò rỉ Vatileaks mà quyển sách của ký giả Nuzzi tố cáo, có việc thâu nhận người vào Vatican làm việc nhờ “gởi gắm”, nuôi dưỡng một hình thức gia đình trị và mua bán đổi chác.

3. Thiêng liêng và nhân bản: Không được cư xử như người máy

Thiêng liêng là “cột sống cho tất cả mọi việc làm trong Giáo hội và trong đời sống Kitô hữu.” Nhân bản là “những gì làm cho chúng ta khác với máy móc và người máy, những dụng cụ không có cảm giác, không biết xúc động”. Nhân bản là tính người, khả năng biết tỏ tình dịu dàng, thân thuộc, lịch sự với tất cả mọi người. Tóm lại, thiêng liêng và nhân bản là liều thuốc chữa các “hành động quá độ, chứng dửng dưng với người khác” hoặc “chứng tâm thần phân liệt hiện sinh”, mà năm ngoái ngài gọi là bệnh của những người “sống hai mặt, hệ quả của tính đạo đức giả, tiêu biểu của sự xoàng xĩnh và trống rỗng thiêng liêng mà bằng cấp hay học vị không thể lấp được”, một “loại bệnh thường gặp nơi những người bỏ sinh hoạt mục vụ để chỉ toàn làm việc bàn giấy, mất liên hệ với thực tế và với con người.”

4. Gương mẫu và trung tín: Không gây chuyện bê bối

Để chống lại thói đạo đức giả và bệnh Altzheimer thiêng liêng mà “năm ngoái Đức Phanxicô nhấn mạnh đó là những người đã đánh mất tình yêu thuở ban đầu của mình với Chúa”, thì phải dùng thuốc gương mẫu và trung tín. Các đức tính này dính với tính truyền giáo và mục vụ vì theo Đức Phanxicô, đây là những đức tính để chống lại bệnh thích gây chuyện bê bối, “những bê bối làm tổn thương tâm hồn và nguy hiểm cho uy tín của chứng tá chúng ta”.

5. Hợp lý và nhã nhặn: Phải uyển chuyển và biết tổ chức

Để tránh đi đến việc “lên kế hoạch quá độ” hoặc ngược lại là “thiếu phối hợp” của căn bệnh năm ngoái, bác sĩ Phanxicô kê đơn ‘hợp lý’ “dùng để tránh các xúc cảm quá độ” và nhã nhặn để “tránh các quá độ của quan liêu cửa quyền, của những chương trình, những dự án. Đó là những tài năng cần thiết để giữ nhân cách được thăng bằng”.

6. Tính vô hại và quyết tâm: Suy nghĩ trước khi hành động và có quan điểm rõ ràng về sự việc.

Tính vô hại là “thận trọng trong phán xét”, “khả năng kềm lại các hành động bốc đồng và hấp tấp”. Quyết tâm là “hành động với ý chí cương quyết, có quan điểm rõ ràng trong sự phục tùng Thiên Chúa và theo luật tối thượng là phục vụ cho ơn cứu độ các linh hồn”. Trong quyết tâm để chữa trị mà năm 2014 ngài gọi là “bệnh danh vọng hão”, làm mất đi mục đích đầu tiên là phục vụ Giáo hội để chỉ tập trung vào các tham vọng cá nhân.

7. Bác ái và sự thật: Để tránh lòng thương xót nửa vời hoặc lòng chai dạ đá

“Bác ái không tôn trọng sự thật thì trở thành loại ý thức hệ của sự “dễ dãi” mang tính hủy hoại, còn sự thật mà không có bác ái thì trở thành mù quáng chiếu luật”, ngài nói trong một phong cách rất giống Đức Ratzinger. Có phải đây là câu trả lời cho những người mà trong kỳ họp Thượng Hội Đồng Gia đình đã kết án ngài đặt bác ái trên sự thật và cũng để bảo vệ cho quan điểm “dễ thương” của lòng thương xót không?

8. Trung thực và trưởng thành: Chỉnh đốn các quan hệ thứ trật

Năm 2014, Đức Phanxicô than phiền về “căn bệnh chia rẽ của các lãnh đạo”, căn bệnh của “những người ve vãn cấp trên để hy vọng có được lợi lộc cho mình”. Để chống tai ương làm hại cả cấp cao khi “họ xu nịnh các cộng sự để có được sự phục tùng, sự trung thành và sự lệ thuộc về mặt tâm lý của nhân viên mình”, Đức Phanxicô đòi hỏi tính trung thực và trình độ trưởng thành nghề nghiệp. Ngài triển khai thêm, “ai trung thực thì không phải chỉ làm việc thẳng thắn khi có giám sát hay có cấp trên; người trung thực không sợ bị bắt gặp bất ngờ, vì họ không bao giờ phản bội người đã tin tưởng họ.”

9. Tôn kính và khiêm tốn: Để chống tính kiêu ngạo

Để chống bệnh tự cho mình là “cần thiết”, của người kiêu ngạo, Đức Phanxicô kê đơn khiêm tốn, phẩm cách của những người “càng làm việc quan trọng thì ngày càng ý thức hơn mình chẳng là gì, mình không làm gì mà không có ơn Chúa”. Chống với tính dửng dưng là phương thuốc tôn kính, “nén bạc của những tâm hồn cao thượng và tế nhị; những người luôn tỏ ra chân thành tôn kính người khác, về vai trò của họ, về các cấp trên, về thuộc cấp, về các hồ sơ, các giấy tờ, các bí mật, các việc riêng tư”… Một mũi kim ngầm tiêm cho những người có trách nhiệm trong vụ Vatileaks, những người làm rò rỉ tài liệu mật, các tài liệu kiểm tra trong việc cải cách Giáo triều rồi biện minh đó là để “giúp đỡ”.

10. Quảng đại và chú tâm: Không nhường bước trước sự hời hợt nông cạn

Lời khuyên này ở đây rõ rệt là vượt quá các giới hạn của Giáo triều: “Thật vô ích khi mở Cửa Thánh của các Vương cung thánh đường trên khắp thế giới mà cửa tâm hồn mình khép lại với tình yêu, cửa nhà mình đóng lại không cho ai trú ngụ, bàn tay mình không mở ra để cho, nhà thờ không mở cửa để tiếp nhận”. Một cảnh cáo cho sự hời hợt, giả bộ làm nhưng bản thân không dấn thân.

11. Dũng cảm và mẫn tiệp: Đấu tranh để giữ tính độc lập

Không hãi sợ trước các khó khăn, “biết làm bước trước mà không lần chần tránh né” nhưng cũng “hành động với tự do và khéo léo mà không bám dính vào của cải vật chất tạm thời”, đó là các trụ sinh để chống chứng sợ làm tê liệt, bị cám dỗ tích trử của cải vật chất cũng như các bằng khen thưởng. Năm nay Đức Phanxicô nói thêm, “đừng để tham vọng chế ngự”. Nơi lời của Đức Giáo hoàng, dũng cảm và mẫn tiệp là phẩm cách của một con người tự do.

12. Đáng tin và điềm đạm: Phải nhất quán

Đức Phanxicô khẳng định, “người nào đáng tin là người biết nghiêm túc duy trì các cam kết của mình và nhất là họ vẫn giữ tính đáng tin này khi họ ở một mình”. Ai có cuộc sống đạm bạc là người “hiểu ý nghĩa của chừng mực”. Đối với Đức Phanxicô, phải nhất quán vì không phải chỉ do cương vị tinh thần người cha về mặt đạo đức, nhưng thật sự là phải có “lối sống” theo tinh thần kitô, mọi sự đều hướng về phục vụ. “Để làm được điều này, phải “nhìn thế giới với con mắt của Chúa và với cái nhìn của người nghèo và thay mặt người nghèo”.

Giuse Nguyễn Tùng Lâm chuyển dịch từ: Lavie.fr, Marie-Lucile Kubachi (phanxico.vn)