« Xin cho chúng nên một »

Hàng năm, Giáo Hội dành riêng một tuần lễ để cầu nguyện cho sự hiệp nhất giữa các Kitô hữu. Tại sao lại phải cầu nguyện cho hiệp nhất ? Nó có tầm quan trọng ra sao ? Đâu là nguyên lý của hiệp nhất ? Cách thực hành trong thực tiễn ra sao ? Tuần này mời gọi chúng ta suy gẫm về đề tài này nhằm hướng đến những việc làm cụ thể đóng góp cho công cuộc hiệp nhất.
 
Mối chia rẽ, phản chứng Tin Mừng 
 
Cần hiệp nhất để đẩy lui bất hòa chia rẽ. Đây chính là cách giải quyết thiết thực vấn đề khúc mắc giữa các chi thể trong cùng một thân thể của Đức Kitô. Ngay từ thời các Tông Đồ, vấn đề hiệp nhất đã được đặt ra, vì giữa các ông cũng đã xuất hiện những cuộc tranh luận nảy lửa để xem ai là người lớn nhất (x. Mc 9, 34) và ai có thể được ngồi vào ghế danh dự nhất bên cạnh Thầy của mình (x. Mc 10, 37). Chính Đức Giêsu đã phải can thiệp và dậy cho các ông bài học về phục vụ như chính Người đã làm gương.
 
Vết xe này hằn sâu trong lịch sử của Giáo Hội thể hiện qua các cuộc ly khai lớn tạo ra các Giáo Hội Kitô khác như Chính Thống giáo, Tin Lành, Anh giáo…Không dừng lại ở ly khai, giữa các Kitô giáo còn đi xa hơn trong vấn đề sử dụng bạo lực để loại trừ lẫn nhau.
 
Đây chính là một vết nhơ giữa những người mang nơi mình danh Đức Kitô, vì đi ngược lại giáo huấn của người Thầy và phản với Tin Mừng mà mình rao giảng.
 
Hiệp nhất theo thánh ý Chúa
 
Do vậy hiệp nhất giữa các Kitô hữu là việc làm chính đáng và khẩn thiết. Đây cũng chính là ước nguyện của Đức Giêsu. Ngài luôn cầu nguyện với Thiên Chúa Cha gìn giữ các môn đệ của mình tránh khỏi bất hòa chia rẽ để nên hiệp nhất với nhau như sự hiệp nhất giữa Ngài và Cha của Ngài (x. Ga 17, 11).
 
Khuôn mẫu lý tưởng nhất là mô hình hiệp nhất giữa Ba Ngôi Thiên Chúa. Sự hiệp nhất này được gắn kết bằng chính tình yêu giữa các Ngôi Vị và cùng thống nhất trong hành động thể hiện qua việc sáng tạo, chứu chuộc và thánh hóa con người, hình ảnh của Thiên Chúa.
 
Đối diện với các xung khắc giữa các kitô hữu trong cộng đoàn mới thành lập, thánh Phaolô, vị kiến trúc sư của ngôi nhà hiệp nhất, đã đưa ra nguyên tắc bất di bất dịch dựa trên hiệp nhất của Thiên Chúa Ba Ngôi:
 
« Anh em hãy thiết tha duy trì sự hiệp nhất mà Thần Khí đem lại, bằng cách ăn ở thuận hòa gắn bó với nhau. Chỉ có một thân thể, một Thần Khí, cũng như anh em đã được ơn để chia sẽ cùng một niềm hy vọng. Chỉ có một Chúa, một niềm tin, một phép rửa. Chỉ có một Thiên Chúa, Cha của mọi người, Ðấng ngự trên mọi người và trong mọi người ». (Ep 4, 3-6).
 
Đây chính là căn tính của mỗi Kitô hữu nhờ bí tích Rửa Tội đã được lãnh nhận mang lại. Nhờ vậy, chúng ta được sinh ra trong Thánh Thần để trở nên những người con yêu dấu của Thiên Chúa Đấng ngự trên trời. Chúng ta được lãnh nhận đức tin và được trở nên thân thể của Đức Kitô và được trở chia sẻ sứ mệnh của Người.
 
Cầu nguyện và xây dựng hiệp nhất   
 
Ý thức được tầm quan trọng này, Giáo Hội nài xin đêm ngày ơn bình an đích thực của Thầy Chí Thánh Giêsu và ơn hiệp nhất :
 
« Lạy Chúa Giêsu Kitô, Chúa đã nói với các Tông Đồ rằng : Thầy để lại bình an cho các con, Thầy ban bình an của Thầy cho các con. Xin đừng chấp tội chúng con, nhưng xin nhìn đến đức tin của Hội Thánh Chúa. Xin đoái thương ban cho Hội Thánh được bình an và hiệp nhất theo thánh ý Chúa » (Sách Lễ Rôma).  
 
Trên phạm vi hành động, Công Đồng Đại Kết Vaticanô II đã tìm được tiếng nói chung giữa các Kitô giáo. Đây chính là kim chỉ nam cho công cuộc hiệp nhất giữa các kitô hữu. Những Đức Giáo Hoàng gần đây không ngừng đẩy mạnh đối thoại đại kết để hàn gắn các vết thương trong quá khứ và để hướng đến thực hiện mong ước nên một của Đức Giêsu. Chỉ như vậy, lời rao giảng Tin Mừng mới trở nên sống động và mang lại sức thuyết phục cho trần gian và cho những ai đón nhận.
 

 
Thay lời kết
 
Hiệp nhất luôn cần cả lời cầu nguyện lẫn hành động của mỗi kitô hữu. Cầu nguyện là linh hồn của mọi việc tông đồ và giúp chúng ta có được sự hoán cải trong tâm hồn. Nhờ đó, ơn Chúa xuống một cách đầy tràn hơn và hiệu quả công việc tông đồ sẽ cao hơn do cộng tác đắc lực với Người. Tình yêu đích thực luôn là chất kết cấu không thể thiếu để xây dựng sự hiệp nhất như giới răn mới mà Đức Giêsu đã truyền lại : 
 
« Thầy ban cho anh em một điều răn mới là anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em. Ở điểm này, mọi người sẽ nhận biết anh em là môn đệ của Thầy: là anh em có lòng yêu thương nhau ” » (Ga 13, 34-35).
 
Ngày 18 tháng Giêng năm 2015
Lm. Giuse Vũ Tiến Tặng