Từ ngày 24.02 đến ngày 29.02.2020 _ Phút lắng đọng Lời Chúa

24.02.2020

THỨ HAI TUẦN 7 THƯỜNG NIÊN

Mc 9,14-29

Lời Chúa:

“Người đáp: “Ôi thế hệ cứng lòng, không chịu tin! Tôi phải ở cùng các người cho đến bao giờ, còn phải chịu đựng các người cho đến bao giờ nữa? Đem nó lại đây cho tôi”. (Mc 9,19)

Câu chuyện minh họa:

Một tướng quân quyết định tấn công cho dù binh lính của mình chỉ bằng một phần mười quân địch. Ông quả quyết là sẽ thắng, nhưng binh lính của ông rất nghi ngờ.

Vì thế trên đường đi đến trận chiến, ông dừng lại ở một nhà thờ và cầu nguyện. Khi ông trở ra, ông nói: “Tôi sẽ tung một đồng tiền lên nếu nó ngửa chúng ta sẽ thắng. Nếu nó sấp, chúng ta sẽ thua. Vận mệnh bây giờ sẽ được tiết lộ nơi nó”.

Ông tung đồng tiền lên, nó ngửa. Những người lính rất hăm hở vào trận đấu và vì họ tin nên đã thắng dễ dàng.

Hôm sau, một sĩ quan có niềm tin mạnh mẽ nói với tướng quân: “Kết quả cho Ta thấy rằng không ai có thể thay đổi cánh tay vận mệnh”. Tướng quân trả lời: “Rất đúng”, và cho anh ta hay rằng đồng tiền có hai mặt ngửa.

Suy niệm:

Tin là điều kiện đầu tiên và thiết yếu cho những người muốn được hưởng phép lạ phải có. Nhưng tin không phải chỉ là chấp nhận một lần, rồi sau đó, đem cất kỹ vào trong một góc nào đó trong đời sống, để chờ khi nào cần đến thì mới đem ra. Không, Đức Tin là một thực thể sống động, nó luôn cần phải được làm mới, bằng phương cách cầu nguyện và ăn chay. Chính vì thế, các tông đồ không trừ được quỷ trong trường hợp này, vì các ông thiếu sự cầu nguyện và ăn chay.

Cầu nguyện và ăn chay, đó là phương cách làm cho Đức Tin của chúng ta luôn được tươi mới, mạnh mẽ; vì cầu nguyện chính là đi vào mối tâm giao với Chúa. Trong những giờ phút tâm giao đó, quyền năng của Thiên Chúa được thông ban cho chúng ta. Chính quyền năng đó sẽ giúp chúng ta chiến thắng sự dữ.

Lạy Chúa, xin củng cố đức tin cho chúng con và xin cho đức tin của chúng con ngày một mạnh mẽ hơn nhờ ăn chay và cầu nguyện.

25.02.2020

THỨ BA TUẦN 7 THƯỜNG NIÊN

Mc 9,30-37

Lời Chúa:

“Đức Giê-su ngồi xuống, gọi Nhóm Mười Hai lại mà nói: “Ai muốn làm người đứng đầu, thì phải làm người rốt hết, và làm người phục vụ mọi người”. (Mc 9,35)

Câu chuyện minh họa:

Người Hi lạp có một câu chuyện về một người ở Sparta tên gọi Paedaretos. Người ta chọn và bầu ra 300 người để cai trị xứ Sparta, Paedaretos là một ứng cử viên. Khi danh sách những người trúng cử được công bố, không có tên ông. Một bạn thân của ông ta nói “Tiếc thật, người ta đã không bầu cho anh, thiên hạ không biết nếu bầu cho anh, anh sẽ là một chính khách lỗi lạc đến thế nào”. Nhưng Paedatores thản nhiên đáp “trái lại, tôi rất vui vì trong xứ Sparta này còn có 300 người có tài, có đức hơn tôi”. Đây là một người đã đi vào truyền thuyết vì sẵn sàng nhường cho kẻ khác ngôi vị hàng đầu mà không hề tỏ ra cay đắng.

Suy niệm:

Điều làm vinh quang Thiên Chúa không gì bằng sống đúng với bổn phận của mình, và hoàn thành nhiệm vụ của mình cách khiêm tốn. Thiên Chúa không đòi chúng ta thành công, nhưng Ngài mong muốn nơi chúng ta sự cố gắng và luôn tin tưởng vào Chúa.

Trong xã hội, người ta luôn coi trọng địa vị, danh tiếng, luôn muốn được người khác phục vụ chứ hiếm khi người ta tự hạ mình để phục vụ người khác. Nhưng đối với Chúa Giêsu thì khác, Ngài đến với con người để phục vụ và hiến mạng sống mình vì nhân loại. Ngài cũng muốn những môn đệ của Ngài cũng phải biết phục vụ người khác, lội ngược dòng đời, để mở mang nước Chúa. Đó mới là những kẻ lớn nhất trong nước trời.

Lạy Chúa, xin cho chúng con can đảm bước theo chân Chúa trên con đường mà Chúa đã đi, để mỗi ngày chúng con làm vinh danh Chúa hơn và trở nên giống Chúa nhiều hơn.

26.02.2020

THỨ TƯ LỄ TRO

Mt 6,1-6.16-18

Lời Chúa:

“Khi làm việc lành phúc đức, anh em phải coi chừng, chớ có phô trương cho thiên hạ thấy”. (Mt 6,1)

Câu chuyện minh họa:

Guido Fontgalland, nổi tiếng thế giới vì có một cuộc sống đơn sơ và đầy tình yêu cao thượng đã bay về trời vào năm 1925 khi mới 22 tuổi.

Từ lúc lên 5, mỗi lần bố thí cho người nghèo, Giudo luôn bắt tay họ.

Có người hỏi lý do của cử chỉ này, ông đã trả lời rằng: “Tôi muốn cho người nghèo một chút gì của chính tôi. Tiền của thuộc về ba má tôi, nhưng bắt tay là thuộc về tôi. Tôi thấy rằng những người nghèo rất thích được bắt tay như vậy.”

Suy niệm:

          Nhiều người làm việc chỉ để kể công, khoe mình, tô danh… nhưng Guido Fontgalland muốn mang đến cho người nghèo chính sự đồng cảm và yêu thương họ.

Hôm nay Chúa Giêsu dạy các môn đệ và cũng chính là dạy mỗi người chúng ta về lòng đạo đức: đừng phô trương. Ngài đưa ra những việc cần làm: cầu nguyện, ăn chay, và bố thí với ý hướng vì lòng yêu mến. Ngài đưa ra những hình ảnh của bọn giả hình chỉ biết chú trọng đến hình thức bên ngoài cốt để người ta biết đến, làm như thế không khác gì những kẻ lừa gạt người khác.

Việc đạo đức rất tốt, có lợi cho bản thân và người khác nhưng điều đó còn phải dựa trên cách thức thực hiện nữa. Chúng ta là những môn đệ của Chúa, chúng ta phải thực hiện như thế nào để không bị Chúa coi là giả hình, vì Chúa biết rất rõ những việc chúng ta làm, Ngài sẽ thưởng công cho chúng ta trong ngày sau hết.

Lạy Chúa, xin cho chúng con biết mặc lấy tâm tình của Chúa để những việc làm, và suy nghĩ của chúng con đều đẹp lòng Chúa và mang lại lợi ích cho tha nhân.

27.02.2020

THỨ NĂM SAU LỄ TRO

Lc 9,22-25

Lời Chúa:

“Ai muốn theo tôi, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình hằng ngày mà theo”. (Lc 9,23)

Câu chuyện minh họa:

Một hôm, Chúa Giêsu hiện ra cho hai trong số các môn đệ của Ngài, đưa họ đến đầu một đường rồi trao cho mỗi người một cây thánh giá giống nhau và nói: “Mỗi người các con hãy vác thánh giá này và đi đến cuối đường trước mặt, Thầy sẽ đợi các con ở đó “. Nói xong, Chúa biến đi. Và hai môn đệ bắt đầu vác lấy thánh giá của mình.

Người thứ nhất xem ra vác nhẹ nhàng, chân rảo bước mỗi lúc một nhanh. Nội trong ngày, anh đã đến cuối đường và vui mừng gặp Chúa Giêsu đã đứng chờ sẵn ở đó.

Còn người thứ hai thì mãi chiều hôm sau mới đi hết con đường, xem ra anh mệt mỏi, không còn vác, nhưng kéo lê thánh giá mỗi lúc một nặng thêm, làm anh gần kiệt sức. Vừa gặp Ngài, anh phàn nàn ngay:

– Chúa đối xử bất công quá, Chúa cho con cây thánh giá nặng, còn anh kia Chúa cho thánh giá nhẹ, nên anh đã đến trước con lâu như vậy.

Gương mặt vui tươi của Chúa bỗng trở nên nghiêm nghị, Ngài nói:

“Này con, Ta không đối xử bất công đâu, hai cây thánh giá giống nhau và nặng như nhau. Con đừng trách thánh giá nặng nhẹ, nó trở nên nặng là vì tâm hồn con ngay từ đầu và trong suốt quãng đường Ta đã chỉ, con luôn than phiền và càng than phiền thì thánh giá càng trở nên nặng nề. Người bạn đồng hành của con đến trước vì tâm hồn lúc nào cũng tràn đầy yêu thương.

Suy niệm:

Nếu chúng ta mang nơi mình tình yêu thì cuộc đời sẽ trở nên nhẹ nhàng. Cây thánh giá Chúa trao cho mỗi người cũng vậy, nếu chúng ta vác với tất cả tình yêu, thánh giá ấy sẽ là động lực giúp chúng ta đi tới. Để có được tình yêu, đòi hỏi mỗi người chúng ta phải từ bỏ: những ý riêng, những thói xấu, quên bản thân mình…

Sự từ bỏ mình thật sự rất khó nếu chúng ta không mở lòng ra với tha nhân, không tha thứ, nhịn nhục và yêu thương. Vì thế chúng ta cần phải nhờ đến ơn Chúa. Và thập giá của mỗi người vác không gì khác là những cuộc chiến chống lại khuynh hướng xấu của bản thân mình.

Trong mùa chay thánh, Chúa Giêsu muốn mỗi người chúng ta nhìn lại bản thân mình để dứt khoát với tính hư nết xấu, chạy đến với Chúa xin ơn chữa lành, thực hành Lời Chúa dạy, để mỗi ngày chúng ta gần Chúa hơn và trở nên đồng hình đồng dạng với Chúa hơn.

Lạy Chúa, xin cho chúng con biết lấy Lời Chúa làm kim chỉ nam cho đời sống đức tin của chúng con và chạy đến với Chúa mỗi ngày một gần hơn để được Người dạy dỗ.

28.02.2020

THỨ SÁU SAU LỄ TRO

Mt 9,14-15

Lời Chúa:

“Chẳng lẽ khách dự tiệc cưới lại có thể than khóc, khi chàng rể còn ở với họ?.” (Mt 9,15)

Câu chuyện minh họa:

Tại Ấn Độ, có một người vì theo đạo Chúa mà bị cha mẹ và anh em đánh đập tàn nhẫn rồi đuổi ra khỏi nhà. Anh đến cùng họ hàng thân thích, nhưng cũng bị khinh chê và ghét bỏ. Dầu gặp hoàn cảnh đó, anh cứ vững lòng theo Chúa, miệng luôn tươi cười tôn vinh Chúa, không lộ chút gì buồn bã. Nhiều người thấy lạ hỏi “Tại sao ông lại có thể chịu đựng nỗi khổ lớn lao đến thế?” Ông trả lời với vẻ ngạc nhiên: “Thật là lạ, nhiều người chỉ biết hỏi tại sao tôi chịu đựng nổi đau khổ lớn lao, mà chẳng ai hỏi tôi tại sao tôi lại có sự vui mừng bình an hoan lạc như thế.” Người khách có vẻ ngạc nhiên hỏi tại sao tin Chúa lại có sự vui mừng; anh đáp: “Tôi có ba sự vui mừng lớn”. Anh chỉ tay lên trời, “thứ nhất, tôi có Chúa Giêsu ở trên trời”. Rồi chỉ tay vào quyển Kinh Thánh, anh nói tiếp, “thứ hai, tôi có Chúa Giêsu ở trong cuốn sách này”. Đoạn lấy tay chỉ vào mình anh nói, “thứ ba, tôi có Chúa Giêsu ngự trị và làm chủ đời sống tôi. Vì lẽ đó tôi luôn vui thỏa đến nỗi không thể nào buồn được.”

Suy niệm:

Gương sáng của người Kitô hữu cũng là tấm gương giúp nhiều người trở về với Chúa. Việc giữ luật cũng giúp cho mỗi Kitô hữu trở nên tốt hơn, nhưng chúng ta phải giữ như thế nào và cách thức ra sao nữa, chứ không phải giữ theo mặt chữ mà thôi.

Đám cưới là chuyện vui của người Do Thái, tiệc tùng tưng bừng, trong thời gian đó những người thân hữu của cô dâu chú rễ cũng tham dự trong dịp vui trọng đại này. Đành rằng, việc giữ chay quan trọng trong luật Do Thái nhưng Chúa Giêsu bảo Ngài là niềm vui, là chàng rễ còn chúng ta là những thân hữu của Ngài.

Cuộc sống trần gian này không có niềm vui nào vĩnh cửu và bền vững cả và cũng không có nỗi buồn nào tột cùng. Nhưng điều chúng ta biết rõ là chúng ta không thể nào không gặp những thử thách trong cuộc đời, những gian nan, nước mắt và mồ hôi. Chính Chúa Giêsu đã đi qua con đường thập giá, và ở cuối con đường ấy là sự vinh quang phục sinh. Vì thế chúng ta hãy tin tưởng vào Chúa, chúng ta sẽ gặp Chúa ở cuối con đường, con đường của sự sống và hy vọng.

Lạy Chúa, xin giúp chúng con can đảm bước theo Chúa trên con đường Ngài đã đi, dù đó là con đường của khổ giá, lăng nhục, bị bỏ rơi… nhưng Chúa sẽ giang tay chờ đón chúng con ở cuối con đường.

29.02.2020

THỨ BẢY SAU LỄ TRO

Lc 5,27-32

Lời Chúa:

“Tôi không đến để kêu gọi người công chính, mà để kêu gọi người tội lỗi sám hối ăn năn.” (Lc 5,32)

Câu chuyện minh họa:

Nhà truyền giáo giảng đạo giữa rừng già Phi châu, dưới ánh trăng đêm và trong hoang lạnh của núi rừng. Ngài kể về đời sống và các phép lạ của Chúa Giêsu, cuối cùng là cái chết trên Thập giá.

Ngồi trước bục giảng là viên tù trưởng. Ông chăm chú nghe lời nhà truyền giáo. Khi Ngài tả việc Chúa Giêsu bị đóng đinh trên Thập giá, vị tù trưởng bỗng dưng đứng phắt dậy nói: “Ngừng lại! Hãy đem Ngài xuống khỏi Thập giá! Tôi mới là người đáng phải đóng đinh trên đó chứ không phải là Ngài.!” Vị tù trưởng nghĩ rằng mình mới là tội nhân, còn Chúa Giêsu vô tội.

Suy niệm:

Chúa Giêsu biết rất rõ về ông Lêvi, và những người khác lại xa lánh ông, xem ông là người tội lỗi, nhưng Chúa Giêsu lại khác, Ngài nhìn tận bên trong tâm hồn ông và thấy rằng ông là người bệnh cần được chữa lành. Chính cách xử sự của Chúa Giêsu đã cứu chữa được một con người và ông trở thành người phục vụ Chúa cách đắc lực. Hôm nay Chúa muốn mỗi người chúng ta nhận ra bản thân mình chính là những bệnh nhân đang cần thầy thuốc là Chúa Giêsu, hơn là những người chỉ biết nhìn người khác để lên án.

Chúa Giêsu cho ông Lêvi cơ hội để tuyên xưng đức tin của mình, và Chúa cũng cho mỗi người chúng ta cơ hội để nhìn nhận tội lỗi và xin ơn chữa lành. Vì thế chúng ta hãy chạy đến với lòng thương xót của Chúa để được xoa dịu và được Chúa ôm trọn vào lòng.

Lạy Chúa, xin cho chúng con biết nhìn anh chị em lầm lỗi với cái nhìn đáng thương hơn là bị khinh chê và giúp họ quay về với Chúa.

Têrêsa Mai An

Gp. Mỹ Tho