THƯ CÁC TRẺ EM GỞI ĐỨC THÁNH CHA
VATICAN. Thư của các trẻ em viết cho Đức Thánh Cha Phanxicô cũng như thư trả lời của ngài sẽ được gộp thành một cuốn sách và xuất bản. Cuốn sách này gồm 31 lá thư viết tay có kèm theo hình vẽ do các trẻ em từ 6 đến 13 tuổi, từ nhiều nước gởi đến Đức Thánh Cha và được ngài trả lời. Thư của các em và thư trả lời của Đức Thánh Cha được cha Antonio Spadaaro, Dòng Tên, và ông Tom Grath thuộc nhà xuất bản Loyola Press ở Mỹ gộp thành một cuốn sách với tựa đề “Đức Giáo Hoàng Phanxicô thân mến, con muốn một bữa ăn nhẹ với ngài”, sẽ được Nhà xuất bản Loyola ấn hành vào tháng 3 năm 2016 tại Mỹ bằng tiếng Anh và tiếng Tây Ban Nha. Sách cũng được xuất bản đồng thời tại Italia, Tây Ban Nha, Mêhicô, Ba Lan, Philippine và Ấn Độ. Cha Spadaaro nói qua các thư trả lời, Đức Thánh Cha một lần nữa muốn bày tỏ xác tín rằng trẻ em chính là tương lai và cần lắng nghe tiếng nói của các em.
ĐỨC THÁNH CHA BỔ NHIỆM TÂN GIÁM MỤC PHÓ GIÁO PHẬN BÀ RỊA
VATICAN. Ngày 27.11, Phòng Báo Chí Tòa Thánh thông báo rằng Đức Thánh Cha Phanxicô đã bổ nhiệm cha Emmanuel Nguyễn Hồng Sơn làm Giám Mục Phó với quyền kế vị tại Giáo phận Bà Rịa. Cha Emmanuel Nguyễn Hồng Sơn, 63 tuổi, cho đến nay là Tổng Đại diện Giáo phận Bà Rịa. Ngài sinh ngày 02.01.1952 tại Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai, theo học tại tiểu chủng viện Sàigòn từ năm 1961 đến 1971, rồi tại Giáo Hoàng Học Viện Piô 10 Đà Lạt từ 1971 đến 1977. Thụ phong linh mục ngày 31.12.1980 thuộc Giáo phận Xuân Lộc. Từ năm 2005, ngài nhập tịch Giáo phận Bà Rịa. Trong nhiệm vụ mới, Đức cha Emmanuel Nguyễn Hồng Sơn sẽ phụ giúp Đức cha Tôma Nguyễn Văn Trâm, năm nay 73 tuổi và sẽ kế nhiệm khi Giáo phận trống tòa. Giáo phận Bà Rịa được thành lập năm 2005 và có 254.302 tín hữu Công giáo trên tổng số 1.427.024 dân cư, với 84 giáo xứ, 107 linh mục giáo phận và 65 linh mục dòng, 282 tu huynh, 517 nữ tu và 72 chủng sinh.
CHUYẾN VIẾNG THĂM MỤC VỤ CỦA ĐỨC THÁNH CHA TẠI BA NƯỚC PHI CHÂU
VATICAN. Từ ngày 25 đến 30.11 vừa qua, Đức Thánh Cha đã có chuyến viếng thăm mục vụ tại ba nước Phi Châu: Kenya (25-27), Uganda (27-29) và Công hòa Trung Phi (29-30). Đây là lần đầu tiên Đức Thánh Cha viếng thăm lục địa này và là chuyến tông du thứ 11 của ngài tại hải ngoại. Trong số những tin tức bên lề cuộc viếng thăm của Đức Thánh Cha tại Phi Châu, đặc biệt có vấn đề an ninh, thu hút sự chú ý nhiều của giới báo chí và dư luận. Thật ra, vấn đề an ninh vẫn được chú ý trong mọi cuộc viếng thăm của Đức Thánh Cha tại hải ngoại, nhưng lần này, sự chú ý đó gia tăng cường độ trong bối cảnh các cuộc khủng bố hoặc đe dọa khủng bố của nhóm Nhà nước Hồi giáo IS, nhất là sau cuộc khủng bố đẫm máu ở Paris hôm 13.11.2015. Tuy nhiên, cuộc viếng thăm của Đức Thánh Cha đã diễn ra tốt đẹp và an ninh trật tự được giữ vững. Vào lúc 7 giời tối ngày 30.11, Đức Thánh Cha đã đáp máy bay về Roma bằng an. Trong chuyến viếng thăm mục vụ lần này tại Phi Châu, ngoài những cuộc gặp gỡ với cơ quan chính phủ, các giám mục, linh mục, tu sĩ, chủng sinh và các bạn trẻ như thường lệ; Đức Thánh Cha còn dành nhiều thời gian để gặp gỡ và trò truyện với những người nghèo sống trong các khu ổ chuột, thăm những bệnh nhân HIV-AIDS. Đặc biệt, Đức Thánh Cha đã mở Cửa Thánh ở Bangui. Đây là lần đầu trong lịch sử Giáo Hội, một Giáo Hoàng chủ sự lễ nghi mở Cửa Thánh ngoài Roma.
ĐỨC THÁNH CHA TIẾP KIẾN ĐẠI HỘI BỘ TRUYỀN GIÁO
VATICAN. Trong buổi tiếp kiến sáng ngày 03.12, dành cho 160 tham dự viên Đại hội lần thứ 19 của Bộ Truyền Giáo, vừa kết thúc sau 4 ngày hội họp tại thính đường Đại Học Giáo Hoàng Urbaniana ở Roma, Đức Thánh Cha ca ngợi sức sinh động của nhiều xứ truyền giáo và cổ võ sự cộng tác của các xứ truyền giáo với các nước Kitô kỳ cựu. Phát biểu tại hội nghị, ĐHY Fernando Filoni, Tổng trưởng Bộ Truyền Giáo, nhận xét rằng số người không biết Chúa ngày càng gia tăng là một thách đố đối với Giáo hội. Trong tổng số 7 tỉ người, chỉ có 1 tỷ 254 triệu là tín hữu Công giáo, tức là 17,7% dân số thế giới. Số tín hữu nói chung gia tăng nhiều ở các miền truyền giáo, tăng mạnh nhất ở Phi Châu. Năm 2005 có 153 triệu tín hữu Công giáo ở Phi Châu. Tám năm sau đó, tức 2013, con số tín hữu tăng lên 206 triệu tức là tăng 34%. Trong khi đó số tín hữu Công giáo ở Mỹ Châu tăng 10.5% và tại Á Châu là 17.4%.
Trong số các Hồng Y và Giám mục thành viên của Bộ tham dự Đại hội này có ĐHY Phêrô Nguyễn Văn Nhơn, TGM Giáo phận Hà Nội, và Đức TGM Phaolô Bùi Văn Đọc, TGM Giáo phận Sàigòn, Chủ tịch HĐGM Việt Nam. Theo thông cáo của Liên tu sĩ Roma, lúc 11 giờ sáng Chúa Nhật 06.12.2015, ĐHY Phêrô Nguyễn Văn Nhơn sẽ nhận nhà thờ hiệu tòa của ngài do Đức Thánh Cha chỉ định trong buổi lễ phong Hồng Y ngày 14-2-2015 tại Vatican. Đó là nhà thờ Thánh Tôma Tông Đồ, một giáo xứ tân lập ở ngoại ô Roma. Đức TGM Phaolô Bùi Văn Đọc và Liên tu sĩ Roma cũng sẽ hiện diện trong thánh lễ này.
HỘI NGHỊ COP-21 VỀ BIẾN ĐỔI KHÍ HẬU
PARIS. ĐHY Pietro Parolin, Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh, kêu gọi Hội nghị quốc tế về sự thay đổi khí hậu, gọi tắt là COP-21, có thể đạt tới một hiệp định toàn diện và có tính chất biến đổi dựa trên công bằng, liên đới và công chính. ĐHY Parolin đã hướng dẫn phái đoàn Tòa Thánh tham dự hội nghị và cùng với các vị tổng thống, thủ tướng chính phủ của 150 nước lên tiếng trong những ngày đầu tiên của hội nghị COP-21 diễn ra tại Paris từ ngày 30.11 vừa qua. ĐHY nhắc lại lời của Đức Thánh Cha Phanxicô phát biểu tại Phi Châu để khẳng định rằng ba mục tiêu quan trọng mà Hội nghị này cần nhắm đến là làm dịu bớt ảnh hưởng của sự thay đổi khí hậu, xóa bỏ nghèo đói và làm cho phẩm giá con người được triển nở hơn.
NẠN BẮT CÓC THIẾU NỮ VÀ BUỘC THEO HỒI GIÁO Ở PAKISTAN
KARACHI. Ngày 26.11 vừa qua, hãng thống tấn Fides của Bộ Truyền Giáo cho biết mỗi năm có ít nhất 1 ngàn thiếu nữ Kitô hoặc Ấn giáo bị bắt cóc, cưỡng bách kết hôn và phải theo Hồi giáo. Đây chỉ là con số thống kê được dựa trên những đơn kiện. Trong thực tế, con số này còn có thể cao hơn nhiều. Vụ mới nhất làm rúng động cộng đồng Kitô ở bang Punjab là trường hợp bé gái Sana John, 13 tuổi bị bắt cóc ngày 9.11 vừa qua trên đường từ trường về nhà, và bị cưỡng bách theo Hồi giáo. Em gái của Sana kể lại rằng khi hai chị em đi học về, những người Hồi giáo đã chặn và bắt cóc Sanna. Gia đình em theo Kitô giáo và đã bị de dọa, cảnh cáo không được nộp đơn kiện. Nhưng thực tế, cho dù gia đình em có nộp đơn khiếu nại thì cảnh sát cũng chẳng đưa ra biện pháp nào. Trong tình hình đó, tổ chức nhân quyền ở Pakistan đã tích cực kêu gọi và dùng nhiều biện pháp nhắm cứu thoát em Sana và trả lại em cho gia đình.
ĐGM GIÁO PHẬN SAN BERNARDINO MỜI GỌI TÍN HỮU CẦU NGUYỆN
SAN BERNARDINO. Đức cha Gerald Barnes, Giám mục Giáo phận San Bernardino, bang California, Hoa Kỳ, mời gọi dân chúng cầu nguyện cho sự hiệp nhất và chữa lành sau vụ thảm sát hôm 2.12 vừa qua làm cho 14 người chết và 17 người bị thương. Hai người có võ trang tên là Syed Farook, 28 tuổi, và Tashfeen Malik, 27 tuổi, đã gây ra vụ tảm sát này tại trung tâm dành cho người tàn tật của tiểu bang, nơi các nhân viên y tế địa phương đang mừng lễ. Sau đó hai thủ phạm đã bị cảnh sát truy lùng và bắn chết. Đức cha Barnes mời gọi dân chúng cầu nguyện cho tất cả các nạn nhân của biến cố kinh khủng này, cầu nguyện cho các nạn nhân và nhân viên y tế.
CÁC THÁNH ĐƯỜNG TẠI BETHLEHEM ĐÁNH CHUÔNG HÒA BÌNH
BETHLEHEM. Vào lúc 7 giờ 30 chiều tối thứ bảy, 5.12, các thánh đường tại Bethlehem sẽ được đánh chuông hòa bình. Tất cả các thánh đường trên thế giới cũng được mời gọi tham gia sáng kiến này khi Giáo hội bước vào mùa Vọng, mùa chờ đợi chuẩn bị cho biến cố Chúa giáng sinh. Trong bầu khí nói chung tại Thánh Địa, chính quyền thành phố Bethlehem tiếp tục duy trì lịch trình các buổi lễ dự kiến cho đại lễ Giáng Sinh hàng năm. Bà Vera Baboun, thị trưởng thành Bethlehem, nói rằng Bethlehem tiếp tục là một thành của hòa bình và gần lễ Giáng Sinh, chúng ta phải cầu nguyện nhiều hơn bao giờ hết cho hòa bình.
Tổng hợp: Vũ Đức Anh Phương, SJ