Từ ngày 03.09 đến ngày 8.9.2018_ Phút lắng đọng Lời Chúa

Từ ngày 03.09 đến ngày 8.9.2018_ Phút lắng đọng Lời Chúa03.09.2018

THỨ HAI TUẦN 22 THƯỜNG NIÊN

Thánh Grêgôriô Cả, giáo hoàng, tiến sĩ Hội thánh

Lc 4,16-30

Lời Chúa:

“Hôm nay đã ứng nghiệm lời Kinh Thánh tai quý vị vừa nghe” (Mc 6,25)

Câu chuyện minh hoạ:

Tôi lênh đênh trên chiếc xuồng máy vào các xã vùng sâu của miền Đồng Tháp đã được nửa ngày. Là thành viên của đoàn công tác xã hội cứu trợ lũ lụt, hơn chục lần tôi phải leo lên bờ đất trơn tuột, sình lầy để vào những căn lều phong phanh cũ nát. Không khí oi nồng và cảm giác chênh vênh trên mặt nước làm tôi nuốt không trôi mẫu bành mì ăn trưa. Còn nửa trái quýt, cảm thấy không ăn được nữa tôi nhét vào tay một cậu bé ốm nhách, đen thui như cục than. Không hiểu vì vị ngọt không thể tìm thấy ở vùng đất khắc nghiệt ấy hay vì điều gì mà ánh mắt em nhìn tôi vui vui, thật lạ.

Suy niệm:

Chúa Giêsu khai mở cho chúng ta một mùa hồng ân cứu độ mà các ngôn sứ từng loan báo. Chúa Giêsu trở về quê hương để rao giảng cho những người quen thuộc như là một biến cố đầu tiên trong cuộc đời công khai của Ngài. Họ chăm chú lắng nghe, và rồi những giây phút ấy không kéo dài được bao lâu khi họ nhìn vào khía cạnh nhân tính của Ngài. Thái độ nghi ngờ về nguồn gốc của Ngài đã trở thành thái độ chống đối, muốn tẩy chay Ngài. Nhưng những điều đó không làm cho Ngài nao núng, Chúa đã đối phó bằng cách “băng qua giữa họ mà đi”. Ngài không ngã lòng trước lời khước từ của đám đông nhưng tiếp tục bình tĩnh bước đi trên hành trình mà Chúa Cha muốn.

Lạy Chúa, xin giúp chúng con học lấy tinh thần của Ngài để trên bước đường truyền giáo con không nản lòng khi gặp khó khăn thử thách, nhưng luôn vững tin vào ơn Chúa giúp.

04.09.2018

THỨ BA TUẦN 22 THƯỜNG NIÊN

Lc 4,31-37

Lời Chúa:

“Mọi người rất đỗi kinh ngạc và nói với nhau: Lời ấy là thế nào? Ông ấy lấy uy quyền và thế lực mà ra lệnh cho các thần ô uế, và chúng phải xuất.” (Lc 4,34b)

Câu chuyện minh hoạ:

Thánh Têrêsa Hài Đồng Giêsu có lập trường rõ ràng khi nghe giảng Lời Chúa: “Chúng ta chỉ có một việc là chăm chú nghe linh mục giảng”.

Đức Giáo hoàng, Đức Giám mục, Linh mục là những người thay mặt Chúa để giảng Lời Chúa. Vì thế, khi nghe giảng Lời Chúa, chúng ta đừng để ý đến ai giảng, nhưng hãy chú tâm vào việc nghe Lời Chúa được rao giảng mà thôi.

Suy niệm:

Vai trò của Đức Giêsu là thực hiện lời Thiên Chúa đã hứa với nhân loại, Đấng phải đến để cứu độ con người, Ngài chính là Đấng Mêsia. Do đó, tất cả những phép lạ, lời nói và việc làm của Chúa Giêsu điều minh chứng về Ngài là Con Thiên Chúa, nên Lời giảng dạy của Chúa Giêsu luôn có sức mạnh và uy quyền, đến nổi khiến thần ô uế phải nhào xuống và ra khỏi bệnh nhân.

Ngày nay, vẫn còn những thần ô uế và sự dữ nên chúng ta cần phải đến bên Chúa, không chỉ để chiêm ngưỡng nhưng còn để được Chúa giữ gìn và che chở. Có như thế, chúng ta mới vượt qua mọi khó khăn của cuộc đời.

Lạy Chúa Giêsu, chúng con đang sống giữa một xã hội có nhiều điều xấu và cả sự dữ. Xin Chúa giúp chúng con biết tránh xa mọi điều nghịch lại Lời Chúa dạy, để chúng con xứng đáng được gọi là người Kitô hữu, là con của Chúa. Amen.

05.09.2018

THỨ TƯ TUẦN 22 THƯỜNG NIÊN

Thánh Têrêsa Calcutta, nữ tu

Lc 4,38-44

Lời Chúa:

“Tôi còn phải loan báo Tin Mừng Nước Thiên Chúa cho các thành khác nữa, vì tôi được sai đi cốt để làm việc đó” (Lc 4, 43).

Câu chuyện minh hoạ:

Soeur Marie Simon Phêrô, Dòng Tiểu Muội bảo sanh viện tại Pháp Quốc mang bệnh Parkinson, cùng một loại bệnh mà Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II cũng mắc phải. Soeur đã không đi đứng được, thân mình đau nhức và hai tay bị run đến nỗi không cầm bút được nữa. Mẹ bề trên đề nghị chị hãy cầu nguyện và viết tên của Đức Gioan Phaolô II lên một mãnh giấy, theo bà “vì ngài cũng mắc chứng bệnh Parkinson này, nên Soeur cảm thấy có một mối liên hệ với Ngài”. Soeur đã cố gắng nhưng chữ viết chỉ nguệch ngoạc không đọc được. Các chị em trong dòng “đã cầu nguyện không ngừng” cho Soeur Marie Simon Phêrô qua lời bầu cử của Đức Gioan Phaolô II.

Hai tháng sau khi Đức Gioan Phaolô II trở về nhà Cha, một buổi sáng chị thức dậy lúc 4 giờ 30 sáng, đi ra khỏi giường không còn đau đớn. Chị thấy rất nhạc nhiên khi thấy những chữ mình viết ra rất dễ đọc. Buổi sáng hôm sau, Soeur nhảy ra khỏi giường: bệnh Parkinson đã biến mất – một việc kỳ lạ được kiểm chứng và xác nhận bởi một nhóm các bác sĩ y khoa tại địa phương. Soeur Marie Simon Phêrô, bây giờ đang làm việc tại một bệnh xá ở Paris…

Suy niệm:

Tin mừng thánh Luca hôm nay thuật lại việc Chúa Giêsu vào nhà ông Simon và chữa hết cơn sốt cho bà mẹ vợ của ông cùng với những người bệnh được mang tới khi Người rao giảng tại miền Galilê. Người Do Thái không chỉ xem cảm sốt như là một hình phạt của Thiên Chúa, mà thường còn gán cảm sốt cho ma quỷ. Cho nên, bệnh tật được coi như bắt nguồn từ ma quỷ và việc chữa lành bệnh tật cũng được coi như là sự chiến thắng ma quỷ.

Chúa Giêsu ra lệnh cho cơn sốt, cũng như trước đó Người đã trừ quỷ bằng cách truyền lệnh cho ma quỷ “câm đi, hãy xuất khỏi người này” (Lc 4,35). Điều này chứng tỏ Chúa Giêsu uy quyền trên sự dữ và giải thoát con người khỏi mọi sự dữ.

Lạy Chúa, xin hãy chữa lành những cơn sốt thể xác và nhất là tâm hồn của chúng con, với những khuynh hướng xấu, các đam mê… nhiều lúc làm cho chúng con mệt mỏi, muốn buông xuôi tất cả. Xin giúp chúng con biết chạy đến Chúa, tin tưởng vào tình yêu và lòng thương xót của Ngài, để được Chúa chữa lành như khi xưa Chúa đã xót thương và chữa lành cho mẹ vợ của thánh Phêrô.

07.09.2018

THỨ NĂM TUẦN 22 THƯỜNG NIÊN

Lc 5,1-11

Lời Chúa:

“Các ông bỏ hết mọi sự mà theo Đức Giêsu” (Lc 5,11)

Câu chuyện minh hoạ:

Harry là một thiếu niên Canada được ca tụng là anh hùng dân tộc, vì đã biến đau thương thành bác ái và thành mối lợi cho công ích, đặc biệt là cho những người bất hạnh bị ung thư. Chính Harry cũng cũng bị mắc bệnh ung thư và đã bị cưa một chân. Lúc ấy, ngân quỹ của viện ưng thư Canada rất nghèo, dân chúng thì chẳng mấy lưu tâm đến căn bệnh này. Trước nỗi đau khổ ấy, cậu đã tự nguyện làm một cuộc chạy bộ hơn bốn ngàn cây số, nhằm đánh thức lương tâm mọi người và gây quỹ cho việc ung thư.

Hành động của Harry đã gây chú ý và đã thuyết phục được nhiều người. Kết quả là cậu đã dành được hai mươi ba triệu Mỹ kim để bỏ tất cả vào viện ung thư. Nhưng rồi, bệnh tình tái phát và cậu đã sớm qua đời trong sự thương tiếc của mọi người. Chính phủ Canada đã trao tặng Bảo quốc huân chương và ra lệnh treo cờ để tỏ dấu thương tiếc cậu.

Suy niệm:

Bài Tin Mừng thánh Luca hôm nay thuật lại việc Chúa Giêsu đến gặp và kêu gọi 4 môn đệ đầu tiên, trong khi các ông đang làm các công việc thường ngày để kiếm sống đó là đánh bắt cá. Thế nhưng, họ đã thức suốt đêm đánh bắt mà không được con cá nào. Chúa Giêsu bảo ông Phêrô: “Chèo ra chỗ nước sâu mà thả lưới bắt cá”. Phêrô tỏ vẻ không tin vào sự thành công, nhưng có lẽ vì nễ lời Chúa Giêsu nên ông mới thả lưới.

Một mẻ lưới nhiều cá hơn những gì các ông tưởng tượng, nhờ đó làm cho Phêrô và mọi người trong thuyền phải kinh ngạc và khám phá ra quyền năng của Chúa Giêsu, đồng thời cũng nhìn nhận sự kém lòng tin, nhìn nhận con người tội lỗi của mình. Chúa Giêsu đã không trách các ông nhưng còn mời gọi các ông theo Chúa, làm môn đệ của Chúa.

Lạy Chúa Giêsu, Chúa mời gọi chúng con theo Chúa, để phục vụ anh em. Thế nhưng, có khi chúng con sống không chu toàn sứ mạng ấy. Xin Chúa tha thứ cho sự bất toàn và mở rộng tâm hồn của chúng con, giúp chúng con can đảm vững tin vào Chúa, để theo Chúa và làm chứng cho Chúa. Amen.

07.09.2018

THỨ SÁU TUẦN 22 TN

Lc 5,33-39

Lời Chúa:

“Sẽ có ngày chàng rể bị đem đi; ngày đó, khách dự tiệc mới ăn chay” (Lc 5,35).

Câu chuyện minh hoạ:

Một phụ nữ bước vào nhà băng để xin đổi tiền từ một tấm séc.

Viện dẫn qui định của nhà băng, anh nhân viên ở quầy yêu cầu người phụ nữ xuất trình thẻ căn cước.

Người phụ nữ há hóc miệng, kinh ngạc. Cuối cùng, chị cũng thốt ra được mấy tiếng: “Nhưng Jonathan, má là má của con mà!”

Suy niệm:

Lời Chúa hôm nay nói đến những người kinh sư và biệt phái chất vấn Chúa Giêsu về các môn đệ của Ngài không ăn chay và cầu nguyện. Theo quan niệm Do Thái thời đó, mục đích của việc ăn chay là để mong đợi Đấng Cứu Thế đến. Thế nhưng, những người Biệt Phái và các môn đệ của Gioan chỉ biết ăn chay mà không để ý đến ý nghĩa của việc ăn chay. Họ ăn chay là để lôi kéo sự thán phục của thiên hạ. Đó là điều Chúa Giêsu đã khiển trách họ.

Chúa Giêsu đã dựa vào mục đích việc ăn chay của người Do Thái để nói đến việc miễn chuẩn ăn chay: “Chẳng lẽ các ông lại có thể bắt khách dự tiệc cưới ăn chay, khi chàng rể còn ở với họ” (Lc 5,34). Hay nói đúng hơn, Chúa Giêsu muốn cho mọi người nhận ra rằng: Ngài chính là Đấng Cứu Thế và họ không cần phải mong đợi gì nữa. Giờ đây là thời của niềm vui, nên con người không còn phải chay tịnh với vẻ mặt ủ rũ héo tàn, nhưng phải vui mừng vì Chúa đã đến.

Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con luôn có Chúa trong đời. Để đời sống của chúng con không chỉ có niềm vui, mà còn là dấu chỉ mang Tin Vui của Chúa đến với những ai chúng con gặp gỡ. Amen.

08.09.2018

THỨ BẢY TUẦN 22 THƯỜNG NIÊN

Sinh nhật Đức Trinh Nữ Maria

Mt 1,1-16.18-23

Lời Chúa:

“Bà sẽ sinh con trai và ông phải đặt tên cho con trẻ là Giê-su, vì chính Người sẽ cứu dân Người khỏi tội lỗi của họ.” (Mt 1,21)

Câu chuyện minh họa:

Ngày xưa, có một chú bé Phi châu tên là Emmanuel. Chú ta luôn tò mò thắc mắc. Ngày nọ, chú hỏi thầy giáo: “Thiên Chúa nói bằng thứ tiếng nào?”. Thầy giáo chỉ biết gãi đầu và nói: “Nói thực là thầy không biết”. Sau đó Emmanuel đi hỏi các nhà trí thức trong làng cũng như các vùng lân cận: “Thiên Chúa nói bằng thứ tiếng nào?”. Nhưng họ cũng chỉ biết lắc đầu mà thôi.

Tuy nhiên, Emmanuel vẫn tin chắc có người biết được điều ấy. Vì thế chú lên đường đến các quốc gia và cả những lục địa khác để tìm hỏi, nhưng ở đâu chú cũng chẳng nhận được câu trả lời. Một đêm nọ sau khi bị kiệt sức vì đi quá nhiều nơi. Chú cố tìm một chỗ nghỉ đêm trong các nhà trọ, nhưng tất cả các nơi đều không còn chỗ. Vì thế chú quyết định tìm một cái hang ngoài trời để trú đêm. Cuối cùng quá nửa đêm chú mới tìm được một cái hang. Nhưng khi bước vào hang, chú nhận ra đã có một đôi vợ chồng và một hài nhi đang trú ngụ. Nhìn thấy chú, bà mẹ trẻ liền nói: “Hân hạnh đón chào Emmanuel, chúng tôi đang mong chờ con”.

Chú bé quá sửng sốt: Làm sao bà này biết tên mình? Và chú càng ngạc nhiên hơn khi nghe bà ấy nói: “Đã từ lâu, con đi tìm kiếm khắp thế giới để hỏi xem Thiên Chúa nói bằng thứ tiếng nào. Giờ đây cuộc hành trình của con kể như đã đến đích. Đêm nay chính mắt con đã thấy được Thiên Chúa nói bằng thứ tiếng nào. Ngài nói bằng “ngôn ngữ của tình yêu” – “Thiên Chúa đã quá yêu thương thế gian đến nỗi đã ban cho thế gian chính Con Một của Ngài” (Ga 3,16).

Trái tim Emmanuel trào dâng niềm xúc động, chú vội quỳ gối xuống trước Hài nhi và mừng rỡ khóc lên. Giờ đây chú đã biết rằng Thiên Chúa nói bằng thứ tiếng của tình yêu, thứ tiếng mà mọi người thuộc bất cứ dân tộc hay thời đại nào cũng đều có thể hiểu được. Và thế là Emmanuel ở lại đó vài ngày để giúp đỡ Đức Maria và Thánh Giuse. Sau đó đến lúc chú phải chia tay để đi loan báo cho mọi người Tin Mừng về ngôn ngữ Chúa dùng: “Thiên Chúa nói bằng thứ tiếng của tình yêu”.

Lủi thủi một mình, Emmanuel vừa rảo bước vừa suy nghĩ: “Nếu tôi muốn kể cho mọi người biết Thiên Chúa dùng thứ tiếng nào để nói, thì chính tôi cũng phải nói bằng thứ tiếng Chúa nói, tức là ngôn ngữ của tình yêu. Bởi vì đó chính là thứ tiếng nói duy nhất mà mọi người trên thế giới đều hiểu được”.

Suy niệm:

Thiên Chúa đến với con người bằng con đường yêu thương và nói với con người cũng bằng ngôn ngữ của tình yêu. Ngài đã diễn tả tình yêu đó bằng cả cuộc sống của Ngài từ hang Bêlem đến Núi Sọ. Không những thế, Ngài luôn chia sẻ, đồng hành với chúng ta trong cuộc đời, nhất là những người nghèo hèn, bị áp bức, bị bỏ rơi…

Chúa đến trong trần gian cũng nhờ đến lời “xin vâng” của Mẹ Maria, người đã cưu mang tình yêu và sống với tình yêu. Vì thế, chúng ta cũng hãy học nơi Mẹ tiếng xin vâng ấy để rồi tình yêu luôn hiện diện và biểu lộ trong cuộc đời của mỗi chúng ta.

Lạy Mẹ Maria, xin dạy chúng con mỗi ngày biết nhận ra tiếng gọi đầy yêu thương của Chúa trong mọi biến cố cuộc đời con, để con cũng biết xin vâng như Mẹ.

Têrêsa Mai An

Gp. Mỹ Tho