12 lời khuyên để làm mới mình trong mùa Chay Thánh

Trong cuộc sống, chúng ta cũng giống như người mắc bệnh phong hủi trong Tin Mừng: chúng ta vẫn đang cần được chữa lành. Chúng ta tiến bước trong niềm tin và hy vọng rằng Chúa Giêsu, với ân sủng và lòng thương xót, sẽ chữa lành và biến đổi trái tim chúng ta. 12 lời khuyên hữu ích dưới đây có thể giúp mỗi Kitô hữu đổi mới bản thân và đến gần với Chúa Giêsu hơn trong Mùa Chay thánh này.

  1. THAY ĐỔI: MỘT NHIỆM VỤ “KHÓ NUỐT”

Đúng, thay đổi, nó rất khó. Nó không và không bao giờ nằm trong khả năng của chúng ta. Thay đổi có nghĩa là để cho một Ai đó dự phần vào cuộc sống của ta. Với nỗ lực cá nhân, chúng ta không thể làm được mà phải cần đến sự trợ giúp của chính Thiên Chúa. Chúng ta cần Ngài đồng hành và chữa lành. Không có ân sủng của Thiên Chúa, có cố gắng đến đâu, dù chỉ rất nhỏ, chúng ta cũng không thể thay đổi được. Ví như ở bệnh viện: bác sĩ (Chúa Giêsu) đến chữa lành cho người bị thương.

  1. THAY ĐỔI CÁI NHÌN CỦA CHÚNG TA VỀ MỌI SỰ

Chúng ta quen nhìn bản thân và thực tế với nhãn giới chủ quan và rất hạn hẹp. Khi nhìn mọi sự với tình yêu và hy vọng, chúng ta mới khám phá ra được những sự thật mà bằng những cách khác chúng ta khó lòng nhận ra. Vì vậy, hãy dâng lời nguyện xin Đức Mẹ Đồng Trinh Maria giúp chúng ta biết nhìn bằng đôi mắt đức tin trưởng thành như Mẹ. Sau cuộc khổ hình và cái chết của Con mình, khi ôm lấy Chúa Giêsu trên tay, Mẹ dường như thấy Đấng Phục Sinh. Thay đổi cái nhìn của chúng ta có nghĩa là học cách để thấy rằng chính giới hạn ấy cần đến sự cứu rỗi. Thật vậy, điều bất ngờ có thể xảy ra từ trong tuyệt vọng. Thiên Chúa có thể làm những điều còn tuyệt vời hơn nữa trong chúng ta nếu ta biết để sự mong manh của mình qua một bên và nhường chỗ cho sự hiện diện của Người.

  1. NHÌN MỌI SỰ VỚI TƯ CÁCH LÀ “CON YÊU DẤU” CỦA CHÚA

Nó không hề giống như khi nhìn cuộc sống từ góc độ của một đứa trẻ mồ côi. Hãy thử tưởng tượng sự khác biệt khi đứa trẻ ấy phải đối mặt với những khó khăn của cuộc sống, so với một đứa trẻ cùng làm nó với bố của mình. Chúng ta là những người con của Thiên Chúa, chúng ta lệ thuộc vào tình yêu của Ngài. Nếu chúng ta đã được dựng nên theo hình ảnh của Chúa Giêsu, thì chúng ta phải trở nên giống như Ngài, là con của Thiên Chúa, như chính Ngài là Con Thiên Chúa. Cuộc sống của chúng ta sẽ trở nên tự do hơn khi chúng ta ở trong mối tình con thảo ấy. Trong cuộc sống thường ngày, chúng ta phải luôn tự hỏi: Tôi đang nhìn gì vậy? … Sự xấu xa ở trong chúng ta và thế giới, hay sự hiện diện của Chúa Kitô?

  1. MẶC LẤY VẺ ĐẸP

Vẻ đẹp của Chúa Kitô lôi cuốn chúng ta hướng nhìn lên Ngài, điều này khiến ta không còn tập trung vào chính mình nữa. Một lần nữa, điều này liên quan đến cử chỉ sám hối và nhãn quan hướng ngoại trong Mùa Chay. Khi chúng ta cho phép mình ngạc nhiên trước một điều vượt trội lớn lao, chúng ta ngừng suy nghĩ về những chuyện xảy ra với chúng ta, những điều gì làm cho chúng ta buồn,… Vấn đề là đừng để cho các hoạt động hàng ngày ấy làm mất đi sự mở ra với ân sủng và hằng hà sa số tia sáng mà Chúa đặt để trong cuộc sống của chúng ta. Hãy nhìn vào tình yêu nhân loại: khi một chàng trai phải lòng một cô gái, vẻ đẹp của cô ấy làm anh say đắm và anh lãng quên một chút về bản thân mình. Tương tự như vậy, bất cứ ai yêu mến Chúa Kitô, họ đều sống trong sự suy ngẫm về vẻ đẹp của Ngài và định hướng lại cái nhìn của mình đối với bất cứ điều gì không phải từ Ngài.

  1. CHỦ ĐỘNG NHẬN RA NHỮNG KHO BÁU BẠN TÌM ĐƯỢC

Nói cách khác, chúng ta ý thức được Chúa Kitô là ai trong cuộc sống của mình, Ngài có ý nghĩa như thế nào trong đời sống của chúng ta. Hãy trở lại với giả dụ: Chúng ta đang bước đi trên đường đời thì bỗng nhiên ta tìm thấy một kho báu. Chúng ta bán tất cả những gì mình có và mua thuở ruộng ấy, bởi vì nó có giá trị hơn tất cả những gì chúng ta đang có. Việc thay đổi đồng nghĩa với khả năng nhìn thấy toàn bộ thực tại: mặc dù ta có thể có ít hiểu biết về nó, nhưng nó lại che khuất một kho báu vô giá có khả năng biến đổi tận căn chúng ta. Chính nó mới là giá trị thực sự ta cần có.

  1. SỐNG NGÀY HÔM NAY; CHỈ NGÀY HÔM NAY MỚI LÀ THẬT

Ma quỷ cám dỗ làm cho chúng ta mất tập trung vào những gì thực sự đang diễn ra. Hắn ngăn chúng ta nhìn vào hiện tại. Hắn dùng tội lỗi trong quá khứ hoặc những điều hão huyền trong tương lai để bủa vây chúng ta. Ngược lại, Thiên Chúa hành động trong thực tại và trong chính hiện tại của chúng ta. Không có gì thật hơn phút giây hiện tại. Chúng ta phải trưởng thành trong đức tin để nhận ra rằng, ngay cả khi hiện tại của chúng ta có vẻ tội lỗi, nếu chúng ta đánh mất niềm hy vọng, ngờ vực hoặc sự quên lãng, chúng ta có thể đã bỏ lỡ ân sủng Thiên Chúa ban xuống cho chúng ta.

“Khi chúng ta thức dậy mỗi sáng, bất kể chúng ta đang rơi vào tình trạng nào, dù khốn khó hay cùng cực nhất, luôn luôn có một điều gì đó tốt lành sắp xảy ra sau ánh bình minh” (Luigi Giussiani).

  1. CHẤP NHẬN CHÍNH MÌNH

Chúng ta là những khách bộ hành, sa mạc chào đón chúng ta, nhưng tiếng nói cuối cùng không thuộc về nó. Có lúc chúng ta chỉ thấy cát mà chẳng thấy chân trời ở đâu. Lúc khác, chúng ta bị tai tiếng vì sự yếu đuối hoặc khuyết điểm của mình. Mùa Chay là thế. Đó là sự thật, chúng ta vừa là những tội nhân cần đến ân sủng, vừa là con yêu dấu của Thiên Chúa. Ngài sống với chúng ta và cuộc sống của chúng ta phải mở ra cho sự thánh thiện và niềm hoan lạc.

  1. SỐNG TRÊN NHỮNG GIÁ TRỊ ĐÍCH THỰC

Hãy đưa ánh mắt hướng nhìn trở lại vào Chúa Kitô và nhớ rằng Ngài đang sống và đang hiện diện mặc dù có vẻ như Ngài vắng mặt hoặc khi mọi người dường như đã lãng quên Ngài. Hãy như ánh mắt của Mẹ Maria tìm cách hòa hợp với tâm khảm Con mình. Trong những lúc khó khăn hoặc ngay cả khi yên hàn, chúng ta nên tự hỏi: Điều tốt lành nào Chúa muốn tôi nhận được trong hoàn cảnh này? Hãy nhớ, trong mọi trạng huống, dù khó khăn đau khổ đến đâu đi chăng nữa, vẫn có Chúa Kitô Phục Sinh – sự kiện duy nhất và chân thật nhất – mang đến cho chúng ta một cuộc sống tràn đầy ý nghĩa và hy vọng.

  1. HỌC SỐNG VỚI THẤT BẠI

Hãy ôm lấy người tặng quà thay vì món quà. Hãy ôm lấy Thiên Chúa thay vì những gì chúng ta có trong tay. Đây chính xác là tinh thần cho đi của 40 ngày Chay thánh. Chúng ta hãy chấp nhận đến với Thiên Chúa bằng đôi bàn tay trắng, vì Người muốn đôi tay của chúng ta, không phải những đôi bàn tay đầy ứ vướng bận, mà chỉ là đôi tay trống rỗng của chúng ta. Là Kitô hữu, chúng ta xác tín rằng Thiên Chúa là Đấng mang đến chiến thắng khi chúng ta gặp thất bại; Ngài là Ánh Sáng chiếu soi khi bóng tối giăng đầy.

“Không một chiến binh thiêng liêng nào vinh dự hơn người đạt chiến thắng qua thất bại. Ngay lúc anh ta bị đòn chí mạng thì đối thủ đã ngã xuống, hắn tự giáng lấy đòn cuối cùng. Vì anh nhắm vào tình yêu nên tình yêu cũng nhắm vào anh. Và bằng cách để cho bản thân bị tấn công, tình yêu đã cho thấy rằng: nó là tình yêu đích thực” (Hans Urs von Balthasar).

  1. HÃY XÁC TÍN RẰNG THẬP GIÁ LÀ CÂY SỰ SỐNG

Là Kitô hữu, chúng ta được mời gọi vác lấy thập giá hằng ngày. Chúa Giêsu không bao giờ nói khác hơn. Thay vào đó, Ngài nhấn mạnh điều này nhiều lần. Thập giá đã, đang và sẽ luôn là con đường, là nơi, là cơ hội, là khí cụ ơn cứu độ của chúng ta. Chúng ta sẽ không phải là Kitô hữu nếu chúng ta cứ phàn nàn coi thập giá là chướng ngại trong cuộc sống của mình. Thiên Chúa, Đấng đã vác thập giá và bị thương tích vì tội lỗi chúng ta, đang ở trên thập tự. Người hiện diện nơi từng người đang vác chính thập giá của đời mình.

  1. NHẬN RA VỊ TRÍ CỦA BẠN TRONG GIÁO HỘI

Chúng ta là thành viên của Giáo hội. Chúng ta không nên chỉ tập trung vào bản thân mình, cũng như những gì xảy ra với chúng ta. Hãy là một Kitô hữu bước đi thanh thoát thay vì cố gắng tự thần thánh hóa mình. Chúng ta phải biết và trung thành với Giáo Hội mà Chúa đã đặt chúng ta vào vì hạnh phúc của chính chúng ta.

  1. SỐNG NIỀM HY VỌNG MÙA CHAY

Sống tâm tình mùa Chay (và hơn thế nữa) là mong mỏi Chúa thực hiện một điều kỳ diệu. Cuộc sống nhân loại đặc trưng bởi tính cần thiết của sự cứu rỗi. Không ai có thể ngăn được hoa nở vào mùa xuân, hay trấn tĩnh giông tố. Hãy tự hỏi rằng: Thất bại của tôi là gì? Vì chúng ta là hạt giống tốt sẽ trổ sinh sự sống mới nhờ ân sủng của Thiên Chúa. Ẩn đằng sau sự sa ngã của con người là bàn tay nắm lấy của Chúa Giêsu. Ngài đã tự hạ mình xuống để trong chính sự sa ngã đã xảy ra ấy, Ngài cứu lấy chúng ta, ngay trước ngưỡng cửa của sự chết đời đời.

Cuộc sống của chúng ta phải triển nở tương xứng với những gì chúng ta trông đợi, theo đúng niềm hy vọng của chúng ta.

Luisa Restrepo

Chuyển ngữ: Trần Thị Kim Yến & JM. Đỗ Thiên Thi
Trích từ:  catholic-link.org
Nguồn: giaophanhatinh.org (24.02.2024)