Khi còn nhỏ đọc lời này trong kinh thương người có mười bốn mối, tôi không hiểu được ý nghĩa của nó. Đến khi trưởng thành tôi hiểu ra ý nghĩa của tình trạng nô lệ đã được viết trong cuốn sách lịch sử nhân loại như thế nào. Chế độ nô lệ là chế độ mà trong đó con người được xem như một thứ hàng hóa để trao đổi và buôn bán. Nô lệ là người bị bắt buộc phải làm việc không lương cho người chủ, bị mất quyền con người, mất tự do và cuộc sống phụ thuộc hoàn toàn vào người chủ. Nhiều người trở thành nô lệ, vì bị bắt sau những cuộc chiến (hình thức tù binh), hoặc những cuộc càn quét của lực lượng xâm lăng hoặc của giai cấp thống trị. Một số khi sinh ra đã bị coi như là nô lệ, chỉ vì cha mẹ của họ là nô lệ. Trong lịch sử nhân loại, chế độ nô lệ đã được công nhận bởi hầu hết các quốc gia và xã hội. Hôm nay, chế độ nô lệ theo pháp luật quốc tế đã bị cấm đoán và coi như không còn nữa. Nhưng nhìn vào thế giới và xã hội hiện đại xung quanh, thì lời kinh thương chuộc kẻ làm tôi vẫn còn mang giá trị tròn đầy, bởi vì có biết bao nhiêu người đang trở thành những nô lệ trong hình thức mới rất tàn bạo và rất tinh vi. Sứ điệp của Đức Thánh Cha Phanxicô nhân ngày hoà bình thế giới năm 2015 đã diễn tả nhiều bộ mặt nô lệ hôm qua và hôm nay như sau: “Từ thời xa xưa, các xã hội khác nhau đã biết đến hiện tượng người thống trị người. Đã từng có những giai đoạn trong lịch sử nhân loại, nơi đó cơ cấu nô lệ được chấp nhận cách rộng rãi và được luật pháp ghi nhận. Điều này quy định những ai được sinh ra tự do và những ai sinh ra là nô lệ, cũng như những điều kiện mà qua đó một người vốn sinh ra là tự do nhưng có thể bị mất đi quyền tự do của mình hay có lại nó. Nói cách khác, chính luật pháp cũng thừa nhận rằng một số người nào đó có thể hay phải bị xem là tài sản của người khác…; một nô lệ có thể bị mua bán, chuyển giao hay mua được, như thể họ là một món hàng thương mại. Ngày nay, với sự phát triển tích cực của ý thức con người, nạn nô lệ, vốn được xem như là một tội ác chống lại nhân loại, đã chính thức bị xóa bỏ trên toàn thế giới. Quyền của mỗi người không được bị xem là nô lệ hay phụ thuộc như nô lệ được thừa nhận trong luật quốc tế như là một điều khoản bất khả xâm phạm. Tuy nhiên, bất chấp cộng đồng quốc tế đã ký kết rất nhiều hiệp ước nhắm tới việc chấm dứt nạn nô lệ dưới nhiều hình thức, và đã khởi động nhiều chiến dịch khác nhau để chống lại nạn này, hàng triệu người ngày nay – trẻ em, đàn ông và đàn bà đủ mọi lứa tuổi – vẫn bị trút bỏ quyền tự do và bị buộc phải sống trong những điều kiện giống như các nô lệ”.[1]
Theo thống kê của tổ chức Walk Free Foaundation được viết trong The global Slavery Index 2014, ước tính hiện nay có khoảng 35,8 triệu người trên khắp thế giới hiện đang sống cuộc sống như một “nô lệ thời hiện đại”.[2] Về những người bị coi là nô lệ thời hiện đại, Đức Phanxicô, trong sứ điệp nhân ngày hoà bình năm 2015, nhắc đến nhiều lao động nam và nữ, cả những người trẻ tuổi, bị nô dịch hóa trong nhiều khu vực khác nhau, dù là chính thức hay không chính thức, từ công việc trong nhà cho đến việc nông nghiệp, từ các nhà máy công nghiệp đến hầm mỏ, tại nhiều nước những quy định về lao động không khớp với những quy định và chuẩn mực quốc tế tối thiểu, hay thậm chí là phi pháp, khi trong hệ thống pháp luật của mình, không hề có những quy định nào bảo vệ quyền lợi của người lao động. Tiếp đến, Đức Phanxicô cũng hướng tới nhiều người tị nạn, mà trong cuộc phiêu lưu đầy bi kịch đã phải chịu đói khát, đã bị tước bỏ tự do, bị cướp mất của cải hay bị lạm dụng thể lý và tính dục. Trong số ấy, có những người đến được nơi cần đến sau hành trình mệt rã rời với đầy những sợ hãi và không an toàn, thì lại bị giam giữ trong những điều kiện hết sức tàn nhẫn. Ngoài ra, vị cha chung cũng hướng đến những người bị buộc phải đi vào con đường mại dâm, nhiều người trong số họ còn rất nhỏ, nạn nô lệ và nô lệ tình dục; Đức Phanxicô cũng hướng đến những phụ nữ bị buộc phải kết hôn, những người bị bán trong những vụ kết hôn được sắp xếp, hay những phụ nữ khi chồng chết thì bị chuyển cho một người thân của chồng như tài sản thừa kế, mà không cần biết cô ta có đồng ý hay không. Nhóm người khác mà Đức Thánh Cha hướng tới là những người lớn cũng như trẻ em. Họ là đối tượng của nạn buôn bán cơ phận, bị bắt nhập ngũ, để xin ăn, để phục vụ cho những hoạt động phi pháp như sản xuất và buôn bán ma túy, hay để phục vụ cho những hình thức trá hình của việc nhận con nuôi mang tính quốc tế. Cuối cùng, Đức Phanxicô nghĩ đến tất cả những ai bị bắt cóc và bị giam giữ bởi những nhóm khủng bố, bị nô dịch hóa cho những mục đích của họ như là những chiến binh, hay trên hết trong những trường hợp các thiếu nữ và phụ nữ, bị sử dụng như là những nô lệ tình dục. Nhiều người trong số này đã biến mất, trong khi những người khác thì bị bán vài lần, bị tra tấn và bị hành hạ hay bị giết.[3]
Trong The global Slavery Index 2014, chúng ta đọc được một vài trải nghiệm như sau: “Khi tôi 13 tuổi, ba tôi đã gả tôi cho một người đàn ông 45 tuổi, người đàn ông này đã hứa trả một số tiền cho gia đình tôi để được lấy tôi làm vợ. Tôi không có hạnh phúc với ông ta, nhưng tôi vẫn phải cam chịu sống với ông ta một năm, trước khi tôi trốn về lại nhà của mình. Ba tôi đã rất giận dữ khi tôi trốn về nhà. Ông đã đánh đập và hăm doạ tôi, bắt tôi trở về lại với người chồng của tôi; nhưng không có roi đòn nặng nề nào của ba tôi tồi tệ bằng việc tôi phải sống với chồng tôi. Khi tôi từ chối trở về với chồng, ba tôi đã đào một cái hố sâu. Ông bắt tôi phải nhảy xuống đó, và ông bắt đầu muốn chôn sống tôi. Tôi hoàn toàn kinh ngạc, khi ông thực sự chôn sống tôi, nếu như người hàng xóm không nghe tiếng cầu cứu của tôi và ngăn chặn ông lại”.[4] Đó là câu chuyện của Shahida, 13 tuổi, là nạn nhân của một việc cưỡng bức hôn nhân. Một chia sẻ khác của Moulkeheir: “Tôi lớn lên và làm việc cho một gia đình. Tôi sinh ra và được đưa vào gia đình này – nơi mà mẹ tôi đã làm việc trước tôi. Công việc rất nặng nhọc. Tôi đã phải đi ra ngoài để chăn đàn dê suốt cả ngày, và khi về thì lại phải lo mọi công việc trong nhà. Tôi không có đủ cơm ăn. Tôi thường xuyên bị đánh đập và bị xúc phạm. Tôi có con cái. Chúng lớn lên và cũng làm việc cho gia đình này. Hai đứa con gái của tôi là kết quả của việc hãm hiếp của người con trưởng trong gia đình ông chủ. Anh ta đã nói rằng, anh ta sẽ chặt đầu tôi, nếu tôi nói cho bất cứ ai biết anh chính là tác giả của việc ấy”.[5] Một nạn nhân khác của nô lệ thời hiện đại kể lại rằng: “Đến ngày hôm nay, tôi không nhớ là từ khi nào nữa tôi đã ngủ chung với súc vật như với bò và dê… Giống như chúng, tôi cũng thật nghèo. Nhưng các con vật thì không bị đánh đập mỗi ngày, còn tôi thì bị”. Ker là tên của nạn nhân. Ker thường xuyên bị hành hạ tra tấn và đã bị mù loà bởi ông chủ của mình. Ker giờ đây là một thiếu niên, và năm ngoái đã được giải thoát khỏi tình trạng nô lệ, nhưng mẹ của anh ta, một nạn nhân khủng khiếp của bạo lực, vẫn còn sống trong hoàn cảnh cũ”.[6] Đó là một vài chia sẻ điển hình của nô lệ thời hiện đại, mà xã hội chúng ta đang phải đương đầu. Gốc rễ của nạn nô lệ này xuất phát từ quan niệm con người cho phép đối xử với nhau như một đồ vật. Khi nào tội lỗi phá hỏng trái tim con người và làm ngăn cách chúng ta với Tạo Hóa cũng như với tha nhân, thì tha thân không còn được xem là những hữu thể có cùng phẩm giá, như là anh chị em cùng chia sẻ nhân tính, nhưng là những đồ vật. Được tạo ra giống Thiên Chúa và theo hình ảnh Thiên Chúa, nhưng bằng sự cưỡng bức, sự lừa dối, hay bằng những ép buộc về thể lý hay tâm lý, con người đã bị tước đoạt sự tự do của mình, bị bán và bị giảm thiểu xuống thành hàng hóa của một số người; bị đối xử như là phương tiện chứ không phải như cùng đích.
Cùng với nguyên nhân mang tính hữu thể học này – việc loại trừ nhân tính của người khác -, cũng còn có những nguyên nhân khác giúp giải thích những hình thức nô lệ tân thời, nhưsự nghèo khổ, việc chậm phát triển và sự loại trừ, đặc biệt là khi nó cùng tồn tại với việc thiếu đi nguồn đào tạo hay với một thực tại được đánh dấu bởi sự khan hiếm, nếu không muốn nói là không có, những cơ hội có việc làm. Nạn hối lộ những ai sẵn sàng bất cứ làm việc gì, để họ làm giàu cho bản thần, cũng là một nguyên nhân khác của nạn nô lệ. Thực ra, những người thực hiện việc nô dịch và buôn bán người thường phải mua chuộc cả một hệ thống trung gian phức tạp, một số thành viên của lực lượng cầm quyền hay các viên chức hay các thể chế dân sự và quân đội. Điều này xảy đến khi nằm ở vị trí trung tâm của hệ thống kinh tế là tiền bạc, chứ không phải là con người. Vâng, ở vị trí trung tâm của hệ thống kinh tế hay xã hội phải là con người, hình ảnh Thiên Chúa, được dựng nên để làm bá chủ vũ hoàn. Khi con người bị đồng tiền thay thế, các giá trị sẽ bị đảo lộn. Những nguyên nhân khác của nạn nô lệ là những xung đột vũ trang, bạo lực, hoạt động tội phạm và khủng bố. Nhiều người đã bị bắt cóc để đem bán, bắt đi chiến đấu như binh lính, hay bị khai thác tình dục, trong khi những người khác thì buộc phải đi tị nạn, bỏ lại mọi thứ đàng sau tất cả những gì họ có: đất nước, nhà cửa, của cải và thậm chí là các thành viên trong gia đình mình.[7]
Trước thực trạng nô lệ thời hiện đại đem lại nhiều đau buồn này, chúng ta cần phải có những hành động nào? Lời cầu kinh thương chuộc kẻ làm tôi thật vẫn còn giá trị trong thời đại văn minh và tân tiến của internet và của truyền thông. Đức Thánh Cha Phanxicô mời gọi mọi người, mọi chính quyền ở các quốc gia, mọi tổ chức liên chính phủ, mọi cơ sở thương mại, mọi tổ chức tôn giáo và tổ chức xã hội cùng dấn thân để xoá bỏ nạn nô lệ. Phần Giáo Hội Công Giáo, thì “trong việc ‘loan báo chân lý tình yêu của Đức Ki-tô trong xã hội’, Giáo Hội luôn dấn thân không ngừng trong các hoạt động bác ái xuất phát từ chân lý về con người. Giáo Hội có nhiệm vụ phải phơi bày ra mọi con đường dẫn đến việc hoán cải, cho phép chúng ta thay đổi cái nhìn về những người thân cận của mình, để nhận ra nơi những người khác ấy, dù là ai, người anh chị em trong một gia đình nhân loại, và để thừa nhận phẩm giá bẩm sinh của họ trong chân lý và tự do, như câu chuyện của Josephine Bakhita soi sáng cho chúng ta. Đây là vị thánh xuất thân từ vùng Darfur của Sudan, người đã bị bắt cóc bởi những người buôn bán nô lệ và bị bán cho những ông chủ tàn ác khi thánh nhân chỉ mới 9 tuổi, và sau đó, từ chính những kinh nghiệm đau thương này, thánh nhân đã trở nên một ‘ái nữ tự do của Thiên Chúa’, nhờ Đức Tin sống trong sự hiến dâng sốt sắng và trong sự phục vụ người khác, đặc biệt là những người thấp bé và bất lực nhất. Vị thánh này, người đã sống giữa thế kỷ 19 và 20, ngày nay vẫn có thể trở thành một mẫu gương điển hình của niềm hy vọng cho nhiều nạn nhân của nạn nô lệ; ngài có thể nâng đỡ cho những nỗ lực của những ai dấn thân trong cuộc đấu tranh chống lại ‘vết thương trên thân mình của nhân loại đương thời, một vết thương trên thân xác của Đức Ki-tô’. Dưới viễn tượng này, tôi muốn mời gọi mỗi người, theo vai trò và trách nhiệm riêng của mình, hãy thực thi hành vi huynh đệ đối với những ai đang bị giam giữ trong tình trạng nô dịch…Vì thế, tôi khẩn thiết nài xin tất cả anh chị em thiện chí, và tất cả những ai dù xa hay gần, bao gồm những cấp độ cao nhất của các thể chế dân sự, những ai chứng kiến nỗi đau của nạn nô lệ tân thời, đừng thỏa hiệp với sự dữ này, đừng quay mặt đi trước những nỗi đau của anh chị em mình, của đồng loại mình, những người đã bị tước đoạt tự do và nhân phẩm, nhưng hãy có dũng lực để đụng đến thân thể đau đớn của Đức Ki-tô, được biểu lộ nơi khuôn mặt của vô số những con người mà chính Ngài gọi là ‘những người anh em bé mọn của Ta’ (x.Mt 25,40.45)”.[8]
Tương hợp với tinh thần dấn thân để giải thoát những nô lệ thời hiện đại mà Đức Phanxicô kêu gọi, cũng như theo tinh thần sống thực thi lòng thương xót nhân hậu của Chúa, chúng ta thấy thời Giáo Hội tiên khởi thánh Phao-lô đã xin cộng sự viên của mình là ông Philemôn đón nhận Ki-tô hữu mới là Onesimus trở nên người anh em của ông, dù trước kia Onesimus là nô lệ của Philemon; và hôm nay chúng ta cũng thấy các nữ tu đứng trong tuyến đầu của của việc dấn thân để cứu thoát biết bao nhiêu nạn nhân của nô lệ thời hiện đại. Nữ tu Sharmi D’Souza đến từ Ấn Độ đã kể về công việc hỗ trợ cho các nạn nhân và truy tố những kẻ buôn người. Nữ tu Sharmi cho biết, các nữ tu cùng với cảnh sát truy lùng tận bên trong các nhà thổ và giải cứu các cô gái. Ví dụ trong một cuộc đột kích, Sơ đã giải cứu được 37 cô gái, trong đó 11 cô là gái mại dâm tuổi vị thành niên. Từ những cô gái này, họ đã tìm hiểu tất cả các tình tiết về những kẻ buôn người là ai và nơi chúng làm việc, và sau đó đã tống được 30 kẻ buôn bán người vào tù. Sơ Sharmi cũng kêu gọi cho các giám mục, linh mục và mục sư sát cánh cùng các nữ tu, để giúp đỡ họ nhổ tận gốc những kẻ buôn bán người trên khắp thế giới.[9] Mong sao, mọi người trên thế giới đều ý thức rằng, trong mắt Thiên Chúa, mỗi con người là một người tự do, dù đó là con gái hay con trai, phụ nữ hay đàn ông, và được tạo dựng vì thiện ích của mọi người trong sự bình đẳng và tình huynh đệ.[10] Mong sao, thế giới này không còn tình trạng nô lệ nữa, và mọi người đều là anh em với nhau, và tất cả đều có một Cha giàu lòng thương xót ở trên trời.
Nguyện xin Thiên Chúa xót thương làm “mọi sự trở nên mới” (x.Kh 21,5), và xin cứu vãn các tương quan giữa con người chúng con, bao gồm cả tương quan giữa nô lệ và ông chủ, bằng cách làm sáng tỏ những điều mà cả hai bên đều có chung: cùng được nhận làm con của Cha, và cùng sống trong tình huynh đệ với Đức Ki-tô, Đấng đã trở nên nghèo nàn, mặc lấy thân phận phàm nhân, thân phận nô lệ, để cứu rỗi chúng con, những người sống như nô lệ của tội lỗi, của bóng đêm và của sự dữ. Xin cho chúng con thấu hiểu và thấm nhuần tình yêu của Chúa, và xin cho chúng con luôn gắn bó và kết hiệp mật thiết với Chúa trong cuộc sống, Đấng đã nói với chúng con: “Thầy không còn gọi anh em là tôi tớ, vì tôi tớ không biết việc chủ làm, nhưng thầy gọi anh em là bạn hữu, vì tất cả những gì Thầy nghe được nơi cha Thầy, Thầy đã cho anh em biết” (Ga 15,15).[11]
Lm. GB. Nguyễn Ngọc Thế, SJ
[1] ĐTC. Phanxicô, Sứ điệp nhân ngày hoà bình thế giới 2015, số 3. Bản tiếng Việt của Pr. Lê Hoàng Nam SJ., nguồn: dongten.net.
[2] The global Slavery Index 2014, t.6, nguồn: www.globalslaveryindex.org
[3] X. ĐTC. Phanxicô, Sứ điệp nhân ngày hoà bình thế giới 2015, số 3.
[4] The global Slavery Index 2014, t.33.
[5] The global Slavery Index 2014, t.69.
[6] The global Slavery Index 2014, t.69.
[7] X. ĐTC. Phanxicô, Sứ điệp nhân ngày hoà bình thế giới 2015, số 4.
[8] ĐTC. Phanxicô, Sứ điệp nhân ngày hoà bình thế giới 2015, số 6.
[9] X. Các nữ tu chống lại hình thức nô lệ mới, bài của Hoàng Minh, nguồn: http://www.chuacuuthe.com.
[10] X. Tuyên bố của các nhà lãnh đạo tôn giáo đòi hỏi xóa bỏ chế độ nô lệ, nguồn: http://www.hdgmvietnam.org/
[11] X. ĐTC. Phanxicô, Sứ điệp nhân ngày hoà bình thế giới 2015, số 2.