Ngày các bệnh nhân Parkinson Italia

Ngày các bệnh nhân Parkinson Italia

(RG 29.11.2014)

 

Ngày 29 tháng 11 vừa qua là Ngày các bệnh nhân Parkinson Italia. Parkinson hay run rẩy là bệnh hệ thống trung tâm não bộ bị suy thoái. Hiện nay tại Italia có 300.000 bệnh nhân. Nhưng trên toàn thế giới số người bị bệnh Parkinson lên tới hơn 4,1 triệu. Và theo ước tính của các nhà nghiên cứu độc lập cho tới năm 2030 số người bị bệnh Parkinson sẽ lên tới 8,7 triệu. Một nước nhỏ như Thụy Sĩ cũng có 15.000 người bị bệnh Parkinson. Một phần trăm bệnh nhân hơn 70 tuổi và 3% hơn 80 tuổi. Nhưng có tới 20% ở tuổi dưới 60 và số bệnh nhân nam nữ ít nhiều bằng nhau. Bệnh Parkinson không lây và cũng không phải là một bệnh gia truyền. Cũng có trường hợp gia truyền, nhưng rất họa hiếm. Tuổi thọ của người bị bệnh Parkinson cũng bằng tuổi thọ của những người lành mạnh.

Bệnh này đã được bác sĩ người Anh James Parkinson nghiên cứu và miêu tả trong tác phẩm tựa đề “Khảo luận về bệnh run rẩy tê liệt” (An Essay on the Shaking Palsy) phát hành năm 1817 khiến cho ông nổi tiếng trên thế giới; và bác sĩ Jean-Martin Charcot đã lấy tên ông để đặt cho bệnh này.

Bác sĩ James Parkinson sinh ngày 11 tháng 4 năm 1755 và qua đời ngày 21 tháng 12 năm 1824, sau khi bị tai biến mạch máu não. Để tưởng niệm ông “Ngày quốc tế các bệnh nhân Parkinson” được cử hành hằng năm vào ngày sinh của ông 11 tháng 4. Bác sĩ Parkinson không chỉ là bác sĩ giải phẫu, nhưng cũng là dược sĩ, chuyên viên địa chất học, cổ sinh vật học và chính trị gia hoạt động nữa. Trên bình diện chính trị ông là thành viên của nhiều tổ chức chủ trương cải cách xã hội. Ông kêu gọi cho dân được đại diện trong quốc hội và cho đầu phiếu đại đồng.

Ngày 21 tháng 5 năm 1783 ông thành hôn với Mary Dale và có 8 người con. Ít lâu sau ông kế nghiệp thân phụ hành nghề bác sĩ tại Hoxton Square trong thủ đô London. Giữa các năm 1799 và 1807 bác sĩ Parkinson đã xuất bản nhiều sách, kể cả một cuốn nói về bệnh goutte, tức bệnh thống phong, do quá nhiều acide uric tích tụ trong cơ thể. Ông cũng là người đã viết nhiều về bệnh vỡ ruột dư trong nền văn chương y khoa Anh. Bác sĩ Parkinson chú ý tới việc cải thiện sức khỏe tổng quát cho dân. Ông viết rất nhiều lý thuyết y khoa trình bày lòng hăng say đối với sức khỏe và trợ cấp xã hội cho dân, và tranh đấu cho việc che chở người bệnh tâm thần cũng như các bác sĩ của họ và gia đình họ. Năm 1812 ông săn sóc con trai ông bị bệnh ruột dư, và lần đầu tiên miêu tả chứng minh cho thấy việc bể ruột dư gây tử vong cho bệnh nhân. Bác sĩ cũng là người đầu tiên miêu tả một cách có hệ thống 6 bệnh nhân có các triệu chứng sẽ mang tên ông. Trong cuốn “Khảo luận về bệnh run rẩy tê liệt” ông kể lại bệnh tình của ba bệnh nhân của ông và ba người khác mà ông gặp trên đường phố, và gọi chứng bệnh này là “bệnh run rẩy tê liệt”. Ông phân biệt các run rẩy di chuyển với các chứng run rẩy khác. Sáu mươi năm sau bác sĩ Jean-Martin Charcot gọi bệnh run rẩy là “bệnh Parkinson”.

Như thế Parkinson là bệnh suy thoái từ từ của các tế bào thần kinh của trung tâm não bộ và nhất là các tế bào trong não bộ. Trong các năm đầu nổi bật là sự suy thoái của các tế bào thuộc chất đen có nhiệm vụ sản xuất chất dẫn truyền thần kinh “dopamina”. Thiếu chất này gây ra hậu quả là các khó khăn của việc cử động, thường được chữa trị với thuốc Levodopa. Tuy nhiên, người ta cũng nhận ra cái chết của các tế bào thần kinh trong các vùng khác của não bộ không liên quan gì tới việc sản xuất chất “dopomina”. Điều này gây ra một loạt các triệu chứng như rối loạn sinh dưỡng, đau nhức, rối loạn giấc ngủ, các triệu chứng tâm thần, với thời gian qua đi ngày càng trở nên trầm trọng. Cho tới nay các khả năng chữa trị bệnh Parkinson rất là hạn hẹp, nếu không nói là y khoa chưa có các thuốc chữa trị hữu hiệu.

Tuy nhiên, liệu pháp súc miệng bằng dầu dừa ngày ba lần và ăn ngày ba muỗng canh dầu dừa của bác sĩ Bruce Fife đã giúp một số bệnh nhân Parkinson bớt run rẩy tay chân, đặc biệt là khỏi bệnh suy giảm trí nhớ Alzheimer. Đó đã là trường hợp của chồng bà bác sĩ Newport. Bà đã viết cuốn sách tựa đề “Bệnh mất trí nhớ sớm – Cái gì nếu có một chữa trị” ( Alzheimers Disease – What if theres a cure), ghi lại các tiến triển của chồng kể từ khi dùng dầu dừa.

Ngày nay với các nghiên cứu của bác sĩ Norman Shealy và bác sĩ Mark Sircus, người Brasil, chúng ta biết rằng tất cả mọi bệnh đều liên quan tới việc thiếu hụt khoáng chất Magnesium Chloride trong cơ thể con người. Nhưng các bác sĩ ít khám phá ra, vì Magnesium chỉ hiện hữu 1% trong máu. Thật ra sau oxy hay dưỡng khí, Magnesium Chloride là khoáng chất quan trọng nhất cần thiết cho sự ổn định điện từ của từng tế bào trong cơ thể con người. Nó quan trọng hơn canxi, potassium hay sodium và điều tiết cả ba khoáng chất này. Bác sĩ Sydney Baker cho biết việc thiếu hụt Magnesium có thể ảnh hưởng đến hầu hết các cơ phận trong cơ thể liên quan tới xương và cơ bắp, cũng như các co thắt của cơ trơn, hệ thần kinh trung ương và hệ tim mạch. Lý do là vì Magnesium tối cần thiết và quan trọng cho hàng trăm hệ thống enzyme và các chức năng liên quan tới phản ứng trao đổi chất trong tế bào, cũng như cho quá trình tổng hợp chất đạm protein, cho việc sử dụng các chất béo và tinh bột.

Việc thiếu hụt Magnesium có các dấu hiệu cảnh báo trong giai đoan đầu như: mệt mỏi thể chất và tinh thần, cơ dưới mắt co giật thường xuyên, căng thẳng ở phần lưng trên, vai và cổ, nhức đầu, giữ nước trong kỳ kinh nguyệt và đau ngực. Biểu hiệu thiếu Magnesium bao gồm các tình trạng: năng lượng thấp, mệt mỏi, yếu nhược, nhầm lẫn, căng thẳng, lo sợ, khó chịu, co giật, giận dữ, tiêu hóa kém, tiền kinh nguyệt và mất cân bằng nội tiết tố, mất ngủ, cơ căng thẳng co thắt và đau, vôi hóa các cơ quan, xương suy yếu, nhịp tim bất thường.

Vì thế việc bổ sung Magnesium có thể giúp chữa các bệnh như: mệt mỏi mãn tính, trầm cảm, động kinh, tiểu đường, run rẩy, Parkinson, rối loạn nhịp tim, nhức nửa đầu, rối loạn tuần hoàn, nhức đầu chùm, chuột rút, đột quỵ, nhồi máu cơ tim, xơ vữa động mạch, đau bụng, loãng xương, hen suyễn, căng thẳng, ù tai, mất điều hòa, nhầm lẫn, tiền sản giật, suy nhược, tăng huyết áp.

Sau đây chúng tôi xin gửi tới quý vị và các bạn bài phỏng vấn nữ bác sĩ Anna Rita Bentivoglio, chuyên viên nghiên cứu tại Học viện Thần kinh học của đại học bách khoa Gemelli ở Rôma, về bệnh Parkinson.

Hỏi: Thưa bác sĩ Bentivoglio, xin bác sĩ cho biết bệnh Parkinson là loại bệnh gì, và nó tiến triển như thế nào?

Đáp: Parkinson là một bệnh thoái hóa thần kinh, gây ra cho vài vùng nằm sâu trong não bộ chỉ huy việc kiểm soát các cử động, các cử động cố ý cũng như các cử động tự động, chẳng hạn như các cử động của cánh tay khi chúng ta bước đi và chúng đong đưa cạnh thân mình. Ngoài việc kiểm soát hệ thống cử động, chúng cũng liên quan tới các trung tâm điều khiển sinh hoạt nhu động của đường ruột nữa, chẳng hạn như hệ thống tiêu hóa, hệ thống tim mạch tuần hoàn và cả các cơ bắp hình tròn trong thân thể con người. Như thế, bệnh Parkinson là một bệnh phức tạp, liên quan tới cả các rối loạn của các cơ phận không cử động bên cạnh các rối loạn của các cơ phận cử động. Chính vì thế tại nhiều trung tâm, trong đó có trung tâm nghiên cứu bệnh Parkinson của nhà thương bách khoa Gemelli của chúng tôi, người ta đã nghĩ tới việc cống hiến các lộ trình, trong đó bệnh nhân không chỉ được trợ giúp bởi bác sĩ thần kinh não bộ giúp họ với các loại thuốc được đề nghị cho một lộ trình phục hồi, nghĩa là trợ giúp bệnh nhân trong lãnh vực cử động, mà cũng có nhiều bác sĩ khác trợ lực bác sĩ thần kinh như bác sĩ nội tạng, bác sĩ tim mạch, bác sĩ chỉnh hình, chuyên viên tuổi già trợ giúp các bệnh nhân cao niên, săn sóc họ với tất cả các vấn đề sức khỏe của họ.

Ngoài ra, cũng cần để ý là nguy cơ trầm trọng nhất đối với bệnh Parkinson đó là tuổi tác. Vì thế nơi một dân tộc già nua, thì số bệnh nhân Parkinson gia tăng. Dĩ nhiên là người già thì có biết bao nhiêu vấn đề khác nữa, đôi khi áp huyết không tốt vì cao hay thấp, bộ máy tiêu hóa có vấn đề, và biết bao nhiêu chuyện khác. Do đó có cả một toán chuyên viên bên trong một nhà thương hay một trung tâm trợ giúp các bệnh nhân không bị quay cuồng trong việc tìm kiếm nghiên cứu của biết bao nhiêu chuyên viên, đôi khi ra đơn thuốc đối nghịch nhau cho cùng một người bệnh.

Hỏi: Thưa bác sĩ, ngoài liệu pháp chữa trị với thuốc, người ta hay nói tới lợi ích mà các người bị bệnh Parkinson có thể nhận được từ hoạt động thể lý, từ kịch nghệ, ca hát, và nhảy múa nữa, có phải thế không?

Đáp: Tuyệt đối rồi. Trước hết cần phải nói rằng cách đây vài năm tất cả mọi người đều đã đánh giá thấp hiệu quả của hoạt động thể lý đối với não bộ, trong nghĩa không phải chỉ có sự di chuyển, việc hoạt động nhóm có thể cải thiện các khả năng các bắp thịt của chúng ta, nhưng cũng có thể cải tiến sự mềm dẻo của não bộ nữa. Và điều này đương nhiên khiến cho các tiến trình sửa chữa bên trong hệ thống thần kinh có thể xảy ra một cách hữu hiệu hơn.

Hỏi: Ngoài ra, các sinh hoạt này cũng giúp chống lại sự khó chịu xã hội mà các bệnh nhân Parkinson cảm nhận được, có đúng thế không thưa bác sĩ?

Đáp: Vâng, dĩ nhiên rồi. Cho tới nay chúng ta đã đề cập tới lợi ích của chất xám trong não bộ, nhưng chúng ta là người, vì thế các bệnh tật không chỉ liên lụy tới khả năng hoạt động của chúng ta, mà cũng có tương quan với sự kiện chúng ta tự nhận thức chính mình nữa. Do đó có các hoạt động dẫn đưa chúng ta tới chỗ sinh hoạt nhóm với nhau, giải trí với nhau và cùng nhau vui cười, cùng nhau làm một cái gì đó khiến cho chúng ta cảm thấy dễ chịu, khiến cho chúng ta cảm thấy mình vẫn còn sống, tất cả chỉ giúp chúng ta cảm thấy thoải mái hơn, chỉ giúp chúng ta sống cuộc đời mình. Bệnh run rẩy Parkinson cũng giống như mọi bệnh tật khác, vì thế kiểu chúng ta đương đầu với việc chẩn bệnh, kiểu qua đó chúng ta chiến đấu với nó, có một tầm quan trọng và một trọng lượng khổng lồ đối với phẩm chất cuộc sống của chúng ta.

Linh Tiến Khải

(Nguồn: RV)