Một xương một thịt (24.05.2024 – Thứ Sáu Tuần VII TN (Mc 10, 1-12)

Bài đọc I: Gc 5, 9-12

“Kìa quan toà đã đứng trước cửa”.

Trích thư của Thánh Giacôbê Tông đồ.

Anh em đừng kêu trách lẫn nhau, để khỏi bị lên án. Kìa quan toà đã đứng trước cửa. Anh em hãy học gương kiên nhẫn và chịu đựng trong gian khổ của các tiên tri, là những người đã nói nhân danh Chúa. Ðây chúng ta gọi những người đã kiên nhẫn đau khổ là có phúc. Anh em đã nghe nói đến sự kiên nhẫn của Gióp và đã thấy kết cuộc Chúa dành để cho ông, vì Chúa đầy lòng thương xót và lân mẫn.

Anh em thân mến, trước hết, anh em đừng (có) thề, dầu viện trời, dầu viện đất hay viện một hình (vật gì) khác. Lời nói anh em phải là: Có rằng có, không rằng không, để anh em khỏi bị toà án luận phạt.

Ðó là lời Chúa.

Xướng: 1) Linh hồn tôi ơi, hãy chúc tụng Chúa, toàn thể con người tôi, hãy chúc tụng thánh danh Người. Linh hồn tôi ơi, hãy chúc tụng Chúa, và chớ khá quên mọi ân huệ của Người.

Ðáp: Chúa là Ðấng từ bi và hay thương xót (c. 8a).

2) Người đã tha thứ cho mọi điều sai lỗi, và chữa ngươi khỏi mọi tật nguyền. Người chuộc mạng ngươi khỏi chỗ vong thân, Người đội đầu ngươi bằng mão từ bi, ân sủng.

Ðáp: Chúa là Ðấng từ bi và hay thương xót (c. 8a).

3) Chúa là Ðấng từ bi và hay thương xót, chậm bất bình và hết sức khoan nhân. Người không chấp tranh triệt để, cũng không đời đời giữ thế căm hờn.

Ðáp: Chúa là Ðấng từ bi và hay thương xót (c. 8a).

4) Nhưng cũng như trời xanh cao vượt trên đất, lòng nhân Người còn siêu việt hơn thế trên kẻ kính sợ Người. Cũng như từ đông sang tây xa vời vợi, Người đã ném tội lỗi xa khỏi chúng ta.

Ðáp: Chúa là Ðấng từ bi và hay thương xót (c. 8a).

 

Alleluia: Tv 129, 5

Alleluia, alleluia! – Con hy vọng rất nhiều vào Chúa, linh hồn con trông cậy ở lời Chúa. – Alleluia.

 

Phúc âm: Mc 10, 1-12

“Sự gì Thiên Chúa đã kết hợp, loài người không được phân rẽ”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Marcô.

Khi ấy, Chúa Giêsu đến địa hạt xứ Giuđêa và miền bên kia sông Giođan. Dân chúng lại tụ họp bên Người và Người lại dạy dỗ họ như thường lệ. Những người biệt phát đến gần và hỏi thử Người rằng: “Người ta có được phép ly dị vợ mình chăng?” Người đáp: “Môsê đã truyền cho các ông thế nào?” Họ thưa: “Môsê cho phép làm giấy ly dị và cho ly dị”. Bấy giờ Chúa Giêsu đáp lại: “Chính vì sự cứng lòng của các ông mà Môsê đã viết ra điều luật đó. Nhưng lúc khởi đầu cuộc sáng tạo, Thiên Chúa đã dựng nên một người nam và một người nữ. Bởi đó người nam sẽ lìa cha mẹ để luyến ái vợ mình, và hai người sẽ nên một huyết nhục. Vì thế, họ không còn là hai mà là một huyết nhục. Vậy sự gì Thiên Chúa đã kết hợp, loài người không thể phân rẽ”.

Về đến nhà, các môn đệ lại hỏi Người về điểm đó. Và Người bảo các ông: “Ai bỏ vợ mình và lấy vợ khác, thì phạm tội ngoại tình đối với người vợ trước. Và người nữ bỏ chồng mà lấy chồng khác, thì cũng phạm tội ngoại tình”.

Ðó là lời Chúa.

 Suy niệm:

“Sự gì Thiên Chúa đã phối hợp, loài người không được phép phân ly.”
Lời của Đức Giêsu đã vang vọng qua hai mươi thế kỷ,
và vẫn thường được chọn để in trên thiệp cưới.
Phải chăng người ta ngầm nhắc nhau rằng
ly dị là từ không nên có trong từ điển của các đôi vợ chồng.
Tiếc thay số vụ ly hôn nơi các kitô hữu đã gia tăng đáng kể.
Sống với nhau đến đầu bạc răng long lại trở thành một giấc mơ.

Có mấy người Pharisêu đến hỏi Đức Giêsu về chuyện chồng ly dị vợ.
Đức Giêsu hỏi ngược họ xem ông Môsê đã truyền dạy thế nào (c. 3).
Những người Pharisêu trích sách Đệ Nhị Luật (24, 1)
để cho thấy ông Môsê cho phép viết giấy ly dị và sau đó ly dị (c. 4).
Dĩ nhiên, cho phép không phải là truyền dạy!
Đức Giêsu đã trích sách Sáng Thế (2, 24)
để nhấn mạnh sự hiệp nhất vĩnh viễn giữa đôi vợ chồng.
“Cả hai thành một xương một thịt” không chỉ về mặt thân xác (c. 8),
mà còn trở nên một lòng, một ý, một ước mơ, một hành động.
Ngài khẳng định điều này đã có từ thuở ban đầu (c. 6)
và nằm trong ý định nguyên thủy của Thiên Chúa.
Việc Môsê cho phép ly dị chỉ là một nhượng bộ tạm thời (c. 5).
Đức Giêsu mới là Đấng đến để hoàn chỉnh Luật Môsê
và khai mở ý muốn trọn vẹn của Thiên Chúa về hôn nhân.

Trong xã hội, văn hóa và Do Thái giáo thời Đức Giêsu,
người phụ nữ không được bình đẳng với nam giới.
Vì vợ là một thứ tài sản thuộc sở hữu của người chồng,
nên thực tế chỉ vợ mới có thể phạm tội ngoại tình đối với chồng,
và chỉ người chồng mới có quyền ly dị vợ.
Đức Giêsu không chấp nhận chuyện coi vợ như một món hàng,
mua về, thích thì dùng, không thích thì bỏ đi.
Vợ đã trở nên xương thịt của chồng, ngang hàng với chồng,
nên khi chồng thiếu chung thủy với vợ, ly dị vợ mà cưới vợ khác
thì anh ta cũng phạm tội ngoại tình đối với vợ (c. 11).
Hôn nhân không phải chỉ là chuyện của hai người yêu nhau và lấy nhau.
Trong Lễ Cưới có sự hiện diện của Thiên Chúa là Đấng phối hợp.
Ngài tiếp tục bảo vệ tình yêu, cả khi hai người cùng muốn chia tay.

Hôn nhân không phải là một bản hợp đồng
mà hai bên được phép xé bỏ khi muốn.
Chung thủy mãi mãi là chuyện khó đối với con người thời nay.
Khi thịnh vượng, lúc gian nan, khi mạnh khỏe, lúc đau yếu,
khi buồn chán và thất vọng về nhau, khi yếu đuối và vấp ngã,
khi đổ vỡ quá lớn tưởng như không sao hàn gắn được,
khi đời sống vợ chồng thành như hỏa ngục trần gian…
khi ấy người ta cần Thiên Chúa để tiếp tục yêu thương và kính trọng nhau.

Xin bớt một chút ích kỷ tự ái, thêm một chút khiêm hạ yêu thương,
bớt một chút tự do đam mê, thêm một chút hy sinh tha thứ…
để gìn giữ tình nghĩa vợ chồng như quà tặng mong manh của trời cao.

 Cầu nguyện: 

Lạy Cha nhân ái, từ trời cao,
xin Cha nhìn xuống
những gia đình sống trên mặt đất
trong những khu ổ chuột tồi tàn
hay biệt thự sang trọng. 

Xin thương nhìn đến
những gia đình thiếu vắng tình yêu
hay thiếu những điều kiện vật chất tối thiểu,
những gia đình buồn bã vì vắng tiếng cười trẻ thơ
hay vất vả âu lo vì đàn con nheo nhóc.
Xin Cha nâng đỡ những gia đình đã thành hỏa ngục
vì chứa đầy dối trá, ích kỷ, dửng dưng.

Lạy Cha, xin nhìn đến những trẻ em trên thế giới,
những trẻ em cần sự chăm sóc và tình thương
những trẻ em bị lạm dụng, bóc lột, buôn bán,
những trẻ em lạc lõng bơ vơ, không được đến trường,
những trẻ em bị đánh cắp tuổi thơ và trở nên hư hỏng.

Xin Cha thương bảo vệ gìn giữ
từng gia đình là hình ảnh của thánh Gia Thất,
từng trẻ em là hình ảnh của Con Cha thuở ấu thơ.
Xin Cha sai Thánh Thần Tình Yêu
đem đến hạnh phúc cho mỗi gia đình;
nhưng xin cũng nhắc cho chúng con nhớ
hạnh phúc luôn ở trong tầm tay
của từng người chúng con. Amen.