“Là một phần tử của một Hội Thánh Công Giáo và Tông Truyền… có nghĩa là quan tâm đến sự cứu rỗi của toàn thể nhân loại, không cảm thấy dửng dưng hoặc xa lạ với số phận của rất nhiều anh em mình, nhưng mở lòng và đoàn kết với họ…”
Dưới đây là bản dịch bài Giáo Lý của ĐTC Phanxicô được ban hành ngày 17 tháng 9 năm 2014 trong buổi Triều Yết Chung tại Quảng Trường Thánh Phêrô. Hôm nay ĐTC tiếp tục chu kỳ Giáo Lý mới về Hội Thánh. Ngài giải thích về Hội Thánh Công Giáo và Tông Truyền.
Anh chị em thân mến, chào anh chị em.
Tuần này chúng ta tiếp tục bàn về Hội Thánh. Khi tuyên xưng đức tin của mình, chúng ta khẳng định rằng Hội Thánh là “Công Giáo” và “Tông Truyền”. Nhưng ý nghĩa thực sự của hai từ này, hai đặc tính mà ai cũng biết đến của Hội Thánh, là gì? Và chúng có giá trị gì đối với các cộng đồng Kitô hữu và mỗi người chúng ta?
1. Công Giáo có nghĩa là phổ quát. Một định nghĩa đầy đủ và rõ ràng được một trong các Giáo Phụ của Hội Thánh, Thánh Cyrillô thành Giêrusalem,cung cấp khi ngài nói: “Hội Thánh chắc chắn là Công Giáo, nghĩa là phổ quát, bởi vì Hội Thánh đã lan tràn khắp nơi, từ đầu này cho đến đầu kia trái đất; và vì Hội Thánh dạy cách phổ quát và không sai lạc mọi chân lý mà con người có thể biết, cả về những sự trên trời và dưới đất” (Giáo Lý XVIII, 23).
Một dấu chỉ hiển nhiên về Công Giáo tính của Hội Thánh là Hội Thánh nói mọi thứ tiếng. Và điều này là không có gì khác hơn là hiệu quả của Lễ Hiện Xuống (Cv 2:1-13): thực ra, chính Chúa Thánh Thần đã ban cho các Tông Đồ và toàn thể Hội Thánh có khả năng để vang vọng Tin Mừng cứu độ và tình yêu của Thiên Chúa cho tất cả mọi người, cho đến tận cùng trái đất. Như thế, Hội Thánh được sinh ra là Công Giáo, là một “tấu khúc” ngay từ ban đầu, và chỉ có thể là Công Giáo và được tung ra để truyền giáo cùng gặp gỡ tất cả mọi người.
Lời Chúa hôm nay được đọc bằng tất cả mọi thứ tiếng, tất cả mọi người đều có sách Tin Mừng bằng ngôn ngữ của mình, để đọc. Và tôi trở lại với cùng một ý niệm: việc mang theo với mình một sách Tin Mừng nhỏ luôn luôn là điều tốt, mang nó trong túi hay bóp của của anh chị em và đọc một đoạn trong ngày. Điều này thật tốt cho chúng ta. Tin Mừng đã lan rộng bằng tất cả các ngôn ngữ bởi vì Hội Thánh, vì việc rao giảng Chúa Giêsu Kitô, Đấng Cứu Chuộc, trên toàn thế giới. Và vì lý do này mà chúng ta nói Hội Thánh là Công Giáo bởi nó phổ quát.
2. Nếu Hội Thánh được sinh ra là Công Giáo, thì có nghĩa là Hội Thánh được sinh “để đi ra”, được sinh ra để truyền giáo. Nếu các Tông Đồ đã chỉ ở trong Phòng Tiệc Ly đó, mà không đi ra để mang Tin Mừng, thì Hội Thánh chỉ là Hội Thánh của dân ấy, của thành phố phố ấy, trong phòng Tiệc Ly ấy. Nhưng tất cả các ngài đã đi ra để vào thế giới, kể từ lúc khai sinh của Hội Thánh, từ lúc Chúa Thánh Thần ngự xuống trên các ngài. Và vì thế mà Hội Thánh được sinh ra “để đi ra”, tức là để truyền giáo. Đó là điều mà chúng ta diễn tả bằng tĩnh từ Tông Truyền, vì các Tông Đồ là những người mang Tin Mừng về việc Phục Sinh của Chúa Giêsu. Thuật ngữ này nhắc nhở chúng ta rằng Hội Thánh, được xây trên nền tảng là các Tông Đồ và sự liên tục với các ngài – chính các Tông Đồ đã đi và đã thiết lập các Hội Thánh mới, đã hình thành các giám mục mới, và như thế trên khắp thế giới, trong sự liên tục.
Ngày nay tất cả chúng ta nối tiếp nhóm Tông Đồ ấy là những vị đã nhận được Chúa Thánh Thần và sau đó “đi ra” để rao giảng – được sai đi để mang đến cho tất cả mọi người lời loan báo Tin Mừng này, kèm theo các dấu chỉ của sự dịu hiền và quyền năng của Thiên Chúa. Điều này xuất phát từ Lễ Hiện Xuống: Thực ra, chính Chúa Thánh Thần thắng vượt mọi chống đối, thắng vượt cám dỗ khép kín nơi chính mình, trong số ít người được tuyển chọn, và được coi là những người duy nhất nhận được phúc lành của Thiên Chúa. Thí dụ, nếu một số Kitô hữu làm điều này và nói, “Chúng tôi là những người được tuyển chọn, chỉ có chúng tôi thôi” và cuối cùng họ chết. Chết trong linh hồn trước, sau đó sẽ chết trong thân xác vì họ không có sự sống, họ không có khả năng sinh ra sự sống, sinh ra những người khác: họ không phải là tông đồ. Và chính Chúa Thánh Thần dẫn chúng ta đến gặp gỡ anh em, ngay cả những người ở xa nhất theo mọi ý nghĩa, để họ có thể chia sẻ với chúng ta tình yêu, bình an và niềm vui mà Chúa Phục Sinh đã để lại cho chúng ta như một món quà.
3. Là một phần tử của một Hội Thánh Công Giáo và Tông Truyền có nghĩa gì đối với cộng đồng và mỗi người chúng ta? Trước hết, nó có nghĩa là quan tâm đến sự cứu rỗi của toàn thể nhân loại, không cảm thấy dửng dưng hoặc xa lạ với số phận của rất nhiều anh em mình, nhưng mở lòng và đoàn kết với họ. Nó cũng có nghĩa là có một cảm giác viên mãn, sự đầy đủ, sự hài hòa của đời sống Kitô hữu, luôn luôn gạt bỏ những lập trường thiên vị, một chiều, là những điều đóng kín chúng ta nơi chính mình.
Là một phần tử của Hội Thánh Tông Truyền có nghĩa là ý thức được rằng đức tin của mình được bám chặt vào lời loan báo và chứng từ của chính các Tông Đồ của Chúa Giêsu – được neo ở đó, thuộc về một chuỗi nối dài từ đó; và do đó luôn luôn cảm thấy được sai đi, cảm thấy có nhiệm vụ rao giảng Đức Kitô và tình yêu của Người cho tất cả nhân loại, với một tâm hồn tràn ngập niềm vui, trong sự hiệp thông với những người kế vị các Tông Đồ.
Và ở đây tôi muốn nhắc lại đời sống anh hùng của nhiều người, nhiều nhà truyền giáo, là những người đã từ bỏ quê hương để ra đi rao giảng Tin Mừng ở các nước khác nơi các châu lục khác. Một Đức Hồng Y người Ba Tây làm việc ở Amazon đã có lần nói với tôi rằng khi ngài đến một nơi, đến một quốc gia hay một thành phố của Amazon, ngài luôn luôn đến nghĩa trang để nhìn ngắm các ngôi mộ của các nhà truyền giáo, các linh mục, các thầy, các sơ là những người đã đi rao giảng Tin Mừng: các tông đồ. Và ngài nghĩ rằng, tất cả các vị ấy có thể được phong thánh ngay bây giờ vì đã từ bỏ tất cả để rao giảng Chúa Giêsu Kitô.
Chúng ta hãy tạ ơn Chúa vì Hội Thánh của chúng ta có quá nhiều nhà truyền giáo, có rất nhiều nhà truyền giáo và cần nhiều hơn nữa! Chúng ta hãy cảm tạ Chúa vì việc này. Có lẽ trong số rất nhiều người trẻ, con trai và con gái đang ở đây, có ai đó muốn trở thành một nhà truyền giáo: Hãy tiến tới! Và mang Tin Mừng của Chúa Giêsu là điều xinh đẹp. Hãy dũng cảm và can đảm!
Như vậy chúng ta hãy xin Chúa làm mới lại trong chúng ta hồng ân của Chúa Thánh Thần, ngõ hầu mỗi cộng đồng Kitô hữu và từng người đã được rửa tội là một biểu hiện của mẹ Hội Thánh Công Giáo và Tông Truyền.
Phaolô Phạm Xuân Khôi chuyển ngữ