Đối với kitô hữu, đức tin kitô giáo là gì? Một chủ đề mênh mông! Người ta có thể dựa trên vài điểm chính để nói, nhưng chính yếu đức tin là tự nguyện, trong sự tôn trọng các văn hóa, trong quan hệ mật thiết với Chúa. Lắng nghe tiếng Chúa và đáp trả lại lời của Ngài qua Phúc Âm và qua Giáo hội của Ngài.
|
1- Nhân đức đối thần – Đức tin ở trong ba nhân đức “đối thần” được Chúa ban cho chúng ta: đức tin, đức cậy, đức mến. Ba nhân đức đối thần này được Thần Khí ban. Trước hết, đức tin là một ơn của Chúa, dù phần của chúng ta là giữ ngọn lửa nhỏ đã được thắp trong tận đáy lòng mình. .
2- Quan hệ của tin tưởng – Đức tin mở lòng chúng ta để chúng ta có một quan hệ trong tin tưởng với Chúa, Đấng yêu thương từng người chúng ta. Ngài tạo dựng chúng ta bằng tình yêu và kêu gọi chúng ta tự nguyện để yêu thương tất cả mọi người, không phân biệt nơi chốn, ngôn ngữ, quốc gia, văn hóa. Vì Thiên Chúa là tình yêu. Sức mạnh của yêu thương và của tha thứ là do Thiên Chúa ban cho chúng ta. Ngài sai con Một của Ngài là Chúa Giêsu xuống thế để cứu chúng ta, Chúa Giêsu đã chịu chết trên thập giá và đã sống lại.
3- Nhân đức cao cả nhất – Chúa Giêsu đã thán phục đức tin cao cả của người phụ nữ thành Cana (Matêô 15, 28) và của người đội trưởng La Mã (Luca 7, 9), dù họ không phải là người Do thái giống như Chúa Giêsu. Ngài cũng nói với bà Mácta “Đừng sợ, chỉ tin mà thôi” (Gioan 11, 40) và Thánh Phêrô “Người yếu lòng tin, tại sao con nghi ngờ?” (Matêô 14, 31). Nếu bác ái là nhân đức quan trọng nhất (1 Co, 13, 13) thì đức tin là nhân đức cao cả nhất vì đó là nền tảng của tất cả mọi sự.
4- Tin và hiểu – Tin bao gồm việc dùng lý lẽ. Thánh Âugutinô đã nói: Phải tin để hiểu. Tin không có nghĩa là tránh các câu hỏi. Các câu hỏi giúp đào sâu đức tin, lớn lên trong việc mở lòng ra với thực tế tình yêu của Chúa và những gì bao gồm trong tình yêu này. Thiên Chúa muốn chúng ta được tự do trong quan hệ với Ngài chứ không muốn chúng ta là nô lệ.
5- Hữu hình và vô hình – Đức tin làm cho chúng ta có thể thấy vượt ngoài dáng vẻ bề ngoài, nhận biết nơi mỗi người là hình ảnh của Chúa mà chúng ta được gọi để yêu thương. Tin Chúa có mặt giữa loài người dù cho đôi khi bề ngoài rất đau thương. Đức tin mở ra các thực thể vô hình, vĩnh cửu, sâu đậm nhất mà trên đó chúng ta có thể xây dựng cuộc sống của mình (2 Co 4, 18). Chúng ta tin Chúa là Chúa Cha đã làm cho Chúa Giêsu, Con của mình, Đấng thiên sai, sống lại ngày thứ ba và hiện ra với các tông đồ. Và chúng ta cũng được hứa sẽ được sống lại.
6- Tình huynh đệ – Chúng ta không là kitô hữu đơn độc một mình. Đức tin chúng ta qua quan hệ hiệp thông trong Chúa Giêsu với các tín hữu khác và với toàn nhân loại. Đức tin kêu gọi chúng ta từ bỏ hận thù để kiến tạo hòa bình và để giải hòa cho toàn gia đình nhân loại. Cầu nguyện Chúa “Lạy Cha chúng con” làm cho chúng ta nhận biết tất cả đều là anh chị em với nhau trong Chúa Giêsu.
7- Bí tích – Đối với người công giáo, các phép bí tích là “dấu hiệu hữu hình của hành động vô hình của Chúa nơi chúng ta” (Thánh Aâugutinô). Các bí tích mở ra để chúng ta sống đời sống của Chúa, của Chúa Thánh Thần trong chúng ta.
8- Nuôi dưỡng đức tin – Chúng ta nuôi dưỡng đức tin bằng cách đọc Phúc Âm, cầu nguyện và xin xin Chúa Giêsu cho mình đức tin, xin Chúa đến cứu giúp cho đức tin yếu kém của mình (Máccô 9, 24). Có nhiều cách khác nhau để giúp người trẻ tìm hiểu đức tin, các sách vở, các trang mạng công giáo là các dụng cụ hữu ích.
9- Đức tin hành động – Đức tin không hành động là đức tin chết (Giacôbê 2, 18). Sự bền vững đức tin của chúng ta được nhận thấy qua các hành động bác ái của chúng ta. “Ai nghe lời Ta và đem ra áp dụng, người đó là anh chị em của Ta” Chúa Giêsu nói (Luca 11, 28).
10– Xin ơn – Cùng với chân phước Charles de Foucauld, người anh em của mọi người, chúng ta xin Chúa cho mình có được “đức tin giúp mình đi trên đường đời một cách thanh thản, hòa bình, có được một niềm vui sâu đậm, như đứa bé cầm tay mẹ mình.”
(Giuse Nguyễn Tùng Lâm chuyển dịch, phanxico.vn 12.12.2015/
blog.jeunes-cathos.fr, Laure Pastoureau, 2015-12-02)