Bí mật của Vatican, bạn chưa bao giờ thấy Vatican như vậy

Đây là lễ Giáng sinh thứ ba của Đức Phanxicô ở Vatican, thanh đạm nhưng không quá yên lặng. Đức Phanxicô muốn đi nhanh trong một thế giới muốn rị chân ngài lại.

pope-christmas-kids.jpg

Chung quanh ngài như chẳng có gì thay đổi. Các khối đá cẩm thạch Carrare bất biến. Các nghi thức cũng vậy: nghi thức áp đặt lên vị lãnh đạo một quốc gia nhỏ nhất thế giới, nhưng lại giữ một vai trò khá duy nhất cho một tu sĩ; các nghi thức phụng vụ, vị lãnh đạo của Giáo hội kitô giáo lớn nhất thế giới phải cử hành, nhưng nét đặc sủng riêng của ngài không được vượt quá khuôn khổ. Các hồng y canh chừng. Họ cũng vậy, họ không thay đổi. Trong chiếc áo chùng đỏ tía, họ luôn có vẻ lắng nghe và cho cảm tưởng họ đang nói thì thầm, trong lỗ tai từ muôn đời muôn thuở! Ngày hôm qua còn nói tiếng la tinh, hôm nay tiếng Ý. Ah! Các thủ thỉ hành lang… Lúc thì khen ngợi, lúc thì chua chát. Họ thành lập một triều đình với những tiếng động ồn ào của họ nhưng họ cũng có một nghị viện để bầu giáo hoàng trong thinh lặng tuyệt đối ở Nhà nguyện Sixtine.

Đám đông tín hữu khắp nơi tụ họp lại. Họ đi nhưng tất cả đều cảm nhận cũng cùng cái rùng mình khi vị mục tử mặc áo chùng trắng xuất hiện. Họ kinh ngạc theo nghĩa đen khi Đức Phanxicô ôm hôn trán của của các em bé đen, trắng, vàng của họ. Còn về “nhóm nhỏ nhân viên” Vatican, đứng đầu là các nữ tu sĩ, thì điềm tĩnh không gì lay chuyển. Không bao giờ họ nhầm lẫn trong khi phục vụ Đức Giáo hoàng. Trong số họ, rất nhiều người là giáo dân hay các người già Rôma, họ là những người thợ khiêm tốn, người giao hàng, có những người làm từ đời cha đến đời con. Họ là những người thợ lót gạch, những người thừa kế của các nhân công lót gạch ở Đền thờ Thánh Phêrô từ năm thế kỷ nay.

Về lâu về dài, thế giới phi thường này ổn định không ai bì kịp và trở thành thân thuộc. Như một gia đình vì mọi người đều biết nhau. Đôi khi là lề thói nếp cũ. Nhưng Đức Phanxicô là giáo hoàng không muốn giải quyết các chuyện này. Có vẻ như ngài xa lạ với đề-co huy hoàng của chức vụ ngài. Thật ra ngài không thừa nhận sự lớn lao này, quá con người dưới mắt ngài, tích tụ bởi nhiều tầng thế tục. Gương mặt ngài thường trầm lại bởi sức nặng của chức vụ mình khi ngài phải đi qua các hành lang dài thăm thẳm, nhưng ngài cười ngay lập tức khi bắt đầu nói chuyện: giữa hai cánh cửa, bắt tay bên này một nhân viên, bên kia một lãnh tụ quốc gia. Đối với Đức Phanxicô, gặp gỡ người khác, dù bất cứ ai là một sự phong phú đích thực.

Trong khán phòng Clémentine rất rộng, rất cao, rất long trọng, nơi Đức Bênêđictô XVI tuyên bố từ nhiệm với anh em hồng y sững sờ của mình, hay nơi căn phòng họp hội đồng giám mục khiêm tốn hơn, giáo hoàng Argentina ngồi hàng đầu, nơi ai cũng thấy, ngài rời bục ngay khi buổi họp chấm dứt. Ngài đi nhanh đến đám đông như thử ngài khát trao đổi, khát nghe, khát bàn luận. Ngài cũng cười vì ngài rất thích nói đùa. Đức Phanxicô không phải là giáo hoàng của các khối đá cẩm thạch.

Lễ Giáng sinh bắt đầu một cách lạ lùng ở Quảng trường Thánh Phêrô khi vào đầu tháng 12, một máng cỏ có các nhân vật to hằng người thật được các nhân viên Vatican dựng lên ở cột tháp ngay trung tâm quảng trường. Cột tháp luôn nguyên vẹn. Thánh Phêrô tông đồ đã bị đóng đinh ở đây, đã làm trò hề cho người La Mã vì bị đóng đinh ngược… Vị tông đồ được Chúa Kitô chọn, là người được chôn ở đây, dưới bàn thờ của Vương cung thánh đường được bao quanh bởi bốn cột do Bernini tạc.

Vì tất cả đều ở đó, thật ra: ở ngôi mộ của Thánh Phêrô mà không một sử gia nào đặt vấn đề về tính xác thực của nó, dù nó không được thấy rõ, thì từ nay nó cũng đã được ở dưới độ dày của các khối đá cẩm thạch khổng lồ. Ở Vatican, tất cả đều có liên hệ. Tất cả đều mang một ý nghĩa. Lịch sử thì rất dài, như ngọn rễ ngoan cố cứ đi theo từng bước chân bạn. Thời gian nuôi dưỡng nơi chốn. Nó củng cố toàn bộ cho thêm chắc. Nhưng sức nặng này của Lịch sử đôi khi rị lại đến mức làm kẹt cho tương lai.

Vatican.jpg

Đối với Đức Phanxicô, khó khăn là phải lật từng viên đá, theo nghĩa đen cũng như nghĩa bóng. Nhưng dù vậy, được chống đỡ bằng tầm nhìn Phúc Âm, tầm nhìn của một Giáo hội công giáo vặt trụi, “một Giáo hội nghèo của người nghèo”, ngài nói, mà giáo hoàng này đi tới. Khi khánh thành máng cỏ và cây thông Giáng Sinh khổng lồ, tượng trưng cho những ngày đầu của Giáo hội kitô giáo, thì trước mặt ngài đó là chương trình hàng đầu, còn mặt tiền nguy nga được trang hoàng rực rỡ của Đền thờ và của Tòa Thánh là đứng hàng thứ nhì, thật rõ ràng dưới mắt ngài. Sự trở về với nguyên thủy, với điều thiết yếu, với sự đơn giản của Bêlem diễn tả sự đối nghịch rõ rệt của cú sốc văn hóa mà ngài muốn áp đặt lên Vatican này. Bởi vì thế giới này không muốn thay đổi. Như thế vào rạng đông của năm 2016, một giáo hoàng cải cách này sẽ phải gặp sự chống đối của một Vatican bảo thủ không?

Hình ảnh Épinal hấp dẫn này quá đơn sơ để thành thật. Vì cuộc cải cách của Vatican và của Giáo hội của Đức Phanxicô trước hết là cuộc cải cách của tâm hồn. Tâm hồn con người. Đức Phanxicô gọi đó là cuộc “cải cách của sự âu yếm dịu dàng”. Các cấu trúc của Vatican sẽ có thể làm nhẹ đi, các quỹ tài chánh được quản lý tốt hơn, sự sang trọng bớt chướng mắt hơn, nhãn hiệu đơn giản hơn, trong đầu Đức Phanxicô, tất cả còn cần phải hạ bớt xuống. Dù không bao giờ ngài có thể thỏa mãn, nhưng ngài chờ với tất cả tâm hồn của mình, một sự “trở lại” sâu đậm của Giáo hội, của Vatican, của người công giáo.

Một Giáo hội ít “thời thượng” hơn, theo diễn tả của ngài, nhưng gần với tất cả mọi người, với từng người. Một Giáo hội “cởi mở”, “không phải là hải quan”, “không hàng rào”. Thậm chí Đức Phanxicô còn nói: “Chúa Kitô gõ cánh cửa Giáo hội, không phải để đi vào nhưng để đi ra!”, Ngài đã quá ngộp thở khi ở trong đó… Vì vậy Đức Giáo hoàng mời người công giáo “đi về” với những người đã được rửa tội nhưng đã bị bỏ quên, về với những người không dám đặt chân đến nhà thờ, với những người không tin hay ít tin, về những người ở “ngoại vi”. Ngài muốn một Giáo hội tự đi ra khỏi trung tâm của mình, xa mọi hình thức “giáo sĩ hóa” mà ngài đả kích đó như một “cám dỗ”. Một cộng đoàn Kitô tập trung vào sứ vụ, vào phúc âm hóa.

Như thế để giải thích ý muốn cải cách giáo triều của ngài rất căng thẳng như vụ bê bối Vatileaks 2 cho thấy. Như thế để hiểu vì sao Thượng Hội Đồng Gia đình muốn đón nhận những người ly dị tái hôn nhưng cũng muốn đưa ra ý tưởng một hôn nhân kitô giáo trung thành và sinh sản. Vì thế Năm Thánh quay chung quanh chủ đề “thương xót” mà Đức Phanxicô quyết định cắt đứt với văn hóa giảng đạo đức của công giáo. “Chúng ta phải có lòng thương xót trước khi phán xét”, ngài nói vào ngày 8 tháng 12 khi ngài đẩy cánh cửa nặng nề bằng đồng của Cửa Thánh ở Đền thờ Thánh Phêrô.

Như thế Đức Phanxicô không “chống đối” một hệ thống mà chính mình cũng là sản phẩm của hệ thống này. Ngài ở bên trong và muốn cải cách nó. Đàng sau nghi thức Vatican, đàng sau nhân cách của giáo hoàng này, còn nhiều chuyện còn hơn cả bộ mặt phô trương của một thể chế với nhiều trò chơi quyền lực của nó.

Vì Vatican, Tòa Thánh và Giáo hội công giáo, người ta không “thấy” nó, các cơ cấu này được cấu trúc theo ba chiều – “cao, rộng và sâu” – ba chiều không tách ra được và đều cần thiết để giữ cho nó đứng với nhau. “Bề rộng” của Vatican là chiều kích thấy rõ nhất nhưng cũng bị lầm nhất vì nó không nói gì về ý nghĩa. Các nhà đo đạc địa ốc đo mảnh đất này rộng 44 hecta. Các nhà địa dư thống kê ở đây có 921 người dân và 4 699 nhân viên ăn lương. Từ giáo triều kín đáo đến doanh trại của Đội Cận Vệ Thụy Sĩ, thì gam màu rất rộng. Ngân sách của nó? Khoảng 250 triệu ơrô, thì quá nhỏ so với bình quân của một địa phận Đức…

Tòa Thánh, thực thể có quyền quốc tế, đừng lầm với thành phố Vatican, duy trì quan hệ ngoại giao với 180 nước. Còn các hồng y? họ có con số là 120 dưới 80 tuổi, tuổi được bầu giáo hoàng. Giám mục thì có 5 000, linh mục thì có 410.000 và đừng quên 700.000 nữ tu sĩ. Trong thế giới này, các quốc tịch không quan trọng, bởi vì ai cũng cảm thấy Vatican như nhà mình, người Ý thì có nhiều hơn các nước khác. Ngoài ra còn có một tỷ hai trăm ngàn tín hữu công giáo trên khắp thế giới.

Tuy nhiên các con số này không nói lên được gì về “chiều cao”, một chiều cao có tính quyết định của nơi duy nhất này. Không phải bề cao 136 mét của vòm đền thờ Thánh Phêrô, nhưng bề cao của tín hữu gọi là “sự thánh thiện”. Chẳng hạn lấy ví dụ Mẹ Têrêxa,  Mẹ sẽ được phong thánh trong Năm Thánh Lòng Thương Xót này. Ngoài ra còn có hàng ngàn người khác, được biết đến hay vô danh, những người đặt kho tàng của Vatican vào đúng chỗ của nó, chỗ cuối cùng, qua chứng nhân của những cuộc đời tận hiến cho Chúa Kitô trong Giáo hội công giáo. Và làm sao có thể hiểu được sự kiện kỳ lạ trong một thế giới vật chất và hưởng lạc: có 110.000 chủng sinh trẻ chuẩn bị làm linh mục trong toàn Giáo hội…

Và điều hoàn toàn vô hình nhưng lại thiết yếu, đó là chiều kích thứ ba. Nó đích thực là “chiều sâu” của nơi này. Đó là sự mật thiết của đức tin Kitô. Khiêm tốn, kín đáo, bị hình ảnh hào nhoáng sai lầm của Vatican che lấp, nhưng lại đóng vai trò gìn giữ di sản có từ hai ngàn năm nay tích lại. Không có đức tin kiên định này, truyền từ thế kỷ này qua thế kỷ khác thì không có gì của thành đô vượt thời gian này còn tồn tại.

(Marta An Nguyễn chuyển dịch, phanxico.vn 29.12.2015/
lefigaro.fr, Jean-Marie Guénois, 2015-12-24)