Học hỏi Phúc âm Chúa Nhật 3 Mùa Phục Sinh Năm A

HỌC HỎI PHÚC ÂM CHÚA NHẬT 3 MÙA PHỤC SINH NĂM A

LM Antôn Nguyễn Cao Siêu SJ

Phúc Âm: Lc 24, 13-35

“Hai ông đã nhận ra Người lúc bẻ bánh”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.

Cùng ngày thứ nhất trong tuần, có hai môn đệ đi đến một làng tên là Emmaus, cách Giêrusalem độ sáu mươi dặm. Dọc đường, các ông nói với nhau về những việc vừa xảy ra. Ðang khi họ nói truyện và trao đổi ý kiến với nhau, thì chính Chúa Giêsu tiến lại cùng đi với họ, nhưng mắt họ bị che phủ nên không nhận ra Người. Người hỏi: “Các ông có truyện gì vừa đi vừa trao đổi với nhau mà buồn bã vậy?” Một người tên là Clêophas trả lời: “Có lẽ ông là khách hành hương duy nhất ở Giêrusalem mà không hay biết những sự việc vừa xảy ra trong thành mấy ngày nay”. Chúa hỏi: “Việc gì thế?” Các ông thưa: “Sự việc liên can đến ông Giêsu quê thành Nadarét. Người là một vị tiên tri có quyền lực trong hành động và ngôn ngữ, trước mặt Thiên Chúa và toàn thể dân chúng. Thế mà các trưởng tế và thủ lãnh của chúng ta đã bắt nộp Người để xử tử và đóng đinh Người vào thập giá. Phần chúng tôi, chúng tôi vẫn hy vọng Người sẽ cứu Israel. Các việc ấy đã xảy ra nay đã đến ngày thứ ba rồi. Nhưng mấy phụ nữ trong nhóm chúng tôi, quả thật, đã làm chúng tôi lo sợ. Họ đến mồ từ tảng sáng. Và không thấy xác Người, họ trở về nói đã thấy thiên thần hiện ra bảo rằng: Người đang sống. Vài người trong chúng tôi cũng ra thăm mồ và thấy mọi sự đều đúng như lời các phụ nữ đã nói; còn Người thì họ không gặp”.

Bấy giờ Người bảo họ: “Ôi kẻ khờ dại chậm tin các điều tiên tri đã nói! Chớ thì Ðấng Kitô chẳng phải chịu đau khổ như vậy rồi mới được vinh quang sao?” Ðoạn Người bắt đầu từ Môsê đến tất cả các tiên tri, giải thích cho hai ông tất cả các lời Kinh Thánh chỉ về Người. Khi gần đến làng hai ông định tới, Người giả vờ muốn đi xa hơn nữa. Nhưng hai môn đệ nài ép Người rằng: “Mời ông ở lại với chúng tôi, vì trời đã về chiều, và ngày sắp tàn”. Người liền vào với các ông.

Ðang khi cùng các ông ngồi bàn, Người cầm bánh, đọc lời chúc tụng, bẻ ra và trao cho hai ông. Mắt họ sáng ra và nhận ra Người. Ðoạn Người biến mất. Họ bảo nhau: “Phải chăng lòng chúng ta đã chẳng sốt sắng lên trong ta, khi Người đi đường đàm đạo và giải thích Kinh Thánh cho chúng ta đó ư?” Ngay lúc ấy họ chỗi dậy trở về Giêrusalem, và gặp mười một tông đồ và các bạn khác đang tụ họp. Họ bảo hai ông: “Thật Chúa đã sống lại, và đã hiện ra với Simon”. Hai ông cũng thuật lại các việc đã xảy ra dọc đường và hai ông đã nhận ra Người lúc bẻ bánh như thế nào.

Ðó là lời Chúa.

CÂU HỎI TÌM HIỂU

  1. Đọc Lc 24,13-16. Bạn thấy Chúa Giêsu phục sinh khiêm tốn ở điểm nào? Điều gì ngăn cản mắt hai môn đệ khiến họ không nhận ra Thầy mình?
  2. Đọc Lc 24,17-19. Bạn nghĩ gì về kỹ năng gợi chuyện của Chúa Giêsu? Làm sao có được kỹ năng này?
  3. Dựa vào Lc 24,18-32, hãy cho thấy hai môn đệ này thiếu lòng tin, lòng mến và niềm hy vọng.
  4. Đọc Lc 24,19-21. Điều gì làm hai môn đệ thất vọng và đau buồn? Đọc thêm Cv 1,6.
  5. Dựa vào Lc 24,25-27, hãy cho biết Chúa Giêsu đã làm gì để giúp họ lấy lại lòng tin?     
  6. Đọc Lc 24,28-32. Hãy cho thấy cuộc nói chuyện của Chúa Giêsu với hai môn đệ đã thành công.
  7. Đọc 24,30-31.35. Nhờ đâu mà hai môn đệ nhận ra người khách lạ đi với mình là Chúa Giêsu?
  8. Đọc 24,33-35. Bạn nghĩ gì về phản ứng của hai môn đệ sau khi nhận ra Chúa?

GỢI Ý SUY NIỆM

Bạn có thích cách thức Chúa Giêsu đến gặp hai môn đệ Emmau không? Bạn thích ở những điểm nào? Chúa phục sinh gặp hai môn đệ ở “dọc đường” (Lc 24,32.35). Có khi nào bạn gặp Chúa Giêsu ở ngoài đường không? Có khi nào bạn gặp Chúa trong Thánh Lễ?

PHẦN TRẢ LỜI

  1. Chúa Giêsu phục sinh khiêm tốn vì chính Ngài chủ động đến gần và cùng đi với hai môn đệ về làng Emmau. Hai người này đã bỏ nhóm môn đệ ở Giêrusalem để về lại gia đình của mình. Nhưng hai ông không nhận ra Ngài, “vì mắt của họ còn bị ngăn cản” (Lc 24,16). Có thể nói sự ngăn cản này đến từ Thiên Chúa. Thiên Chúa chưa muốn cho họ thấy ngay Thầy Giêsu của họ đã phục sinh và đang đi với họ. Thiên Chúa đòi họ phải đi qua một tiến trình trước khi nhận ra Thầy. Đó là nghe lời giảng của Thầy về Kinh Thánh, và nhìn thấy Thầy bẻ bánh trao cho hai ông. Chỉ khi ấy, “mắt họ mở ra và họ nhận ra Ngài” (Lc 24,31).
  2. Hai môn đệ đang đắm chìm trong câu chuyện buồn về Thầy Giêsu của họ chịu đóng đinh. Lúc đó chính Đức Giêsu tiến lại và cùng đi với họ. Ngài muốn tham dự vào câu chuyện của họ. Ngài thương họ và muốn chia sẻ nỗi đau của họ. Chính vì thế, dù biết rõ, Ngài vẫn hỏi xem họ đang trao đổi với nhau chuyện gì vậy (Lc 24,17). Đức Giêsu phục sinh cho thấy mình quan tâm đến điều họ đang nặng lòng. Câu trả lời của ông Clêôpát có chút mỉa mai: “Chắc ông là người duy nhất ở Giêrusalem mà không biết những chuyện đã xảy ra trong những ngày này” (Lc 24,18). Nhưng không vì thế mà Ngài cắt đứt cuộc đối thoại. Ngài tiếp tục hỏi: “Chuyện gì vậy?” (Lc 24,19). Thái độ khiêm tốn và quan tâm của người khách lạ đã làm cho hai môn đệ mở lòng, chia sẻ nỗi đau sâu kín của mình với một người xa lạ tình cờ gặp trên đường. Kỹ năng gợi ý của Đức Giêsu bắt nguồn từ tình thương đối với hai môn đệ. Ngài muốn giúp họ nên phải kéo dài cuộc đối thoại bằng cách gợi chuyện.
  3. Hai môn đệ này mất niềm hy vọng khi họ nói: “Trước đây chúng tôi đã hy vọng…” (Lc 24,21), như thế bây giờ họ chẳng còn hy vọng nữa. Họ không tin những gì các bà kể lại (Lc 24,22-23), như thế họ đã mất niềm tin vào các phụ nữ trong nhóm. Sau khi Đấng phục sinh biến đi, họ mới sực nhớ lại là “trái tim của họ đã bừng cháy” khi nghe Chúa giảng Kinh Thánh dọc đường (Lc 24,32). Như thế trước đây, tình yêu trong trái tim của họ đã có phần nguội lạnh. Có thể nói cái chết trên thập giá của Thầy làm họ mất đi niềm tin, yêu và hy vọng.
  4. Hai môn đệ thấy Thầy Giêsu của họ là một ngôn sứ đầy uy quyền, trong việc làm lẫn lời nói, trước mặt Thiên Chúa và toàn dân (Lc 24,19). Họ cũng tin Thầy là đấng sẽ cứu chuộc Ítraen, sẽ đánh đuổi ngoại bang để khôi phục lại nước Ítraen độc lập (x. Cv 1,6). Vậy mà Thầy đã chết vì bị nộp bởi các nhà lãnh đạo Do-thái giáo, rồi bị kết án và đóng đinh vào thập giá. Những chuyện ấy đã xảy ra được ba ngày rồi. Người đã chết ba ngày thì còn gì để hy vọng nữa! (Lc 24,19-21). 5. Chúa phục sinh dẫn hai ông đi vào Sách Thánh, từ các sách Ngũ Thư của Môsê đến mọi sách ngôn sứ (Lc 24,25-27). Từ đó Ngài cho hai ông thấy những điều liên quan đến Ngài trong toàn bộ Kinh Thánh. Nhờ lời giải thích Kinh Thánh của Chúa phục sinh mà hai ông hiểu rằng: Đức Kitô phải chịu đau khổ như thế để vào vinh quang. Từ đó họ thấy đau khổ và cái chết của Thầy mình chỉ là một giai đoạn tạm thời trước khi Thầy được hưởng vinh quang mãi mãi. Cái chết trên thập giá của Thầy không phải là một thất bại, một rủi ro hay một sự trừng phạt của Thiên Chúa, nhưng là một biến cố được Thiên Chúa định liệu trong Sách Thánh từ xưa. Nhờ nghe vị khách lạ giải thích mà hai ông thấy nhẹ lòng, mọi nút thắt được tháo gỡ, niềm vui trở lại.
  5. Câu chuyện dọc đường của Chúa Giêsu với hai môn đệ được coi là thành công. Hai ông thích câu chuyện đó, nên đã nài ép Ngài ở lại với họ, khi Ngài làm như muốn tiếp tục đi xa hơn. Họ đưa ra lý do là trời đã về chiều rồi, để mời Ngài dừng chân ở lại. Thật ra họ không muốn câu chuyện thú vị bị cắt đứt. Chúa Giêsu đã nhận lời ở lại và dùng bữa với họ. Sau này họ nhớ lại: “Dọc đường, khi Người nói chuyện và cắt nghĩa Kinh Thánh cho chúng ta, trái tim chúng ta đã chẳng bùng cháy lên sao?” (Lc 24,32). Lời giảng của Chúa Giêsu hẳn đã chạm được trái tim của họ.
  6. Dựa trên Lc 24,30-31 ta thấy hai môn đệ nhận ra Chúa khi Ngài bẻ bánh trao cho họ. Lúc đó mắt họ hết bị ngăn cản (Lc 24,16), nhưng được mở ra để nhận ra Ngài (Lc 24,31). Dĩ nhiên, hai môn đệ lúc nào mà chẳng mở mắt, nhưng “mở mắt” ở đây để chỉ một hành động của Thiên Chúa. Để nhận ra Chúa Giêsu phục sinh, cần có sự trợ giúp của Thiên Chúa. Tuy hai môn đệ đã nhận ra Chúa qua cử chỉ bẻ bánh (Lc 24,35), nhưng không nên quên rằng câu chuyện dọc đường giữa Chúa Giêsu và hai ông, cũng như việc Ngài giải thích Kinh Thánh, đã chuẩn bị cho việc nhận ra này. Có thể thấy ở đây một hình bóng nào đó của Thánh Lễ với phần phụng vụ Lời Chúa và phụng vụ Thánh Thể. Chúa phục sinh vẫn tỏ mình trong mọi Thánh Lễ của chúng ta.
  7. Ngay lúc nhận ra Chúa, và sau khi Ngài biến đi, hai ông đứng lên, quay về lại Giêrusalem để gặp nhóm Mười Một và các bạn khác (Lc 24,33-35). Hai ông muốn đi ngay vì lòng họ quá vui; họ có một niềm vui lớn cần chia sẻ gấp, đó là Thầy đã trỗi dậy rồi. Hai ông đã ra khỏi sự buồn bã thất vọng của mình. Không còn lý do gì để về ở nhà nữa. Họ muốn quay trở lại với cộng đoàn ở Giêrusalem để kể lại cho mọi người về kinh nghiệm mình mới có được. Họ muốn trở lại với cộng đoàn.

WHĐ (22.04.2023)