Chúa Giêsu đã hứa: “Ai xin thì sẽ được; ai tìm sẽ thấy; ai gõ cửa thì sẽ mở ra cho.” Nhưng, làm sao để giải thích về những sự thật hiển nhiên là ta đã cầu xin mà không được nhậm lời? Thánh Tôma Aquinô nói: vì ta đã xin điều không đúng, hoặc đã xin điều đúng mà xin sai cách.
Trong Tổng Luận Thần Học, Thánh Tôma Tiến Sĩ vạch ra bốn điều “nền tảng” để bảo đảm lời cầu nguyện của ta có thể được Thiên Chúa khấng nhậm.
- Lời cầu xin phải phù hợp với ơn cứu rỗi của chúng ta
Theo Thánh Aquinô, điều gì không lợi ích cho sự thánh thiện của chúng ta, thì chẳng có công nghiệp gì. Bởi vậy, nếu ta chỉ cầu xin cho một nhu cầu vật chất – cho dẫu đó là một điều quan trọng như việc buôn bán được hay xin được công việc – thì ta có thể hiểu được vì sao mình không được nhậm lời.
Như vậy, tốt nhất là cầu nguyện theo cách mà chúng ta rút ra được sự thánh thiện từ những nhu cầu này. Cầu xin Chúa tha thứ cho những ai gây khó dễ cho việc buôn bán của ta; hay xin Chúa ban cho ta ơn kiên trì trong những lúc khó khăn vì thất nghiệp.
Điều đó không có nghĩa là không được phép cầu xin cho những nhu cầu vật chất. Nhưng ta chỉ không chắc là Chúa có nhậm lời hay không mà thôi.
Thánh Tôma trích dẫn lời của Thánh Augustinô ở điểm này: “Kẻ chân thành cầu xin Thiên Chúa cho những nhu cầu đời này thôi, thì vừa được Chúa thương xót lắng nghe, vừa được Chúa thương xót không nhậm lời. Bởi người thầy thuốc thì biết rõ hơn người bệnh về những gì là tốt cho căn bệnh của họ.”
Bởi lẽ chính Chúa Giêsu cũng đã nói rõ: Cha trên trời biết rõ những gì là tốt nhất cho chúng ta. Thế nên, nếu cần thiết phải cầu xin cho những nhu cầu phần xác, quan trọng là ta phải phó thác cho Thiên Chúa quan phòng chứ đừng trông đợi xảy ra y như ý ta.
- Lời cầu xin phải có ích cho phần rỗi bản thân trước
Cho dẫu ta có thể làm tốt điều kiện trước thì lời nguyện của ta cũng có thể không được nhậm lời nếu ta cầu cho người khác. Thánh Tôma Aquinô cho biết là vì chúng ta không thể lập công để người khác được cứu rỗi. Điều này có nghĩa là: nếu ta xin nhu cầu vật chất cho người khác thì cũng có thể không được nhậm. Thánh Tôma khuyến khích chúng ta cầu nguyện cho nhau, nhưng là cho phần rỗi của nhau, để phần rỗi của ta được mưu ích trước tiên trong những lời cầu nguyện ấy.
- Lời cầu xin phải tôn kính ngoan đạo
Trong quyển Tổng Luận, Thánh Aquinô định nghĩa ngoan đạo là đầy tôn kính và tôn thờ Thiên Chúa. Ta có thể lấy sự tôn kính cha mẹ ông bà làm ví dụ.
Có lẽ chúng ta nghĩ rằng tôn kính ngoan đạo nghĩa là làm ra vẻ thật cung kính và trang trọng khi cầu nguyện. Thánh Tôma không ngừng lại ở đó. Ngài đòi hỏi chúng ta hãy làm việc thiện để lời cầu nguyện dễ được Chúa chấp nhận hơn.
Thánh Tôma lại trích dẫn lời Thánh Augustinô: “Sùng đạo thường được hiểu là sự tôn thờ đúng đắn với Thiên Chúa… Nói chung, từ này được dùng để nói về việc thiện, tôi cho rằng là do Thiên Chúa thúc giục làm hoặc Người tỏ ra vui lòng với những việc đó, hay cũng dùng từ này để nói về những hy sinh.”
- Cầu nguyện cách kiên trì
Lý do cuối cùng khiến lời cầu nguyện không được Chúa chấp nhận, theo Thánh Aquinô, đơn giản là vì ta ngừng cầu xin nữa.
Ngài cho biết: Có thể Thiên Chúa đã quyết định sẽ thực hiện điều đó vào lúc nào trễ hơn, nhưng kẻ cầu nguyện lại thiếu kiên nhẫn. Ở đây Thánh Tôma một lần nữa trích lời Thánh Augustinô: “Bởi vì nhiều điều không phải là bị từ chối, mà là được trì hoãn cho đến khi được ban ở thời điểm hữu ích nhất.”
Thánh Tôma Aquinô Tiến Sĩ tổng kết các điều kiện trên như thế này: “Do đó bốn điều kiện đã được đặt ra; chính là, phải cầu nguyện “cho bản thân – những điều hữu ích về phần rồi – cách ngoan đạo – và kiên trì”; khi thoả mãn cả 4 điều này, ta có quyền tin rằng không sớm thì muộn Thiên Chúa cũng sẽ ban cho ta thoả lòng.
Một số điều cần thiết khác
Sau 4 điều trên, Thánh Tôma kể thêm một vài điều kiện hay phẩm chất cần thiết khác khi cầu nguyện. Điều đầu tiên ngài đề cập là “tính hiệu quả” – “sức mạnh tạo ra một ảnh hưởng.” Nghĩa là, lời cầu nguyện phải sinh ra ảnh hưởng theo hai hướng, dựa trên mục tiêu mà lời cầu hướng tới, và cách nó hướng tới.
Thứ nhất, lời cầu nguyện phải sinh ra hiệu quả vì nó phát sinh từ lòng thiện và hướng tới thiện ích vĩnh cửu.
Thứ nhì, lời cầu nguyện hữu ích vì nó kêu xin Thiên Chúa ban ân sủng thần linh của Người.
Và vài đức tính khác cần nó khi ta cầu nguyện: “Đức tin là điều rất cần thiết khi ở trước Chúa để cầu khẩn Người; tức là ta phải tin rằng ta có thể có được điều ta ao ước khi tìm nơi Thiên Chúa. Khiêm nhường là điều cần đối với kẻ cầu nguyện, bởi vì kẻ ấy biết nhìn nhận sự thiếu thốn của mình. Thành kính cũng cần thiết: nó thuộc về lĩnh vực tôn giáo…”
Kết luận
Vậy những điều nhỏ kể thêm có liên quan thế nào đến 4 điều kiện lớn trên kia? Có thể nói là, lòng thiện, đức tin, khiêm tốn, tôn giáo và thành kính, cùng với ân sủng, là những điều cần thiết thêm chứ không phải là căn bản đối với một lời cầu nguyện. Nói cách khác, các điểm này chỉ để giúp cầu nguyện cách tốt hơn mà thôi.
Bốn điều kiện trên kia mới là căn bản. Và điều thứ bốn nói rõ với ta rằng: ta không thể biết chắc khi nào thì Thiên Chúa thật sự ban những gì ta xin.
Đây có thể là một an ủi, nhưng cũng là thử thách khó. Nhưng ta có thể được an ủi khi nhận ra đơn sơ rằng: cầu xin Đấng Tạo Hoá vũ trụ điều đúng cách đúng đắn thì sẽ được nhận. Hãy cầu nguyện cách đạo đức.
Theo Aleteia
Gioakim Nguyễn lược dịch