Cầu nguyện với trái tim !

CẦU NGUYỆN VỚI TRÁI TIM

 

Bài giảng của Lm. Phêrô Hoàng Minh Tuấn.

                           

Một trong những điều gây ngạc nhiên là Đức Mẹ bảo : Cầu nguyện đem lại sự nghỉ ngơi cho thân xác, đang khi ta thường nghĩ, cầu nguyện là phải cầm trí, cho nên sẽ mệt mỏi :                                                       

“Những ngày này, các con cầu nguyện quá ít và làm việc quá nhiều. Hãy cầu nguyện, vì trong cầu nguyện, các con sẽ tìm được sự nghỉ ngơi. (SĐ 5-7-1984)

Hãy cầu nguyện ! Điều quan trọng nhất cho thể xác các con là cầu nguyện. (SĐ 22-12-1983)

…Khi công việc đồng áng làm các con mệt mỏi, đến nỗi các con không thể cầu nguyện bằng trái tim. Cầu nguyện đi, rồi các con sẽ vượt qua mọi mệt nhọc. Cầu nguyện sẽ là niềm vui và sự nghỉ ngơi của các con.(SĐ 30-5-1985)

Đoàn hành hương Huyện Sỹ từ Sàigòn đi từng chặng ra đến Lavang, rồi quay trở về đến giáo xứ Hói Dừa, Lăng Cô, để dự Lễ khánh thành Đài Đức Mẹ Mễ Du. Theo chương trình, thì giờ Tỉnh nguyện Kính Đức Mẹ Mễ Du lại là 9 giờ tối. Hết sức mệt mỏi vì hành trình hành hương, ai cũng muốn đi ngủ sớm, nhưng phải cố gắng dự. Lạ thay, sau giờ cầu nguyện, nghe giảng và chia sẻ đó, họ lại thấy được nghỉ ngơi lại sức, tỉnh táo, vui khỏe, không còn thấy mệt mỏi, buồn ngủ nữa. Đức Mẹ đã nói đúng : Cầu nguyện sẽ là niềm vui và sự nghỉ ngơi của các con.”

               Còn vô số các câu khác không thể trích dẫn hết được, chỉ xin lấy một câu cuối cùng:

             “Các con yêu dấu ! Satan muốn hoạt động ráo riết hơn để cướp đi niềm vui khỏi mỗi người các con. Bằng sự cầu nguyện, các con có thể hoàn toàn tước vũ khí của nó mà bảo đảm hạnh phúc của các con. (SĐ 24-1-1985)

“Nếu các con cầu nguyện, Satan không thể làm hại các con, dù chỉ một tơ tóc, vì các con là con của Thiên Chúa và Người đang trông nom các con.” (SĐ 25-2-1988)

Câu này đúng là một hòn sỏi đánh gục tên khổng lồ Satan: Cầu nguyện khiến nó tê liệt như chết, không còn thể làm hại chúng ta nữa.

Đọc một vài ví dụ trích dẫn trên, ta đã được mở mắt ra rồi, chắc từ nay không ai còn dám phê bình Lời Mẹ bảo ta cầu nguyện là tẻ nhạt, nhàm chán…, biết rồi, khỏi cần nói mãi ! Chúng ta phải xin lỗi Mẹ nhân từ của chúng ta, và từ nay sẽ nghiêm chỉnh đọc Sứ Điệp của Mẹ với lòng tôn kính và cầu nguyện để có thể hiểu được những điều kỳ diệu Mẹ dạy từ việc cầu nguyện !

Đến đây, chúng ta bước sang  Phần Thứ Hai.

Trong các câu thòng, có một câu hết sức đặc biệt : Cầu nguyện với  trái tim !

Các con yêu dấu ! Hôm nay nữa, Mẹ mời gọi các con cầu nguyện. … Mẹ ở với các con và ao ước dạy dỗ các con cầu nguyện với trái tim. Chỉ trong cầu nguyện với cả trái tim, các con mới gặp gỡ Thiên Chúa.” (SĐ 25-10-1989). “Đừng cầu nguyện chỉ bằng môi miệng, nhưng hãy cầu nguyện với trái tim. Bằng cách này, cầu nguyện sẽ đem lại chiến thắng (Satan).” (SĐ 4-7-1988)

Nhiều ace hỏi tôi : Đức Mẹ Mễ Du dạy phải “cầu nguyện với trái tim”, là cầu nguyện thế nào ? Ở chỗ này, chúng ta phải bái phục Mẹ Mễ Du, vì từ 2000 năm nay, các thánh Giáo phụ, các bậc Tiến sĩ, các nhà thần học, các tác giả đạo đức đã viết ra hàng đống sách để dạy về cầu nguyện…, đề ra không biết bao nhiêu phương pháp phức tạp dạy cầu nguyện ! Đức Mẹ Mễ Du chỉ cần nói một câu hết sức đơn giản ngắn gọn, mà lại đầy đủ ý nghĩa : “Cầu nguyện với cả trái tim !”

Ai cũng biết trái tim là biểu tượng của tình yêu. Ở những công viên, nơi nghỉ mát v.v… thấy trên thân cây hay vách đá, vách tường, những hình vẽ hai trái tim với một mũi tên xuyên qua : chẳng cần nói ai cũng biết đó là người ta muốn nói hai con người đang yêu nhau. Vậy cầu nguyện với trái tim là : Cầu nguyện vì yêu mếnvới lòng yêu mến ! Vì yêu mến Chúa mà ta đọc kinh hay cầu nguyện ; và khi đọc kinh hay cầu nguyện, ta làm với tất cả lòng yêu mến, chứ không phải làm chiếu lệ qua loa cho xong, hay làm vì bó buộc phải làm. Tóm lại, chỉ có hai chữ “vì” yêu mến và “với” lòng yêu mến. Rất dễ nhớ.

Người ta có thể làm một việc vì yêu mến, và làm với lòng yêu mến, hay làm vì bó buộc, làm cách miễn cưỡng, làm vì thói quen, chiếu lệ, vô hồn… Điều này ai cũng biết cả. Tôi kể chuyện hồi nhỏ của tôi lúc mươi mười lăm tuổi để ace nghe cho vui. Hồi đó chưa có những trò chơi cao cấp bằng điện tử như bây giờ, trò chơi của trẻ con chỉ là thả diều, chọi dế, đánh bi, đánh đáo v.v… Tôi rất ham chơi, chơi mấy tiếng đồng hồ cũng được, chơi quên ăn, nhiều khi mẹ tôi phải sai người giúp việc đi gọi tôi về, và thường thì thể nào cũng bị đòn vì tội ham chơi. Chơi thì thế, còn lúc mẹ bảo đọc kinh, thì tôi tìm cớ hoãn binh hay thoái thác: “Còn sớm mà mẹ !” Để đến lúc tối khuya cùng với nhà đọc kinh, thì lại buồn ngủ. Vừa đọc vừa ngủ gà ngủ gật. Miễn cưỡng phải đọc, mẹ bảo thì buộc phải đọc, chứ đâu có vì lòng mến Chúa. Còn những lúc tỉnh táo mà đọc thì cũng chẳng hơn gì, đọc thuộc lòng, cách chiếu lệ, chẳng có tình mến Chúa, mến Mẹ gì…Đọc kinh mau mau cho xong còn làm việc khác, hoặc đi chơi…     

               Không nên như thế ace ạ ! Đức Mẹ đã dạy chúng ta là Đừng cầu nguyện chỉ bằng môi miệng nhưng vì mến Chúa, mến Mẹ mà cầu nguyện hay đọc kinh, như thể mình nói với Chúa : “Lạy Chúa, con xin đem hết con tim, hết tâm hồn yêu mến Chúa mà cầu nguyện…” Khi có thể tự lòng phát xuất ra những lời cầu nguyện, hoặc khi chỉ biết đọc kinh dọn sẵn thì cũng vậy.

Khi xảy đến những chia trí lo ra chuyện này, việc kia, thấy thế, liền gạt bỏ chúng đi, và lấy lời Đức Mẹ dạy sau đây mà nhủ mình : “Bây giờ là lúc cầu nguyện, (cầu nguyện với cả trái tim vì) hiện tại không có gì quan trọng đối với tôi (hơn là cầu nguyện, mọi việc khác cứ để đấy, cầu nguyện xong rồi hãy tính, bởi vì) giờ đây đối với tôi, không ai quan trọng hơn Thiên Chúa.”(SĐ 2 -10 -1986)

Muốn đọc kinh và cầu nguyện với trái tim cách như thế, tất nhiên không cần đọc nhiều kinh khác làm gì, ace chọn một hai kinh nào cao trọng nhất, cần nhất, vì đọc nhiều kinh, và đọc dài, thì dĩ nhiên phải đọc cho mau lẹ, cho mau xong vì còn biết bao nhiêu công việc khác phải làm…Bớt kinh như vậy, không phải ta bỏ đọc kinh, cầu nguyện, song chỉ bớt đi, để cầu nguyện cho tốt hơn, “quí hồ tinh, bất quí hồ đa”. Chính Đức Mẹ nói : Mẹ không cần các con đọc 100 kinh Lạy Cha, 200 kinh Lạy Cha, song Mẹ chỉ cần một kinh, nhưng đọc VỚI  TRỌN VẸN TRÁI TIM !”

Sau này khi tập quen cầu nguyện với cả trái tim rồi, muốn tăng thêm vài kinh nữa tùy ý…

Người ta kể truyện này : Một hôm Đức Giám Mục về giáo xứ kia ban phép Thêm sức. Lúc khảo giáo lý, có một bà già không thuộc nổi kinh Lạy Cha. Đức Cha ngạc nhiên hỏi tại sao? Bà thành thật thưa :

– Thưa Đức Cha, mỗi khi con đọc đến câu “Lạy Cha chúng con ở trên trời”, thì con cảm động quá, con cứ tự nghĩ: Một bà già nghèo khó, hèn hạ như con mà sao lại được phúc có Thiên Chúa cao cả trên trời làm Cha của mình… Nghĩ đến đó con cứ giàn giụa nước mắt không thể nào đọc tiếp được, cho nên con không thể thuộc hết kinh Lạy Cha.”

Đức Cha khen:

– “Này bà ! Như thế là bà đã nguyện Kinh Lạy Cha đẹp lòng Chúa hơn cả những người đọc thuộc lòng làu làu…”

Và Đức Cha cho bà chịu phép Thêm sức.

Để cụ thể hóa bài học, ta khởi đầu thử tập nguyện một kinh Lạy Cha thôi… với cả trái tim. Trong vòng một hay hai hay ba tháng, chỉ đọc một kinh ấy sáng, cũng như trưa, chiều… Đọc chậm từng câu… để tâm để ý, hết lòng yêu mến vào câu đó, để cho con tim chứ không phải cái miệng nói, bắt chước bà già trong chuyện trên kia.

Cuối cùng, ước mong chớ gì ace quyết tâm tập luyện việc cầu nguyện với trái tim, với cả lòng yêu mến. Xin đừng chỉ nghe giảng hôm nay rồi bỏ ngoài tai. Không ! Xin hãy quyết tâm thực hành.

    Và kết quả của cầu nguyện với trái tim sẽ tuyệt vời như thế nào, ace có biết không ? Đây hãy nghe Mẹ nói : Chỉ trong cầu nguyện với cả trái tim, các con mới gặp gỡ Thiên Chúa” (SĐ 25-10-1989), gặp gỡ đến mức mà như ta đã ở trên Thiên Đàng với Chúa rồi vậy : Thân thể các con ở trên trần gian, nhưng Mẹ xin các con hãy để cho linh hồn mình trọn vẹn gần gũi với Thiên Chúa hơn nữa. Các con sẽ đạt được điều này nhờ cầu nguyện, cầu nguyện với trái tim…”  (SĐ 2-11-2008)