Chị Emmanuelle Cinquin – tục danh Madeleine Cinquin – là nữ tu dòng Đức Bà Sion, một hội dòng chuyên về ngành giáo dục.
Chị chào đời ngày 16-11-1908 tại thủ đô Bruxelles bên vương quốc Bỉ và qua đời ngày 20-10-2008 tại thành phố Callian ở miền Nam nước Pháp. Thân mẫu Chị người Bỉ và thân phụ Chị người Pháp.
Năm 1971, Chị giã từ chiếc ghế giáo sư triết học để dấn thân hoạt động bên cạnh những người nghèo, chuyên sống nghề bới rác, tại khu ổ chuột ngoại ô thủ đô Le Caire của nước Ai Cập. Cách đây đúng 20 năm, Nhật báo Le Figaro (Người Thợ Cạo) ngày vọng Lễ Giáng Sinh 24-12-1995 có đăng chứng từ của Chị Emmanuelle Cinquin về dấu chỉ Hy Vọng của Lễ Giáng Sinh như sau.
Tôi nghe đây đó vang lên những câu nói bi quan: ”Giáng Sinh là lễ của Hy Vọng thật sao? Với tất cả những vấn đề khó khăn hiện tại, nạn thất nghiệp lan tràn, nền tài chánh eo hẹp và rạng đông 1996 báo hiệu một năm mới đen tối, thử hỏi Giáng Sinh có còn Lễ của Hy Vọng nữa không?”. Mặc dầu nghe than van như thế, tôi vẫn cứ quả quyết rằng: ”Vâng, Giáng Sinh chính là Lễ của Hy Vọng, bởi vì, Lễ Giáng Sinh nối kết chúng ta chung quanh một Hài Nhi”. Mỗi một hài nhi sinh ra tượng trưng cho cánh cửa mới, bước vào cuộc sống. Cho dù cuộc sống có đầy dẫy những đắng cay chua xót, bệnh tật và sau cùng là chết chóc, cuộc sống vẫn mang nặng gánh Hy Vọng. Chúng ta đâu phải là những ông bà thầy bói, chuyên nghề tiên báo những sự chẳng lành! Không! Chúng ta tiếp nhận một hài nhi sinh ra bằng đôi tay rộng mở, ôm ấp hài nhi vào lòng và chờ đón nụ cười của hài nhi. ”Nụ cười của hài nhi là sứ điệp Hy Vọng: hài nhi tin tưởng và phó thác”.
Ước gì tất cả chúng ta có thể trở nên như con trẻ, giơ tay chờ đón cái vuốt ve âu yếm và sẵn sàng trao ban sự dịu dàng. Xét cho cùng, những người trẻ, người lớn và người già, tất cả chúng ta chờ đợi mong mỏi cái gì, nếu không phải là được sống trong bầu khí yêu thương đầm ấm? Về điểm này, chúng ta cũng giống như một trẻ thơ. Niềm hạnh phúc của một đứa trẻ không phải là được bơi lội trong các lạc thú nhưng là được sống trong hơi ấm của tình thương và lòng trìu mến. Tôi đã từng gặp những đứa bé nằm trong đống giẻ rách nhưng khuôn mặt đầy nét tươi vui cũng giống y như những đứa bé nằm trong các chiếc nôi sang trọng giàu có. Chỉ cần một nụ cười, một cái vuốt ve và nụ hôn, đủ làm cho đứa bé hài lòng sung sướng!
Đây là bài học Hy Vọng mà hang đá Giáng Sinh cống hiến cho chúng ta: niềm hạnh phúc trong sự trần trụi, một Trinh Nữ Nghèo sinh con trong một hang bò lừa, một Hài Nhi được đặt trong máng rơm .. có thêm sự hiện diện của vài ba mục đồng nghèo nàn, đơn sơ giản dị. Nhưng tất cả khung cảnh đó được chìm ngập trong ánh sáng chan hòa chen lẫn các bài ca tươi vui.
Tôi cũng được hân hạnh mừng một Lễ Giáng Sinh đẹp và ý nghĩa nhất trong khung cảnh khó nghèo như thế. Hồi năm 1975, tại khu ổ chuột ở ngoại ô thủ đô Le Caire bên Ai Cập, người ta không cử hành Lễ Giáng Sinh nữa. Tôi liền đến gặp Đức Thượng Phụ Shenouda III (1923-2012) và xin ngài chỉ định một Linh Mục đến dâng Thánh Lễ Nửa Đêm. Tin vui được lan ra. Mọi người hăng hái quét dọn rác rưởi. Một vài miếng giẻ rách màu mè được giăng lên. Ngọn đèn bằng dầu được thắp sáng, soi chiếu đủ một khu vực nhỏ. Mỗi người cầm trong trong tay một cây nến và mọi khuôn mặt trông như đẹp hơn ngày thường. Khi tiếng hát Giáng Sinh được cất lên: ”Đấng Cứu Thế đã sinh ra” tức khắc mọi con vật giật mình thức giấc: lừa kêu be-be, heo kêu ủn-ỉn, gà cồ gáy ò ó o o .. gà mái kêu tục-tác, tục-tác .. Thật là một bản nhạc vô cùng độc đáo!!!
Vị Linh Mục cử hành Thánh Lễ Giáng Sinh không cần phải dài lời. Ngài chỉ vắn tắt giải thích câu: ”Vinh danh THIÊN CHÚA trên trời. Bình an dưới thế cho người thiện tâm”. Nếu Đức Chúa GIÊSU giáng trần lần nữa, hẳn Ngài sẽ đến đây mang theo Sứ Điệp Tình Yêu của Ngài. Vậy chúng ta hãy cất tiếng hát vang chúc tụng THIÊN CHÚA.
Thánh Lễ Giáng Sinh kết thúc, tôi phân phát cho mỗi người một trái quít và một chiếc bánh ngọt nhỏ. Mọi người ôm hôn và chúc bình an cho nhau. Xong, mỗi người về túp lều nhỏ của mình, lòng đầy ắp Niềm Vui Giáng Sinh!
Niềm Vui Giáng Sinh không đến từ bữa tiệc Giáng Sinh có đầy thức ăn cao lương mĩ vị, nhưng đến từ sự kiện mọi người cùng nắm tay nhau hát vang lời ca Giáng Sinh, chung quanh máng cỏ có Đức Chúa GIÊSU Hài Đồng: ”Một Hài Nhi đã sinh ra cho chúng ta. Một Người Con đã được ban tặng cho chúng ta”.
… Trong vùng ấy, có những người chăn chiên sống ngoài đồng và thức đêm canh giữ đàn vật. Bỗng sứ thần Chúa đứng bên họ, và vinh quang của Chúa chiếu tỏa chung quanh, khiến họ kinh khiếp hãi hùng. Nhưng sứ thần bảo họ: ”Anh em đừng sợ. Này tôi báo cho anh em một Tin Mừng trọng đại, cũng là Tin Mừng cho toàn dân: Hôm nay, một Đấng Cứu Độ đã sinh ra cho anh em trong thành vua Đavít, Người là Đấng KITÔ THIÊN CHÚA. Anh em cứ dấu này mà nhận ra Người: anh em sẽ gặp thấy một trẻ sơ sinh bọc tã, nằm trong máng cỏ”. Bỗng có muôn vàn thiên binh hợp với sứ thần cất tiếng ngợi khen THIÊN CHÚA rằng: ”Vinh danh THIÊN CHÚA trên Trời, bình an dưới thế cho người thiện tâm”.
Khi các thiên sứ từ biệt mấy người chăn chiên để về trời, những người này bảo nhau: ”Nào chúng ta sang Bêlem, để xem sự việc đã xảy ra, như Chúa đã tỏ cho ta biết”. Họ liền hối hả ra đi. Đến nơi, họ gặp Bà MARIA, Ông GIUSE, cùng với Hài Nhi đặt nằm trong máng cỏ. Thấy thế, họ liền kể lại điều đã được nói với họ về Hài Nhi này. Nghe các người chăn chiên thuật chuyện, ai cũng ngạc nhiên. Còn Bà MARIA thì hằng ghi nhớ mọi kỷ niệm ấy và suy đi nghĩ lại trong lòng. Rồi các người chăn chiên ra về, vừa đi vừa tôn vinh ca tụng THIÊN CHÚA, vì mọi điều họ đã được mắt thấy tai nghe, đúng như đã được nói với họ (Luca 2,8-20).
(”Le Figaro”, 24-12-1995)
(Sr. Jean Berchmans Minh Nguyệt, RadioVaticana 24.12.2015)