Trong bài huấn từ bằng tiếng bằng tiếng Ý, Đức Thánh Cha gợi lại hình ảnh biểu tượng của Công hoà Trung Phi là cây chuối: “Cây chuối là biểu tượng của sự sống, luôn phát triển, luôn sinh sản, luôn cho quả có nhiều năng lượng. Cây chuối cũng có sức đề kháng. Cha nghĩ rằng điều này diễn tả rõ nét con đường của các con trong thời điểm khó khăn này của chiến tranh, hận thù, và chia rẽ: con đường đề kháng”.
Về lời phát biểu của một bạn trẻ với các bạn trước đó nói rằng anh muốn trốn chạy, Đức Thánh Cha Phanxicô nói: “Chạy trốn khỏi những thách đố của cuộc sống không bao giờ là giải pháp! Chúng ta phải chống lại, can đảm chống lại và đấu tranh cho những điều tốt đẹp! Người trốn chạy thì không có dũng cảm để trao ban sự sống”.
Rồi Đức Thánh Cha nhắn nhủ với các bạn trẻ về ba điều hữu ích trong hoàn cảnh của họ: cầu nguyện, nỗ lực hướng tới hoà bình và tha thứ.
“Các con phải cầu nguyện để chống lại, để yêu thương, để không hận thù, và để trở nên những người xây dựng hoà bình”.
Thăm Đền thánh Hồi giáo
Sang ngày thứ hai viếng thăm Cộng hoà Trung Phi, tức thứ Hai 30-11, Đức Thánh Cha đã đến thăm Đền thánh Koudoukou ở Bangui và gặp gỡ cộng đồng Hồi giáo của thành phố này vào lúc 8g15.
Chào đón Đức Thánh Cha có vị Đại imam Nehedi Tidjani, cùng với bốn imam khác; tất cả đã cùng đi với Đức Thánh Cha đến bục giảng.
Trong bài phát biểu, Đức Thánh Cha Phanxicô nhắc lại các vụ bạo lực xảy ra gần đây đã làm Trung Phi rúng động, và nói rằng “Kitô hữu và người Hồi giáo đều là anh chị em với nhau”.
“Chúng ta biết rõ rằng những sự kiện gần đây và các hành vi bạo lực làm rung chuyển đất nước quý vị không đặt trên nền tảng của những động cơ tôn giáo đúng đắn. Những ai tin vào Thiên Chúa cũng phải là những con người của hoà bình. Kitô hữu, người Hồi giáo và các thành viên của nhiều truyền thống tôn giáo đã sống hoà bình với nhau nhiều năm qua. […] Chúng ta phải cùng nhau nói không với hận thù, nói không với báo thù và nói không với bạo lực, nhất là bạo lực nhân danh tôn giáo hay nhân danh chính Thiên Chúa. Thiên Chúa là hoà bình, Thiên Chúa salam”.
Nhắc đến các cuộc bàn thảo cấp quốc gia sắp diễn ra ở Cộng hoà Trung Phi, Đức Thánh Cha nói: “Chúng ta không thể không hy vọng rằng các cuộc bàn thảo quốc gia sắp tới sẽ cống hiến cho đất nước các nhà lãnh đạo có khả năng đem những người Trung Phi xích lại gần nhau, để trở thành những biểu tượng của sự đoàn kết quốc gia chứ không chỉ đơn thuần là những đại biểu của phe nhóm này hay phe nhóm khác. Tôi mạnh mẽ nài xin quý vị hãy làm cho đất nước này thành một mái nhà ấm cúng cho tất cả các con cái của mình, bất kể nguồn gốc sắc tộc, đảng phái chính trị hoặc niềm tin tôn giáo nào. Khi ấy nước Cộng hoà Trung Phi, nằm ở trung tâm của châu Phi, nhờ sự hợp tác của tất cả các người con trai con gái của mình, sẽ thúc đẩy cả châu lục theo hướng đi này”.
Thánh lễ kết thúc chuyến tông du châu Phi
Sinh hoạt cuối cùng của Đức Thánh Cha Phanxicô trong chuyến tông du kéo dài 6 ngày tại ba nước châu Phi là Thánh lễ tại sân vận động của khu thể thao phức hợp Barthélémy Boganda ở Bangui, Cộng hoà Trung Phi.
Hàng ngàn tín hữu đã đến tham dự Thánh lễ kính thánh Anrê tông đồ do Đức Thánh Cha chủ tế lúc 9g30 thứ Hai 30-11.
Sau đây là toàn văn bài giảng trong Thánh lễ này:
Khi nghe bài đọc thứ nhất, có lẽ chúng ta ngạc nhiên về lòng nhiệt thành và năng động truyền giáo của Thánh Tông đồ Phaolô. “Đẹp thay bước chân những sứ giả loan báo Tin Mừng” (Rm 10, 15)! Đó là lời mời gọi chúng ta tạ ơn về hồng ân đức tin chúng ta đã lãnh nhận từ những sứ giả loan báo Tin Mừng. Đó cũng là lời mời gọi chúng ta biết ngạc nhiên trước công trình truyền giáo đã đem niềm vui Tin Mừng đến mảnh đất thân yêu này của Trung Phi lần đầu tiên, cách nay không lâu. Thật tốt đẹp, nhất là trong những lúc khó khăn, thử thách và đau khổ, khi tương lai không chắc chắn và khi chúng ta cảm thấy mệt mỏi và sợ hãi, thật tốt đẹp nếu chúng ta quy tụ chung quanh Chúa, như chúng ta đang làm ngày hôm nay, để vui mừng vì có Chúa hiện diện, vì đời sống mới và ơn cứu rỗi Người ban tặng chúng ta. Vì Người mời chúng ta sang bờ bên kia (x. Lc 8,22).
Bờ bên kia, tất nhiên đó là cuộc sống vĩnh cửu, là trời cao mà chúng ta đang mong đợi. Hướng về thế giới đời sau luôn là một nguồn sức mạnh cho các Kitô hữu, những người nghèo, những người bé mọn, trên hành trình dương thế. Sự sống đời đời không phải là một ảo tưởng; không phải là trốn chạy thế giới này; nhưng là một thực tại mạnh mẽ mời gọi chúng ta và thách đố chúng ta kiên trì trong đức tin và đức mến.
Nhưng bờ bên kia trực tiếp hơn, mà chúng ta đang tìm đến, tức ơn cứu rỗi nhờ đức tin mà Thánh Phaolô nói đến, là một thực tại đã biến đổi đời sống chúng ta và thế giới chung quanh chúng ta ngay lúc này: “Ai tin trong lòng sẽ được nên công chính” (Rm 10,10). Ai tin sẽ được đón nhận chính sự sống của Chúa Kitô, sự sống làm cho họ yêu mến Thiên Chúa và anh chị em mình cách mới mẻ và khai sinh một thế giới được tình yêu đổi mới.
Chúng ta hãy tạ ơn Chúa vì Ngài hiện diện và ban cho chúng ta sức mạnh trong cuộc sống hằng ngày, những khi chúng ta gặp đau khổ thể xác hay tinh thần, hay mất người thân; Chúng ta hãy tạ ơn Chúa vì đã cho chúng ta biết sống đoàn kết và quảng đại; vì những niềm vui và tình yêu Người đổ đầy trong gia đình chúng ta, trong cộng đoàn của chúng ta, dù đôi khi chúng ta cũng nếm trải nỗi khổ đau, bạo lực hay lo lắng cho tương lai; Chúng ta hãy tạ ơn Chúa đã ban cho chúng ta ơn can đảm để củng cố những mối dây bằng hữu, để đối thoại với những người khác biệt với mình, để tha thứ cho những ai làm tổn thương chúng ta, để dấn thân xây dựng một xã hội công bằng hơn và huynh đệ hơn trong đó không ai bị bỏ rơi. Trong tất cả những điều ấy, Chúa Kitô phục sinh cầm tay chúng ta và dẫn chúng ta đi. Tôi muốn cùng với anh chị em tạ ơn Chúa của lòng thương xót về tất cả những gì tốt đẹp, quảng đại và dũng cảm mà Ngài đã giúp anh chị em làm được nơi gia đình và cộng đoàn của anh chị em, trong những năm tháng với rất nhiều biến cố này của đời sống đất nước anh chị em.
Nhưng thực tế là chúng ta chưa đến được đích điểm. Theo một nghĩa nào đó chúng ta đang ở giữa dòng, cần phải can đảm quyết định, với lòng nhiệt thành truyền giáo mới mẻ, để vượt qua bờ bên kia. Mỗi người tín hữu phải không ngừng đoạn tuyệt với những gì còn lại nơi mình thuộc về con người cũ, con người tội lỗi, vốn luôn sẵn sàng trỗi dậy theo lời mời mọc của ma quỷ. Điều này xảy ra thường xuyên biết bao trong thế giới của chúng ta và trong giai đoạn đang có những xung đột, hận thù và chiến tranh này. Thật dễ dàng biết bao khi để mình bị dẫn dắt vào thói ích kỷ, mất lòng tin, bạo lực, phá hoại, báo thù, dửng dưng và bóc lột những người yếu kém nhất…
Chúng ta biết rằng các cộng đoàn Kitô hữu chúng ta được mời gọi nên thánh, nhưng vẫn còn một chặng đường dài phải đi. Chắc chắn mọi người chúng ta phải cầu xin Chúa tha thứ vì nhiều khi đã từ khước và chậm chạp làm chứng cho Tin Mừng. Ước gì Năm Thánh Lòng Thương Xót, vừa khai mạc ở đất nước của anh chị em, sẽ là dịp để anh chị em làm chứng. Anh chị em của đất nước Trung Phi thân mến, ước gì anh chị em nhìn về tương lai, và nhờ được củng cố bởi đoạn đường đã đi qua, anh chị em quyết tâm khởi đầu một chặng đường mới trong lịch sử Kitô giáo của đất nước anh chị em, để vươn tới những chân trời mới, ra khơi xa ở chỗ nước sâu. Tông đồ Anrê, cùng với em là Phêrô, đã không ngần ngại bỏ mọi sự để đi theo Chúa Giêsu: “Ngay lập tức hai ông bỏ chài lưới mà đi theo Người” (Mt 4, 20). Một lần nữa chúng ta lại ngạc nhiên về lòng nhiệt thành của các Tông đồ. Chúa Kitô đã thu hút các ngài mạnh mẽ đến mức các ngài thấy rằng họ có thể làm tất cả mọi sự và dám liều tất cả vì Người.
Mỗi người chúng ta có thể đặt cho lòng mình câu hỏi tối quan trọng về mối tương quan cá nhân của mình với Chúa Giêsu, hỏi xem chúng ta đã chấp nhận hay từ chối Lời Chúa mời gọi chúng ta theo sát chân Người. Hơn bao giờ hết, tiếng kêu của các sứ giả loan báo Tin Mừng vang vọng vào tai chúng ta, cả trong những lúc khó khăn; tiếng kêu rằng “vang dội khắp mặt đất, […] đến tận cùng thế giới” (Rm 10,18; x. Tv 19,4). Và thanh âm ấy vang lên ở đây, ngày hôm nay, nơi vùng đất Trung Phi này; nó vang lên trong tâm hồn chúng ta, gia đình chúng ta, các giáo xứ của chúng ta, ở bất cứ nơi nào chúng ta sống. Nó mời gọi chúng ta kiên trì trong nhiệt tâm thi hành sứ mạng, một sứ mạng cần có “những sứ giả loan báo Tin mừng” mới, càng ngày càng nhiều, và quảng đại hơn, vui tươi hơn, thánh thiện hơn. Tất cả chúng ta, mỗi người, đều được mời gọi trở nên người sứ giả ấy mà người anh em chúng ta, không phân biệt sắc tộc, tôn giáo, văn hoá, đang chờ đợi, mặc dù họ thường không biết điều ấy. Quả vậy, làm sao người anh em ấy có thể tin vào Chúa Kitô, thánh Phaolô tự hỏi, nếu Lời không được công bố và cũng chẳng được nghe nói?
Chúng ta cũng thế, noi gương Thánh Tông đồ, chúng ta phải đầy lòng hy vọng và hăm hở hướng về tương lai. Bờ bên kia ở ngay tầm tay chúng ta, và Chúa Giêsu cùng vượt sông với chúng ta. Người đã sống lại từ cõi chết; từ đó những thử thách và đau khổ của chúng ta luôn là những cơ hội mở ra một tương lai mới, nếu chúng ta chấp nhận gắn bó với Người. Các Kitô hữu Trung Phi, mỗi người trong anh chị em được kêu gọi, bằng sự kiên trì trong đức tin và lòng hăng say dấn thân truyền giáo, trở nên người thợ canh tân đất nước của anh chị em về phương diện con người và về thiêng liêng. Tôi nhấn mạnh, người thợ canh tân về phương diện con người và về thiêng liêng.
Lạy Đức Trinh nữ Maria, người đã chia sẻ những đau khổ và nay lại được thông phần niềm vui trọn hảo với Con của Mẹ, xin Mẹ gìn giữ anh chị em và khích lệ anh chị em trên hành trình hy vọng này. Amen.
Minh Đức chuyển ngữ