Giọt nước mắt ngọt ngào

 

giọt-nước-mắt-ngọt-ngàoĐể lại nơi chôn nhau cắt rốn, nó theo gia đình lên vùng kinh tế mới tìm kế sinh nhai.  Các gia đình thời ấy rất vất vả gian nan trong việc kiếm sống. Nó nhớ, nhiều khi giới gia trưởng họp bàn với nhau để tìm cách thoát nghèo. Bác Năm đề nghị: “Xóm ta nên khai hoang thêm rừng để bà con có đất trồng cây công nghiệp.” Chú Tư tiếp lời: “Mình nên xen canh hoa màu để lấy ngắn nuôi dài.” Cứ thế câu chuyện kiếm kế sinh nhai được luận bàn mà chẳng ai để ý đến tụi nhỏ chúng nó.

Ngày ấy, cũng như lũ nhóc trong xóm, nó hồn nhiên lắm! Ngoài giờ bắt phải vào rẫy phụ giúp chút việc be bé, là tụi nó chỉ có đi học và rong chơi. Việc học thời ấy cũng đơn giản với bọn trẻ lắm. Nó chẳng biết học để làm gì! “Thôi thì chúng bạn đi học mình cũng cắp sắch tới trường. Chẳng lẽ tụi bạn đi học, rồi mình ở nhà chơi với ai?” Vả lại sau giờ học, bọn nó tha hồ bày những trò chơi vui thích; nào là trốn tìm, nhảy dây, tạt thun, bắn bi, chơi đồ hàng hay chơi u, thả diều, chạy đua hoặc rong chơi nơi bìa rừng ven suối. Tuy không được sung túc như các bạn thành phố, nhưng tuổi thơ của nó lại là khoảng thời gian đi vào vùng ký ức khó phai.

Lớn lên một chút, nó nhận thấy bạn bè rời trường nhiều hơn. Vì gia cảnh túng nghèo nên vài đứa phải rời trường sớm; rồi những đứa khác tất bật việc giúp đỡ gia đình cũng đành rời xa bạn bè, thầy cô; hay tệ hơn, cũng có những đứa vì quá mê chơi mà quên cả học hành. Dù lý do nào đi nữa, vào cái tuổi ăn tuổi học, vào lứa tuổi được tung tăng đến trường xây đắp ước mơ thì nghỉ học là điều không nên chút nào! Nhưng đó là lý luận của người lớn, của bậc cha mẹ, thầy cô! Như nhiều bạn khác, nó thấy đi chơi nhàn rỗi và vui vẻ hơn đến trường; vui chơi ai không thích, nhàn rỗi ai chẳng mong. Do đó nhiều bạn cứ bị sức thu hút ấy quyễn rũ rời xa mái trường.

Trong hoàn cảnh ấy, nó đã bị tác động ghê ngớm. Nhìn quanh ngoẳn lại, chỉ còn vài đứa trong xóm là đến lớp. Sáng ra, nó thấy đứa lên nương, đứa ngủ trương mới dậy, chiều về nó lại thấy đứa rong chơi thoả thích, lại còn kẻ tươi cười với chú sóc vừa bẫy được. Nó muốn bắt chước. Lại nữa, nhìn cảnh ba mẹ vất vả sớm hôm chăm lo cho anh chị em nó ăn học, bôn ba chuyện cơm áo gạo tiền, nó thật lòng muốn làm điều gì đó giúp cha đỡ mẹ. Nhiều lần nó muốn trình bày với ba má để được phụ một tay trong công việc làm ăn, hay ít ra là nhà cũng có thêm một nhân công nhí. Không biết tương lai có thành ông này bà nọ không, hay giàu sang thế nào, chứ hiện tại thì nó vất vả với việc học và cha mẹ cũng nhọc nhằn lo toan.

Sau khi suy nghĩ đắn đo, nó tìm cơ hội để bày tỏ ý định nghỉ học. Vừa tan lớp, nó vào rẫy với đầy quyết tâm là thuyết phục ba má để cho nó nghỉ học. Nó chuẩn bị hàng loạt những lý do với hy vọng ba má chấp thuận. Vào tới căn chòi lụp xụp, nó thấy ba đang ngồi cặm cụi đan cái bu gà. Nó lân la tỏ bày với ba:

– Thưa ba con mới đi học về. Con có chuyện này muốn….

– Con cứ nói xem nào.– Ba như tiếp lời trong giọng điệu ấp úng của nó.

– Thưa ba con muốn… nghỉ… học…, vì con thấy nhà mình khổ cực quá và…. Nó muốn nói thật nhiều, nhưng nhìn thấy ba run run và đang thay đổi cảm xúc, nên nó ngập ngừng chẳng thể nói nhiều như dự tính.

Sau khoảng lặng hồi hộp của nó và nặng sâu suy nghĩ nơi ánh mắt của ba:

– “Ba má dù có khổ cực đến mấy cũng có thể chịu được để chăm lo cho các con ăn học. Ba má xin lỗi vì không thể dành nhiều giờ với các con, và có khi phải bắt các con phụ chuyện này, giúp việc nọ. Tuy nhiên, ba má không cho phép các con nghỉ học. Cho dù phải bán rẫy để lo cho các con đến trường ba má cũng sẵn lòng. Miễn là các con chăm học để lo cho tương lai của chính mình. Nếu con muốn có nhiều giờ để học, thì con cứ cho ba má biết. Còn nghỉ học thì ba và má không muốn…”

Ba nó thủ thỉ nhưng cương quyết, rồi nghẹn ngào dừng lại trong nước mắt lưng tròng.

Nó như bị ai đó thức tỉnh khỏi cơn mê và nhận được một dòng cảm xúc ấm áp tình cha con. Từng giọt nước mắt ngọt ngào lăn dài trên gò má của nó. Ngọt ngào vì nó nhận ra những suy nghĩ nông cạn nhất thời. Ngọt ngào vì sau đó tương lai của nó tiếp tục được thắp sáng lớn dần. Được như ngày hôm nay, nó luôn thầm cảm tạ giọt nước mắt ngọt ngào của thời khắc ba nó quyết định: “Ba không cho con nghỉ học!”

Phạm Đình Ngọc