Suy niệm Lễ Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội

Ngày 8 tháng 12 năm 1854, trong thông điệp Ineffabilis Deus, Đức Giáo Hoàng Piô IX đã công bố Đức Mẹ Maria là Đấng Vô Nhiễm Nguyên Tội, Ngài nói:

 “Ta tuyên xưng, công bố và xác quyết rằng tín điều này đã được Thiên Chúa mặc khải và vì thế phải được mọi tín hữu tin nhận cách chắc chắn, không được rút lại. Cụ thể, tín điều này xác quyết rằng Đức Trinh Nữ Rất Thánh Maria ngay từ giây phút đầu tiên được tượng thai – nhờ ân ban và đặc sủng vô song Thiên Chúa toàn năng ban cho và nhờ công trạng của Đức Giêsu Kitô – đã được gìn giữ khỏi mọi vương vấn nguyên tội”.

Và 4 năm sau đó, tức là vào năm 1858, Đức Mẹ hiện ra với thánh nữ Bernadette ở Lộ Đức tự xưng mình là Đấng Vô Nhiễm Nguyên tội. Như vậy, Đức Mẹ xác minh lời tuyên bố của Đức Giáo Hoàng hoàn toàn không sai lầm.

Khi tuyên bố một tín điều, Giáo hội thường dựa vào Thánh Kinh và Thánh Truyền. Với tín điều Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội, Giáo hội dựa vào các lời Kinh thánh sau đây:

Thứ nhất, khi đến truyền tin cho Đức Mẹ, Thiên Thần Gabriel mở lời chào rằng: “Mừng vui lên, hỡi Đấng đầy ân sủng, Đức Chúa ở cùng Bà”(Lc 1,28). Chúng ta thử lấy một ví dụ: Một chiếc li được đổ đầy nước, nếu chúng ta có đổ thêm nước vào thì nó cũng sẽ tràn ra ngoài. Cũng vậy, một tâm hồn đã đầy ơn phúc thì không có chỗ cho tội lỗi và những thứ khác ngự trị. Tâm hồn Mẹ đã đầy ơn Chúa, thì chẳng có thứ gì có thể xâm nhập vào được. Chính vì thế, Đức Mẹ không những vô nhiễm tội truyền mà còn không hề mắc một thứ tội riêng nào.

Thứ hai, khi Đức Mẹ đi thăm viếng Bà Êlizabeth, vừa nghe tiếng Đức Mẹ chào, thì đứa con trong bụng nhảy lên vui sướng, bà Êlizabéth mới cất tiếng nói rằng: “Bà được chúc phúc hơn các người phụ nữ”(x. Lc 1, 41). Thật vậy, Mẹ “được chúc phúc hơn các người phụ nữ”, vì Mẹ được Chúa chọn làm Mẹ Thiên Chúa, được Chúa cho lên trời cả hồn lẫn xác, được Chúa cho sinh con nhưng vẫn còn đồng trinh và Mẹ được Chúa gìn giữ khỏi vướng mắc tội Tổ Tông Truyền.

Mặt khác, như lời Đức Giáo Hoàng Piô IX định tín: Đức Maria từ giây phút thành hình trong lòng bà Thánh Anna đã được hưởng ơn thánh hoá, đó là ơn Thiên Chúa trang điểm cho Mẹ hoàn toàn tốt đẹp, đáng yêu mến trước mặt Thiên Chúa. Chính ơn mà Thiên Chúa đã ban cho Adam khi sáng tạo, đó là tình trạng con người hoàn toàn vô tội kể cả tội nguyên tổ.

Ngoài ra, theo suy luận tự nhiên chúng ta có quyền hiểu rằng: Để chọn một người làm Mẹ của mình, Thiên Chúa phải chọn người trổi vượt hơn tất cả các bà mẹ trần gian. Cho nên, từ trước vô cùng Thiên Chúa đã tiền định cho Mẹ được khỏi tội Nguyên Tổ nhờ công nghiệp của Con Mẹ sau này. Vì vậy, chân phước Duns Scot đã phân biệt hai phương cách của ơn cứu chuộc: Phương cách thứ nhất là cứu chuộc bằng cách gìn giữ; Phương cách thứ hai là cứu chuộc bằng cách chữa trị. Thiên Chúa đã áp dụng phương cách thứ nhất cho Đức Mẹ, còn phương cách thứ hai là cho mọi người chúng ta.

Trong con cái loài người, chỉ có Đức Mẹ là người duy nhất không mắc tội Nguyên Tổ. Thánh Gioan Tẩy Giả vẫn mắc tội Nguyên tổ, nhưng Ngài được khỏi ngay từ khi còn trong lòng bà Thánh Êlizabet, nhờ cuộc viếng thăm của Đức Mẹ trong khi đang cưu mang Đức Giêsu. Còn đối với mỗi người chúng ta chỉ được khỏi tội Nguyên Tổ khi lãnh nhận bí tích Rửa Tội.

Mặc dầu nhờ bí tích Rửa tội, chúng ta được khỏi tội Nguyên Tổ, nhưng chúng ta vẫn luôn hướng chiều về tội. Sách Giáo lý Hội Thánh Công Giáo dạy: “Khi ban sự sống trong ân sủng của Chúa Kitô, phép Rửa tội xoá sạch tội Nguyên Tổ và đưa con người về với Thiên Chúa, nhưng những hậu quả của một bản tính đã bị yếu đi và nghiêng về sự ác, sẽ vẫn tồn tại nơi con người, và con người được kêu gọi hãy sẵn sàng cho cuộc chiến đấu tinh thần”(x. Số 405). Chính vì vậy, con người luôn luôn phải chiến đấu. Đó là “Một cuộc chiến đấu gay go chống lại các uy lực của tối tăm đã diến ra trong suốt lịch sử loài người: Như Chúa đã nói, cuộc chiến đấu này đã khởi sự từ nguyên thuỷ và sẽ kéo dài cho đến ngày sau hết. Dấn thân vào trận chiến này, con người phải luôn chiến đấu để gắn bó với sự thiện. Phải cố gắng nhiều, và với ân sủng của Chúa, con người sẽ thực hiện được sự thống nhất nội tâm của mình”(x. Gl HTCG số 409).

Chiến đấu thì tất nhiên có chiến thắng và thất bại. Lịch sử Giáo hội đã cho chúng ta biết có những vị thánh đã gìn giữ mình không mắc một tội trọng nào, như thánh Têrêxa Hài Đồng Giêsu, Thánh Louis Gonzaga. Có những vị thánh đã cương quyết chống lại sự dữ để bảo vệ mình khỏi phạm tội mất lòng Chúa như thánh Maria Goretti, các Thánh Tử Đạo. Vô số các vị thánh đã nên thánh nhờ lòng sám hối ăn năn tội, như thánh Phêrô, Thánh Maria Madalena, thánh Mathêu, thánh Augustinô…

Giáo hội luôn kêu gọi chúng ta giữ gìn chiếc áo trắng ngày lãnh nhận bí tích Rửa tội. Cố gắng xa tránh tội lỗi. Dùng các phương thế Chúa ban để chiến đấu chống lại tội lỗi: Siêng năng cầu nguyện, lãnh nhận các bí tích, suy niệm và thực hành Lời Chúa. Nhưng vì bản tính yêu đuối nên con người dễ sa ngã phạm tội. Thiên Chúa là Cha đầy tình yêu thương đã tiên liệu cho chúng ta, trước khi về trời, Chúa Giêsu đã lập ra các bí tích, nhất là bí tích Hoà Giải để khi con người lỡ sa ngã phạm tội với lòng thống hối ăn năn đến lãnh nhận bí tích này sẽ được tha.

Ngoài ra, chúng ta hãy đến với Mẹ Maria Vô Nhiễm Nguyên Tội để nhờ Mẹ giúp đỡ và bảo vệ chúng ta nỗ lực không ngừng chiến đấu với ba thù: thế gian, ma quỷ và xác thịt. Bởi vì, Mẹ Maria không những là mẫu mực về các nhân đức mà còn là người mẹ hằng lưu tâm đến con cái tội lỗi là chúng ta, không những giúp chúng ta chiến đấu với tội lỗi mà còn bảo vệ phần xác chúng ta được an bình. Câu chuyện sau đây làm chứng điều đó:

Có 12 chiếc tàu tải lương thực lên thành Venise nước Ý, đoàn tàu đến gần thành Loretta nhằm áp ngày lễ Đức Mẹ Vô Nhiễm. Thủy thủ là người công giáo ao ước tàu cập bến để lên dự thánh lễ kính Đức Mẹ, nhưng thuyền trưởng không muốn vì sợ cướp biển lợi dụng anh em đi dự lễ mà đến đánh cướp chăng, vì bấy giờ lắm quân cướp biển. Trong đám thủy thủ, có Antôniô là người vừa can đảm, vừa có lòng sùng mến Đức Mẹ tình nguyện ở lại canh giữ các tàu để anh em yên lòng đi dự lễ. Thuyền trưởng đồng ý.

Sau khi mọi người đi lễ kính Đức Mẹ Vô Nhiễm tại đền thờ Loreta thì Antôniô thấy mấy chiếc tàu lớn chạy thẳng tới tàu mình. Biết đích thực là quân cướp biển, Antôniô kêu nài Đức Mẹ cứu giúp mình thoát khỏi tai nạn này, cậy vì lời cầu xin và lòng sốt mến của đoàn thủy thủ đang dự thánh lễ kính Đức Mẹ. Cầu xin xong, với lòng đầy tin tưởng, Antôniô cầm một chiếc búa núp ở mạn tàu. Bổng một tên cướp biển bám vào mạn tàu nơi Antôniô đang nấp định trèo lên, Antôniô giơ búa phang một phát, trúng tay tên cướp, hắn đau đớn thét lên : “Ối trời đất ơi ! Tôi đã bị mưu tụi hắn rồi. Tụi hắn đông vô số, sẵn sàng khí giới để giệt chúng ta!”

Nghe tên đầu sọ thét lên, cả bọn cướp đua nhau trốn thoát. Một lát sau, Antôniô ngóc đầu lên, thấy bọn cướp đã ra xa, liền sấp mình xuống tạ ơn Đức Mẹ đã cứu giúp mình.

Khi đoàn thủy thủ đi dự lễ về, thấy xa xa ngoài khơi có đoàn tàu quân cướp biển thì họ lo sợ chúng đã giết mất Antôniô và cướp hết lương thực rồi ! Nhưng khi về đến tàu, thấy mọi sự còn yên và thấy Antôniô còn sống và kể lại đầu đuôi, mọi người vui mừng hớn hở, họp nhau lại đọc kinh cầu Đức Bà để tạ ơn Đức Mẹ đã cứu giúp con cái Người cách đặc biệt.

Lạy Chúa, để chọn Đức Maria làm Mẹ, Chúa đã gìn giữ Mẹ khỏi tội Nguyên Tổ và ban ơn để Mẹ không vướng mắc tội riêng nào. Nhờ lời chuyển cầu của Mẹ, xin cho mọi người chúng con đủ sức để chiến đấu và chiến thắng ma quỷ tội lỗi và những nết xấu hằng ngày hầu luôn trung thành với Chúa. Amen

 

Lm. Anthony Trung Thành