Fiducia Supplicans: Thông cáo của Bộ Giáo Lý Đức Tin

Một thông cáo của Đức Hồng y Tổng trưởng và Thư ký của Bộ Giáo lý Đức tin cung cấp những giải thích rõ ràng về tài liệu được công bố vào ngày 18 tháng 12: giáo lý về hôn nhân không thay đổi, các giám mục có thể phân định việc áp dụng tùy theo bối cảnh, các chúc lành mục vụ không thể so sánh với các chúc lành phụng vụ và nghi thức. Vatican News đăng phiên bản đầy đủ.

Thông cáo báo chí nhằm giúp làm rõ việc tiếp nhận Tuyên ngôn Fiducia Supplicans, khuyến nghị đọc Tuyên ngôn cách đầy đủ và chăm chú để hiểu rõ hơn ý nghĩa của đề xuất của nó.

  1. Giáo lý

Những tuyên bố có thể hiểu được của một số Hội đồng Giám mục liên quan đến tài liệu Fiducia supplicans xứng đáng để nêu bật sự cần thiết phải có một thời gian suy tư mục vụ lâu dài hơn. Những gì các Hội đồng Giám mục này bày tỏ không thể được giải thích là sự phản đối về mặt giáo lý vì tài liệu này rất rõ ràng và cổ điển về hôn nhân và tính dục. Một số câu mạnh mẽ trong Tuyên ngôn không để cho có bất kỳ nghi ngờ nào nữa:

Tuyên ngôn này vẫn vững chắc trên giáo lý truyền thống của Giáo hội về hôn nhân, không cho phép bất kỳ loại nghi thức phụng vụ hoặc chúc lành nào tương tự như một nghi thức phụng vụ có thể dẫn đến nhầm lẫn”. Đối diện với các đôi bạn trong hoàn cảnh bất quy tắc, chúng ta hành động, mà “không cần chính thức hợp thức hóa địa vị của họ hoặc sửa đổi bất kỳ cách nào giáo huấn lâu đời của Giáo hội về hôn nhân” (Lời giới thiệu).

“Những nghi thức và lời cầu nguyện vốn có thể tạo ra sự nhầm lẫn giữa những gì cấu thành hôn nhân, tức là “sự kết hợp độc chiếm, ổn định và bất khả phân ly giữa một người nam và một người nữ, tự nhiên mở ra cho việc sinh con cái”, đều không thể được chấp nhận, và những gì mâu thuẫn với nó. Niềm xác tín này dựa trên học thuyết lâu đời của Công giáo về hôn nhân. Chỉ trong bối cảnh này mà các mối quan hệ tính dục mới tìm được ý nghĩa tự nhiên, đúng đắn và đầy đủ nhân bản của chúng. Học thuyết của Giáo hội về điểm này vẫn vững chắc” (số 4).

“Đó cũng là ý nghĩa của Câu trả lời của Bộ Giáo lý Đức tin trước đây, khi khẳng định rằng Giáo hội không có quyền chúc lành cho sự kết hợp giữa những người cùng giới tính” (số 5).

Đây là lý do tại sao, vì Giáo hội luôn coi những quan hệ tình dục chỉ được thực hiện trong khuôn khổ hôn nhân là hợp pháp về mặt luân lý, nên Giáo hội không có quyền ban lời chúc lành phụng vụ của mình khi lời chúc lành này có thể, một cách nào đó, mang lại một hình thức hợp pháp hóa về mặt luân lý cho một sự kết hợp có vẻ như là một hôn nhân hoặc một thực hành tình dục ngoài hôn nhân” (số 11).

Rõ ràng là sẽ không có chỗ để tách mình ra khỏi Tuyên ngôn này về mặt giáo thuyết hoặc coi nó là lạc giáo, trái ngược với Truyền thống của Giáo hội hoặc phạm thượng.

  1. Tiếp nhận thực tế

Tuy nhiên, một số giám mục đặc biệt nói về khía cạnh thực tế: việc có thể chúc lành cho các đôi bạn trong hoàn cảnh bất quy tắc. Tuyên ngôn chứa đựng đề xuất các chúc lành mục vụ ngắn gọn và đơn giản (không phải phụng vụ hay nghi thức hóa) cho các đôi bạn (couples) trong hoàn cảnh bất quy tắc (chứ không phải các cuộc kết hợp (unions)), được hiểu rằng đây là những lời chúc lành không có hình thức phụng vụ, không chấp nhận hay biện minh cho hoàn cảnh mà những người này đang ở trong đó.

Các tài liệu của Bộ Giáo lý Đức tin, chẳng hạn như Tuyên ngôn Fiducia Supplicans, có thể đòi hỏi, về mặt thực tế, ít nhiều thời gian để áp dụng chúng, theo bối cảnh địa phương, tùy thuộc vào sự phân định của mỗi giám mục giáo phận trong giáo phận của mình. Có một số nơi áp dụng ngay mà không có khó khăn nào, ở những nơi khác, không cần thiết phải đổi mới mà vẫn dành thời gian cần thiết cho việc đọc và giải thích.

Chẳng hạn, một số giám mục đã xác định rằng mỗi linh mục có thể phân định nhưng chỉ có thể thực hiện những chúc lành này một cách riêng tư. Điều này không đặt ra vấn đề nào nếu nó được diễn đạt trong sự tôn trọng một văn bản được chính Đức Thánh Cha ký và phê chuẩn trong khi tìm cách đón nhận sự suy tư trong đó.

Mỗi giám mục địa phương, do chức năng riêng của mình, luôn có khả năng phân định tại chỗ (in loco), tại nơi cụ thể này, mà ngài biết rõ hơn những nơi khác vì đó là đàn chiên của ngài. Sự thận trọng và chú ý đến bối cảnh Giáo hội và văn hóa địa phương có thể chấp nhận các phương thức áp dụng khác nhau, nhưng không phải là sự phủ nhận hoàn toàn hoặc dứt khoát con đường này được đề xuất cho các linh mục.

  1. Hoàn cảnh tế nhị của một số đất nước

Trường hợp của một số Hội đồng Giám mục phải được hiểu trong bối cảnh của nó. Ở các đất nước khác nhau, có những vấn đề văn hóa và thậm chí pháp lý mạnh mẽ, vốn đòi hỏi thời gian và các chiến lược mục vụ vượt xa tầm ngắn hạn.

Nếu có luật kết án tù giam và, trong một số trường hợp, bị tra tấn hoặc thậm chí tử hình đối với sự kiện đơn giản tuyên bố mình là đồng tính, thì chúng ta hiểu rằng việc chúc lành sẽ là thiếu khôn ngoan. Rõ ràng là các giám mục không muốn đẩy người đồng tính vào tình trạng bạo lực. Điều quan trọng là các Hội đồng Giám mục này không bảo vệ một giáo thuyết khác với giáo thuyết của Tuyên ngôn đã được Đức Thánh Cha phê chuẩn, vì đó là giáo thuyết đã được thiết lập, nhưng đúng hơn, họ đề xuất nhu cầu nghiên cứu và phân định để hành động với sự thận trọng mục vụ trong bối cảnh này.

Trên thực tế, các nước kết án, cấm đoán và hình sự hóa đồng tính luyến ái ở các mức độ khác nhau không phải là hiếm. Trong những trường hợp này, ngoài vấn đề chúc lành, còn có một nhiệm vụ mục vụ, rộng lớn và dài hạn, vốn bao gồm việc đào tạo, bảo vệ phẩm giá con người, giảng dạy học thuyết xã hội của Giáo hội và nhiều chiến lược khác nhau vốn không chấp nhận sự vội vàng.

  1. Tính mới mẻ thực sự của tài liệu

Tính mới mẻ thực sự của Tuyên ngôn này, một sự mới mẻ vốn đòi hỏi một nỗ lực quảng đại tiếp nhận và không ai được tuyên bố mình bị loại trừ, không phải là khả năng chúc lành cho các đôi bạn trong hoàn cảnh bất quy tắc. Đó là lời mời gọi phân biệt hai hình thức chúc lành khác nhau: “phụng vụ hoặc nghi thức hóa” và “tự phát hoặc mục vụ”. Trong phần Giới thiệu, đã được giải thích rõ ràng rằng “giá trị của tài liệu này, […] là nó mang lại một sự đóng góp đặc thù và canh tân cho ý nghĩa mục vụ của các lời chúc lành, vốn cho phép mở rộng và làm phong phú thêm sự hiểu biết cổ điển, gắn liền chặt chẽ với viễn cảnh phụng vụ. Suy tư thần học này, dựa trên tầm nhìn mục vụ của Đức Thánh Cha Phanxicô, hàm ý một sự phát triển thực sự liên quan đến những gì đã được nói về các lời chúc lành trong Huấn quyền và các văn bản chính thức của Giáo hội”.

Ở hậu cảnh, chúng ta tìm thấy đánh giá tích cực về “việc mục vụ bình dân” vốn xuất hiện trong nhiều bản văn của Đức Thánh Cha. Trong bối cảnh này, ngài mời gọi chúng ta coi trọng đức tin đơn sơ của dân Thiên Chúa mà, ngay cả giữa tội lỗi của mình, đã thoát ra khỏi tính nội tại (immanence) và mở rộng tâm hồn để cầu xin sự giúp đỡ của Thiên Chúa.

Đây là lý do tại sao, thay vì liên quan đến việc chúc lành cho các đôi bạn trong hoàn cảnh bất quy tắc, bản văn của Bộ đã thông qua hình thức cao cấp của một Tuyên ngôn vốn hơn nhiều so với một Bản Phúc đáp (Responsum) hoặc một Thư. Chủ đề trọng tâm của nó, đặc biệt mời gọi chúng ta đào sâu hơn nữa để làm phong phú thêm việc thực hành mục vụ của chúng ta, là sự hiểu biết rộng hơn về các lời chúc lành và đề xuất gia tăng các chúc lành mục vụ vốn không đòi hỏi cùng những điều kiện như các chúc lành trong bối cảnh phụng vụ hoặc nghi lễ. Do đó, vượt qua những tranh cãi, bản văn này kêu gọi nỗ lực suy tư thanh thản, với trái tim của một mục tử, vượt ra ngoài mọi ý thức hệ.

Cho dầu một số giám mục cho rằng việc không ban các chúc lành này vào lúc này là khôn ngoan, nhưng tất cả chúng ta phải lớn lên trong niềm xác tín rằng các lời chúc lành không theo nghi thức không phải là sự thánh hiến con người hoặc đôi bạn lãnh nhận chúng, chúng không phải là sự biện minh cho tất cả các hành động của họ, chúng không phải là sự phê chuẩn cho cuộc sống mà họ đang sống. Khi Đức Thánh Cha yêu cầu chúng ta lớn lên trong sự hiểu biết rộng rãi hơn về các chúc lành mục vụ, ngài đã đề nghị chúng ta suy nghĩ đến một cách thức chúc lành không đòi hỏi phải đặt ra nhiều điều kiện cho cử chỉ gần gũi mục vụ đơn giản này, vốn là một nguồn lực để thúc đẩy sự cởi mở với Thiên Chúa giữa những hoàn cảnh đa dạng nhất.

  1. Cách cụ thể, những “chúc lành mục vụ” này diễn ra như thế nào?

Để được phân biệt rõ ràng với các chúc lành phụng vụ hoặc nghi thức, “các chúc lành mục vụ” trước hết phải rất ngắn gọn (xem số 28). Đây là những lời chúc lành kéo dài vài giây, không có Sách Nghi thức (Rituel) và không có Sách Các Phép (Livre des bénédictions). Nếu có hai người đến cầu xin chúc lành, chúng ta chỉ cầu xin Chúa ban bình an, sức khỏe và những điều tốt lành khác cho hai người cầu xin chúc lành này. Chúng ta cũng cầu xin để họ có thể sống trung thành trọn vẹn với Tin Mừng của Chúa Kitô và xin Chúa Thánh Thần giải thoát hai người này khỏi mọi điều không đáp ứng thánh ý Người và khỏi mọi điều cần được thanh tẩy.

Hình thức chúc lành không theo nghi thức này, bởi sự đơn giản và ngắn gọn của hình thức, không có ý định biện minh cho điều gì đó vốn không được chấp nhận về mặt luân lý. Đây rõ ràng không phải là một cuộc hôn nhân, nhưng cũng không phải là sự “chấp thuận” hay phê chuẩn bất cứ điều gì. Đây chỉ đơn giản là câu trả lời của một mục tử cho hai người đang cầu xin sự giúp đỡ của Thiên Chúa. Trong trường hợp này, vị mục tử không đặt ra điều kiện và không muốn biết cuộc sống thân mật của những người này.

Vì một số người đã bày tỏ sự khó khăn của họ trong việc hiểu những lời chúc lành này trông giống như thế nào, chúng ta hãy lấy một ví dụ cụ thể: hãy tưởng tượng rằng trong một cuộc hành hương lớn, một cặp vợ chồng đã ly dị đang dấn thân trong một cuộc kết hợp mới nói với vị linh mục: “Xin cha vui lòng chúc lành cho chúng con, chúng con không thể tìm thấy việc làm, anh ấy ốm nặng, chúng con không có nhà, cuộc sống trở nên nặng nề: xin Thiên Chúa giúp đỡ chúng con!”.

Trong trường hợp này, linh mục có thể đọc một lời cầu nguyện đơn giản, tương tự như thế này: “Lạy Chúa, xin nhìn đến các con cái Chúa, xin ban cho họ sức khỏe, công việc, bình an và sự giúp đỡ lẫn nhau. Xin giải thoát họ khỏi mọi điều trái ngược với Tin Mừng của Chúa và ban cho họ sống theo ý muốn của Chúa. Amen”. Và ngài kết thúc bằng một dấu thánh giá trên mỗi người trong hai người.

Đó là 10 hoặc 15 giây. Có ý nghĩa gì khi từ chối loại chúc lành này đối với hai người cầu xin nó không? Phải chăng điều đó không đáng để nâng đỡ đức tin của họ, dù nhỏ hay lớn, nâng đỡ những điểm yếu của họ bằng lời chúc lành của Thiên Chúa và mang lại một con kênh cho việc mở ra cho sự siêu việt này, vốn có thể khiến họ trung thành hơn với Tin Mừng?

Để tránh bất kỳ sự mơ hồ nào, Tuyên ngôn nói thêm rằng khi một đôi bạn trong hoàn cảnh bất quy tắc cầu xin lời chúc lành, “mặc dù được thể hiện ngoài các nghi thức được quy định bởi các sách phụng vụ, […] nhưng lời chúc lành này sẽ không bao giờ được thực hiện cùng lúc với các nghi thức dân sự của sự kết hợp, thậm chí cũng không liên quan đến chúng. Cũng không phải với quần áo, cử chỉ hay lời nói dành riêng cho hôn nhân. Điều tương tự cũng được áp dụng khi một cặp đồng giới cầu xin chúc lành” (số 39). Do đó, người ta hiểu rằng nó không được diễn ra ở một nơi quan trọng trong một tòa nhà linh thiêng hoặc trước bàn thờ vì điều này sẽ tạo ra sự nhầm lẫn.

Do đó, mỗi giám mục trong giáo phận của mình được Tuyên ngôn Fiducia Supplicans cho phép thực hiện kiểu chúc lành đơn giản này, với tất cả các khuyến nghị về sự thận trọng và chú ý, nhưng trong mọi trường hợp, ngài không được phép đề xuất hoặc thực hiện các chúc lành vốn có thể giống như một nghi thức phụng vụ.

  1. Dạy giáo lý

Có lẽ ở một số nơi cần phải dạy giáo lý để làm cho người ta hiểu rằng loại các chúc lành này không phải là sự phê chuẩn lối sống của những người xin nó. Chúng thậm chí còn không phải là một lời giải tội vì những cử chỉ này không phải là một bí tích hay một nghi thức. Chúng là những cách diễn đạt đơn giản về sự gần gũi mục vụ, vốn không có cùng những đòi hỏi như một bí tích hay nghi thức chính thức. Chúng ta sẽ phải làm quen với việc chấp nhận rằng nếu một linh mục ban lời chúc lành đơn giản này, thì ngài không phải là người lạc giáo, ngài không phê chuẩn bất cứ điều gì và ngài không phủ nhận giáo lý Công giáo.

Chúng ta có thể giúp dân Thiên Chúa khám phá ra rằng loại các chúc lành này là những kênh mục vụ đơn giản giúp mọi người thể hiện đức tin của mình, ngay cả khi họ là những tội nhân nặng nề. Vì vậy, khi ban chúc lành này cho hai người tự phát đến cầu xin, chúng ta không thánh hiến họ, không chúc mừng họ và không tán thành kiểu kết hợp này. Trong thực tế, điều đó cũng tương tự khi chúng ta chúc lành cho các cá nhân, bởi vì cá nhân xin chúc lành – chứ không phải xin giải tội – có thể là một tội nhân nặng nề, nhưng chúng ta không từ chối anh ta, vì lý do này, về cử chỉ phụ tử này giữa cuộc chiến đấu để tồn tại của anh ta.

Nếu điều này được soi sáng bằng việc dạy giáo lý tốt, chúng ta có thể thoát khỏi nỗi sợ hãi rằng các lời chúc lành của chúng ta thể hiện điều gì đó không thích đáng. Chúng ta có thể trở thành những thừa tác viên tự do hơn, có lẽ gần gũi hơn và phong nhiêu hơn, với một thừa tác vụ đầy những cử chỉ của tình phụ tử và sự gần gũi mà không sợ bị hiểu lầm.

Chúng ta hãy cầu xin Chúa Hài Đồng tuôn đổ trên tất cả mọi người một lời chúc lành quảng đại và nhưng không, để chúng ta có thể sống một năm 2024 thánh thiện và hạnh phúc.

Hồng y Victor Manuel  FERNANDEZ, Tổng trưởng
Đức ông Armando MATTEO, Thư ký Phân bộ Giáo thuyết

Chuyển ngữ: Tý Linh
Theo nhật báo Vatican News (04.01.2024)
Nguồn: xuanbichvietnam.net (04.01.2024)