Trong buổi tĩnh tâm cho giới lãnh đạo Nam Sudan, Đức Thánh Cha đã khẩn thiết kêu gọi họ kiến tạo hòa bình

Tin Vatican CNS, vào chiều ngày 11/4/2019  kết thúc cuộc tĩnh tâm  đầy chất tâm linh rất hiếm hoi dành cho các nhà lãnh đạo của các phe đối lập, Đức Thánh Cha (ĐTC) Phanxicô đã quỳ xuống hôn chân các nhà lãnh đạo Nam Sudan, tha thiết kêu gọi họ kiến tạo hòa bình và sống với giá trị là “những người cha của dân tộc.”

“Với tư cách là một người anh em, tôi nài xin quý vị hãy duy trì nền hòa bình. Tôi khẩn xin các bạn từ đáy lòng tôi. Hãy tiến về phía trước. Mặc dù có nhiều vấn đề khó khăn, nhưng đừng sợ hãi,” ĐTC ứng khẩu với các nhà lãnh đạo mà không cần bài diễn văn ngay cuối buổi gặp gỡ.

ĐTC nói, “Quý vị đã bắt đầu một tiến trình, ước gì tiến trình này được kết thúc tốt đẹp. Sẽ có nhiều sự bất đồng giữa quý vị, nhưng mong rằng những sự bất đồng này chỉ xảy ra ‘trong phạm vi văn phòng,’ nhưng trước mặt người dân của quý vị, xin hãy nắm lấy tay nhau; và theo cách này, từ những công dân bình thường quý vị sẽ trở thành những người cha của dân tộc.”

***

Trong bài phát biểu chính thức ngày 11/4, kết thúc cuộc tĩnh tâm kéo dài 2 ngày tại nhà nguyện Martha, Vatican, Đức Thánh Cha nói: “Mục đích của cuộc tĩnh tâm này là để chúng ta cùng đến trước Thiên Chúa và phân định ý muốn của Ngài,”

Tham dự viên cuộc tĩnh tâm gồm có Tổng Thống Cộng hòa Nam Sudan Salva Kiir và bốn trong số năm Phó Tổng Thống được bổ nhiệm: Riek Machar, James Wani Igga, Taban Deng Gai và Rebecca Nyandeng De Mabior. Theo các điều khoản trong một Hiệp Định Hòa Bình, các vị Phó Tổng Thống sẽ nhận nhiệm vụ cao trong ngày 12/5, chấm dứt xung đột vũ trang giữa các phe cánh và các cộng đồng.

Cuộc tĩnh tâm này là ý tưởng của Tổng Giám Mục của Anh giáo ở Canterbury Justin Welby. Ông và Đức Thánh Cha Phanxicô đã và đang ủng hộ cho nỗ lực hòa bình của Hội đồng các giáo hội Nam Sudan. Trong ngày 11/4, Đức Thánh Cha nhắc lại rằng ngài cùng với Tổng Giám Mục sẽ hy vọng đến thăm Nam Sudan khi có hòa bình.

***

Đức Thánh Cha Phanxicô nói với các nhà chính trị và các thành viên Hội đồng các Giáo hội rằng “Hòa Bình/Bình An” là từ đầu tiên mà Chúa Giêsu nói với các môn đệ sau khi Người phục sinh.

Đức Thánh Cha nói với họ, “Bình An/Hòa Bình là quà tặng đầu tiên mà Thiên Chúa ban tặng cho con người chúng ta,và là trách nhiệm đầu tiên mà người lãnh đạo phải theo đuổi. Hòa Bình là điều kiện cơ bản để đảm bào quyền của mỗi con người cũng như cho sự phát triển toàn diện cho toàn thể dân tộc.”

***

Đức Thánh Cha nói: “Khi Nam Sudan dành lại độc lập từ Sudan năm 2011 sau nhiều năm chiến tranh dai dẳng, người dân đầy tràn niềm hy vọng. Có quá nhiều người đã chết và bị cưỡng bức ra khỏi nhà và đối diện với nạn đói chỉ vì 5 năm nội chiến.”

Đức Thánh Cha nói: “Sau ‘quá nhiều cái chết, đói khát, đau thương và nước mắt” những người tham dự khóa tĩnh tâm sẽ nghe được rõ ràng tiếng khóc của những người nghèo và những người túng thiếu; điều này sẽ bay lên thấu tận trời cao, chạm ngay đến Lòng Thương Xót của Chúa Cha, Người chỉ muốn ban cho họ công lý và hòa bình.”

Đức Thánh Cha nói với các nhà lãnh đạo: “Hòa Bình là điều có thể.” Họ phải tận dụng “một tinh thần cao thượng, chính trực, mạnh mẽ và can đảm để xây dựng hòa bình thông qua đối thoại, đàm phán và tha thứ.”

Đức Thánh Cha nói tiếp: “Với vai trò những người lãnh đạo một dân tộc, những ai cầm quyền sẽ phải đứng trước Thiên Chúa và phải giải thích hành động của mình, đặc biệt là về những gì họ đã làm hoặc không làm cho người nghèo khổ và những người bị gạt ra bền lề xã hội.

Đức Thánh Cha yêu cầu các nhà lãnh đạo nán lại một chút trong tâm thức của cuộc tĩnh tâm và cảm nhận ra rằng “chúng ta đang đứng trước ánh nhìn của Thiên Chúa, Người có thể nhìn thấy sự thật ở trong chúng ta và dẫn chúng ta đến sự thật ấy.”

Ngài nói: “Các nhà lãnh đạo nên nhận ra được Thiên Chúa đã yêu thương họ như thế nào, muốn tha thứ cho họ và kêu gọi họ kiến tạo nền hòa bình cho đất nước.

Đức Thánh Cha nói: “Chúa Giêsu kêu gọi những người tin Ngài hãy sám hối. “Chúng ta chắc chắn cũng lầm lỗi, có khi lỗi nhỏ, có khi lỗi lớn, nhưng Chúa Giêsu luôn sẵng sàng tha thứ cho tất cả những ai ăn năn sám hối và trở về phục vụ dân tộc họ.

Đức Thánh Cha nói: “Anh chị em thân mến, lúc này đây và ngay ở đây, Chúa Giêsu cũng đang nhìn thấu từng người chúng ta. Ngài nhìn chúng ta với lòng yêu thương, Người yêu cầu chúng ta một điều gì đó, Người tha thứ cho chúng ta một điều gì đó và Người cũng trao cho chúng ta một sứ mệnh. Người đặt niềm tin tưởng lớn lao nơi chúng ta bằng cách chọn chúng ta trở thành người cùng cộng tác với Người trong công trình tạo dựng một thế giới công bằng hơn.”

Đức Thánh Cha biểu lộ niềm hy vọng của ngài là “sự thù địch rồi sẽ chấm dứt—ước gì chúng chấm dứt, và sự ngừng bắn giết cũng phải được tôn trọng và sự chia rẽ về chính trị và sắc tộc cũng được giải quyết ổn thỏa.”

***

Đức Thánh Cha kết thúc bài phát biểu với lời cầu nguyện; ngài cầu xin Chúa, qua quyền năng của Thánh Thần, hãy chạm đến nơi sâu thẳm trái tim từng con người để mọi thù địch đều được mở ra bằng đối thoại, mọi đối đầu cũng sẽ nắm tay nhau và các dân tộc đều gặp gỡ nhau thông qua hòa giải.”

Đức Thánh Cha dâng lời cầu nguyện: “Lạy Cha, nhờ ân sủng của Người, xin cho mọi nỗ lực tìm kiếm hòa bình sẽ xóa tan những tranh chấp, xin cho tình yêu chiến thắng hận thù và cho mọi sự trả thù cũng tan biến nhường chỗ cho sự tha thứ, khoan dung và để nhờ vào lòng thương xót của Chúa, chúng con có thể tìm thấy đường trở về cùng Chúa.”

TÁC GIẢ: HOÀNG VY (CHUYỂN NGỮ)