Lược Trích Bài Phỏng Vấn Linh Mục George Kosicki, CSB bởi Tuần Báo “Divine Mercy” Về Ngày Lễ Thiên Chúa Từ Bi
Hỏi (H): Thưa Cha, Chúa Nhật Lễ Thiên Chúa Từ Bi là gì vậy?
Cha Kosicki (T): Thưa, Chúa Nhật Lễ Thiên Chúa Từ Bi giờ đây đã trở thành Chúa Nhật Thứ Hai của Mùa Phục Sinh. Đức Cố Giáo Hoàng Gioan Phaolô Đệ Nhị đã đặt tên cho ngày lễ trọng đại này khi Ngài phong hiển thánh cho Thánh Nữ Maria Faustina vào ngày 30 tháng 4 năm 2000, và từ đó trở thành một sắc lệnh chính của Tòa Thánh Vaticăn.
Đức Cố Giáo Hoàng Gioan Phaolô Đệ Nhị đã mô tả về Ngày Lễ Kính Lòng Thương Xót Chúa như sau: “Theo một cách đặc biệt, đây là ngày Chủ Nhật dành để tạ ơn về lòng thương xót mà Thiên Chúa đã tỏ ra cho chúng ta trong suốt mầu nhiệm Phục Sinh của Ngài” (Ngày 23 tháng 4 năm 1995).
Qua đó, Ngài nhấn mạnh đến sự hiểu biết của Giáo Hội rằng Ngày Lễ Kính Lòng Thương Xót Chúa cũng chính là Ngày Thứ Tám (Octave Day) của Mùa Phục Sinh như là cách để đưa chúng ta đến sự hiệp thông trọn vẹn của việc Chúa Kitô Phục Sinh.
Ngày Lễ này cũng còn được xem như là một sự hội tụ của tất cả các mầu nhiệm và các ơn huệ của Tuần Thánh và của Tuần Phục Sinh.
Nó giống như một bức ảnh tổng thể chung của ngày Thứ Năm Tuần Thánh, ngày Thứ Sáu Tuần Thánh, Chủ Nhật Phục Sinh và Tuần Lễ Phục Sinh. Hoặc là chúng ta cũng còn có thể nghĩ đến Ngày Lễ này như là một sự hội tụ của tất cả ống kính vào trong ánh sáng của Chúa Kitô Sống Lại, để từ đó tỏa chiếu ra từng tia sáng chói cao vời về tình yêu thương nhân từ và ân huệ của Thiên Chúa cho toàn cả thế giới.
Nó bao gồm cả ngày đầu và ngày thứ tám của Mùa Phục Sinh, để cử hành tất cả mọi ân huệ vô cùng lớn lao nhất có sẳn cho chúng ta thông qua sự chiến thắng của Thiên Chúa Phục Sinh lên trên tội lỗi, sự chết và ma quỷ.
(H): Thưa Cha, những ơn huệ nào mà người tín hữu có thể lãnh nhận được trong Ngày Lễ Kính Lòng Chúa Xót Thương này?
(T): Thưa, Thiên Chúa đã mạc khải cho Thánh Nữ Faustina về ước mong của Ngài để tuôn đổ xuống tất cả mọi hồng ân của Ngài cho chúng ta vào Ngày Lễ quan trọng này. Chỉ cần nghĩ và hướng về những lời hứa và mong ước mà Ngài đã tỏ bày về Ngày Chủ Nhật Lễ Chúa Từ Bi, vốn được ghi chép lại trong Nhật Ký của Thánh Nữ Maria Faustina Số 699 – tức đoạn quan trọng chính đề cập tới Ngày Lễ Kính Lòng Thương Xót Chúa như sau:
- Vào ngày đó, mọi chiều sâu thẳm nhất về Lòng Nhân Từ của Ta sẽ được rộng mở ra.
- Ta sẽ tuôn đổ ra cả một đại dương về ơn huệ trên tất cả những linh hồn nào tiếp cận với Nguồn Suối Nhân Từ của Ta qua Bí Tích Hòa Giải và Rước Mình Thánh Chúa.
- Linh hồn nào đi xưng tội trước đó và lãnh nhận Mình Thánh Chúa vào ngày Lễ Kính này sẽ lãnh nhận được sự tha thứ trọn vẹn của Ta khỏi mọi án phạt về tất cả những tội đã phạm.
- Vào Ngày Lễ Kính này, tất cả mọi cánh cửa về ơn huệ của Thiên Chúa sẽ được mở rộng ra cho tất cả.
- Đừng để cho một tâm hồn nào phải sợ hãi khi đến gần Ta, thậm chí ngay cả khi người đó được chất đầy với những tội lỗi tày trời.
- Lòng Nhân Từ của Ta thì quá cao vời đến nổi không một tâm trí nào của con người hay thiên thần có thể hiểu và đo lường được mãi cho đến muôn đời.
- Mỗi một tâm hồn, trong mối quan hệ với Ta, sẽ suy niệm về tình yêu thương và lòng nhân từ của Ta mãi cho đến muôn đời.
- Ngày Lễ Kính Lòng Chúa Thương Xót được nổi bật lên từ chiều sâu thẳm về Lòng Nhân Từ của Ta.
- Mong ước của Ta là Ngày Lễ này được trọng thể cử hành vào Chủ Nhật đầu tiên sau Mùa Phục Sinh.
- Nhân loại sẽ không có được nền hòa bình mãi cho đến khi nào biết quay về Nguồn Suối Nhân Từ của Ta.
Do đó, tất cả những mong ước của chúng ta sẽ được Thiên Chúa chấp nhận vì cánh cửa hồng ân của Ngài sẽ tuôn đổi cả thảy xuống hết cho chúng ta vào Ngày Lễ Quan Trọng đó.
(H): Thưa Cha, thế còn về những ơn xá tội (indulgences) vào Ngày Lễ Kính Lòng Thương Xót Chúa thì sao? Làm sao mà người tín hữu có thể lãnh nhận ơn xá tội cho chính bản thân mình hay cho một linh hồn nào đó còn đang ở trong lửa luyện ngục?
(T): Thưa, hãy cùng kiên nhẩn với tôi vì câu trả lời này dài và chi tiết hơn một chút.
Trước tiên, chúng ta cần phải làm rõ ra một điều chính là: những ơn huệ cao vời như đã được đề cập trong câu trả lời trên, là hoàn toàn dựa vào những sự mạc khải riêng của Thiên Chúa cho Thánh Nữ Faustina, vốn được ghi chép lại trong cuốn Nhật Ký của Thánh Nữ, và những ơn huệ đó không được thay thế bằng những ơn xá tội mà Giáo Hội đã ban vào Ngày Lễ Kính này.
Mà là, những ơn toàn xá hay tiểu xá giúp cho người tín hữu có thêm một cơ hội khác để lãnh nhận mọi ơn huệ của Thiên Chúa vào Ngày Lễ Chủ Nhật Kính Lòng Thương Xót Chúa- hoặc là cho riêng chính bản thân mình hay là cho một linh hồn nào đó nơi lửa luyện tội. Và cơ hội để lãnh nhận những ơn huệ này được chính thức phê chuẩn bởi Giáo Hội.
Để hiểu được những ơn huệ này, chúng ta phải hiểu được ơn xá tội chính là gì.
Thưa, khi chúng ta phạm tội, chúng ta không chỉ xúc phạm đến Thiên Chúa, mà chúng ta còn cho thấy có một sự bất ổn trong đời sống của chúng ta và đời sống của những người khác. Đúng là trong Phép Hòa Giải, chúng ta nhận được sự tha thứ từ chính Thiên Chúa, chúng ta nhận được sự tha thứ đó từ Thiên Chúa thông qua Giáo Hội khi chúng ta ăn năn, hối cải, đền tội và dốc lòng chừa tội. Mặc dầu vậy, thế nhưng, những âm dư về những tội mà chúng ta đã phạm, vẫn còn mang những vết tích bất ổn nào đó, và có những hệ quả mang tính thế tục, hay những hình phạt gắn liền với sự bất ổn đó.
Thế nhưng, tin vui chính là Chúa Kitô đã ban cho chúng ta Giáo Hội.
Như Thân Thể Nhiệm Mầu Của Ngài, Giáo Hội được trao cho quyền để cầm giữ và tha thứ vì Danh Chúa Kitô, và để phân phát những ơn huệ từ kho tàng rất dư dật của Ngài, kể từ khi cái chết Phục Sinh của Ngài. Thì những kho báu về sự cứu chuộc này hay những ơn xá tội đều có sẳn cho tất cả mọi người tín hữu, và có thể được sử dụng để tha (remit) hay lấy đi hình phạt trần tục vì tội lỗi cho chính bản thân của chúng ta hay cho những người đã quá cố. Thêm vào đó, ơn huệ cứu chuộc đó cũng có thể là một ơn toàn xá hay tiểu xá.
Chúng ta giờ đây quay về những ơn xá tội được ban cho những người tín hữu nào tham dự vào Ngày Lễ Kính Lòng Thương Xót Chúa, vốn được khởi sự lần đầu tiên vào Ngày Lễ Kính Lòng Thương Xót Chúa vào năm 2003.
Sắc lệnh của Tòa Thánh viết như sau: Đức Thánh Cha đã ban những ơn toàn xá hay ơn tiểu xá “dựa trên mong ước cháy bỏng để cổ võ nơi những người Kitô Giáo lòng sùng kính vào việc Kính Tôn Lòng Thương Xót Chúa… với hy vọng sẽ trổ sinh ra nhiều hoa trái tâm linh, thánh thiện cho tất cả mọi tín hữu.”
Đức Thánh Cha muốn những ơn xá tội này được trao ban cho những người tín hữu vào Ngày Lễ Kính Lòng Thương Xót Chúa “để gây một ấn tượng rất sâu sắc nơi các linh hồn của những người tín hữu về những lời giáo huấn và răn dạy của đức tin Kitô Giáo” có liên quan đến Lòng Nhân Từ của Thiên Chúa, đó là theo thông cáo của Tòa Thánh Vaticăn vào năm 2002.
Những ơn xá tội này, thêm vào đó, chính là một lời nhắc nhớ về Lòng Nhân Từ của Thiên Chúa chúng ta và về bổn phận của chúng ta, là phải biết đem lòng nhân từ đó của Ngài đến cho tha nhân, cho hàng xóm láng giềng của chúng ta.
Về điểm này, Sắc Lệnh của Tòa Thánh viết như sau: “Bằng cách này, người tín hữu có thể dưỡng nuôi một tình yêu trưởng thành và lớn mạnh hơn dành cho Thiên Chúa và cho mọi tha nhân của mình, để đổi lại, họ được thuyết phục để biết ăn năn, sám hối và xin lổi những anh, chị, em của mình.”
Để lãnh nhận được ơn toàn xá, người tín hữu phải đi xưng tội, lãnh nhận Mình Thánh Chúa và cầu nguyện theo những ý chỉ của Đức Thánh Cha.
Thêm vào đó, người đó phải: “có một tâm hồn hoàn toàn tránh xa tội lỗi, ngay cả những tội nhẹ, tham dự vào những cung cách cử hành sốt sắng về việc tôn kính Lòng Nhân Từ của Thiên Chúa, hay ít ra là lần hạt mân côi, hay đọc Kinh Lạy Cha, Kinh Tin Kính, và có lời khẩn cầu thánh thiện, sốt mến trước sự hiện diện của Phép Thánh Thể, và vào Lòng Nhân Từ của Chúa Giêsu Kitô,” đó là theo những gì mà Sắc Lệnh của Tòa Thánh viết ra.
Ơn tiểu xá (hay ơn toàn xá từng phần) được ban cho những người tín hữu nào, ít ra, là với trái tim biết ăn năn hối lỗi, cầu nguyện đến Chúa Giêsu, là Đấng Duy Nhất chấp nhận lời cầu khẩn đó.
Thánh Nữ Faustina, Xin Nguyện Cầu Cho Chúng Con!
(H): Thưa Cha, tại sao người tín hữu phải nên đi xưng tội trước?
(T): Thưa, người tín hữu nên đi xưng tội trước để lên Rước Lễ một cách trọn vẹn và tốt đẹp nhất vào Ngày Lễ Kính Lòng Thương Xót Chúa.
Tội lỗi chỉ là một sự trắc trở cho việc liên lũy đón nhận Mình và Máu Thánh Chúa, và tội lỗi của chúng có thể được xóa sạch qua Bí Tích Hòa Giải.
Đúng ra, Phúc Âm đọc vào chính Ngày Lễ này đã được bắt đầu từ suốt bao nhiêu thế kỷ như đã trình thuật qua Phúc Âm của Thánh Gioan, Chương 20, từ Câu 19-31 như sau:
“Vào chiều ngày ấy, ngày thứ nhất trong tuần, nơi các môn đệ ở, các cửa đều đóng kín, vì các ông sợ người Do-thái. Đức Giê-su đến, đứng giữa các ông và nói: ‘Bình an cho anh em!’ Nói xong, Người cho các ông xem tay và cạnh sườn. Các môn đệ vui mừng vì được thấy Chúa. Người lại nói với các ông: ‘Bình an cho anh em! Như Chúa Cha đã sai Thầy, thì Thầy cũng sai anh em.’ Nói xong, Người thổi hơi vào các ông và bảo: ‘Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần. Anh em tha tội cho ai, thì người ấy được tha; anh em cầm giữ ai, thì người ấy bị cầm giữ.’ Một người trong Nhóm Mười Hai, tên là Tô-ma, cũng gọi là Đi-đy-mô, không ở với các ông khi Đức Giê-su đến. Các môn đệ khác nói với ông: ‘Chúng tôi đã được thấy Chúa!’ Ông Tô-ma đáp: ‘Nếu tôi không thấy dấu đinh ở tay Người, nếu tôi không xỏ ngón tay vào lỗ đinh và không đặt bàn tay vào cạnh sườn Người, tôi chẳng có tin.’ Tám ngày sau, các môn đệ Đức Giê-su lại có mặt trong nhà, có cả ông Tô-ma ở đó với các ông. Các cửa đều đóng kín. Đức Giê-su đến, đứng giữa các ông và nói: ‘Bình an cho anh em.’ Rồi Người bảo ông Tô-ma: ‘Đặt ngón tay vào đây, và hãy nhìn xem tay Thầy. Đưa tay ra mà đặt vào cạnh sườn Thầy. Đừng cứng lòng nữa, nhưng hãy tin.’ Ông Tô-ma thưa Người: ‘Lạy Chúa của con, lạy Thiên Chúa của con!’ Đức Giê-su bảo: ‘Vì đã thấy Thầy, nên anh tin. Phúc thay những người không thấy mà tin! Đức Giê-su đã làm nhiều dấu lạ khác nữa trước mặt các môn đệ; nhưng những dấu lạ đó không được ghi chép trong sách này.31 Còn những điều đã được chép ở đây là để anh em tin rằng Đức Giê-su là Đấng Ki-tô, Con Thiên Chúa, và để anh em tin mà được sự sống nhờ danh Người”
Đoạn bài đọc này mô tả về việc Chúa Giêsu Sống Lại thiết lập ra Bí Tích Hòa Giải của Ngài. Thì đây cũng chính là Bí Tích của Lòng Nhân Từ, mà Thiên Chúa qua Nhật Ký của Thánh Nữ Faustina gọi là Án Tòa của Lòng Nhân Từ (Mục Số 1448) và Suối Nguồn Về Sự Nhân Từ của Thiên Chúa (Mục 1602). Chính qua việc xưng thú tội lỗi mà những phép lạ vĩ đại nhất diễn ra và không ngừng được lặp đi, lặp lại (Mục Số 1448), như Chúa Giêsu đã nói với Thánh Nữ.
Chúng ta nên lãnh nhận Bí Tích Hòa Giải trước Ngày Lễ Kính Lòng Thương Xót Chúa là vì hai lý do. Lý do thứ nhất, mục đích của Mùa Chay là để chuẩn bị chúng ta cho Mùa Phục Sinh và Ngày Chủ Nhật Lễ Chúa Từ Bi như là ngày thứ tám để tạ ơn Lòng Nhân Từ của Thiên Chúa, chính vì thế mà chúng ta không nên chờ đợi mãi cho đến lúc cuối rồi mới đi xưng tội. Lý do thứ hai, là nếu xét từ góc cạnh thực tiển mà nói, việc xưng tội sớm là vì rất khó tìm ra linh mục ngồi tòa giải tội vào những ngày đó.
(H): Thưa Cha, thế còn việc lãnh nhận Mình, Máu Thánh Chúa vào ngay Ngày Lễ Kính Lòng Thương Xót Chúa thì sao?
(T): Thưa, qua việc Rước Lễ, chúng ta đón nhận Chúa Giêsu, là Đấng Nhân Từ Nhập Thể.
Đón nhận Ngài vào Ngày Lễ Kính Lòng Thương Xót Chúa là hết sức đặc biệt vì Ngài đã hứa trao ban cho chúng ta rất nhiều ơn huệ của Ngài.
Hãy nhớ rằng: tất cả những cánh cửa ơn huệ về lòng nhân từ của Thiên Chúa sẽ được mở rộng vào ngày đó! Bên cạnh đó, ngoài việc việc xưng tội, chúng ta nên chuẩn bị chúng ta qua lời cầu nguyện, qua việc tưởng nhớ lại, cũng như qua việc chúng ta mong đợi để đón nhận tất cả những gì mà Thiên Chúa đã hứa ban trao cho chúng ta.
Chúa Giêsu đã nói với Thánh Nữ Faustina về mong ước của Ngài để đến với trái tim của nhân loại qua Phép Thánh Thể, thế nhưng, vẫn còn có rất nhiều người chưa chuẩn bị kỹ càng để đón nhận Ngài:
“Ta mong ước được đoàn kết chính Ta với linh hồn nhân loại; Niềm Vui Sướng Tột Cùng nhất của Ta chính là cùng hiệp kết với các linh hồn. Con gái ơi, hãy biết rằng, khi Ta đến với trái tim nhân loại qua Phép Thánh Thể, tay Ta luôn tràn đầy những ơn huệ mà Ta muốn trao ban cho linh hồn đó. Thế nhưng, các linh hồn đó lại chẳng chú ý gì về Ta cả; chúng rời xa Ta, vì những thứ bận rộn khác lôi cuốn chúng. Ôi, Ta buồn biết bao khi các linh hồn này không nhận ra được tình yêu thương của Ta! Chúng cư xử với Ta như là một vật thể chết chóc vậy!” (Nhật Ký, Mục Số 1385).
Vào Ngày Lễ Chủ Nhật Chúa Từ Bi, chúng ta nên cố gắng lãnh nhận Mình và Máu Thánh Chúa vào trong cuộc sống của chúng ta, với ánh mắt tâm hồn của chúng ta luôn hướng nhìn về Thiên Chúa. Thì đó chính là một cơ hội quý báu để giúp chúng ta được nên Thánh!
(H): Thưa Cha, tại sao linh mục hay vị phó tế nên giảng về Lòng Từ Bi của Thiên Chúa vào Ngày Lễ Kính Chúa Từ Bi?
(T): Thưa, vị linh mục hay phó tế được mời gọi để rao giảng về những bài đọc trong Sách Thánh của ngày lễ đó, và các bài đọc của ba năm phụng vụ cho ngày Chủ Nhật đó đều dành để nói về lòng thương xót của Thiên Chúa. Đức Cố Thánh Cha đã đặc biệt nhấn mạnh đến khía cạnh này trong bài giảng của Ngài vào Ngày Lễ Phong Hiển Thánh cho Nữ Chân Phước Faustina khi Ngài thiết lập ra Ngày Chủ Nhật Kính Lòng Từ Bi của Thiên Chúa cho toàn thể Giáo Hội.
Phần Thánh Vịnh đáp ca số 118 chính là Thánh Vịnh nói về Lòng Nhân Từ của Thiên Chúa:
“Hãy tạ ơn Chúa vì Chúa nhân từ, muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương. Ít-ra-en hãy nói lên rằng: muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương. Nhà A-ha-ron hãy nói lên rằng: muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương. Ai kính sợ Chúa hãy nói lên rằng: muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương. Giữa cảnh gian truân, tôi đã kêu cầu Chúa, Chúa đáp lời và giải thoát tôi. Có Chúa ở cùng tôi, tôi chẳng sợ gì, hỏi người đời làm chi tôi được? Có Chúa ở cùng tôi mà bênh đỡ, tôi dám nghênh lũ địch thù tôi. Ẩn thân bên cạnh Chúa Trời, thì hơn tin cậy ở người trần gian. Cậy vào thần thế vua quan, chẳng bằng ẩn náu ở bên Chúa Trời. Chư dân xúm lại bủa vây tôi, nhờ danh Chúa, tôi đã trừ diệt chúng. Chúng bủa vây tôi, trùng điệp tư bề, nhờ danh Chúa, tôi đã trừ diệt chúng. Chúng bủa vây tôi như thể bầy ong, chúng như lửa bụi gai cháy bừng bừng, nhờ danh Chúa, tôi đã trừ diệt chúng. Chúng xô đẩy tôi, xô cho ngã, nhưng Chúa đã phù trợ thân này. Chúa là sức mạnh tôi, là Đấng tôi ca ngợi, chính Người cứu độ tôi. Kìa nghe tiếng reo mừng chiến thắng trong doanh trại chính nhân: ‘Tay hữu Chúa đã ra oai thần lực, tay hữu Chúa giơ cao, tay hữu Chúa đã ra oai thần lực.’ Tôi không phải chết, nhưng tôi sẽ sống, để loan báo những công việc Chúa làm. Sửa phạt tôi, vâng Chúa sửa phạt tôi, nhưng không nỡ để tôi phải chết. Xin mở cửa công chính cho tôi để tôi vào tạ ơn Đức Chúa. Đây là cửa dẫn vào nơi Chúa ngự, chỉ những người công chính mới được qua. Lạy Chúa, con xin tạ ơn Ngài vì đã đáp lời con và thương cứu độ. Tảng đá thợ xây nhà loại bỏ lại trở nên đá tảng góc tường. Đó chính là công trình của Chúa, công trình kỳ diệu trước mắt chúng ta. Đây là ngày Chúa đã làm ra, nào ta hãy vui mừng hoan hỷ. Lạy Chúa, xin ban ơn cứu độ, lạy Chúa, xin thương giúp thành công. Nguyện xin Chúa tuôn đổ phúc lành cho người tiến vào đây nhân danh Chúa. Từ nhà Chúa, chúng tôi chúc lành cho anh em. Đức Chúa là Thượng Đế, Người giãi sáng trên ta. Tay cầm lá, hãy sắp thành đám rước đến bên cạnh bàn thờ. Lạy Chúa, chính Ngài là Thiên Chúa của con, xin dâng Ngài muôn câu cảm tạ; lạy Thiên Chúa con thờ, xin dâng Ngài vạn tiếng tôn vinh. Hãy tạ ơn Chúa vì Chúa nhân từ, muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương.”
Chúng ta vừa mới thấy rằng trong Phúc Âm của Thánh Gioan vào Ngày Lễ đó, Gioan 20:19-31, Chúa Giêsu thiết lập Bí Tích Hòa Giải, một trong những bí tích vĩ đại về Lòng Nhân Từ của Ngài.
Cũng trong cùng bài đọc của Sách Phúc Âm, Thánh Tôma đã tuyên xưng: “Lạy Chúa, Lạy Thiên Chúa của con!” Thì đây chính là sự tín thác trọn vẹn của Tôma vào Thiên Chúa Nhân Từ Nhập Thể sau khi Đấng Cứu Chuộc Đầy Lòng Nhân Từ đã cho Ông thấy các vết thương của lòng nhân từ nơi hai cánh tay và nơi cạnh sườn của Ngài.
Khi nói cho Thánh Nữ Faustina về Ngày Chủ Nhật Kính Lòng Chúa Thương Xót, Chúa Giêsu cũng nói với Thánh Nữ về mong ước của Ngài rằng các vị linh mục nên giảng về Lòng Từ Bi của Thiên Chúa vào Ngày Lễ đó:
“Không có linh hồn nào sẽ được công chính hóa trừ khi linh hồn đó biết tín thác vào Lòng Nhân Từ của Ta, và đây là lý do tại sao Chủ Nhật đầu tiên sau Phục Sinh là Ngày Lễ Kính Lòng Thương Xót Chúa. Vào Ngày Lễ đó, các vị linh mục sẽ nói cho mọi tín hữu biết về lòng nhân từ cao cả và không bờ bến của Ta” (Nhật Ký, Mục Số 570).
(H): Thưa Cha, vào Ngày Chủ Nhật Kính Lòng Thương Xót Chúa, liệu người tín hữu có nên tôn kính Hình Ảnh Chúa Giêsu Nhân Từ không?
(T): Thưa, có, Hình Ảnh Chúa Giêsu Nhân Từ, được tôn kính vào Ngày Chủ Nhật Lễ Chúa Từ Bi.
Hình ảnh đó sẽ được dành cho một chổ kính trọng trong các nhà thờ và mọi gia đình vào Ngày Chủ Nhật này. Thiên Chúa đã hiện ra cho Thánh Nữ Faustina và rồi chỉ thị cho Thánh Nữ hãy vẽ về Sự Hiện Diện của chính Ngài như là Đấng Cứu Chuộc Đầy Lòng Yêu Thương, và tôn kính một cách công khai.
Ngài nói với Thánh Nữ rằng: “Ta muốn bức ảnh này được làm phép một cách trọng thể vào ngày Chủ Nhật đầu tiên sau Phục Sinh, và Ta muốn bức ảnh được tôn kính một cách công khai để cho tất cả mọi linh hồn được biết đến lòng nhân từ của Ta” (Nhật Ký, Mục Số 341).
Trong Bức Ảnh, Đấng Cứu Chuộc Phục Sinh của chúng ta có những tia màu xanh xám và màu đỏ tuôn ra từ cạnh sườn của Ngài. Những tia này tượng trưng cho Máu và Nước tuôn đổ ra từ cạnh sườn của Ngài khi Ngài bị đóng đanh trên Cây Thập Giá.
Thế nhưng, trong sự hiện ra của Ngài với Thánh Nữ Faustina, chúng đã được hoán chuyển thành những tia huy hoàng, rực rỡ, mạc khải về nguồn chữa lành của các ơn huệ dành cho những người tội lỗi nào biết quy hướng về Ngài với lòng tin yêu, tín thác.
Đó là lý do tại sao mà Hình Ảnh này luôn mang câu khắc: “Lạy Chúa Giêsu, con phó thác vào Ngài!” (Jesus, I trust in You!)
Trong mục đầu tiên của cuốn Nhật Ký, mà Chúa Giêsu đã nói Thánh Nữ Faustina phải giữ, Thánh Nữ đã viết ra một bài ca tụng thật hay về Hình Ảnh này, mà chúng ta có thể dùng như là một phần về sự chúc phúc của Hình Ảnh vào Ngày Chủ Nhật Kính Nhớ Lòng Chúa Thương Xót như sau:
Hỡi Đấng Là Tình Yêu Muôn Thưở
Ngài truyền phán để Hình Ảnh Thánh Thiên của Ngài được vẽ lên
Và để mạc khải cho chúng con nguồn sống nhân từ cao siêu
Mà Ngài chúc phúc cho bất kỳ ai tiếp cận với những tia sáng của Ngài,
Và một tâm hồn đen tối sẽ hoán chuyển thành mây tuyết.
Ôi Lạy Chúa Giêsu Nhân Từ,
Chính tại nơi đây Ngài đã thành lập nên
Vương quốc về lòng nhân từ của Ngài
Để mang niềm vui và sự hy vọng
Đến cho nhân loại tội lỗi.
Từ trái tim rộng mở của Ngài,
Và từ nguồn sống thanh khiết,
Hãy tuôn đổ sự ủi an đến cho trái tim và linh hồn đang phải ăn năn, thống hối.
Nguyện cho lời ngợi ca và sự vinh hiển vì Hình Ảnh này
Sẽ không bao giờ ngừng chảy tuôn
Xuống cho linh hồn nhân loại.
Nguyện cho lời ngợi ca về lòng nhân từ của Thiên Chúa tuôn đổ
Từ mỗi trái tim nhân loại
Bây giờ, và mãi mãi, đến muôn đời. Eternal Love,
You command Your Sacred Image to be painted
And reveal to us the inconveivable fount of mercy,
You bless whoever approaches Your rays,
And a soul all black
Will turn into snow.
O sweet Jesus,
It is here You established the
Throne of Your Mercy
To bring joy and hope
To sinful man.
From Your open Heart,
As from a pure fount,
Flows comfort to a repentant heart and soul.
May praise and glory from this Image
Never cease to stream from a man’s soul
May praise of God’s mercy pour
From every heart,
Now and at every hour, and forever and ever.
Trong các giáo xứ và gia đình của chúng ta, chúng ta có thể tôn kính Hình Ảnh của Chúa Giêsu, Đấng Đầy Lòng Nhân Từ, bằng cách liếc nhìn lên Hình Ảnh này của Ngài cứ mỗi khi chúng ta cầu nguyện và tôn kính.
Như là những dấu chỉ về tình yêu thương của chúng ta dành cho Chúa Giêsu, chúng ta có thể đặt những ngọn nến và hoa trước Hình Ảnh này. Điều quan trọng trước tiên hết, khi chúng ta liếc nhìn đến Đấng Nhân Từ Đầy Lòng Cứu Chuộc của chúng ta trong lời cầu nguyện, chúng ta có thể quyết định việc phó thác của chúng ta vào Ngài và thực hiện những công việc nhân từ, bác ái – để đáp lại lời kêu gọi hãy nhân từ như là Thiên Chúa đã tỏ cho chúng ta thấy được lòng nhân từ của Ngài dành cho chúng ta.
(H): Thưa Cha, có phải những khía cạnh có liên quan đến sự sùng kính cũng quan trọng như các Bí Tích phải không?
(T): Thưa, không đúng.
Các Bí Tích chính là những lời hứa mà Thiên Chúa bằng lời thệ hứa trân trọng như là một phần về Giao Ước mới của Ngài. Ngài đã thiết lập Giao Ước này trong Chúa Kitô. Bằng việc so sánh, thì phải nên biết rằng những sự sùng kính chỉ là thứ phụ hay là thứ diễn tả và áp dụng của các Phép Bí Tích. Nào chúng ta hãy lấy ví dụ của Bí Tích Rửa Tội. Thiên Chúa đã hứa rằng nếu chúng ta làm đúng với những gì mà Ngài nói chúng ta làm, thì Ngài sẽ thực hiện lời hứa của Ngài cho chúng ta. Thì trong trường hợp này, nếu chúng ta làm tròn bổn phận của chúng ta và đổ nước vào một người tin và đang thống hối ăn năn, thì Thiên Chúa sẽ thực hiện phần của Ngài bằng cách biến người đó trở nên con cái của Thiên Chúa và tội lỗi của người đó đã được thanh tẩy hết, và người đó sẽ nhận được một đời sống bất diệt, mãi muôn đời. Giờ đây, một khi chúng ta đã được rửa tội xong rồi, cứ mỗi lần chúng ta làm Dấu Thánh Giá với nước thánh, nó sẽ nhắc nhở cho chúng ta về chính Phép Rửa Tội của chúng ta. Chính vì thế, việc thực hành suy tôn bằng việc tự chúc phúc cho chúng ta, chỉ là cách mở rộng ra việc áp dụng của Bí Tích này vào nơi chúng ta mà thôi.
Do đó, tất cả các Bí Tích như: Rửa Tội, Thêm Sức và Thánh Thể, cũng như Bí Tích Giải Tội và Sức Dầu Bệnh Nhân, thì đó chính là những Bí Tích về Lòng Nhân Từ của Thiên Chúa.
Thế nhưng thông điệp về Thiên Chúa Nhân Từ đặc biệt chú trọng vào Phép Thánh Thể và Phép Hòa Giải – là hai Bí Tích mà Chúa Giêsu đã thiết lập trong Ngày Thứ Năm Tuần Thánh và Chủ Nhật Phục Sinh. Chúng được gọi là “Nguồn Sống Nhân Từ” (Founts of Mercy) trong Nhật Ký của Thánh Nữ Maria Faustina.
Ý nghĩa chính của từ “sùng kính” (devotional) mang lại cho chúng ta một cái nhìn sâu sắc và quan trọng vào sự thờ phượng đúng đắng và ý nghĩa của những sự sùng kính trong đời sống Công Giáo của chúng ta.
Sự “sùng kính” có nghĩa là hướng những lời nguyện hứa của chúng ta vào Thiên Chúa, tỏ bày thiện ý và sự quy phục của chúng ta vào Ngài như là Nguồn của tất cả mọi ơn huệ và lòng từ bi. Rất nhiều người Công Giáo cần phải khám phá lại những phương cách sùng kính, suy tôn đúng đắn, để làm triển nở thêm về tình yêu thương và sự sùng kính của chúng ta vào Thiên Chúa.
Chính vì thế, những sự sùng kính vào Lòng Nhân Từ của Thiên Chúa được Thiên Chúa trao ban lại cho chúng ta, được Ngài dạy cho chúng ta để hổ trợ và nâng đỡ sự sùng kính, suy tôn của chúng ta vào Thiên Chúa là Đấng Nhập Thể Giàu Lòng Từ Bi, để chúng ta có thể chiếu tỏa lòng nhân ái đó cho những người khác (xem thêm Nhật Ký, Mục Số 1074).
Anthony Lê
_________________