Chuyến viếng thăm mục vụ của Đức giáo hoàng Phanxicô tại Hoa Kỳ trùng với thời điểm Chủ tịch Tập Cận Bình của Trung Quốc đến Mỹ. Không lạ gì khi sự xuất hiện của ông Tập Cận Bình bị lu mờ trước sức hút của vị giáo hoàng Công giáo. Ngay lập tức, các phương tiện truyền thông trên khắp thế giới, kể cả tại Việt Nam, đã đưa ra những so sánh kèm theo nhận xét bất lợi cho Trung Quốc.
Phần lớn những so sánh trên được nhìn từ góc độ chính trị và quyền lực. Thiết nghĩ từ góc độ đức tin, có thể nhìn thấy nhiều điều khác, sâu xa hơn và cũng cần thiết hơn. Không thể phủ nhận Đức giáo hoàng Phanxicô có sức hút đặc biệt với đông đảo quần chúng; tuy nhiên, còn phải khám phá thêm một điều khác, đó là những khát khao sâu thẳm trong lòng người.
Tại sao người ta đổ xô đến và chỉ mong được nhìn thấy Đức giáo hoàng, được chạm đến ngài? Dù sống trong một thế giới bị gọi là “tục hóa”, dù New York được coi là thủ đô của thế giới trần tục, ở sâu thẳm tâm hồn, con người vẫn khao khát cái thiện, khao khát tình yêu, vẫn mong được nghe những lời hướng dẫn cách sống sao cho đẹp. Và người ta tuôn đến, tìm gặp Đức giáo hoàng Phanxicô vì tin rằng ở nơi ngài, niềm khao khát của họ được lấp đầy.
Thật vậy, người ta gặp được nơi ngài sự đơn sơ, giản dị, khiêm tốn, gần gũi, nhất là sự hiện diện của Chúa. Được đánh giá là nhân vật lớn nhất của thế giới, vậy mà khi đứng trên balcon của tòa nhà Quốc hội Hoa Kỳ, Đức giáo hoàng lại chỉ vào những em bé và nói đây là những người quan trọng nhất. Được giới truyền thông coi là ngôi sao của thế giới, ngài lại trả lời, “Tôi không phải là ngôi sao nhưng là tôi tớ của các tôi tớ Thiên Chúa”. Và ngài thể hiện tình yêu và lòng thương xót đối với những người bị xã hội khinh khi, coi thường, đó là những tù nhân, người khuyết tật…
Người ta lắng nghe những lời chỉ dạy của ngài, vì nhìn thấy nơi ngài một thẩm quyền luân lý, có khả năng hướng dẫn họ sống cho đúng với ơn gọi làm người và xây dựng một thế giới có chất “người” hơn. Có lẽ vì thế, trên tờ The New York Times, tờ báo của xã hội thế tục, lại xuất hiện bài báo nói rằng qua chuyến viếng thăm của Đức giáo hoàng Phanxicô, người ta hiểu rằng chủ nghĩa thế tục không quá mạnh như chúng ta thường nghĩ.
Quả thật, ở đáy lòng người vẫn là niềm khao khát Chúa và những giá trị vĩnh hằng. Ngày xưa, ẩn sau cuộc sống có vẻ bê tha của Augustinô vẫn là lời cầu nguyện: “Lạy Chúa, Chúa đã dựng nên con cho Chúa và tâm hồn con còn mãi băn khoăn khắc khoải cho đến khi được nghỉ yên trong Chúa”. Ngày nay cũng thế, ẩn sau lối sống buông thả và hưởng thụ, vẫn là những tâm tình của Augustinô chưa được viết thành lời.
Ngày 02.10.2015
Người Mỹ Tho