Từ ngày 03.10 đến ngày 08.10.2022 _ Phút lắng đọng Lời Chúa

03.10.2022

THỨ HAI TUẦN XXVII THƯỜNG NIÊN

Lc 10,25-37

Lời Chúa:

“Thưa Thầy, tôi phải làm gì để được sự sống đời đời làm gia nghiệp.” (Lc 10,25)

Câu chuyện minh họa:

Truyện ngụ ngôn người Tầu có thuật lại rằng:

Có một cậu bé tên là CHI CHANG, một hôm, bị lạc vào rừng. Cậu đi, đi mãi, không còn biết lối ra. Chiều đến, cậu mệt nhoài, nên ngồi nghỉ dưới một gốc cây cổ thụ cao lớn. Ngước mắt lên, cậu nhìn thấy ở đàng xa giữa cái vườn hoang có một túp lều nho nhỏ tư bề vắng lặng, không một tiếng gà cục tác, không một tiếng chó sủa… bị thúc đẩy bởi tính tò mò và lòng ham thích mạo hiểm, cậu bé tiến về phía túp lều bỏ hoang.

Nhìn qua khe cửa, cậu bé thấy một cụ già nằm dài trên một cái chõng, bộ râu trắng toát. Cậu bé bỗng giật mình nghe tiếng cụ già bảo:

– Hãy bước vào cháu ơi, đừng sợ! Cụ đã nghe tiếng bước chân của cháu từ xa hàng cây số.

Chi Chang đẩy cửa bước vào và đứng bên giường cụ già và hỏi:

– Làm sao cụ có thể nghe tiếng chân của cháu và biết cháu từ xa tới đây được?

– Cháu biết không -cụ già âu yếm trả lời-, khi một người già yếu như cụ suốt ngày chỉ mong đợi có ai ở gần bên cạnh; thì tất nhiên cả niềm ước muốn đó sẽ dồn hết vào tai, và tai trở nên thính gấp bội, có thể nghe tiếng từ xa vọng lại. Cụ nói với cháu một điều này nhé, cháu đừng ngạc nhiên: cho đến nay, cụ đã sống rất nhiều năm, mắt đã từng xem thấy nhiều điều, cụ đã từng hoạt động không ngừng, đã từng giao chiến quyết liệt. Giờ đây, cụ chỉ còn nhớ nhung và chỉ ước vọng một điều duy nhất, đó là được nhìn thấy lại nụ cười của một trẻ thơ. Cháu có thể tặng cho cụ một nụ cười trước khi cụ nhắm mắt lìa trần được không?

Chi Chang sung sướng nở một cụ cười thật tươi, và hơn thế nữa, cậu bé giang tay ôm ghì lấy cụ già, tặng cho cụ một cái hôn thật âu yếm trên vầng trán nhăn nheo vì tháng năm. Rồi cụ già nhắm mắt thiếp đi, như thể để thưởng thức tình âu yếm của một cậu bé ngoan ngoãn, tốt bụng.

Suy niệm:

Khi một người chung thủy thì họ làm hết lòng vì người mình yêu, không mỏi mệt, không tính toán cũng không than trách. Người Samaritanô tuy bận rộn, và cũng không biết nạn nhân ấy là ai, thế mà ông đã hết lòng lo lắng cho nạn nhân mà ông ta gặp trên đường. Ông làm một công việc với trái tim yêu thương thật sự. Tư tế và thầy Lêvi cũng đi trên con đường đó nhưng đã rẻ hướng khác để tránh sự cho đi của lòng nhân hậu, trái tim yêu thương và sự nhạy bén. Nên ông đã không tiếp cận với những đòi hỏi của Tin mừng. Qua đó, Chúa muốn mỗi người hãy học gương của người Samaritanô nhân hậu, biết trao ban tình thương và mang theo trái tim quả cảm của Chúa Giêsu.

Lạy Chúa, xin cho con biết chạnh lòng thương trước những nhu cầu của anh chị em con, để biết lắng nghe và giúp đỡ những ai cần đến con.

 

 

 

 

 

04.10.2022

THỨ BA TUẦN XXVII THƯỜNG NIÊN

Thánh Phanxicô Assisi

Lc 10,38-42

 

Lời Chúa:

“Chỉ có một chuyện cần thiết mà thôi. Maria đã đã chọn phần tốt nhất và sẽ không bị lấy đi.” (Lc 10,42)

Câu chuyện minh họa:

Một giáo sư đang trong giờ giảng về cách quản lý thời gian. Ông đặt vài thứ trước mặt. Đầu tiên, ông lấy một cái bình to và bắt đầu cho vào đó những quả bóng chơi golf. Sau đó, ông hỏi các sinh viên: “Theo các bạn, bình đã đầy chưa?”. “Rồi ạ!”, các sinh viên trả lời.

Giáo sư lại lấy ra một hộp đựng đầy bi và đổ vào bình. Rồi lắc lên cho bi rơi lấp vào khoảng trống giữa những quả bóng. Ông lại hỏi lần nữa và các sinh viên, lần này có vẻ ngập ngừng hơn, trả lời: “Có lẽ là rồi ạ.”

Lần này, vị giáo sư lấy ra một xô cát, và cũng đổ vào bình. Tất nhiên, cát lấp đầy các khe hở. Ông hỏi lại và các sinh viên lần này đồng thanh: “Rồi ạ!”

“Hãy xem này, “giáo sư nói và lấy ra hai lon bia, đổ vào bình. Bia tràn vào giữa những hạt cát.

“Bây giờ,” giáo sư nói, “tôi muốn các bạn hãy tưởng tượng cái bình này như cuộc đời của mình.

Bóng golf tượng trưng cho những điều quan trọng – gia đình, con cái, sức khoẻ, bạn bè, đam mê – những điều mà nếu mọi thứ khác mất đi, thì chỉ mình chúng vẫn có thể làm cuộc sống của bạn đầy đủ.

Những viên bi là thứ khác, nhỏ nhặt hơn – nghề nghiệp, nhà cửa, ôtô. Còn cát là những gì vặt vãnh còn lại.”

“Nếu các bạn cho cát vào trước”, giáo sư tiếp tục, “sẽ không còn chỗ cho bi và bóng golf nữa. Cuộc đời cũng vậy. Nếu dành tất cả thời gian và năng lượng cho những việc vặt vãnh, bạn sẽ không bao giờ làm được những điều quan trọng.

Hãy ưu tiên làm những việc thực sự cần thiết trước. Dành thời gian cho con cái, kiểm tra sức khỏe, đi ăn với gia đình, làm những việc mình thích. Sau khi đã làm tất cả những điều đó, chắc chắn bạn vẫn còn thời gian cho những thứ nhỏ nhặt như lau dọn nhà cửa, sửa chữa đồ đạc. Vì thế, hãy luôn ưu tiên những quả bóng, và đặt chúng vào bình trước tiên.”

Khi người thầy dừng lại, lớp học vẫn im lặng một hồi. Bỗng có cánh tay giơ lên, và một sinh viên hỏi: “Thưa giáo sư, vậy bia tượng trưng cho cái gì?”

Giáo sư mỉm cười hài lòng, “Một câu hỏi hay. Bia, tôi chỉ muốn nói với các bạn rằng, ngay cả khi các bạn thấy cuộc sống của mình đã quá bận rộn và đầy đủ thì, vẫn luôn còn thời gian cho một chầu bia!”

Khi thấy mình có quá nhiều việc phải giải quyết, và 24 giờ mỗi ngày là không đủ, thì bạn hãy nghĩ đến chiếc bình này, đặt những quả bóng vào trước. Và… đừng quên nghỉ ngơi!

Suy niệm:

Trong cuộc sống có quá nhiều việc, làm cho chúng ta không nhận ra đâu là điều quan trọng nhất. Chúng ta chỉ nghĩ làm sao cho mình được no ấm hằng ngày là đủ, không màng đến điều gì nữa. Nhưng chúng ta quên rằng “Có một điều cần thiết mà thôi” mà đôi khi chúng ta không nhận ra, đó là tìm kiếm Chúa. Để được như vậy, chúng ta cần dành cho Chúa thời gian trong ngày sống của mình để sống thân tình với Chúa, nhờ đó chúng ta sẽ sống trọn vẹn hơn ơn gọi Kitô hữu của mình.

Lạy Chúa, xin cho con biết ở lại trong Chúa vì nơi Chúa con được kín múc nguồn sức sống vô biên.

 

 

 

 

 

05.10.2022

THỨ TƯ TUẦN XXVII THƯỜNG NIÊN

Lc 11,1-4

 

Lời Chúa:

“Thưa Thầy, xin dạy chúng con cầu nguyện.” (Lc 11,1)

Câu chuyện minh họa:

Ngày kia khi cỡi ngựa đi ngang qua một ngôi làng, thánh Benardo giúp một nông dân đang đi bộ trên đường. Thấy ngài, người nông dân nói:

– Ông đã chọn một nghề thật an nhàn. Tại sao tôi lại không trở nên một người tối ngày chỉ biết cầu nguyện để cũng có một con ngựa để cỡi?

Nghe nói vậy, thánh Benardo bình tĩnh hỏi:

– Thế anh tưởng cầu nguyện dễ lắm sao? Này, tôi đánh cuộc với anh, nếu anh đọc được một kinh lạy cha từ đầu đến cuối mà không lo ra, tôi sẽ tặng anh con ngựa này.

Người nông dân tỏ vẻ ngạc nhiên đến tột độ, và hỏi:

– Thật không?

Thấy thánh Benardo gật đầu tái xác nhận lời hứa, người nông dân vội vàng nhắm mắt chắp tay đọc to:

– Lạy cha chúng con ở trên trời, chúng con nguyện danh Cha cả sáng, nước Cha trị đến…

Vừa đọc đến đây, bỗng anh ta chia trí, ngừng lại và hỏi:

Vậy là tôi có thể lấy cả yên ngựa và dây cương nữa chứ?

Chẳng có ngựa cũng chẳng có cương cho anh, anh chia trí rồi  đấy!

Suy niệm:

Các môn đệ thấy Chúa Giêsu cầu nguyện, các ông cũng muốn biết cầu nguyện thế nào nên xin Chúa dạy cho các ông cầu nguyện. Và cũng có thể các ông thấy cầu nguyện là việc thiết yếu trong cuộc sống. Chúa đã đáp ứng lời yêu cầu của các ông và dạy cho các ông cầu nguyện với Thiên Chúa là Cha. Ngài mạc khải cho các ông Thiên Chúa rất gần với con người chứ không như một quan tòa, và chúng ta được gọi Chúa là Cha như một người con gọi Cha của mình vậy. Chính việc gọi Chúa là Cha cũng cho chúng ta nhận ra một mối tương quan giữa con người với nhau là anh em.

Qua mẫu kinh Chúa dạy, cho chúng ta biết rằng việc cầu nguyện cần phải quy hướng về Thiên Chúa trước khi xin những nhu cầu của con người. Vì thế, việc cầu nguyện là để tôn thờ Chúa chứ không phải để xin ơn này ơn nọ cho bản thân mình. Khi chúng ta làm tròn bổn phận tôn thờ Thiên Chúa thì chúng ta sẽ thấy vui và hạnh phúc để vâng phục thánh ý Chúa.

Lạy Chúa, giữa một xã hội đầy cám dỗ, xin cho con biết năng đến với Chúa để ý thức sự yếu đuối của bản thân mà cậy trông vào ơn Chúa.

06.10.2022

THỨ NĂM TUẦN XXVII THƯỜNG NIÊN

Lc 11,5-13

 

Lời Chúa:

“Hễ ai xin thì nhận được, ai tìm thì thấy, ai gõ cửa thì sẽ mở cho”. (Lc 11,10)

Câu chuyện minh họa:

Nhà thần bí Hồi giáo tên là Farid, đến kinh đô Delhi để xin hoàng đế Akbar ban cho dân làng một ân huệ. Farid đến cung điện và gặp lúc Akbar đang đắm mình cầu nguyện.

Khi hoàng đế cầu nguyện xong, Farid hỏi: “Nhà vua vừa cầu nguyện như thế nào?”

Nhà vua đáp: “Ta cầu xin Đấng nhân từ ban cho ta sự thành công, giàu có và được sống lâu.

Vừa nghe xong, Farid liền quay lưng lại và bỏ đi. Vừa đi ông vừa nói: “Ta đến gặp một vị vua. Thế mà ta lại gặp một kẻ ăn xin, không khác gì những hạng người khác!”.

Suy niệm:

Theo lẽ thường, chúng ta chỉ biết cầu nguyện là cầu xin cho mình được điều này điều nọ hay liệt kê một số ước muốn. Nhưng chúng ta quên rằng chúng ta là con cái Chúa, chúng ta có bổn phận thờ lạy và tôn vinh danh Chúa, chứ không phải bắt Chúa phải đáp ứng những đòi hỏi của con người. Khi cầu nguyện, chúng ta thường rơi vào tình trạng chán nản khi cầu xin mà không được nhận lời. Những lúc ấy chúng ta cần kiên nhẫn hơn thay vì chán nản, có khi những điều chúng ta cầu xin không mang lại lợi ích cho phần rỗi linh hồn hay những điều chúng ta cầu xin chưa tới lúc Chúa thực hiện. Vì thế, chúng ta cần kiên trì và trung thành trong việc cầu nguyện và tin chắc rằng Chúa sẽ không bỏ rơi những con cái của Ngài bao giờ.

Lạy Chúa, xin cho con vững tin vào tình yêu của Ngài vì Ngài biết rõ con cái Ngài đang cần gì.

 

 

 

 

 

07.10.2022

THỨ SÁU TUẦN XXVII THƯỜNG NIÊN

Đức Mẹ Mân Côi

Lc 11,15-26

 

Lời Chúa:

“Thưa bà Ma-ri-a, xin đừng sợ, vì bà đẹp lòng Thiên Chúa.” (Lc 1,30)

Câu chuyện minh họa:

Năm 1507, ông Valentinô bị một bọn cướp bắt cóc để tống tiền. Chúng đã xiềng chân và khóa tay ông, rồi giam ông trong một ngọn tháp cao, tối tăm, bẩn thỉu và hôi hám. Trong hoàn cảnh bi đát ấy, ông và gia đình vẫn tin tưởng và lần hạt kính Đức Mẹ. Rồi một lần kia, khi đã cầu nguyện xong, ông vô cùng bỡ ngỡ vì bỗng thấy xiềng xích đều mở ra. Tay chân được thong dong, ông bắt đầu lần mò trong bóng tối, gõ khắp lượt vào tường tháp, đến một chỗ ông nghe bục bục và ọp ẹp. Ông đẩy mạnh và viên đá nhúc nhích. Ông vội cậy viên đá để tìm lối thoát thân và thế là ông chạy trốn được bình an vô sự. Phải chăng Đức Mẹ đã cứu chữa ông và ban xuống cho gia đình ông niềm an ủi.

Suy niệm:

Kinh Mân Côi bắt nguồn từ Kinh Thánh qua lời chào của sứ thần Gabriel và của bà Elisabet. Quả vậy, Kinh Mân Côi là một bản tóm lược Tin Mừng về cuộc đời Chúa Cứu Thế, trong đó Đức Mẹ là Đấng cộng tác đắc lực với Chúa qua Lời thưa “Xin vâng”.

Ngày nay, lời kinh Mân Côi đã trở nên việc làm đạo đức của người Kitô hữu. Chúng ta đã đọc như thế nào? Phải chăng chúng ta đọc thật nhiều kinh, nhiều giờ… Điều đó đúng nhưng chưa đủ. Chúng ta đọc với tất cả tấm lòng yêu mến, suy gẫm mầu nhiệm Kinh Mân Côi, sống và thực hành mầu nhiệm ấy trong cuộc sống hằng ngày. Có như thế, lời kinh Mân Côi mới thực sự sống động, cuộc sống của chúng ta trở nên những bông hoa tươi đẹp dâng lên Mẹ.

Tràng chuỗi Mân Côi là khí giới giúp chúng con chiến thắng ma quỷ, xin Mẹ giúp mỗi người chúng con siêng năng đến với Mẹ qua tràng Chuỗi Mân Côi, để nhờ đó chúng con được Mẹ thương nâng đỡ và dẫn chúng con đến với Chúa.

 

 

 

 

 

08.10.2022

THỨ BẢY TUẦN XXVII THƯỜNG NIÊN

Lc 11,27-28

 

Lời Chúa:

“Phúc thay kẻ lắng nghe và tuân giữ lời Thiên Chúa”. (Lc 11,28)

Câu chuyện minh họa:

Mr.Thomas là một chủ nông trại giàu có. Ông và vợ mình đối xử rất thân thiện với mọi người nên ai cũng yêu mến họ cả.

Một hôm ông thấy vợ mình, bà Thomas sai người giúp việc đến cuối làng, nhà bà John – một tá điền của ông – để mượn một cái bào rau củ. Sau khi người này đi khỏi, ông hỏi vợ:

– Anh không nghĩ rằng nhà ta lại không có một cái bào hay không đủ khả năng mua mà em lại sai người đi mượn cho thêm phiền phức như thế.

Bà Thomas từ tốn trả lời:

– Đây, anh xem, cái bào của nhà ta vẫn còn rất tốt. Em biết mọi người ở vùng này đều yêu quí chúng ta vì chúng ta đem lại nhiều vật chất cho họ hơn các ông chủ khác; nhưng em không muốn như vậy. Em muốn được yêu mến bằng một thứ tình cảm cao hơn, tình làng xóm. Mà điều đó chỉ có thể khi nào chúng ta và họ không có khoảng cách giữa chủ và tớ, giữa giàu và nghèo. Như vậy chuyện cái bào rau củ chỉ là cái cớ để anh và em đến gần với mọi người hơn mà thôi.

Suy niệm:

Trong cuộc sống người ta thường coi trọng tình cảm huyết thống. Điều đó thật đúng vì từ nơi gia đình chúng ta cảm nhận được tình thương và sự chia sẻ. Nhưng Chúa Giêsu muốn chúng ta đi xa hơn, Người muốn chúng ta thuộc về gia đình của Chúa trong đức tin.

Sống là đi tìm hạnh phúc, thế nhưng Chúa muốn mỗi người chúng ta đi tìm một thứ hạnh phúc vĩnh cửu đó là hạnh phúc được ơn đức tin. Chúa Giêsu coi trọng liên hệ đức tin hơn huyết thống. Dù vậy, Chúa Giêsu không phủ nhận hạnh phúc làm mẹ của Đức Maria. Nhưng nếu làm mẹ Thiên Chúa là hạnh phúc duy nhất thì chỉ một mình Đức Mẹ được hạnh phúc mà thôi. Còn hạnh phúc của những ai tin và giữ lời Thiên Chúa thì dành cho tất cả mọi người mà trong đó hơn ai hết, Đức Mẹ là người đầu tiên được diễm phúc đó, vì Mẹ hằng nghe lời Thiên Chúa và suy gẫm trong lòng.

Lạy Chúa, xin cho con biết lắng nghe và thực hành Lời Chúa trong cuộc sống hằng ngày, để con cảm nhận niềm hạnh phúc là con cái Chúa.

Têrêsa Mai An

Gp. Mỹ Tho