Năm Thánh hiến mở ra giúp chúng ta dừng lại, dẹp bớt những bận rộn, loay hoay của đời thường để nhìn lại đời sống và soi chiếu nội tâm của mình trong vẻ đẹp của Đấng Toàn Mỹ. Điều này gợi lên trong tôi đôi nét về chân dung nữ tu qua ba lời khuyên Phúc Âm: khó nghèo – khiết tịnh – vâng phục và sẽ đẹp hơn nếu có thêm tri thức.
1. Cầu nguyện trong tinh thần khó nghèo – khiết tịnh – vâng phục
Đức Hồng y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận trong cuốn Đường Hy Vọng chia sẻ rằng : “Nếu có ai hỏi nghề của con là gì, con phải trả lời được rằng nghề của con là cầu nguyện” (ĐHV 7 cầu nguyện).
Nếu không có đời sống cầu nguyện, ta rất dễ nổi giận khi gặp sự trái ý, không chỉ với những lệnh truyền của bề trên mà cả với các chị em. Nếu không sống đời cầu nguyện, ta sẽ dễ nản trí thoái lui khi gặp khó khăn… Còn vô vàn vô số những đổ vỡ sẽ kéo theo với một tâm hồn không có đời sống cầu nguyện, nhất là trong việc giữ ba lời khuyên Phúc Âm.
Khó nghèo
Ngày nay nói đến khước từ của cải, từ chối sở hữu riêng, các phương tiện vật dụng cá nhân là một cái gì đó khó hiểu đối với người đương thời. Vì ai ai cũng muốn mọi thứ là cho mình, của mình. Do đó mới có câu ca rằng:
“Trống chùa ai đánh thì thùng,
Của chung ai khéo vẫy vùng, thành riêng”.
Nếu theo dõi các thông tin, những chuyên án trên đài, báo, truyền hình, sẽ thấy nhan nhản những trường hợp này. Sự tranh chấp diễn ra trong làng, xã, cộng đoàn, hay gia đình phần lớn liên quan tới hai chữ “kim tiền”.
Nhưng khó nghèo thế nào cho đúng, cho đẹp mới là điều cần lưu tâm. Người tu sĩ được mời gọi là chứng nhân đích thực của sự khó nghèo giữa lòng thế giới hôm nay bằng tinh thần. “Khó nghèo không phải là không có của: đó là khốn khổ, thiếu thốn. Khó nghèo trước tiên là là tập trung của cho đúng. Một cốc cà-phê, một cốc bia! Nhưng cũng là một cốc mồ hôi, một cốc nước mắt, một cốc máu đổi lấy nó. Một khói thuốc, nhưng cũng là một hơi thở hổn hển của người lao động vô danh” (ĐHV 422).
Khiết tịnh
Thuở tạo dựng, Thiên Chúa đã phú bẩm cho con người nhu cầu khao khát yêu thương. Do đó quyền yêu và được yêu là một đòi hỏi chính đáng rất hợp lẽ tự nhiên. Khi mời gọi chúng ta sống đời thánh hiến, Thiên Chúa không loại bỏ nhu ấy nơi bản thân người tu sĩ. Ngài hướng chúng ta đến một tình yêu thăng hoa trong đời sống khiết trinh để trở nên dấu chỉ của Nước Trời (x. Mt 19, 12) và làm chứng cho Tin Mừng. Người mời gọi chúng ta yêu thương tha nhân bằng tình yêu phổ quát, khác hoàn toàn với tình yêu trao cho nhau giữa các cặp vợ chồng trong đời sống hôn nhân theo khế ước mà họ đã thề hứa với nhau trước mặt vị đại diện của Hội Thánh và cộng đoàn dân Chúa. Phân biệt điều này giúp ta đề phòng và khôn ngoan hơn để tránh những duyên cớ dẫn đến sự rung động sai lạc của con tim mình.
Dấn thân trong bậc sống tu trì không đồng nghĩa với việc Thiên Chúa tách chúng ta ra khỏi thế gian, nhưng Người vẫn để chúng ta ở giữa thế giới với tất cả con người hữu hạn. Mục đích là để các tu sĩ trở nên giống với Đức Giêsu qua đời sống cầu nguyện và tính cách trần thế, cũng như chia sẻ những thao thức, bận tâm của Ngài dành cho nhân loại. Tất cả các hình thức chiêm niệm hay hoạt động tông đồ trong truyền thống tu trì của Giáo Hội đều được quy chiếu theo mẫu gương của Đức Giêsu.
Vâng phục
Quyền bính là do Thiên Chúa ban cho một vài cá nhân để họ cộng tác với Ngài trong việc xây dựng và phát triển cộng đoàn, xã hội. Chính vì thế người nắm giữ quyền bính không phải để được người ta phục vụ nhưng là để phục vụ. Điều này hơn ai hết Đức Giêsu đã sống và nêu gương về phẩm chất, vai trò của người lãnh đạo, khi sống vâng phục Chúa Cha. Chính Ngài đã khẳng định “Tôi đến không phải để được người ta phục vụ nhưng là để phục vụ” (Mc 10, 45).
Tất cả những nhân đức: Khó nghèo – Khiết tịnh – Vâng phục nơi hình ảnh tu sĩ sẽ đẹp hơn nữa, nếu ngoài những cái đẹp nội tâm, còn được tô điểm thêm bằng tri thức, nhờ sự nỗ lực, chuyên cần của cả nhân trong thời gian huấn luyện cũng như những giai đoạn khác trong suốt cuộc đời để phục vụ lợi ích linh đạo tu trì.
2. Vấn đề tri thức
Người viết còn nhớ câu khẩu hiệu rất hay trong ngày khai giảng năm học mới của lớp Thần học, niên khóa 2010 – 2011 : “Học để biết, học để sống, học để yêu mến”. Vâng, học để biết – sống – yêu chứ không phải để…
Tất nhiên, tri thức mà chúng ta đề cập ở đây không ở vấn đề bằng cấp, địa vị theo quan niệm bên ngoài, nhưng là sự hiểu biết về Chúa, về con người, về thời cuộc v.v… Cha ông ta đã nói “Vô tri bất mộ”. Làm sao ta có thể nói mình yêu Chúa trong khi được hỏi về Ngài lại chẳng biết gì, hoặc nếu có biết thì cũng rất mơ hồ ?
Như trên đã nói, để có thể giữ được các lời khuyên Phúc âm trong xã hội vốn lắm thứ hoa lạ mê hoặc lòng người, ngoài lối sống đạo đức trong cầu nguyện, tuân giữ luật lệ của Hội dòng như là bảo chứng cho vẻ đẹp của nữ tu, vấn đề tri thức cũng đóng một vai trò không nhỏ. Có thể ví nó như một nữ tỳ trung tín phục vụ đắc lực cho người tu sĩ trong việc phân định đúng sai, tốt xấu khi phải quyết định: chọn Chúa hay việc của Chúa? theo Chúa hay theo ai?
Tuy nhiên, tri thức là cần thiết, là quan trọng nhưng không phải là tất cả, vì đây mới chỉ là cái vỏ so với vẻ đẹp bên trong là đức bác ái, lòng bao dung, cảm thông.
Theo thiển ý người viết, hình ảnh tu sĩ sẽ đẹp biết bao khi biết xây dựng thang giá trị trên nền tảng: nhịp đập trái tim là đời sống cầu nguyện, cái đầu là sự hiểu biết Lời Chúa (tri thức), tứ chi được điều khiển bởi đức vâng phục, trang phục bao bọc là đức khó nghèo với đai lưng là sự trinh khiết. Những nhân tố này sẽ điều khiển nữ tu luôn hành động trong đức bác ái yêu thương.
Sẽ chẳng dễ dàng gì để đạt được bản phác thảo chân dung này, do bản tính yếu đuối của con người nên không phải hễ những gì đã nói ra là làm được. Nhưng chúng ta vẫn phải mơ ước, cố gắng, hy vọng và xây dựng lý tưởng, để biết mình còn phải chiến đấu mỗi ngày cho xứng là hiền thê của Chúa Kitô và “Để chị em nên những người yêu mến vẻ đẹp thiêng liêng và tỏa ngát hương thơm Chúa Kitô qua cuộc sống tốt lành…” (Tu luật thánh Augustinô số 8). Vâng chúng ta có là gì, làm được gì còn phải nhờ ơn Chúa, vì mọi ân huệ đều từ Ngài mà đến.
Nt. Scholatisca, dòng Đaminh Bùi Chu