Tổng lãnh Thiên Thần Michael, Gabriel, Raphael, Phải chăng Thiên Chúa quá bất công?

Trong Kinh Thánh ít đoạn nói đến tên cùng số luợng các Tổng lãnh Thiên Thần. 

Trong thư của Thánh Phaolô gửi Giáo đoàn Thessalonika (1 Thess 4, 14-16) chỉ nói đến Tổng lãnh Thiên Thần cách tổng quát không nêu tên.  Trong thư của Thánh Giuda câu thứ chín nói đến tên tổng lãnh Thiên Thần Michael.  Trong khi trong sách Daniel (10, 13) nói đến tên Tổng lãnh Thiên Thần Michael là một trong những sứ thần của Thiên Chúa.  Tên Gabriel và Raphael trong các sách Kinh Thánh chỉ là Thiên Thần thôi.
 
Tổng Lãnh Thiên Thần là ai và nhiệm vụ của họ là gì đối với niềm tin đạo giáo của chúng ta?
 
Tổng lãnh Thiên Thần là người giữ vai trò trung gian giữa Thiên Chúa và con người về bằng an hạnh phúc.  Chữ Tổng lãnh theo nguyên ngữ từ tiếng Hy-lạp arche` có nghĩa là “Nguyên thủy, khởi đầu.”
 
Về con số và tên của Tổng lãnh Thiên Thần, dựa theo những tường thuật trong kinh thánh là con số bảy (7).  Trong sách Tobit (12, 15) Raphael là một trong bảy Thiên Thần đứng chầu trước mặt Thiên Chúa.  Trong sách Da-ca-ria (Sacharja 4, 10) nói đến bảy ngọn đèn của Thiên Chúa soi sáng trần gian. Trong sách Khải Huyền của Thánh Gioan trình thuật về những điều Ông được Thiên Chúa cho thấy cảnh trên trời, cũng nói đến Bảy Sứ thần của Thiên Chúa đứng trước ngai ngày đêm ( Kh1, 4; 5.6, 8, 2)
 
Trong truyền thống đạo Công giáo thường chỉ hay nói đến Tổng lãnh Thiên Thần Michael, Gabriel và Raphael. Nhưng trong những áng văn không phải kinh thánh của người Do Thái, ngoài bảy Tổng lãnh Thiên Thần, còn nói đến thêm bốn nữa.  Trong những đoạn văn chương của sách Henoch nói về tổng lãnh Thiên Thần và Thiên Thần có kể ra tên: Michael, Gabriel, Raphael, Uriel, Raguel, Sarakiel và Phanuel.
 
Ba vị Tổng lãnh Thiên Thần

1. Thiên Thần Mi-ca-e được Thiên Chúa sai đi chiến đấu chống lại quỷ dữ, chống lại sự dữ (Sách Daniel 12, 1; Thư Giuda 9; Khải Huyền 12,7-9).  Thiên Thần Mi-ca-e đã làm nhiệm vụ chiến đấu bảo vệ cho nước Chúa chống sa tan sự dữ.  Vì thế vị Thiên Thần này được gọi là Tổng lãnh Thiên Thần Mi-ca-e: Quis ut Deus – Ai bằng Thiên Chúa?
 
Vị Sứ Giả này sát cánh bên cạnh tâm hồn những người tín hữu tin nhận Thiên Chúa là Cha đời mình, trợ lực chống lại sa tan quỷ dữ sự xấu lấn át, chiếm ngự tâm hồn họ.  Vị Sứ Giả này mang đến sứ điệp: Nếu Thiên Chúa ngự trong tâm hồn con người, họ sẽ nhận ra giá trị cao đẹp đời mình và vẻ đẹp cùng phẩm giá đời sống người khác.
 
2. Sách Tobia 11, 1-15 thuật lại Thiên Thần Raphael được Thiên Chúa gửi đến  cùng đồng hành hướng dẫn bảo vệ Tobia trong cuộc hành trình dài khó khăn và sau cùng đã chữa cho cha của Tobia được sáng mắt, khỏi bị mù lòa đã lâu ngày.
 
Thiên Thần Raphael là vị Sứ Giả chữa lành vết thương.  Thiên Chúa gửi vị Sứ Giả này đến bảo vệ con mắt, tai và chân tay để con người có cuộc sống khoẻ mạnh bằng an cùng hưởng niềm vui và chia sẻ với người khác niềm vui hạnh phúc trong cuộc sống.
 
3. Vị Thiên Thần quen thuộc với mọi người tín hữu hơn hết là Thiên Thần Gabriel.  Vị Sứ Giả này xưa kia đã được sai tới báo tin cho Ông Zacharia: Lời cầu xin của Ông đã được Thiên Chúa nhậm lời. Ông bà sẽ có con.  Con ông là Thánh Gioan Tẩy Giả (Lc 1, 5-23) và cho Đức Mẹ Maria:  Chúa Giêsu, con Thiên Chúa, Đấng cứu độ trần gian khỏi vòng liên luỵ của tội lỗi, xuống thế làm người trong lòng Đức Mẹ.  (Lc 1, 26-38)       
 
Thiên Thần Gabriel là vị Sứ Giả không chỉ loan tin Chúa Giêsu xuống trần gian, nhưng còn loan báo mầu nhiệm sự sống nơi mỗi người: Cha mẹ không phải là người chế tạo làm ra sự sống của con cái mình, nhưng họ đã đón nhận sự sống đó từ Thiên Chúa, Đấng là nguồn, là chủ sự sống.  Và mỗi người là hình ảnh của Ngài.
 
Văn hào Rabindranath Tagore diễn tả niềm tin của mình: “Tôi tin là có một bàn tay vô hình, mà tôi gọi là Thiên Thần.  Bàn tay vô hình này hướng dẫn ta, như một con ốc ở sườn con thuyền giữ cho những tấm ván thuyền gắn chặt vào nhau, để nước không rỉ tràn vào thuyền.”
  
Thiên Chúa gửi Thiên Thần như Sứ Giả đến đồng hành bảo vệ hồn xác con người trong mọi hoàn cảnh, nhất là trong những khi không ngờ tới.  Bàn tay vô hình này can thiệp giúp hồi sinh cuộc sống.
 
Lễ Tổng lãnh ThiênnThần Michael, Gabriel và Raphael, 29.09

LM Daminh nguyễn ngọc Long

 

 

 

PHẢI CHĂNG THIÊN CHÚA QUÁ BẤT CÔNG?

 

Tại Việt Nam chúng ta không có những cách đồng nho như bên Do Thái.  Có chăng thì ở khu vực Cam Ranh Nha Trang, nhưng cũng không nhiều.  Còn đại đa số là những cánh đồng lúa; hoặc những khu rừng cao su, tiêu, cà phê hay điều…  Vì thế, hình ảnh vườn nho có vẻ hơi xa lạ trong tâm thức đối với đại đa số người dân Việt.

 

Nhưng dù biết hay không thì cách thức chi trả lương cho những người làm thuê cũng có nhiều điểm tương đồng với những người làm công trong vườn nho của người Do Thái.

 

Tuy nhiên, bài Tin Mừng hôm nay lại đưa ra một nghịch lý khi Đức Giêsu kể dụ ngôn ông chủ vườn nho trả lương cho những người làm công: ông chủ này không tính đến chuyện thợ làm thuê có chuyên môn hay nghiệp dư, cũng không kể đến chuyện giờ giấc của người làm. Vì thế, dù chuyên nghiệp hay bán chuyên nghiệp, kinh nghiệm hay mới vào nghề, và tham gia làm vườn giờ nào…!  Nhưng chiều đến, khi lĩnh lương, tất cả họ đều giống nhau.  Tại sao vậy?  Ông chủ có bất công không?

 

Để hiểu được vấn đề này, chúng ta cùng nhau tìm hiểu nguyên nhân tại sao?  Và Đức Giêsu có lý gì khi kể dụ ngôn này?

 

1.     Tại sao Đức Giêsu lại dùng dụ ngôn thợ làm vườn nho?

Trước tiên, chúng ta cần hiểu ý nghĩa của vườn nho mà Đức Giêsu muốn nói tới ở đây.

Vườn nho được Đức Giêsu kể trong dụ ngôn chính là hình ảnh của Giáo Hội.  Vườn nho ấy đến mùa thu hoạch, chính là sứ mạng truyền giáo đang cấp bách, điều này được bổ túc thêm khi Đức Giêsu nói: “Lúa chín đầy đồng mà thợ gặt lại ít”.

 

 

Thứ đến, người mời gọi là chính Thiên Chúa.  Người gọi hết mọi người, không phân biệt tốt xấu, giỏi hay dốt, thành phần nào, già hay trẻ…  Nhưng Người gọi bất cứ ai Người muốn! Cách thức này Đức Giêsu muốn thay đổi quan niệm nơi người Do Thái, họ chỉ coi là mình họ được cứu độ, còn những dân tộc khác thì không, họ tỏ ra khinh bỉ hay ghen tức với cách hành xử của Đức Giêsu với những người không thuộc Do Thái, vì thế, Đức Giêsu mới nói: “Chẳng lẽ tôi lại không có quyền tùy ý định đoạt về những gì là của tôi sao?”; “Hay vì thấy tôi tốt bụng, mà bạn đâm ra ghen tức?”  Thật vậy, Thiên Chúa không chỉ dành ơn cứu độ cho dân Do Thái, nhưng là cho muôn dân muôn nước không trừ ai.  Hơn nữa, Người còn tỏ lòng thương xót đặc biệt hơn đối với những ai bị coi là hèn kém.

 

Tiếp theo, cách thức trả lương.  Người không trả lương theo kết quả công việc.  Cũng không trả lương theo kiểu làm bao nhiêu ăn bấy nhiêu.  Mà Người trả lương cách đồng đều theo sự thỏa thuận lúc ban đầu.  Tức là một đồng cho tất cả mọi người.  Người đến sớm cũng như kẻ đến muộn, người giỏi cũng như dốt, người già cũng như trẻ…  Cách thức này cho thấy lòng nhân từ, thương xót và bao dung của Thiên Chúa dành cho hết mọi người chứ không phải chỉ dành cho một số người đặc tuyển.  Điều Đức Giêsu muốn nói ở đây chính là: “Thiên Chúa để ý đến tinh thần của người tham gia vào công việc của vườn nho”.

 

2.     Hiểu và thực hành sứ điệp Lời Chúa

Qua Lời Chúa hôm nay, Đức Giêsu không muốn ai phải thất vọng, mọi người đều có chỗ đứng trong Giáo Hội và đều có trách nhiệm tham gia vào sứ mạng truyền giáo.  Thật vậy, tính phổ quát của của ơn cứu độ không chỉ dành riêng cho chúng ta người Công Giáo, nhưng là cho muôn dân muôn nước, không trừ ai.  Đồng thời, Đức Giêsu cũng mặc khải về lòng bao dung, quảng đại và thương xót của Thiên Chúa.

Sứ điệp Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta hãy can đảm, trung thành, yêu mến và dấn thân vào làm vườn nho của Chúa, bằng cách sống tốt và chu toàn bổn phận của mình theo thánh ý Chúa dựa trên tình yêu. Vì thế:

 

Trước tiên, cần loại bỏ thái độ tự tôn, kiêu hãnh và coi thường người khác vì nghĩ rằng mình thuộc thành phần đương nhiên được cứu độ, còn người khác, họ chỉ là đám dân thường, tội lỗi, dốt nát, nên không cần quan tâm.  Cũng cần có sự cảm thông, cộng tác để cùng nhau làm việc thiện thay vì ganh đua, ghen tỵ khi thấy người khác tốt lành hơn mình, hoặc người ta làm được nhiều điều hữu ích hơn chúng ta.

 

Tốt hơn là hãy ý thức mình chỉ là đầy tớ bất tài, vô dụng, nhưng lại được Chúa thương chọn và gọi để đi làm vườn nho cho Người. Vì thế, hãy dâng lời tạ ơn Chúa và cố gắng với khả năng của mình, làm sinh lợi nén bạc Chúa trao trong sự yêu mến với lòng nhiệt huyết tông đồ.

 

Thứ đến, hãy kiên trung, tin tưởng vào lòng thương xót của Thiên Chúa, đừng thất vọng vì thấy mình không giỏi giang hay tội lỗi. Hãy nhớ rằng: Thiên Chúa luôn để ý đến những người“đứng chót”.  Phần còn lại là của chúng ta, nếu chúng ta biết cộng tác với ơn Chúa trong sự khiêm tốn, ắt Chúa sẽ trả công hậu hĩnh và Người sẽ làm những điều kỳ diệu khi: “Những kẻ đứng chót sẽ được lên hàng đầu, còn những kẻ đứng đầu sẽ phải xuống hàng chót”. 

 

Hiểu được tình thương của Thiên Chúa như thế, hẳn chúng ta thấy Thiên Chúa rất công bằng do lòng nhân từ của Người chứ không bất công như chúng ta đã lầm tưởng!

 

Lạy Chúa, xin cho chúng con biết khiêm tốn và yêu mến Chúa tha thiết.  Biết gắn bó với sứ mạng truyền giáo trong Giáo Hội.  Luôn tin tưởng vào tình thương của Thiên Chúa và trung thành với bổn phận của mình. Amen!

 

Jos. Vinc. Ngọc Biển