Gợi ý suy niệm Lời Chúa Chúa nhật 3 thường niên năm B

GỢI Ý SUY NIỆM LỜI CHÚA

Chúa nhật 3 thường niên năm B

Lời Chúa: Mc 1,14-20

 Suy_niem_loi_chua_tuan_3_thuong_nien

 

Sau khi Gioan Tẩy Giả bị nộp. Gioan là một vị tiên tri mà chính Chúa Giêsu đã gọi là tiên tri lớn hơn các tiên tri. Thân phận ông không khác gì thân phận của các tiên tri thời xưa là bị bách hại. Thân phận các tiên tri là thế. Là nhân chứng cho sự thật, phải đương đầu với những thế hệ gian ác và tà vạy. Họ là hình ảnh của Chúa Giêsu, Đấng là sự thật. Ngài đến trong thế gian để làm chứng cho sự thật. Và cái chết của Ngài trên thập giá là bằng chứng cụ thể nhất.

Gioan Tẩy Giả bị nộp. Ông biến khỏi hiện trường để Chúa Giêsu tiếp tục làm chứng và rao giảng Nước Trời. Vai trò dọn đường cho Chúa Giêsu của ông chấm dứt, nhường chỗ cho Đấng ông loan báo: “Ngài phải sáng lên và tôi phải lu mờ đi”.

Chúa Giêsu xuất hiện và tiếp tục rao giảng. Gioan đã đi một con đường ngắn. Ông chỉ là“tiếng kêu trong hoang địa”. Chúa Giêsu mới thực sự là Nước Trời, là Tin Mừng, vì chính Ngài mới là Sự thật và là sự sống”. Tin Mừng là sự sống thật, không tàn phai, là sự sung mãn. Chúng ta chỉ là những con người mong manh, là tro bụi. Không có Ngài, chúng ta là mồi ngon cho sự chết và hư nát, là đàn chiên Tử thần chăn nuôi. Vì thế, phải trở về với Ngài và tin vào Ngài: “Ta là sự sống lại và là sự sống. Ai tin vào Ta sẽ không chết bao giờ”.

Mặc cho ai chối bỏ Thiên Chúa, chúng ta vững tin, vì ngoài Ngài ra, ai có thể cho chúng ta sống lại và sống lại vinh quang?

Đến với Ngài phải đi ngang qua ngưỡng cửa của sám hối, phải thay đổi não trạng xấu xa, quay về với Thiên Chúa Tình Yêu: “Hãy ăn năn sám hối và tin vào Tin Mừng”. Ngài vẫn thương chúng ta và muốn chúng ta hạnh phúc với Ngài, mặc dù chúng ta vẫn phản bội. Ngài không mệt mõi mời gọi.

Chúa Giêsu công bố Nước Trời, nhưng không chỉ có Ngài. Cuộc đời trần thế của Ngài chỉ là khởi đầu. Việc loan báo Tin Mừng Nước Trời phải được tiếp tục cho đến tận thế, vì ý định của Thiên Chúa là cứu vớt mọi người. Tình thương của Chúa không loại trừ một người nào. Vì thế, Ngài kêu gọi một số người để cộng tác với Ngài, tiếp tục công trình của Ngài.

Tuần trước, chúng ta nghe tường thuật của thánh Gioan về việc Chúa Giêsu gặp hai môn đệ của Gioan Tẩy Giả và Phêrô cũng được kêu gọi. Hôm nay, chúng ta lại nghe nhắc lại việc Chúa Giêsu kêu gọi những môn đệ đầu tiên, cũng là những người Chúa đã gặp, qua lời tường thuật của thánh Maccô. Hai lời tường thuật xem ra khác nhau, nhưng bổ túc cho nhau. Chúng ta có thể nghĩ rằng, Chúa Giêsu đã gặp những môn đệ của Gioan Tẩy Giả, họ ở lại với Ngài và sau đó đã trở thành môn đệ của Ngài. Họ trở về với công việc của họ là chài lưới. Lần này Chúa Giêsu gặp họ đang làm việc, và Ngài chính thức kêu gọi họ, và họ bỏ mọi sự và theo Ngài.

Như thế hai tường thuật không khác nhau mà chỉ là hai giai đoạn tiếp nối nhau. Mỗi thánh sử có cái nhìn khác nhau. Thánh Gioan nhấn mạnh đến việc gặp gỡ, trao đổi, tìm hiểu. Thánh Maccô nhấn mạnh đến sự đáp trả nhanh chóng và dứt khoát của các môn đệ. Trong tường thuật của Maccô, chúng ta thấy ngài dùng từ lập tức nhiều lần. Thánh sử muốn cho thấy rằng, tiếng gọi của Chúa không thể chấp nhận sự chần chừ, đắn đo.

Nhìn vào Kinh Thánh, chúng ta thấy rằng những người được gọi luôn đáp trả một cách dứt khoát, không trù trừ. Abraham nghe tiếng Chúa gọi: “Hãy bỏ nhà cửa, cha mẹ, ruộng đất anh em. Hãy đi đến vùng đất mà Ta sẽ chỉ cho”. Ông ra đi theo tiếng gọi mà không biết mình đi đâu. Ông đã đi theo tiếng gọi và tin tưởng hoàn toàn vào Đấng đã gọi ông. Chúa gọi Môsê từ nơi ngọn lửa trong bụi gai. Môsê e ngại, tìm cách từ chối, nhưng đã đi theo tiếng gọi, lãnh sứ mệnh cứu thoát dân Do Thái khỏi ách nô lệ Ai Cập.

Các tiên tri Isaia, Giêrêmia đều đã đáp lại tiếng gọi, đưa các ông vào vô định của Chúa, và các ngài đã đáp lại một cách quyết liệt.

Chúng ta cũng thấy rằng Chúa Giêsu kêu gọi những người Chúa muốn, không phải để phục vụ cá nhân Ngài, mà phục vụ Tin Mừng, phục vụ mọi người.

Chúng ta có được kêu gọi không? Mỗi người có một ơn gọi khác nhau, nhưng mọi người đều được gọi. Cánh đồng của Chúa mênh mông, cần nhiều thợ gặt. Phép rửa tội là một ơn gọi, biến chúng ta thành con Thiên Chúa, sáp nhập chúng ta vào gia đình của Chúa. Chúng ta trở thành tạo vật mới. Chúng ta được gọi để sống thân mật với Thiên Chúa. Đó chính là một hồng ân vô giá mà chúng ta không lường được giá trị, và chúng ta đánh mất tất cả những gì Chúa dành cho chúng ta. Có lẽ đa số chúng ta không thể bỏ tất cả mọi sự để theo Chúa như các tông đồ xưa, nhưng chúng ta phải làm sao cho những hồng ân Chúa sinh hoa quả trong cuộc sống chúng ta. Chúng ta được gọi để trở thành gia đình của Thiên Chúa, gia đình của những kẻ được cứu chuộc và chúng ta cũng phải làm cho gia đình đó lớn lên. Mỗi người chúng ta phải mang tới viên gạch của mình để xây nên đền thờ Chúa trong trần gian. Đó là ơn gọi chung cho mọi người tín hữu. Việc loan báo Tin Mừng không chỉ dành cho một số ít người linh mục hay tu sĩ mà là của mọi người. Chúng ta không rao giảng như các tông đồ, như các linh mục, nhưng chúng ta cần làm sao cho thế gian này tốt đẹp hơn, yêu thương hơn.

Thế giới hôm nay gần như đang sống trong một cuộc khủng hoảng liên tục. Con người đang cấu xé nhau một cách không thương tiếc. Chiến tranh, bạo lực, khủng bố, tội ác đang tràn lan khắp thế giới. Chúng ta đang làm gì? Sợ hãi? chạy trốn?

Chúng ta phải can đảm dấn thân sống như những người con Chúa giữa một xã hội vắng bóng Chúa.

Chúng ta hãy là những người mang lấy dấu ấn của người tử tội thần linh là Chúa chúng ta để loan truyền tình yêu của Ngài cho mọi người, với những mệt nhọc hằng ngày, những bệnh tật, những khó khăn trong cuộc sống, những vô định của tương lai.

Chúa Giêsu là một người như chúng ta, nhưng Ngài vẫn là Thiên Chúa, Đấng luôn kêu gọi chúng ta theo Ngài trên con đường cứu thế. Ngài kêu gọi chúng ta trong thực tế mỗi ngày của chúng ta. Với Ngài, chúng ta như các tông đồ, không còn sợ hiến dâng cuộc sống cho Ngài. Theo Ngài triệt để trên mọi nẻo đường. Tin vào Ngài, mọi sự trở nên nhẹ nhàng, vìbộ mặt thế gian này sẽ qua đi, như thánh Phaolô đã nói, chúng ta chỉ có một hy vọng duy nhất là Ngài. Chỉ có Ngài thôi.

Ngài đến và tiếp tục gọi mời, không bằng tiếng nói mà bằng chính bản thân Ngài, trong tấm bánh tình yêu. Thánh Thể vẫn là tiếng gọi âm thầm nhưng mãnh liệt vì nơi đó chúng ta nhận thấy tình yêu của Ngài rõ rệt nhất, sâu đậm nhất. Hãy ăn lấy Ngài và nghe theo tiếng mời gọi của Ngài, chúng ta sẽ thấy cuộc sống chúng ta tươi sáng, niềm hy vọng tràn đầy, vìbỏ Ngài con đi với ai, Thầy có những lời ban sự sống đời đời.

Lm Trầm Phúc