Khi con số người Công giáo ở Trung Quốc ngày một tăng, thì những nỗ lực của chính quyền để khống chế làn sóng này, bằng những thanh trừng nặng tay và công an giám sát, hiếm khi là bằng tấn công thể lý.
Nỗ lực của nhà nước vươn đến cả việc bổ nhiệm các giáo sỹ, như trường hợp của giám mục phụ tá Thượng Hải, Thaddeus Mã Đạt Khâm [Ma Daqin].
Giám mục Mã, 48 tuổi, được phong chức giám mục hồi tháng 7, 2012, với sự đồng thuận của cả chính quyền Trung Quốc và Vatican. Đây được xem là một nhượng bộ của giới cầm quyền Trung Quốc suốt nhiều thập kỷ vẫn luôn nhắm xây dựng một Giáo hội Công giáo tự trị và trung thành với Đảng hơn là với Tòa Thánh.
Xét đủ mọi mặt, các giám sát của chính quyền nghĩ rằng giám mục Mã sẽ tuân phục mình. Và khi nghĩ như thế, các nhà cầm quyền đã nhất định đưa một giám mục nhà nước, không được sự phê chuẩn của Vatican, tham dự trong nghi lễ tấn phong của giám mục Mã. Nhưng khi vị giám mục nhà nước này đến đặt tay trên đức cha Mã, như một phần nghi thức, thì đức cha Mã đứng dậy và ôm lấy ông, không cho vị giám mục này được thực hiện hành động sẽ cho ông là một phần phong phụng vụ này.
Và đến cuối nghi lễ, đức cha Mã tuyên bố rằng ngài muốn là giám mục cho tất cả, nghĩa là cho cả những người Công giáo trung thành với Tòa Thánh. Và như thế, theo chính lời đức cha Mã, ngài sẽ không còn là một phần của Liên hiệp Công giáo Ái quốc Trung Quốc, một thứ được dựng lên do tay chính quyền Cộng sản.
Đây là lần đầu tiên ghi nhận một giám mục của giáo hội nhà nước đã công khai ra một tuyên bố táo bạo như vậy. Trong cộng đoàn tham dự nghi lễ, nhiều người vỗ tay hoan hô, những người khác còn bật khóc.
Còn hậu quả của việc này, là đức cha Mã nhanh chóng bị quản thúc tại gia trong chủng viện Thượng Hải, và chính chủng viện này cũng nhanh chóng bị chính quyền đóng cửa. Ngài vẫn ở đó suốt 3 năm, bị cắt đứt liên lạc với thế giới bên ngoài, dù mới đây, nhà nước đã cho phép ngài tiếp khách và cử hành thánh lễ với giáo dân.
Trong suốt thời gian bị cách ly, hàng tuần đức cha Mã bị các viên chức chính quyền đến thẩm vấn và yêu cầu ngài theo học lớp cảm tình Đảng. Cách duy nhất ngài giao tiếp với thế giới bên ngoài là qua trang blog cá nhân, nơi ngài đăng các bài suy niệm và bài thơ của mình.
Tháng 9, 2015, đức cha Mã đăng một suy tư dài về quan hệ Trung Quốc/ Vatican, bày tỏ hi vọng Đức Giáo hoàng Phanxicô và chủ tịch Tập Cận Bình sẽ sớm hội kiến.
‘Nếu hai lãnh đạo đang có tầm ảnh hưởng lớn trên thế giới bắt tay với nhau, thì không chỉ tôi, bởi tôi thật nhỏ bé dưới chân ngọn đồi Đức Mẹ, mà là cả thế giới sẽ chấn động.’
Tình trạng của đức cha Mã thật nghiêm trọng, dù cho chuyện như cha cũng hiếm. Cha Gianni Criveller, một chuyên gia Công giáo hàng đầu về Trung Quốc và thường cố vấn cho Vatican, đã nói rằng bộ máy cầm quyền của Trung Quốc, trong những năm qua, đã thiên về đường hướng tránh đi việc tạo nên những bậc tử đạo mới. Trước khi quấy rối hay bắt giam các linh mục và giám mục, thì họ cố gắng mua chuộc trước đã.
‘Họ mời chào những thú vui, du lịch, thậm chí là sự nghiệp chính trị. Những người chịu theo họ được thưởng những khoản lót tay rất đậm.’
Cha Gianni cho biết, có khi củ cà-rốt được đưa ra để người ta theo nhà nước mà bỏ Roma, chỉ đơn giản là ủng hộ tài chính cho việc xây dựng các cơ sở giáo hội.
Khi những củ cà-rốt này không có tác dụng, thì nhà cầm quyền Trung Quốc sẽ không ngừng thể hiện là họ sẵn sàng vung gậy. Tháng 6, 2013, chính phủ đã ra lệnh cho các linh mục và nữ tu ở Thượng Hải phải đi học các lớp cải tạo, như một biện pháp trừng phạt cho việc họ ủng hộ giám mục bị quản thúc của mình.
Tháng 8, 2015, ít nhất 2 giám mục và 6 linh mục Công giáo đang ở trong tù, có người từ năm 1997. Tất cả những vị này đều thuộc cộng đoàn Công giáo ‘đồn trú’ nghĩa là những người Công giáo không chấp nhận sự giám sát của chính quyền.
Thỉnh thoảng, Trung Quốc gởi đi những tín hiệu có vẻ như là họ sẽ thay đổi thái độ.
Hồi đầu tháng 8, 2015, nhà cầm quyền tuyên bố là họ phê chuẩn việc tấn phong cho một giám mục Công giáo với sự phê chuẩn của Đức Giáo hoàng Phanxicô. Rồi đến cuối tháng, truyền thông theo chính quyền Trung Quốc đã có những lời tích cực về lời an ủi của Đức Giáo hoàng trước vụ nổ một nhà máy hóa chất ở Thiên Tân khiến 100 người thiệt mạng.
Tuy nhiên, nhiều người bày tỏ sự thận trọng trước những việc này.
Hồng y về hưu Joseph Zen Ze-kiun của Hồng Kông cho biết, ‘Chúng tôi không thấy có bất kỳ thay đổi nào củng cố cho hi vọng rằng cộng sản Trung Quốc muốn thay đổi chính sách tôn giáo của mình.
Ngược lại, mọi chuyện cho thấy có vẻ như họ đang cố bịt miệng chúng tôi thì đúng hơn.’
J.B. Thái Hòa chuyển dịch