Thánh Đaminh Huyên(1817-1862) và Đaminh Toại (1812-1862), Ngư phủ – Ngày 05 Tháng 06

daminhHuyen_daminhToai.jpgLễ toàn thiêu

Trong hạnh tích 117 vị thánh tử đạo trên đất Việt, chỉ có sáu bản án thiêu sinh, và tất cả đều diễn ra vào tháng 06.1862. Thánh Đaminh Toại và Đaminh Huyên là hai vị đầu tiên được vinh dự trở thành của lễ toàn thiêu dâng lên Thiên Chúa vào đứng ngày vua Tự Đức ký hòa ước nhâm tuất cho phép tự do tôn giáo (06-06-1862). Ba ngày trước khi bản án được thi hành, hai vị đã biết tin mà không chút nhụt chí. Thay vì sợ hãi, hai vị đã vui mừng tạ ơn Thiên Chúa. có lẽ như thánh Polycarpo thuở xưa, hai vị đã tin tưởng rằng: “Đấng đã giúp tôi quyết định chịu đau khổ vì Ngài, sẽ cho tôi sức mạnh. Đấng ấy sẽ làm cho lửa dịu lại và cho tôi đủ sức lướt thắng mọi thử thách”.

Không để mất cơ hội

Hai ông Đaminh Toại và Đaminh Huyên đều là người làng Đông Thành, tỉnh Thái Bình, đồng thời là tín hữu của làng Đông Thành (Đông Thành, Đại Đồng và Trung Đồng là ba xứ được tách ra từ xứ Kẻ Mèn, thuộc giáo phận Trung Đàng Ngoài). Cả hai đã lập gia đình và là những gia trưởng đạo đức, gương mẫu. Hai ông làm nghề đánh cá trên sông Nhị Bình, gần cửa Ba Lạt. Khi bị lính bắt, ông Toại đã trên 50 tuổi, còn ông Huyên 45 tuổi.

Hai ông Toại và Huyên cùng với 16.000 giáo hữu giáo phận Trung là nạn nhân trực tiếp của chiếu chỉ Phân sáp tháng 08.1861 của vua Tự Đức. Theo chiếu chỉ này, quân lính và những dân làng ngoại giáo được phép tràn vào các khu vực Công Giáo để tịch thu tài sản, sau đó bắt trói các giáo hữu đưa lên huyện để khắc trên mà hai chữ “Tả Đạo”, rồi hoặc trao họ cho người ngoại giáo quản lý, hoặc giam chung họ trong ngục.

Làng Đông Thành cũng cùng chung số phận đó. Lính bắt ông Đaminh Huyên và giải lên huyện Quỳnh Côi. Ông Toại vì bị bệnh tật không thể đi bộ theo quân lính được, nên họ đề nghị ông nộp tiền chuộc nếu muốn tự do về xum họp với gia đình. Nhưng ông đã từ chối vì không muốn để mất cơ hội quí báu là hiến dâng mạng sốâng mình minh chứng cho niềm tin và tình yêuvào Thiên Chúa. Ông xin quan cho phép đi xe đến huyện trình diện, để được chung số phận với các giáo hữu cùng xứ đạo.

Kiên Tâm bền trí vì Đức Kitô

Tại huyện Quỳnh Côi, sau khi khẳng định lập trường đức tin của mình, hai ông Toại, Huyên bị tống giam vào ngục tù Tăng Già. Suốt thời gian chín tháng ở đây, mọi người có thể thấy rõ lòng quả cảm và kiên cường của hai ông. Nào đói, nào khát, nào đòn vọt và ngay cả án tử hình cũng không làm các ông nản lòng. Ngược lại, hai ông tiếp tục khích lệ các bạn kiên trì giữ vững niềm tin. Ông Toại thường nói với các bạn tù: “Nào anh em, hãy can đảm lên ! Chúng ta chịu khổ hình vì Đức Kitô, nên chúng ta phải đón nhận đau khổ cách nhẫn nại. Chúng ta phải bền chí đến cùng, và nếu cần, sẵn sàng hy sinh mạng sống vì chúa”.

Nhiều lần bị dẫn đến trước công đường và bị ép buộc chà đạp Thánh giá, hai ông Đaminh Toại và Đaminh Huyên khẳng khái phản đối. Các quan thấy khó lòng lay chuyển được hai nhân chứng của Chúa, nên kết án thiêu sinh cả hai vị. Khi biết tin này, hai vị hân hoan tạ ơn Chúa. Trước sự chứng kiến của rất đông người, hai ông bước vào cũi tre chờ đợi. Những người hiện diện đều xúc động khi nghe rõ các ông cất tiếng cầu nguyện thật lớn trong khi ngọn lửa phừng phực bốc cao. Không ai ghi lại những lời hai vị đã cầu nguyện khi bị hỏa thiêu, nhưng dựa vào thái độ và tâm tình của các vị, chúng ta có thể liên tưởng đến lời cầu nguyện của thánh Polycarpo trên giàn lửa thủa xưa: “Lạy Chúa các thiên binh, Chúa Tể trời đất, Đấng bênh vực kẻ công chính và những ai bước đi trong sự hiện diện của người. Con là một kẻ bé mọn trong các tôi tớ Chúa đây, xin tạ ơn người đã cho vinh dự được đau khổ, được cầm trong tay triều thiên tử đạo và được kề môi đón nhận chén thương khó. Này đây lạy chúa, hiến tế con sắp hoàn tất trong ngày hôm nay, con sẽ được thấy lời hứa của Người thể hiện. Amen”.

Ngày 29-04-1951, Đức Piô XII đã suy tôn hai ông Đaminh Toại và Đaminh Huyên lên hàng Chân Phước. Ngày 19-06-1988, Đức Gioan Phaolô II suy tôn các ngài lên bậc Hiển thánh.

Lm. Đào Trung Hiệu, OP