Tiếp kiến chung 04-5-2022: ĐTC Phanxicô: Lòng thành tín của tuổi già và danh dự của đức tin

Sáng thứ Tư 04/5, Đức Thánh Cha đã có buổi tiếp kiến chung với khoảng 12.000 tín hữu tại quảng trường thánh Phêrô với bài giáo lý tiếp theo về chủ đề tuổi già. Đức Thánh Cha khuyến khích những người cao tuổi đảm nhận sứ mạng rất quan trọng là khôi phục lại danh dự cho đức tin, giúp người trẻ xây dựng một tương lai vững chắc.

Bài đọc trước bài giáo lý được trích từ chương 6 của sách Maccabê quyển 2:

Có một người tên là E-la-da, một trong những kinh sư quan trọng tuy tuổi đã cao nhưng trông rất đẹp lão. Ông đã tự ý tiến ra nơi hành hình. […] Ông nói : “Ở tuổi chúng tôi, giả vờ là điều bất xứng, e rằng có nhiều thanh niên sẽ nghĩ là ông già E-la-da đã chín mươi tuổi đầu, mà còn theo những lề thói dân ngoại. Rồi bởi tôi đã giả vờ và ham sống thêm một ít lâu nữa, nên họ bị lầm lạc vì tôi, còn tôi thì chuốc lấy vết nhơ và ô nhục cho tuổi già.” (2 Mcb 6,18.23-25)

Bài giáo lý của Đức Thánh Cha:

Anh chị em thân mến, chào anh chị em!

Trong hành trình các bài giáo lý về tuổi già, hôm nay chúng ta gặp một nhân vật trong Kinh thánh tên là E-la-da, người sống vào thời kỳ bách hại của vua An-ti-ô-khô Ê-pi-pha-nê. Hình tượng của ông cho chúng ta một bằng chứng về mối tương quan đặc biệt giữa lòng thành tín của tuổi già và danh dự của đức tin. Đây là một điều hãnh diện. Tôi muốn nói chính xác về danh dự của đức tin, chứ không chỉ về tính kiên định, về lời tuyên bố, về sự bền bỉ của đức tin. Danh dự của đức tin thường xuyên bị đặt dưới áp lực, thậm chí là bạo lực, của những người thống trị, những người tìm cách làm suy yếu đức tin bằng cách xem nó như một tàn tích khảo cổ, một sự mê tín cổ hủ, hay sự ngoan cố lạc hậu.

Câu chuyện trong Kinh Thánh – chúng ta đã nghe một đoạn ngắn, mà rất hay nếu đọc nguyên câu chuyện – thuật lại chi tiết những người Do Thái bị buộc tuân theo một sắc lệnh của nhà vua phải ăn thịt đã hiến tế cho các thần. Khi đến lượt cụ E-la-da, một người già ở tuổi chín mươi, được mọi người kính trọng, các quan của nhà vua khuyên ông nên làm một cử chỉ tượng trưng, đó là giả vờ ăn thịt mà không thực sự làm điều đó. Như vậy, cụ E-la-da sẽ được cứu, và – họ nói – nhân danh tình bạn, ông sẽ nhận được cử chỉ trắc ẩn và tình cảm của họ. Họ nhấn mạnh, đó chỉ là một cử chỉ tối thiểu, giả vờ ăn mà không cần ăn, một cử chỉ chẳng đáng kể.

Phản ứng bình tĩnh và dứt khoát của cụ E-la-da dựa trên một đề tài khiến chúng ta kinh ngạc. Điểm trung tâm là đây là: đức tin bị ô nhục trong tuổi già để sống thêm được một vài ngày, điều đó không thể so sánh với di sản để lại cho những người trẻ, cho các thế hệ mai sau. Một người già đã sống trung thành trong đức tin của mình suốt cả cuộc đời, và bây giờ giả vờ từ chối, thì chẳng khác nào nói với thế hệ trẻ rằng toàn bộ đức tin chỉ là hư cấu, một lớp vỏ bọc bên ngoài có thể bị lột bỏ, khi nghĩ rằng đức tin có thể giữ trong tâm thôi. “Không được”, cụ E-la-da nói. Hành vi như vậy không tôn trọng đức tin, ngay cả trước mặt Thiên Chúa. Và tác động của sự tầm thường hóa bên ngoài này sẽ phá hủy nội tâm của những người trẻ. Sự kiên định của người già này là nghĩ về người trẻ, nghĩ về sự kế thừa tương lai, nghĩ về dân tộc của mình.

Chính tuổi già ở đây nói lên vị trí quyết định và không thể thay thế của chứng tá này. Một người cao tuổi, vì lý do dễ bị tổn thương, nếu chấp nhận coi việc thực hành đức tin là không quan trọng, thì sẽ khiến cho người trẻ nghĩ rằng đức tin không có mối liên hệ thực sự với cuộc sống. Nếu vậy, nó sẽ cho thấy, đức tin ngay từ đầu có vẻ như một tập hợp các hành vi, mà nếu cần, có thể được giả vờ hoặc cải trang, bởi vì không có hành vi nào quá quan trọng đối với cuộc sống.

Thuyết Ngộ đạo cổ đại, vốn là một cái bẫy rất lớn và rất quyến rũ đối với Kitô giáo trong những thế kỷ đầu, rằng: đức tin là một điều thuộc tinh thần, không phải là một thực hành; một sức mạnh của tâm trí, không phải là một lối sống. Theo thuyết này, lòng trung thành và danh dự của đức tin không liên quan gì đến hành vi của cuộc sống, của các thể chế cộng đoàn, các biểu tượng của thân thể. Sự quyến rũ của thuyết này rất mạnh mẽ, bởi vì nó diễn giải, theo cách riêng của nó, một sự thật không thể chối cãi rằng: niềm tin không bao giờ có thể bị thu hẹp thành một tập hợp các quy tắc ăn uống hoặc thực hành xã hội. Niềm tin là một điều khác. Mối nguy nằm ở chỗ sự cực đoan hóa chân lý này của thuyết Ngộ đạo sẽ hủy bỏ việc thực hành đức tin Kitô. Bởi vì đức tin Kitô là hiện thực, đức tin Kitô không chỉ là đọc Kinh Tin kính, mà còn nghĩ về Kinh Tin kính, cảm được Kinh Tin kính và thực hành Kinh Tin kính, là hoạt động với đôi tay. Ngược lại, đề xuất của Thuyết Ngộ đạo này là một sự “giả vờ”, điều quan trọng là bạn có điều thiêng liêng bên trong và sau đó bạn có thể làm bất cứ điều gì bạn muốn. Đây không phải là Kitô giáo. Đây là dị giáo đầu tiên của những người theo thuyết Ngộ giáo, và hiện đang rất thịnh hành ở đây, bây giờ, ở rất nhiều trung tâm tâm linh. Nó gạt bỏ những chứng tá của dân chúng, những người cho thấy các dấu hiệu cụ thể của Thiên Chúa trong đời sống cộng đoàn. Những chứng tá này chống lại sự bóp méo tâm trí bằng những cử chỉ cụ thể.

Cám dỗ Ngộ đạo có thể nói là một trong những dị giáo, một trong những lệch lạc tôn giáo của thời nay, cám dỗ Ngộ đạo luôn tồn tại. Trong nhiều xu hướng xã hội và văn hóa của chúng ta, việc thực hành đức tin trải qua một biểu hiện tiêu cực, đôi khi dưới hình thức mỉa mai văn hóa, đôi khi bằng việc gạt sang bên lề cách kín đáo. Đối với những người theo thuyết Ngộ đạo, vốn đã có từ thời Chúa Giê-su, việc thực hành đức tin bị coi là một thứ bề ngoài vô dụng và thậm chí có hại, như một tàn tích cổ xưa còn sót lại, như một sự mê tín trá hình. Tóm lại, nó là một điều dành cho người già. Áp lực mà thuyết này tác động lên thế hệ trẻ là rất mạnh. Chắc chắn, chúng ta biết là việc thực hành đức tin có thể trở thành một thứ bề ngoài vô hồn – điều này là một nguy hiểm khác – nhưng tự nó không phải vậy. Đối với chúng ta, những người cao tuổi, chúng ta có một sứ mạng rất quan trọng là khôi phục lại danh dự cho đức tin, làm cho nó trở nên nhất quán, đó là chứng tá của cụ E-la-da, kiên vững đến cùng. Việc thực hành đức tin không phải là biểu tượng cho sự yếu đuối của chúng ta, mà là dấu chỉ sức mạnh của đức tin. Chúng ta không còn là những đứa trẻ. Chúng ta không đùa khi bước trên con đường của Chúa!

Đức tin đáng được tôn trọng và tôn vinh cho đến cùng: nó đã làm thay đổi cuộc sống của chúng ta, làm trong sạch tâm trí của chúng ta, dạy chúng ta sự tôn thờ Thiên Chúa và tình yêu đối với người lân cận. Đức tin là một lời chúc phúc cho tất cả mọi người! Nhưng đó phải là tất cả, không phải một phần, của đức tin. Chúng ta sẽ không đánh đổi đức tin để lấy một vài ngày an bình, nhưng chúng ta sẽ làm như cụ E-la-da, kiên định cho đến cùng, cho đến khi tử vì đạo. Chúng ta sẽ minh chứng, bằng tất cả sự khiêm tốn và kiên định, chính trong tuổi già của chúng ta rằng, tin không phải là điều gì đó “dành cho tuổi già”, mà là một điều của cuộc sống. Hãy tin vào Chúa Thánh Thần, Đấng làm cho mọi sự trở nên mới mẻ, và Ngài sẽ sẵn lòng giúp đỡ chúng ta.

Anh chị em cao tuổi thân mến, xin hãy nhìn đến người trẻ. Họ nhìn chúng ta, chúng ta đừng quên điều này. Tôi nhớ về một phim hậu chiến rất hay: “Những trẻ em nhìn chúng ta”. Chúng ta cũng có thể nói như vậy với người trẻ: những người trẻ nhìn chúng ta và sự kiên định của chúng ta có thể mở ra một con đường sống tươi đẹp cho họ. Ngược lại, bất kỳ sự giả hình nào cũng sẽ gây hại rất nhiều. Chúng ta hãy cầu nguyện cho nhau. Xin Chúa chúc lành cho tất cả người già chúng ta!

Nguồnvaticannews.va/vi/